Như đã đề cập ở phần trên, tác giả này sử dụng cả hai mô hình Binary Logistc và hồi quy đa biến (MRA) để nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc tiếp cận tín dụng chính thức và các nhân tố ảnh hưởng đến lượng vốn vay chính thức của hộ nông dân sản xuất lúa. Với mục tiêu không chỉ để tìm ra nguyên nhân giải thích vì sao một số nông hộ quyết định vay vốn từ các tổ chức tín dụng chính thức và được vay trong khi những nông hộ khác không tiếp cận được với nguồn vốn vay mà còn hiểu được lí do vì sao có những hộ nông dân vay được lượng vốn nhiều hơn so với những hộ khác.
Tính đến nay đã có nhiều nghiên cứu về tín dụng chính thức đối với hộ nông dân. Việc tiếp cận tín dụng chính thức của hộ nông dân phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Kết quả các nghiên cứu thực nghiệm về việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức của hộ nông dân Việt Nam trước đây sử dụng phương pháp định tính và định lượng đã chỉ các các nhân tố ảnh hưởng đến việc tiếp cận chính thức của hộ nông dân. Tập trung lại, các nhân tố ảnh hưởng đến việc tiếp cận tín dụng chính thức của hộ nông dân sản xuất lúa có thể chia thành 04 nhóm nhân tố sau:
- Nhóm nhân tố phản ánh đặc điểm của hộ nông dân: tuổi, giới tính, trình độ học vấn, địa vị xã hội; diện tích đất canh tác, giá trị tài sản, số lao động tham gia sản xuất, thu nhập, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Nhóm nhân tố thuộc các tổ chức tín dụng chính thức: Quy trình xét duyệt cho vay, tài sản đảm bảo tiền vay, lãi suất cho vay, thời hạn cho vay.
- Nhóm nhân tố chính sách nhà nước: Chính sách cho vay không có tài sản đảm bảo, chính sách hỗ trợ lãi suất….
- Nhóm nhân tố địa lý, kinh tế: Khoảng cách từ hộ đến trung tâm huyện, đường giao thông liên xã….
Cũng theo các nhà nghiên cứu như Lê Khương Ninh và Phạm Văn hùng (2011); Quách Thị Khánh Ngọc và Trương Quốc Hảo (2012)…. Có nhiều yếu tố quyết định lượng vốn vay tín dụng chính thức của nông hộ, bao gồm các yếu tố thuộc về chủ hộ, các yếu tố thuộc về đặc điểm chung của chủ hộ và các yếu tố ngoại vi như: cơ chế chính sách của Nhà nước; quy trình, thủ tục cho vay của các tổ chức tín dụng… Mỗi yếu tố sẽ tác động khác nhau đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức cũng như lượng vốn vay chính thức của hộ nông dân sản xuất lúa. Tùy theo đặc trưng của từng vùng, cách thức quản lý của chính quyền địa phương mà mỗi nhân tố sẽ có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến khả năng tiếp cận tín dụng và lượng vốn vay chính thức của của nông hộ
Trên cơ sở lý thuyết về tiếp cận tín dụng ở thị trường nông thôn, các kết quả nghiên cứu của các tác giả trong nước về lĩnh vực này, kết hợp với việc trao đổi với các cán bộ tín dụng tại các tổ chức tín dụng có dư nợ cho vay hộ nông dân thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (Các trưởng bộ phận Chi nhánh cấp I và cấp II của Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển Nông Thôn; trưởng bộ phận tín dụng của các phòng giao dịch Ngân hàng thương mại cổ phần Kiên Long Chi nhánh Kiên Giang, hệ thống các Quỹ tín dụng nhân dân,….), tác giả đưa vào phân tích một số biến chi tiết như sau:
Tuoichuho (tuổi của chủ hộ): Deaton (1992) và Attanasio (1999) cho rằng khi chủ hộ cao tuổi thì sẽ có nhiều tiền hơn, họ không cần vay vì đã đủ tiền. Thêm vào đó, nếu chủ hộ ngoài độ tuổi lao động thì cũng có nhu cầu vay ít hơn. Tuy nhiên vì đây là nghề truyền thống nên độ tuổi chủ hộ càng lớn thì thường có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, có nhiều tài sản cũng như có nhiều uy tín ở địa phương hơn những chủ hộ trẻ (Phan Đình Khôi, 2013; Nguyễn Quốc Oánh và TS Phạm Mỹ Dung, 2011; Nguyễn Quốc Nghi, 2011; Trương Đông Lộc và Trần Bá Duy, 2010). Vì vậy độ tuổi của chủ hộ càng lớn thì khả năng tiếp cận tín dụng của chủ hộ này sẽ cao hơn các hộ khác. Biến này có đơn vị tính là tuổi được kỳ vọng là cùng dấu với biến giải thích trong mô hình.
Dantoc: là dân tộc của hộ nông dân (Phan Đình Khôi, 2013). Ở Kiên Giang đa số là người Kinh sinh sống nên việc trao đổi thông tin được dễ dàng và nhanh chóng do có cùng phong tục tập quán. Nếu chủ hộ là dân tộc Kinh thì khả năng tiếp cận vốn vay sẽ cao hơn các hộ thuộc dân tộc khác. Đây là biến giả nhận hai giá trị bằng 1 là dân tộc kinh, bằng 0 là dân tộc khác.
Khoangcach: là độ dài đoạn đường từ nhà đến trung tâm huyện lả nơi mà các tổ chức tín dụng chính thức thường đặt trụ sở giao dịch (Phan Đình Khôi, 2013). Những hộ ở xa trung tâm huyện thường nắm bắt ít thông tin hơn, và chi phí đi lại tốn kém hơn. Họ thường có xu hướng vay tín dụng phi chính thức khi cần những món vay nhỏ khi so sánh chi phí vay các tổ chức tín dụng chính thức. Mặt khác các tổ chức tín dụng cũng e dè đối với những hộ này vì thông tin bất cân xứng và chi phí thẩm định hồ sơ cao. Biến này có đơn vị tính là km được kỳ vọng ngược dấu với biến giải thích.
Hocvanchuho: trình độ học vấn của chủ hộ (Nguyễn Phượng Lê và Nguyễn Mậu Dũng, 2011; Nguyễn Quốc Nghi, 2011; Trần Thọ Đạt, 1998). Chủ hộ có trình độ học vấn cao sẽ có nhiều hiểu biết về việc vay vốn. Họ sẽ chủ động hơn trong việc vay vốn, chủ động hơn trong việc xây dựng phương án sản xuật kinh doanh và kế hoạch trả nợ, nên thường không mất nhiều thời gian tìm kiếm nguồn vay hay gặp trở ngại trong việc nhận vốn vay. Trình độ học vấn sẽ thể hiện trong việc quản lí nguồn tiền vay để sản xuất đạt hiệu quả. Các tổ chức tín dung có xu hướng tin tưởng trong quyết định cung tín dụng và quy định hạn mức tín dụng cho những hộ này sẽ sản xuất kinh doanh có hiệu quả và hộ này cũng được đánh giá là nông hộ có khả năng trả nợ. Đây là một biến giải thích với dấu kì vọng cùng dấu của biến phụ thuộc trong mô hình.
Dientichdat: là diện tích đất đất thổ cư, đất nông nghiệp thuộc sở hữu của nông hộ hoặc đất của hộ thuê mướn sản xuất (Trần Thọ Đạt, 1998; Trương Đông Lộc và Trần Bá Duy, 2010) . Diện tích đất của hộ nông dân phản ánh quy mô sản xuất của hộ và là cơ sở để các tổ chức tín dụng xét duyệt cho vay. Có thể nói quy mô diện tích khác nhau thì khả năng tiếp cận nguồn tín dụng chính thức cũng như lượng vốn vay của hộ nông dân cũng khác nhau. Biến này có đơn vị tính là m2 được kỳ vọng cùng dấu với biến giải thích.
Thunhap: Là thu nhập hàng năm của hộ (Phan Đình Khôi, 2013; Nguyễn Quốc Nghi, 2011; Trần Ái Kết và Huỳnh Trung Thời, 2013). Thu nhập của hộ được xem là căn cứ quan trọng của các tổ chức tài chính chính thức trong việc quyết định cho nông hộ vay hay không. Thu nhập hộ nông dân sản xuất lúa bao gồm các khoản thu từ hoạt động sản xuất lúa, các nguồn thu khác mang tính chất thường xuyên như lương hay không thường xuyên như công việc lao động theo mùa. Tuy nhiên nguồn thu nhập mang tính chất thường xuyên của hộ nông dân được các tổ chức tín dụng xem xét như là cơ sở tài chính của nông hộ trong việc đánh giá khả năng trả nợ vay. Biến này có đơn vị tính là triệu đồng được kỳ vọng cùng dấu với biến gải thích.
GCNQSH: là diện tích đất thuộc quyền sở hữu của nông hộ có bằng đỏ hay không (Nguyễn Quốc Nghi, 2011). Hộ nông dân muốn vay vốn từ nguồn chính thức trong trường hợp có tài sản thế chấp thì diện tích đất có bằng đỏ được xem như là yếu tố tiên quyết để các tổ chức tín dụng làm căn cứ quyết định xem có nên cho vay hay không. Nếu diện tích sở hữu này lớn và có giấy đỏ làm căn cứ pháp luật thì hộ vay được xem như là một khách hàng an toàn. Thêm vào đó, sự vỡ nợ cũng có thể sẽ giảm bớt với trách nhiệm pháp lí cao hơn đối với người đi vay, người cho vay cũng sẽ giảm bớt rủi ro và chi phí quản lí hơn. Đây là biến giả nhận giá trị 1 nếu hộ có GCNQSH và 0 nếu không có.
QuanheXH: là quan hệ xã hội của hộ (Trần Thọ Đạt, 1998; Phan Đình Khôi, 2013; Nguyễn Quốc Oánh và TS Phạm Mỹ Dung; Trần Ái Kết và Huỳnh Trung Thời; Nguyễn Quốc Nghi, 2011). Chủ hộ hoặc các thành viên trong hộ có người thân (bà con) làm việc trong các tổ chức tài chính chính thức hoặc các cơ quan nhà nước. Khi chủ hộ hoặc các thành viên trong hộ có người thân làm việc ở các tổ chức tài chính chính thức hay các cơ quan nhà nước thì sẽ chủ động hơn trong việc đi đến các tổ chức cho vay, nắm thông tin vay nhanh hơn những hộ khác. Đây là biến giả nhận giá trị là 1 nếu có quen và 0 nếu không quen biết, được kỳ vọng là cùng với dấu của biến phụ thuộc.
Giatritaisan: là giá trị tài sản của hộ nông dân, đây là biến độc lập là giá trị của đất đai thuộc quyền sở hữu có giấy chứng nhận quyền sở hữu đất (Nguyễn Quốc Nghi, 2011; Trần Ái Kết và Huỳnh Trung Thời, 2013; Trương Đông Lộc và Trần Bá Duy, 2010). Xét về phương diện cầu tín dụng thì nông hộ giàu có nhiều cơ hội dầu tư hơn vào sản xuất nông nghiệp, vì họ có đất đai, có cơ sở sản xuất kinh doanh nên nhu cầu vốn của họ cao hơn.Đây cũng là cơ sở để các tổ chức tín dụng giới hạn mức cho vay (thường là tối đa 70% giá trị tài sản đảm bảo). Có thể nói giá trị tài sản khác nhau thì khả năng tiếp cận lượng vốn vay của hộ nông dân cũng khác nhau. Biến này có đơn vị tính là triệu đồng được kỳ vọng là cùng dấu với biến giải thích.
Chiphisxkd: là tổng chi phí sản xuất kinh doanh của nông hộ trong 01 năm. Trong thực tế nông hộ có chi phí sản xuất kinh doanh cao sẽ có xu hướng muốn vay nhiều hơn hộ không có chi phí sản xuất kinh doanh. Đây cũng là cơ sở để các tổ chức tín dụng chính thức đánh giá nhu cầu sử dụng vốn của hộ để định mức cho vay (theo quy trình thẩm định và xét duyệt cho vay tại các tổ chức tín dụng chính thức). Biến này có đơn vị tính là triệu đồng được kỳ vọng là cùng dấu với biến giải thích.
Laisuat: là lãi suất cho vay của các tổ chức tài chính chính thức (Nguyễn Phượng Lê và Nguyễn Mậu Dũng, 2011). Khi lãi suất cho vay từ các tổ chức tín dung chính thức cao, việc tiếp cận tín dụng của các nông hộ từ các nguồn này sẽ giảm do lợi ích mang lại và thủ tục xét duyệt hồ sơ vay là không tương xứng. Lãi suất cao sẽ làm cho lượng tiền vay nhận được của nông hộ giảm xuống. Thêm vào đó, khi lãi suất quá cao sẽ khiến cho người vay sẽ cân nhắc để lựa chọn việc vay từ các tổ chức tín dụng chính thức hay vay bên ngoài. Biến này có đơn vị tính là phần trăm (%) được kỳ vọng ngược chiều với dấu của biến phụ thuộc.
SoTCTD: là số tổ chức tín dụng trên địa bàn (Lê Khương Ninh và Phạm Văn Hùng, 2011). Vì quy trình cho vay, quy trình thẩm định tài sản đảm bảo tiền vay và mức cho vay của các tổ chức tín dụng khác nhau. Khi trên địa bàn có nhiều tổ chức tín dụng hoạt động thì việc cạnh tranh khách hàng lẫn nhau sẽ dẫn đến lượng vốn vay của hộ nông dân vay vốn sẽ tăng lên. Biến này được kỳ vọng là cùng dấu với biến giải thích.
Bảng 3.1: Tổng hợp các biến kỳ vọng được đưa vào mô hình định lượng STT Ký hiệu biến độc lập Đơn vị tính Mô hình và dấu kỳ vọng Binary Logistic
Hồi quy đa biến 1 Tuoichuho Tuổi + 2 Dantoc 0: Khác 1: Kinh + 3 Khoangcach Km - 4 Hocvanchuho 1: Cấp I 2: Cấp II 3: Cấp III 4: Trung cấp 5: Cao đẳng 6: Đại học trở lên
+ +
5 Dientichdat Hecta (ha) + +
6 Thunhap Triệu đồng + + 7 GCNQSH 0: Không có 1: Có + 8 QuanheXH 0: Không có 1: Có + 9 Giatritaisan Triệu đồng + 10 Chiphisxkd Triệu đồng + 11 Laisuat % - 12 SoTCTD Tổ chức +
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Như vậy Mô hình hồi qui Binary Logistic dùng để ước lượng việc tiếp cận tín dụng chính thức của hộ nông dân gồm 08 biến độc lập đó là: Tuoichuho, Dantoc, Khoangcach, Hocvanchuho, Dientichdat, Thunhap, GCNQSH, QuanheXH. Mô hình hồi qui đa biến dùng để ước lượng lượng vốn vay chính thức của hộ nông dân sản xuất lúa bao gồm 07 biến độc lập bao gồm: Tuoichuho, Dientichdat, Thunhap, Giatritaisan, Chiphisxkd, Laisuat, SoTCTD.