Quan niệm về số phận và tâm lí đặc trƣng của con ngƣời trong xã

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của dân ca dân tộc Mông trong truyện thơ Tiếng hát làm dâu (Trang 62)

5. Cấu trúc luận văn:

2.3. Quan niệm về số phận và tâm lí đặc trƣng của con ngƣời trong xã

Nằm trong mảng nội dung thẩm mĩ tiếp nhận từ dân ca, quan niệm về số phận và tâm lí đặc trưng của con người Mông trong truyện thơ đã trở thành một mảng nội dung không thể thiếu trong luận văn nghiên cứu của chúng tôi. Ra đời khi xã hội thị tộc nguyên thủy đã chính thức tan rã, xã hội nam quyền đã từng bước đặt được những viên đá nền móng vững chắc đầu tiên, truyện thơ Tiếng hát làm dâu tập trung diễn tả, khắc họa diễn biến tâm lí của những cô dâu bị ép gả, bị bứt ra khỏi cộng đồng thị tộc cũ, làm nô lệ cho thị tộc mới với tên gọi mĩ miều – gia đình nhà chồng. Với một cuộc sống khổ cực, cay đắng, bị hành hạ, chà đạp cả về thể xác và tinh thần, điều gì đã trói chặt cuộc đời những cô gái vùng cao mạnh mẽ và phóng khoáng? Ắt hẳn đó không phải là cường quyền, là sức mạnh thô bạo của những trận đòn thừa sống thiếu chết mà là sự trói buộc trong chính quan niệm của cộng đồng, quan niệm của cá nhân về cuộc đời, về duyên phận, về định mệnh, dưới bàn tay quyền lực tối cao của thần linh, ma quỷ.

Sống trong một chuỗi các quy định của luật tục xã hội, của lệ làng phép nước, của những nghi thức cúng bái và tế lễ, quan niệm về số phận đã hằn sâu, in đậm vào trong tiềm thức của mỗi cô gái Mông. Họ nhận được lời lí giải cho nạn ép duyên, gả bán từ tờ giấy của tổ tiên, tờ giấy lục mệnh. Trên tờ giấy đó là quyền hạn của tổ tiên – một lực lượng siêu nhiên, vô hình quy định ngày tháng cô gái phải đi làm dâu, thực hiện nghĩa vụ của mình đối với cộng đồng mà không cần được biết gia đình chồng, cũng như chính người đàn ông “đầu ấp má kề”, “chung tước sợi lanh” với mình cả đời. Khi tất cả những ngăn cản, răn đe, dọa nạt, đánh đập đều không có tác

dụng ép duyên con, nhà cha nhà mẹ đưa tờ giấy tớ chử nhềnh kênh buộc con gái phải chấp nhận số phận ! Điều này lí giải vì sao tờ giấy, quyển sổ bạc, tớ chử nhềnh kênh, tờ lục mệnh, tờ giấy tổ tiên, tờ giấy nứa, tờ giấy dướng… lại được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong dân ca và truyện thơ đến vậy. Đâu chỉ dừng lại ở đó, khi về đến nhà chồng, nghi lễ đầu tiên nạp môn đó chính là nghi thức cúng ma bếp. Nghi thức dùng gà trống nhập hồn cô gái làm ma nhà chồng. Từ đó không còn mối quan hệ gì với thần linh của thị tộc cũ nữa. Phải hoàn toàn chấm dứt mọi quan hệ tín ngưỡng, sống và chết ở nhà chồng. Nền tảng cho quan niệm chấp nhận số phận khổ cực bắt nguồn từ đây. Tầng lớp thống trị điều khiển xã hội bằng các luật tục mang tính chất thương mại, mua bán, ép gả không những đã răn đe sự phản kháng của con người bằng luật tục, bằng sự trả giá về lễ vật phạt vạ mà cao hơn nữa là thiêu sống con mồi trong chính nhà tù của quan niệm về số mệnh. Những nghi thức cúng tế mà nhà chồng thực hiện đối với nô lệ mới bổ sung vào thị tộc phục vụ dã tâm biến một con người bằng xương bằng thịt trở thành một thây ma sống, một Zombie chỉ biết làm việc quần quật và chấp nhận cam chịu những hành hạ vô lí từ cộng đồng mới. Chính tư tưởng “sống làm ma nhà chồng, chết cũng phải làm ma ở nhà chồng”, cuộc đời đã bị con ma nhàchồng quy định, theo dõi và giám sát đã khiến những cô gái vốn mạnh mẽ, tự do, phóng khoáng sa lầy vào sự luẩn quẩn của số phận dẫn đến tâm lí cam chịu, an phận và chấp nhận. Nhục nhã, tủi hổ, đau đớn vì bị bạo hành, họ vẫn chấp nhận đó là một sự thực của cuộc đời, của số kiếp người con gái. Dù cho đó là bà “người Sã”, “người Nhắng” thì cũng phải đi làm dâu, cũng phải chấp nhận một trật tự xã hội đã được quy định như vậy, đâu kể đến những cô gái rẻo cao, khi trình độ văn minh xã hội còn kém xa những tộc người ấy!

Cũng chính quan niệm về số phận và định mệnh như vậy mà chúng ta thấy rằng khi được khuyên bảo trở về nhà chồng, cộng với áp lực từ tục lệ phạt vạ, người con gái Mông xưa không còn cách nào khác là tìm đến cái chết để giải thoát cho số phận oan nghiệt của đời mình. Chính quan niệm số mệnh đã được sắp sẵn từ trước này quy định tâm lí an phận của hầu hết những cô gái đi làm dâu. Họ không dám bỏ trốn, không dám kháng cự, những trường hợp hiếm hoi thể hiện sự kháng cự hầu như phải nhận lấy cái chết thảm thương. Quay trở lại với nội dung thẩm mĩ này trong truyện thơ, chúng ta thấy thật thương cảm cho cái chết của nhân vật A Thào,

nhân vật Vừ- chúa –pua. Hai cô gái cùng quẫn, không còn cách nào khác để thoát ra khỏi số phận cay nghiệt, đã tìm đến cái chết để được hạnh phúc bên người mình yêu. Vừa – chúa- pua trong Truyện thơ Tiếng hát làm dâu sau khi gặp lại anh yêu đi làm ăn xa trở về, tâm lí an phận và cam chịu trong cô đã biến mất, cô vùng lên phản kháng mạnh mẽ, tự nhận thấy những nghĩa vụ đối với nhà chồng là bất công, là vô lí. Cô bỏ về nhà mẹ đẻ, than trách cha mẹ, bày tỏ nỗi niềm. Nhưng rồi nhà chồng đến tận nơi dọa dẫm, trách mắng nhà cha nhà mẹ, thậm chí là sỉ nhục, Vừ- chúa- pua đành cất bước trở về nhà chồng và tìm đến cái chết. A Thào trong truyện thơ A Thào- Nù Câu cũng vậy, khi bị đối xử tàn tệ, nàng chấp nhận cam chịu, chấp nhận như đó là một lẽ thường của cuộc đời nhưng thẳm sâu trong trái tim nàng vẫn không nguôi dằn vặt với Nù Câu. Vì quá đau khổ, nàng sinh bệnh mà chết ở nhà chồng. Cái chết của A Thào không hề làm động lòng nhà chồng, họ đối xử với nàng như đối xử với loài vật cho đến tận khi chết. Riêng trong truyện thơ Nhàng Dợ - Chà Tăng lại có một điểm khác về kết thúc, hai nhân vật chính không tìm sự giải thoát ở

con đường trên mà tìm điều đó ngay ở con đường giữa. Bỏ trốn khỏi quê hương để tìm đến một miền đất mới. Tuy nhiên quá trình Chà Tăng thuyết phục được Nhàng Dợ bỏ trốn là một quá trình vô cùng gian nan, bởi ngay trong tâm trí Nhàng Dợ, tư tưởng số mệnh đã được khắc cốt quá sâu, nàng sợ hãi, lo lắng khi phải phá bỏ chính rào cản đó trong suy nghĩ của mình. Tư tưởng đó ăn sâu đến mức Nhàng Dợ đã từng từ chối lời đề nghị của người yêu, khuyên người yêu về nhà lấy vợ mới, bởi mình đã là “con ngựa trong chuồng nhà người” chỉ còn biết “hí, giậm, kêu vang” chứ không thể nào thoát được số mệnh ấy nữa!

Như vậy, quan niệm về số phận là một quan niệm mang màu sắc mê tín, quan niệm này được bộc lộ đậm đặc trong tâm trạng của nhân vật trữ tình trong dân ca cũng như trong truyện thơ dân tộc Mông. Quan niệm đó phát triển hưng thịnh trong đời sống tinh thần của cộng đồng Mông khi họ không còn cách nào để bứt phá khỏi một trật tự xã hội hà khắc với nhiều luật tục thần quyền và cường quyền. Tất cả các nhân vật bất hạnh đều tìm đến với hai chữ số mệnh như một lời giải thích và an ủi duy nhất để họ có thể tiếp tục sống, tiếp tục tìm thấy chút ánh sáng le lói phía cuối con đường hầm.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của dân ca dân tộc Mông trong truyện thơ Tiếng hát làm dâu (Trang 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(146 trang)