Đặc điểm tâm lý của học sinh phù hợp với việc xây dựng hệ thống

Một phần của tài liệu Xây dựng hệ thống câu hỏi nêu vấn đề trong dạy học các đoạn trích Truyện Kiều ở lớp 9, trung học cơ sở (Trang 30)

6. Phương pháp nghiên cứu

1.1.6.Đặc điểm tâm lý của học sinh phù hợp với việc xây dựng hệ thống

câu hỏi nêu vấn đề trong Truyện Kiều

Học sinh là người cộng sự trong tiến trình giảng dạy của giáo viên. Họ vừa là đối tượng nhận thức vừa là chủ thể tiếp nhận văn học. Do vậy giáo viên cần nắm bắt và tìm hiểu đặc điểm tâm lý cũng như khả năng tư duy,

trình độ văn hoá, vốn sống, kinh nghiệm, những điều kiện vật chất, tinh thần có ảnh hưởng đến học tập của các em.

Ở lứa tuổi học sinh trung học, lại là học sinh cuối cấp, học sinh thường thích khẳng định mình trước cái mới, thích tham gia giải thích, thuyết trình cái mới theo cách hiểu riêng, hay quan điểm riêng. Tâm lý trên đã phần nào cho thấy khả năng tư duy và cá tính sáng tạo của học sinh. Đây chính là một điều kiện quan trọng giúp cho việc sử dụng câu hỏi nêu vấn đề trong dạy học đạt kết quả cao. Câu hỏi nêu vấn đề sẽ dễ dàng khơi gợi, kích thích học sinh tư duy suy nghĩ để tìm ra được chân lý. Nó phù hợp với tâm lý năng động sáng tạo của học sinh ngày nay.

Ở học sinh THCS tư duy khái quát đôi khi vẫn bị tư duy cụ thể lấn át, do đó phân tích một tác phẩm văn học, các em thường sa vào nội dung cụ thể mà ít suy nghĩ được chiều sâu. Đã thế vốn sống, vốn ngôn ngữ, sự hiểu biết xã hội ở học sinh phổ thông còn nghèo nàn, nông cạn nên khi phân tích một tác phẩm nghệ thuật các em thường không phát hiện được hết ý đồ nghệ thuật của tác giả. Đây chính là điều kiện cho phép nảy sinh tình huống có vấn đề trong giờ học các đoạn trích Truyện Kiều. Bởi lẽ, Truyện Kiều viết bằng chữ Nôm, sử dụng nhiều điển tích, điển cố. Hơn nữa, quan niệm của thời đại ngày nay đã có nhiều thay đổi. Chính sự khác biệt đó tạo nên tính có vấn đề. Chẳng hạn khi hỏi học sinh : Vì sao tác giả lại để cho Kiều nhớ Kim Trọng trước cha mẹ, như thế có hợp lý không ? tại sao? Để trả lời được câu hỏi này, học sinh phải hiểu theo quan niệm lễ giáo phong kiến chữ hiếu được đặt lên hàng đầu:“ Đệ lời thệ hải minh sơn / Làm con trước phải đền ơn sinh thành” Nhưng ở đây Nguyễn Du lại để cho Thúy Kiều nhớ Kim Trọng là hoàn toàn phù hợp với quy luật và chiều sâu tâm lý. Nhớ chàng Kim trước vì Kiều luôn cảm thấy mình có lỗi vì đã phụ lời thề với với chàng. Và giờ đây, mối tình đầu vẫn nhức nhối, khắc khoải mãi khôn nguôi. Nàng xót xa ân hận như kẻ phụ tình. Còn với cha mẹ, ít nhiều nàng đã làm tròn đạo hiếu. Khai

thác nội dung đồng thời cho thấy ngòi bút tinh tế của Nguyễn Du chính là vấn đề được khám phá thông qua câu hỏi này. Nhưng vấn đề này học sinh không dễ lý giải được. Bởi vậy, ở học sinh sẽ diễn ra hoạt động “đấu tranh” giữa suy nghĩ và trải nghiệm thông thường, giản đơn ở lứa tuổi 15, 16 và những trải nghiệm sâu sắc cần có để lý giải cho hành động đó của Kiều.

Trong quá trình hoạt động nhằm thoả mãn nhu cầu về nhận thức, con người luôn phải vượt qua ngưỡng hiểu biết của mình. Đây là một điểm quan trọng rất phù hợp với quá trình tiếp nhận tác phẩm văn học nói chung, Truyện Kiều nói riêng của học sinh trung học. Trước tác phẩm, học sinh như đứng trước một thế giới đầy màu sắc huyền bí. Từ đó nảy sinh những cách cảm thụ, đánh giá khác nhau về cùng một chi tiết, một hình ảnh. Câu hỏi nêu vấn đề đặt học sinh vào trạng thái tâm lý khó khăn mà ở đó học sinh phải đối diện giữa những “ngưỡng” của sự hiểu biết và “ngưỡng” của những yêu cầu mà câu hỏi đặt ra. Từ đó xuất hiện những nhu cầu “vượt ngưỡng” và ý thức giải quyết vấn đề luôn là những động lực cần thiết đối với hoạt động học tập. Nội dung, nghệ thuật Truyện Kiều luôn là thách thức lớn đối với học sinh. Cái đã có là năng lực cảm thụ và khả năng tiếp nhận tác phẩm của học sinh. Cái chưa có là những hiểu biết về Truyện Kiều, phong cách Nguyễn Du và những yêu cầu, nhiệm vụ học tập mới. Bởi vậy ở học sinh trong các giờ học đoạn trích luôn xảy ra mâu thuẫn. Đây cũng chính là điều kiện để khẳng định có thể vận dụng câu hỏi nêu vấn đề cho học sinh khi dạy học các đoạn trích Truyện Kiều.

Chẳng hạn, để làm rõ tài năng của Nguyễn Du trong đoạn trích “ Chị em Thuý

Kiều”, giáo viên có thể đặt học sinh vào tình huống mâu thuẫn bằng câu hỏi : giới thiệu “Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân” thế nhưng tại sao tác giả lại tả Vân trước, Kiều sau? Câu hỏi này giúp học sinh phát hiện ra nghịch lý giữa trật tự thông thường và cái khác thường trong đoạn trích. Chính điều này đặt học sinh vào trạng thái băn khoăn, thắc mắc thúc đẩy nhu cầu tháo gỡ, lý giải các hiện tượng bất thường. Câu hỏi nhằm giúp học sinh tìm ra thủ pháp nghệ

thuật đòn bẩy của Nguyễn Du trong việc miêu tả. Thúy Vân làm nền cho bức chân dung Thúy Kiều để chân dung nàng đạt đến tuyệt đích và lý tưởng.

Một đặc điểm nữa ở học sinh bậc PT là nhu cầu khẳng định cái tôi cá nhân. Khi bàn về tâm lý lứa tuổi thanh thiếu niên, G. Palmade cho rằng ở độ tuổi này “ xuất hiện những xung đột với người lớn, những cố gắng để thoát khỏi quyền lực của bố mẹ và những người thay thế bố mẹ”. Bởi vậy, học sinh bậc THCS, nhất là học sinh cuối cấp luôn muốn tự chủ và khẳng định mình. Họ không muốn làm theo thầy cô một cách máy móc, thụ động. Trong giờ dạy học truyền thống, vai trò của người thầy rất lớn. Khi giảng dạy, giáo viên thường áp dụng những câu hỏi mang tính tái hiện và truyền đạt những thông tin mà giáo viên có đến học sinh, để học sinh ghi chép và học thuộc. Với đặc điểm này học sinh không có khả năng thể hiện mình. Vì vậy, giờ học không đạt hiệu quả như mong muốn. Trong thực tế, nếu được khích lệ bằng những câu hỏi lựa chọn hoặc nhập vai, bao giờ học sinh cũng muốn tìm kiếm cơ hội để thể hiện bản thân hơn là diễn đạt lại những gì thầy cô truyền đạt. Nó tạo điều kiện cho học sinh được bày tỏ những cảm nhận, đánh giá của riêng mình.Vì ở học sinh đã có nhu cầu thể hiện bản thân nên việc trả tác phẩm về cho người học là một việc làm phù hợp với tâm lý các em, kích thích ở hị hứng thú và say mê trong giờ học. Chẳng hạn, trong đoạn trích “ Kiều ở lầu Ngưng Bich” khi giáo viên hỏi : Nếu hiểu “tấm son” là tấm lòng thủy chung thì ở câu này tại sao lại phải “gột rửa” ? Vậy theo em hiểu “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai” là như thế nào ? Câu hỏi này đặt học sinh vào tình huống bất ngờ. Câu hỏi để học sinh tìm cách lý giải cho tâm trạng nàng Kiều. Cái đau đớn nhất trong lòng Kiều chính là nỗi đau bị thất tiết, lỗi hẹn với chàng Kim. Nên có thể hiểu câu này nghĩa là tấm lòng son sắt, tình yêu trong trắng của nàng bị dập vùi hoen ố biết bao giờ mới gột rửa được, hoặc có thể hiểu tình yêu thương nàng dành cho chàng Kim bao giờ mới nguôi quên được. Có nhiều cách để lý giải cho một vấn đề. Giáo viên nên tôn trọng các ý kiến miễn

là các em đưa ra được những lý lẽ thuyết phục để bảo vệ quan điểm của mình. Như vậy, chính học sinh cũng tỏ ra hào hứng.

Bên cạnh đó, độ nhạy cảm của tâm hồn,cảm giác lứa tuổi mới lớn, sự ham hiểu biết, khao khát khám phá đến mức tò mò cũng là điều kiện quan trọng đối với việc xây dựng câu hỏi nêu vấn đề khi dạy học các đoạn trích Truyện Kiều. Năng lực tư duy của học sinh ở lứa tuổi này có thể giúp họ đáp ứng được các yêu cầu hoạt động tích cực và sáng tạo. Các em đã bắt đầu hình thành thế giới quan và xác lập được các tiêu chí đạo đức, tiêu chuẩn đánh giá nghệ thuật. Bằng cảm nhận và cả nhận thức ban đầu của hoạt động lý trí, học sinh đã tiến hành phân tích, bình giá cắt nghĩa tác phẩm để hiểu tác phẩm và muốn truyền bá những gì của riêng mình tới người khác. Trong hầu hết các tình huống học tập, họ có ý thức về khả năng của mình đồng thời cũng thấy được sự chưa hiểu biết của mình trước những yêu cầu của nhận thức được đặt ra từ nội dung học tập, từ đó ở họ xuất hiện ý muốn được hiểu biết và mong muốn làm được. Đây là động lực thúc đẩy công việc học tập và hoạt động tự lực giải quyết vấn đề ở học sinh. Tích cực, sáng tạo trong hoạt động cảm thụ, tiếp nhận chỉ xuất hiện ở học sinh khi giáo viên đặt ra cho các em một yêu cầu học tập. Trạng thái tâm lý tích cực và hứng thú học tập sẽ tạo ra hoạt động tích cực ở học sinh trong nhận thức. Câu hỏi nêu vấn đề trong những trường hợp này rất phù hợp. Như vậy, dạy học các đoạn trích Truyện Kiều bằng hệ thống câu hỏi nêu vấn đề là phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh lớp 9, THCS.

Một phần của tài liệu Xây dựng hệ thống câu hỏi nêu vấn đề trong dạy học các đoạn trích Truyện Kiều ở lớp 9, trung học cơ sở (Trang 30)