6. Phương pháp nghiên cứu
3.3. Thuyết minh hệ thống câu hỏi trong bài thực nghiệm
Để xây dựng hệ thống câu hỏi nêu vấn đề chúng tôi đã tuân thủ các bước cơ bản của việc đặt câu hỏi. Chúng tôi đã xác định các vấn đề về nội dung, nghệ thuật của các đoạn trích, xác định đối tượng học sinh cũng như các mục tiêu cần đạt được trong một giờ học. Sau đó, chúng tôi xây dựng câu hỏi để đưa học sinh vào những tình huống có vấn đề nhằm tạo động cơ, kích thích nhu cầu khám phá cho người học. Mỗi một câu hỏi làm rõ một yêu cầu, nhiệm vụ học tập. Đó là tính có vấn đề của bản thân tác phẩm cũng như khả
năng tư duy của học sinh. Câu hỏi tạo ra tình huống để kích thích tính tích cực, độc lập suy nghĩ của học sinh.
Chẳng hạn, khi dạy đoạn trích “ Chị em Thuý Kiều”, nhằm giúp học sinh tìm ra thủ pháp nghệ thuật đòn bẩy của Nguyễn Du trong việc miêu tả chúng tôi xây dựng câu hỏi 8: Nguyễn Du giới thiệu “Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân” thế nhưng tại sao tác giả lại tả Vân trước, Kiều sau. Câu hỏi này đặt học sinh vào tình huống mâu thuẫn. Câu hỏi này giúp học sinh phát hiện ra nghịch lý giữa trật tự thông thường và cái khác thường trong đoạn trích. Chính điều này đặt học sinh vào trạng thái băn khoăn, thắc mắc thúc đẩy nhu cầu tháo gỡ, lý giải các hiện tượng bất thường. Thúy Vân làm nền cho bức chân dung Thúy Kiều để chân dung nàng đạt đến tuyệt đích và lý tưởng.
Hoặc để làm rõ tư tưởng, quan niệm của Nguyễn Du về vẻ đẹp của con người, giáo viên đưa câu hỏi 10: Tại sao khi tả Vân, Nguyễn Du lại tả nụ cười, giọng nói còn khi tả Kiều tác giả lại chọn miêu tả đôi mắt ? Câu hỏi này đặt học sinh vào tình huống mâu thuẫn giữa cái đã cho và cái cần phải đi tìm. Câu hỏi yêu cầu học sinh lý giải một vấn đề khác thường so với cái đã có trước đó. Học sinh sẽ liên hệ với thực tế là đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, là phần tinh anh của con người. Nguyễn Du muốn người đọc nhìn thấy được một phần cái tinh tế, nhạy cảm và một trí tuệ sắc sảo của Kiều qua đôi mắt long lanh sâu thẳm của làn nước mùa thu ấy nên mới chọn đôi mắt chứ không phải là làn da, nước tóc như thông thường. Như vậy câu hỏi nêu vấn đề mà chúng tôi xây dựng đã bám vào nội dung, nghệ thuật tác phẩm và hình thành ở người học ý thức chủ động khám phá và tìm hiểu tác phẩm.
Câu hỏi nêu vấn đề không đứng độc tôn và duy nhất trong giờ học. Vì vậy, chúng tôi xây dựng hệ thống câu hỏi nêu vấn đề kết hợp linh hoạt với các phương pháp và hệ thống câu hỏi khác. Chẳng hạn trong dạy học đoạn trích “ Chị em Thuý Kiều”, giáo viên đặt câu hỏi 3 trước: Ví vẻ đẹp và phẩm chất
của con người với mai, tuyết, tác giả sử dụng nghệ thuật gì của thơ trung đại? Tác dụng của nghệ thuật đó?
Câu hỏi này nằm trong hệ thống câu hỏi phát hiện chi tiết nghệ thuật. Từ đó học sinh nắm được nội dung. Nguyễn Du miêu tả vẻ đẹp phẩm chất của hai nàng thanh cao, đài các. Câu hỏi nhằm giúp học sinh chỉ ra nghệ thuật ước lệ tượng trưng vốn là thủ pháp quen thuộc của văn học trung đại. Sau đó đặt tiếp câu hỏi 4: Nếu nghệ thuật ước lệ có tính qui phạm, quen thuộc thì Nguyễn Du đã làm thế nào để miêu tả “ mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”. Câu hỏi chỉ được thực hiện trên cơ sở câu hỏi 3, khi học sinh đã tìm ra thủ pháp quen thuộc của thơ trung đại. Câu hỏi nhằm giúp học sinh tìm ra sự khác biệt và sự sáng tạo, cũng như tài năng của Nguyễn Du trong việc cùng sử dụng thủ pháp ước lệ nhưng ông đã khắc họa chân dung hai Kiều bằng cách chọn chi tiết và tả chân dung hai nàng mang vẻ đẹp của số phận, tính cách. Học sinh bất ngờ vì cái mới, cái khác biệt vừa được nhắc tới. Quá trình học sinh lý giải sẽ giúp các em chủ động tìm ra vấn đề. Hoặc khi xây dựng câu hỏi 13 trong đoạn trích “ Chị em Thuý Kiều”, giáo viên có thể kết hợp cả câu hỏi tái hiện và câu hỏi nêu vấn đề: Chủ nghĩa nhân đạo trong Truyện Kiều có đặc điểm gì? Trong đoạn trích, qua bức chân dung hai Kiều, chủ nghĩa nhân đạo ấy có hoàn toàn giống với các đặc điểm của chủ nghĩa nhân đạo trong Truyện Kiều không?
Câu hỏi có hai vế. Vế 1, câu hỏi hỏi tái hiện, Vê 2 Câu hỏi nêu vấn đề đặt học sinh vào tình huống mâu thuẫn giữa cái đã biết và cái chưa biết. Cái đã biết là đặc điểm chủ nghĩa nhân đạo trong văn học trung đại, học sinh đã học trong chương trình lớp 7, và vừa học qua bài Truyện Kiều các em đã được nhắc tới, cần tái hiện lại kiến thức cũ để làm nảy sinh mâu thuẫn. Cái chưa biết là trong đoạn trích này chủ nghĩa nhân đạo được thể hiện như thế nào, có gì khác biệt. Đây chính là nét mới mà các em cần tìm hiểu. Đó là trân
trọng, ca ngợi phẩm chất, vẻ đẹp tâm hồn con người, dự cảm về kiếp người tài hoa bạc mệnh. Ngòi bút của Nguyễn Du như đang thổn thức, bồn chồn trước số mệnh một kiếp tài hoa như nàng Kiều.
Chúng tôi sử dụng lượng câu hỏi nêu vấn đề vừa phải, đặt ở những chỗ cần thiết, những điểm mấu chốt cần khai thác để làm nổi bật vấn đề cốt yếu của đoạn trích. Chúng tôi không sử dụng quá nhiều câu hỏi nêu vấn đề trong giờ dạy các đoạn trích Truyện Kiều tránh không khí căng thẳng và mất tính cân đối của bài học. Tiết dạy “Chị em Thúy Kiều”, chúng tôi sử dụng 14 câu hỏi, trong đó có 6 câu hỏi nêu vấn đề. Trong đó có 4 câu sử dụng trong giờ học và 2 câu sử dụng trong giờ thảo luận. Tiết dạy “ Kiều ở lầu Ngưng Bích”, chúng tôi sử dụng 20 câu hỏi trong đó có 8 câu hỏi nêu vấn đề. Trong đó có 5 câu sử dụng trong giờ học, 3 câu sử dụng trong giờ thảo luận. Như vậy, mức độ câu hỏi nêu vấn đề không nhiều, chỉ nên chiếm 1/3 số lượng câu hỏi trong giờ học.
Những câu hỏi nêu vấn đề mang tính khái quát, tổng hợp được xây dựng khi học sinh đã có kiến thức cơ bản và nền tảng sau khi học xong đoạn trích và có phần liên hệ, so sánh với các tác giả, tác phẩm cùng thời. Trên cơ sở đó hình thành cho học sinh kĩ năng khái quát, tổng hợp và đánh giá. Tuy nhiên câu hỏi này thường mất nhiều thời gian và có khi làm giờ học căng thẳng. Vì vậy giải pháp tối ưu cho việc sử dụng câu hỏi này là phần hướng dẫn luyện tập hoặc thảo luận trong giờ học tự chọn. Chẳng hạn khi dạy học đoạn trích “ Chị em Thuý kiều”, sau khi học xong giáo viên có thể đặt câu hỏi 14: Nguyễn Du quan niệm rằng “ Chữ tài liền với chữ tai một vần” “ chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau”, “ lạ gì bỉ sắc tư phong”, “ Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” , vẻ đẹp của hai Kiều nói với chúng ta điều gì về con người và số phận của con người tài sắc trong xã hội xưa? Theo em, con người ngày nay có chung số phận như vậy không? Hay khi dạy học đoạn trích “ Kiều ở lầu Ngưng Bích”, chúng tôi sử dụng Câu hỏi 19: Qua thân phận “mặt
nước”, “cánh bèo” em hình dung gì về thân phận con người ? Có điểm tương đồng nào không giữa Thúy Kiều, chiếc bánh trôi và trái bần trôi mà em đã học ?Câu hỏi này mang tính hệ thống, học sinh buộc phải vận dụng, tái hiện kiến thức đã học ở lớp 7, qua các tác phẩm của Hồ Xuân Hương, các bài ca dao mà các em đã học và chỉ ra nét tương đồng trong hình ảnh và số phận của những người phụ nữ trong xã hội xưa.
Đây là những câu hỏi nêu vấn đề. Học sinh sẽ hoàn toàn chủ động và tự do bộc lộ quan điểm ý kiến của mình. Tuy nhiên học sinh vẫn phải căn cứ vào nội dung bài học để có thể thuyết phục người khác nghe theo quan điểm ý kiến của mình. Vì vậy câu hỏi này giáo viên nên để học sinh suy ngẫm và thảo luận trong giờ luyện tập hoặc tự chọn.
Để kích thích sự sáng tạo của học sinh, chúng tôi xây dựng câu hỏi nêu vấn đề đặt học sinh vào những tình huống nhập vai để các học sinh có cơ hội được bộc lộ quan điểm của mình. Chẳng hạn, trong đoạn trích “ Kiều ở lầu Ngưng bích”, để làm rõ nghệ thuật đặc tả nhân vật của Nguyễn Du và nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của ông giáo viên có thể hỏi Câu hỏi 17: Tại sao Nguyễn Du lại viết “ buồn trông” mà không phải là “trông buồn”. Mục đích của câu hỏi là muốn học sinh tìm ra nghệ thuật bậc thầy của Nguyễn Du trong cách dùng từ và tìm ra được không gian tâm trạng, không gian nghệ thuật trong bài. Học sinh phải đưa ra hai tình huống để lý giải được câu hỏi . Một “ buồn” là cái có sẵn trong lòng nên nhìn ra đâu cũng thấy buồn “ man mác, rầu rầu”. Hai “trông buồn” là do nhìn cảnh buồn mà lòng người buồn. Buồn trong trường hợp này do ngoại cảnh tác động. Từ hai tình huống này học sinh sẽ nhận ra sự lựa chọn, cách dùng ngữ “ buồn trông” của Nguyễn Du rất đắc địa và hợp lý.
Đặt ra những tình huống tiền giả định, chúng tôi xây dựng câu hỏi nêu vấn đề. Tình huống tiền giả định thường là một ý kiến cho trước để định hướng học sinh. Vì ở những tình huống này, vấn đề thường rất mới và khó
phát hiện. Giáo viên đặt trước những tình huống để học sinh khám phá. Chẳng hạn câu hỏi 12 trong đoạn trích “ Chị em Thuý Kiều”: Có ý kiến cho rằng dù tả nhan sắc hay tài năng của Kiều, Nguyễn Du cũng hướng tới thể hiện cái tình của nàng ? Theo em, cái tình được thể hiện như thế nào qua chân dung nàng Kiều? Câu hỏi đưa ra một tình huống, một ý kiến có trước. Câu hỏi này nhằm làm sáng tỏ quan niệm của Nguyễn Du về vẻ đẹp của người con gái. Không chỉ dừng lại ở nhan sắc, tài năng mà còn ở tâm hồn đa sầu đa cảm, sự nhạy cảm của một trái tim mang nặng chữ tình. Vì sẽ rất khó để học sinh tìm ra cái “tình” nên giáo viên định hướng học sinh, đặt một tình huống tiền giả định để học sinh trên cơ sở đó chứng minh. Chẳng hạn câu hỏi 8 trong bài “ Kiều ở lầu Ngưng Bích”: Nguyễn Du từng cho rằng “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Nếu tìm ngữ liệu để chứng minh điều này, em sẽ chọn những ngữ liệu nào? Câu hỏi này đặt học sinh vào tình huống nhập vai để lựa chọn. Học sinh có cơ hội thể hiện tính chủ động và cá tính của bản thân, khả năng cảm thụ và khả năng tổng hợp khái quát kiến thức.
Câu hỏi nêu vấn đề cần sự gợi dẫn của giáo viên trong những trường hợp học sinh rơi vào trạng thái bế tắc. Vì vậy một câu hỏi nêu vấn đề có thể đi kèm một số câu hỏi phụ. Chẳng hạn, khi dạy đoạn trích “ Kiều ở lầu Ngưng Bích”, câu hỏi 5: Cách miêu tả không gian “ vẻ non xa tấm trăng gần” ở đây có gì khác biệt với thực tế? Lý giải sự khác thường đó? Câu hỏi này nhằm giúp học sinh tìm ra không gian nghệ thuật trong đoạn trích. Nghịch lý ở đây là núi ở mặt đất thì xa, trong khi trăng ở trên không gian vũ trụ lại ở gần. Không gian ở đây rõ ràng chỉ mang tính ước lệ, cảnh được nhìn trong tâm trạng của Kiều. Kiều đang ở trong cảnh bị giam hãm trên lầu cao chơ vơ. Nàng bị nhốt, bị tách biệt hẳn với thế giới thực tại. Cái bơ vơ của cõi vô định, của không gian rợn ngợp gần với trăng trên trời hơn là núi trên mặt đất. Không gian của sự giam hãm chính là không gian tâm trạng nàng Kiều. Tuy
nhiên, không thể đi đến một vấn đề hoàn toàn mới mà phải gợi dẫn bằng 3 câu hỏi phụ.