V. KẾT CẤU HẠ TẦNG CÔNG NGHỆ (CƠ SỞ HẠ TẦNG CN)
a. Các định nghĩa về chuyển giao công nghệ
Bất kỳ một quốc gia nào, một địa phương, một ngành, một cơ sở hay một tổ chức, một cá nhân nào cũng cần có một hay nhiều công nghệ để triển khai. Để có được công nghệ có thể bằng cách tự tạo, hay nhận được công nghệ từ người khác bằng mua, xin nhượng lại,...
- Tổng quát: Chuyển giao công nghệ là việc đưa kiến thức kỹ thuật ra khỏi ranh giới nơi sản sinh ra nó.
- Trên góc độ của doanh nghiệp, có thể hiểu "chuyển giao công nghệ là hoạt động nhằm đưa một công nghệ tiên tiến vào sản xuất thông qua việc áp dụng một kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất hoặc có thể là áp dụng một công nghệ đã hoàn thiện từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác. Đó là sự mua bán công nghệ và là quá trình đào tạo, huấn luyện để sử dụng công nghệ được tiếp nhận."
- Theo quan điểm Quản lý công nghệ: Chuyển giao công nghệ là tập hợp các hoạt động thương mại và pháp lý nhằm làm cho bên nhận công nghệ có được năng lực công nghệ như bên giao công nghệ, trong khi sử dụng công nghệ đó vào một mục đích đã định.
- Theo Nghị định 45/NĐ-CP: Chuyển giao công nghệ là hình thức mua và bán công nghệ trên cơ sở Hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được thoả thuận phù hợp với các quy định của pháp luật.
Bên bán có nghĩa vụ chuyển giao các kiến thức tổng hợp của công nghệ hoặc cung cấp các máy móc thiết bị, dịch vụ, đào tạo,... kèm theo các kiến thức công nghệ cho bên mua và bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán để tiếp thu, sử dụng cá kiến thức công nghệ đó và ghi nhận trong hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Các quan niệm trên tuy khác biệt về nội dung cụ thể và cách tiếp cận nhưng có những điểm chung sau đây:
• Hoạt động chuyển giao công nghệ có hai bên tham gia và có yếu tố quyết định là công nghệ mới.
• Hoạt động chuyển giao công nghệ không chỉ bao gồm chuyển nhượng phương tiện vật chất, kỹ thuật hữu hình mà điều quan trọng hơn là phải đào tạo, huấn luyện để người lao động nắm, sử dụng thành thạo công nghệ nhập và làm thích nghi, cải tiến công nghệ nhập.