2. Về công việc được giao:
2.3.2. Những hạn chế và nguyên nhân:
- Những hạn chế:
Thứ nhất, các đại lý phân phối của Công ty chưa truyền bá được đến các khách hàng nhằm giúp họ hiểu rõ hơn về Công ty nên ở một bộ phận nhỏ khách hàng vẫn còn cho rằng giá bán của Công ty còn cao so với các Công ty khác. Trong khi họ không biết được rằng chi phí cho quảng cáo của Công ty chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với số vốn của Công ty và nhỏ hơn cả chi phí
quảng cáo của các doanh nghiệp khác. Nhưng với chất lượng vượt trội của
mình Công ty đang cố gắng vươn lên để tạo niềm tin cho khách hàng chọn sản phẩm của mình.
Thứ hai, Công ty còn yếu trong khâu phát triển, tìm hiểu thị trường. Chưa xây dựng được một bộ phận chuyên nghiên cứu thị trường hợp lý, năng lực của bộ phận này còn hạn chế nên còn bỏ sót nhiều địa bàn hay khúc thị trường tiềm năng và có nguy cơ bị các đối thủ cạnh tranh chiếm lĩnh. Một số khu vực Công ty chưa kịp hướng tới thì một lượng lớn các đại lý của đối thủ cạnh tranh đã xuất hiện gây khó khăn trong việc phát triển thị trường sau này ở những khu vực này. Trong quá trình hoạt động, các phòng ban trong Công ty chưa phối hợp một cách nhịp nhàng, đôi khi còn gây những khó khăn trong việc giao dịch với khách hàng.
- Nguyên nhân của các tồn tại: + Nguyên nhân khách quan
Thứ nhất, môi trường chính trị pháp luật: Do đang trong điều kiện nền kinh tế mở, bên cạnh những thuận lợi, Công ty cũng gặp nhiều khó khăn do hệ thống pháp luật của nhà nước chưa rõ ràng, một số chính sách chỉ là biện pháp giải quyết tạm thời, không ổn định. Do đó, làm cho việc lập kế hoạch đầu tư sản xuất của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, gây cản trở cho việc phát triển và nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm của Công ty. Thuế nhập khẩu các thiết bị, phụ kiện còn cao, dẫn đến gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đưa ra một mức giá cạnh tranh trên thị trên thị trường.
Thứ hai, môi trường công nghệ. Lãi suất cho vay của các ngân hàng Nhà nước giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc vay vốn để sản xuất kinh doanh. Mặt khác, tỉ giá hối đoái lại không ổn định làm cho Eurowindow gặp khó khăn trong việc nhập máy móc, thiết bị và các phụ kiên phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, môi trường cạnh tranh. Cùng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh các loại cửa với Công ty Eurowindow còn có rất nhiều các công ty có tiềm lực mạnh. Ngoài ra, còn có các công ty tư nhân, các xưởng gia công, các công ty nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này, điều đó đòi hỏi công ty cần phải nỗ lực để chiếm lĩnh thị trường và nâng cao sức cạnh tranh cho các mặt hàng cửa của công ty, để phát triển hơn nữa thương hiệu Eurowindow.
+ Nguyên nhân chủ quan:
Thứ nhất, đội ngũ cán bộ, công nhân viên của Công ty ngày càng được cải thiện về trình độ và chuyên môn. Tuy nhiên, lực lượng kỹ sư và chuyên gia của Công ty hiện nay còn tương đối mỏng so với nhu cầu của việc nâng cao chất lượng các sản phẩm cửa của mình. Bên cạnh đó, số lượng nhân viên marketing và phát triển thị trường còn khá mỏng so với quy mô của Công ty, vì thế việc phát triển các thị trường mới của Công ty còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh của Công ty thì không ngừng tăng lên.
Điều này đòi hỏi Công ty phải đưa ra các biện pháp kịp thời để có thể nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm thật nhanh, tránh tình trạng bị qua mặt bởi các đối thủ cạnh tranh.
Thứ hai, bởi vì mọi hoạt động của Công ty đều phải thông qua sự phân tích, xem xét, đánh giá của ban kiểm soát, nên đôi khi làm chậm tiến độ của hoạt động kinh doanh, và có thể làm mất cơ hội kinh doanh. Vì thế đòi hỏi Công ty phải có chính sách hợp lý để hoạt động kinh doanh không bị mất nhiều thời gian trong các hoạt động của mình.
CHƯƠNG 3
GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN EUROWINDOW