Quan niệm của Hồ Chí Minh về con người là sự kế thừa và phát triển sáng tạo lý luận Mác - Lênin về con người trong điều kiện lịch sử cụ thể ở Việt Nam.
Dựa vào quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin, Hồ Chí Minh nhìn nhận con người trong các mối quan hệ của nó với xã hội, từ đó, Người nêu lên một quan điểm độc đáo về con người “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người” [64, tr. 644]. Với quan điểm này, chữ “người” trong Hồ Chí Minh được biểu hiện như một phức hợp, vừa là một con người cá thể, vừa là một cộng đồng xã hội từ gia đình, giai cấp, dân tộc đến nhân loại nói chung. Với quan điểm như vậy, Hồ Chí Minh nhìn nhận con người trên các phương diện:
Thứ nhất, đối với Hồ Chí Minh, không có con người chung chung, trừu tượng. Con người là con người xã hội xuất phát từ chính hiện thực cuộc sống của một xã hội hay một giai đoạn lịch sử phát triển nhất định, tồn tại trong các mối quan hệ xã hội: gia đình, anh em, làng xã, quốc gia, dân tộc và nhân loại; thông qua quá trình hoạt động thực tiễn, đặc biệt là lao động sản xuất, con người thể hiện vai trò chủ thể sáng tạo nên lịch sử.
Với quan điểm đó, tùy theo từng thời điểm lịch sử cụ thể gắn liền với từng thời kỳ cách mạng mà Người dùng khái niệm này hay khái niệm khác để chỉ “con người” như: người lao động trí óc, lao động chân tay, công nhân, nông dân tập thể, người chủ tập thể, trí thức, bộ đội, công an....Từ các khái niệm ấy, thân phận, vị trí của lớp đối tượng con người đã được khắc họa trên quan điểm vừa toàn diện, vừa lịch sử - cụ thể, gắn với dân tộc, giai cấp, xã hội.
Thứ hai, con người là sự thống nhất giữa con người cá nhân và con người xã hội. Con người là một cá thể có phẩm chất, năng lực, nhân cách riêng nhưng tồn tại trong một chỉnh thể thống nhất, đó là xã hội. Trong xã hội, con người không chỉ tìm thấy sức mạnh của mình trong cộng đồng, mà còn được thỏa mãn và làm chủ các nhu cầu cho sự tồn tại của chính mình, do đó mang những phẩm chất của các cá nhân trong xã hội. Trong một dân tộc nhất định, con người mang những phẩm chất của truyền thống dân tộc ấy. Vì thế, khi nhấn mạnh và coi trọng con người cá nhân thì Hồ Chí minh cũng nhấn mạnh và khẳng định con người tập thể, con người xã hội. Khi Hồ Chí Minh nói đến con người tập thể, con người xã hội thì cũng bao hàm trong đó những con người cụ thể. Đây là sự nhìn nhận con người trong tính thống nhất biện chứng giữa con người cá nhân và con người xã hội. Với nghĩa như vậy, con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh bao trùm với khái niệm quần chúng nhân dân, dân, đồng bào, con rồng cháu tiên....
Thứ ba, khi đề cập đến con người, Hồ Chí Minh không chỉ đề cập con người dân tộc, giai cấp mà Người còn mở rộng phạm vi đề cập đến con người nhân loại. Theo Hồ Chí Minh, con người dù thuộc dân tộc nào, giai cấp nào, quốc gia nào thì cũng đều có đặc điểm chung là sinh ra phải được bình đẳng, tự do, được mưu cầu hạnh phúc, được hưởng các quyền của con người. Cho nên theo Hồ Chí Minh, phải thủ tiêu sự áp bức, bóc lột, bất công trên phạm vi toàn thế giới nhằm mang lại cho con người cuộc sống ấm no, tự do, bình đẳng, hạnh phúc.
Như vậy, cách tiếp cận cơ bản nhất, xuyên suốt của Hồ Chí Minh về con người là sự thống nhất lập trường giai cấp với lập trường dân tộc, là sự vận dụng sáng tạo lập trường giai cấp vô sản vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Qua cách tiếp cận đó, con người được biểu hiện rõ đối tượng chủ yếu, trước hết trong tư tưởng Hồ Chí Minh chính là những người cùng khổ, người lao động bị áp bức, là nhân dân lao động, là quần chúng nhân dân.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người là tập trung cao độ ở vấn đề giải phóng người lao động Việt Nam bị áp bức nói riêng và người cùng khổ trên toàn thế giới nói chung, đòi lại quyền làm người cho họ, chỉ ra con đường giải phóng họ, giáo dục, rèn
luyện họ xứng đáng là những con người cách mạng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội