Thảo luận kết quả hồi qui đa biến:

Một phần của tài liệu Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của hộ nông dân sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (Trang 72)

a. Đối với hệ số hồi quy chưa chuẩn hóa (Unstandardized Coefficients) :

- Biến Hocvanchuho: có hệ số 9,406, quan hệ ngược chiều với với biến Y. Khi các yếu tố khác không đổi trình độ học vấn của chủ hộ tăng thêm 01 đơn vị thì lượng vốn vay giảm 9,406 triệu đồng. Tuy nhiên khi so với nghiên cứu của Nguyễn Quốc Oánh và Phạm Mỹ Dung, 2010; Quách Thị Khánh Ngọc và Trương Quốc Hảo, 2012

thì biến này có quan hệ cùng chiều với lượng vốn chính thức mà hộ vay được. Việc này được giải thích như sau:

Như đã trình bày ở phần thống kê mô tả, lượng vốn vay bình quân của hộ nông dân sản xuất lúa trong mẫu khảo sát là 161 triệu đồng tương đối lớn hơn so với mẫu khảo sát của tác giả Nguyễn Quốc Oánh và Phạm Mỹ Dung, 2010 (lượng vốn vay bình quân là 30 triệu đồng). So với diện tích trồng lúa bình quân của hộ là 2,15ha, và bình quân của hộ có vay vốn là 2,52ha, như vậy so sánh với giới hạn cho vay sản xuất của các tổ chức tín dụng đối với hộ nông dân trồng lúa có thể kết luận rằng ngoài vay vốn để sản xuất nông nghiệp, các hộ nông dân cón vay vốn để tiêu dùng. Khi hộ có học vấn cao họ sẽ tính toán chi li hơn về chi phí trả lãi, khả năng sinh lời của nguồn vốn vay được nên dẫn đến xu hướng họ sẽ vay chủ yếu để phục vụ sản xuất kinh doanh. Việc này lý giải tại sao những hộ có trình độ học vấn cao hơn thường vay vốn ít hơn những hộ khác.

- Biến Dientichdat: có hệ số 14,376, quan hệ cùng chiều với biến Y. Khi các yếu tố khác không đổi diện tích đất sản xuất của hộ tăng thêm 01 ha thì thì lượng vốn vay tăng thêm 14,376 triệu đồng.

Đối với các hộ nông dân quy mô đất canh tác là một trong những điều kiện để hộ mở rộng sản xuất kinh doanh, đồng thời cũng là căn cứ để các tổ chức tín dụng định mức cho vay. Thực tế cho thấy hộ nông dân có diện tích đất trồng lúa lớn thường có nhu cầu vay vốn nhiều hơn. Kết quả nghiên cứu cũng cho cho thấy biến này hoàn toàn phù hợp với kỳ vọng ban đầu của tác giả và các nghiên cứu của các tác giả trước đây.

- Biến Thunhap: có hệ số 0,299, quan hệ cùng chiều với biến Y. Khi các yếu tố khác không đổi thu nhập của hộ tăng thêm 01 triệu đồng thì lượng vốn vay tăng thêm 0,299 triệu đồng.

Một trong những điều kiện để vay được vốn từ các tổ chức tín dụng chính thức là khả năng trả nợ đúng hạn của người đi vay. Vì vậy, các tổ chức tín dụng xem thu nhập của hộ nông như là một trong những tiêu chí đánh giá để xác định hạn mức cho vay và định kỳ trả nợ vay. Như vậy, những hộ dân có thập cao hơn sẽ được các tổ chức tín dụng ưu tiên cho vay vốn nhiều hơn so với những hộ khác.

- Biến Laisuat: có hệ số 9,5, quan hệ cùng chiều với biến Y. Khi các yếu tố khác không đổi nếu chấp nhận lãi suất tăng thêm 1%/năm thì lượng vốn vay tăng thêm 9,5 triệu đồng.

Như đã đề cập ở trên, do các hộ nông dân vay vốn với mục đích kép là sản xuất và tiêu dùng và thời hạn vay thường trên 12 tháng nên các tổ chức tín dụng sẽ áp dụng lãi suất thỏa thuận đối với các hộ nông dân (so với thời điểm trước năm 2010 thì lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng chính thức thường là cố định theo quy định của Ngân hàng Nhà nước). Như vậy nếu như hộ dân muốn vay được số tiền nhiều hơn định mức cho vay trồng lúa của các tổ chức tín dụng quy định thì các tổ chức tín dụng sẽ áp dụng mức lãi suất cho vay theo hướng số tiền vay càng nhiều, thời hạn trả nợ càng dài thì lãi suất áp dụng sẽ càng cao. Đây cũng là phát hiện mới so với các nghiên cứu của các tác giả trước đây.

- Biến SoTCTD: có hệ số 52,278, quan hệ cùng chiều với biến Y. Khi các yếu tố khác không đổi nếu trên địa bàn có thêm 01 tổ chức tín dụng thì lượng vốn vay của hộ sẽ được tăng thêm 52,278 triệu đồng.

Thật vậy, khi số tổ chức tín dụng trên địa bàn càng nhiều thì áp lực cạnh tranh sẽ càng lớn, nên các tổ chức tín dụng phải ưu ái và chăm sóc khách hàng. Việc cạnh tranh với nhau của các tổ chức tín dụng sẽ dẫn đến việc nới lỏng một số quy định trong cho vay để tìm kiếm lôi kéo khách hàng. Đặc biệt trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, việc cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng càng ngày càng gay gắt. Vì vậy, khi các yếu tố khác như nhau các hộ dân sẽ vay được số tiền nhiều hơn khi số tổ chức tín dụng trên địa bàn của họ nhiều hơn so với những hộ khác.

b. Đối với hệ số hồi quy chuẩn hóa (Standardized Coefficients):

Hệ số này xác định vị trí ảnh hưởng của các biến độc lập: Biến Hocvanchuho có hệ số - 0,132; Biến Dientichdat có hệ số 0,169; Biến Thunhap có hệ số 0,296; Biến Laisuat có hệ số 0,184; Biến SoTCTD có hệ số 0,422. Có thể chuyển đổi thành dạng phần trăm:

Bảng 4.14: Ví trí quan trọng của các yếu tố

STT Tên biến Giá trị tuyệt đối hệ số %

1 Hocvanchuho 0,132 10,97 2 Dientichdat 0,169 14,05 3 Thunhap 0,296 24,61 4 Laisuat 0,184 15,30 5 SoTCTD 0,422 35,08 Tổng 1,203 100,00

Trong bảng 3.15 biến Hocvanchuho đóng góp 10,97%, biến Dientichdat đóng góp 14,05%, biến Thunhap đóng góp 24,61%, biến Laisuat đóng góp 15,30% và biến SoTCTD đóng góp 35,08%. Như vậy qua kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng vốn vay chính thức của các hộ nông dân sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố xếp theo thứ tự tầm quan trọng là số tổ chức tín dụng trên địa bàn, thu nhập bình quân hàng năm của hộ nông dân, lãi suất cho vay, diện đất đất sản xuất nông nghiệp của hộ và trình độ học vấn của chủ hộ.

Một phần của tài liệu Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của hộ nông dân sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (Trang 72)