Tuyến nhân vật trung tâm – ngoại biên

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của dân ca dân tộc Mông trong truyện thơ Tiếng hát làm dâu (Trang 97)

5. Cấu trúc luận văn:

3.3.2. Tuyến nhân vật trung tâm – ngoại biên

Xét về tuyến nhân vật trung tâm – ngoại biên cũng cần xét về không gian quy định lựa chọn kiểu nhân vật. Tuy nhiên, khái quát từ những yếu tố thi pháp khác cũng như chủ đề của tác phẩm, chúng tôi nhận thấy tuyến nhân vật trung tâm bao gồm ba nhân vật chính: nhân vật em yêu, nhân vật anh yêu, nhân vật mẹ chồng. Tuyến nhân vật ngoại biên là tuyến nhân vật bao gồm những nhân vật phụ: bố chồng, em chồng, chồng, anh chồng, cha mẹ đẻ, anh họ, em cô, ông bác, ông cậu, ông mối.

Thứ nhất là tuyến nhân vật trung tâm. Với nhân vật trung tâm là nhân vật anh yêu – em yêu, truyện thơ Tiếng hát làm dâu đã xây dựng thành công cốt truyện với tình yêu thắm thiết ban đầu của hai nhân vật chính. Đó là tình yêu làm nên giá trị của tác phẩm. Tình yêu thắm thiết đó khi bị chia cắt, bị vùi dập đã làm nên một cuộc sống làm dâu cực khổ. Cực khổ về tinh thần khi phải sống với người chồng kém tuổi, không hề có tình yêu, cực khổ khi lương tâm dăn vặt do phản bội lời thề ước đi lấy chồng. Cực khổ khi phản kháng, tìm mọi cách để trở lại với tình yêu của mình, và cuối cùng đôi trai gái phải nhận lấy cái chết hoặc chia lìa đôi ngả. Với nhân vật trung tâm là nàng dâu – mẹ chồng, truyện thơ Tiếng hát làm dâu đã xây dựng thành công cốt truyện từ nền tảng, đốt cháy cao trào và dẫn đến kết thúc bi

kịch của tác phẩm. Đó là cuộc sống khổ cực, cay đắng, tràn đầy nước mắt ở nhà chồng. Xây dựng hai nhân vật có những hành động, suy nghĩ, thái độ trái ngược nhau trong kết cấu tương phản góp phần bộc lộ sâu sắc chủ đề và giá trị của tác phẩm.

Thứ hai là tuyến nhân vật ngoại biên. Tuyến nhân vật này bao gồm rất nhiều nhân vật phụ khác nhau. Mỗi nhân vật có một chức năng nhất định trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của tác phẩm. Đáng chú ý nhất có lẽ nhà nhân vật cha mẹ đẻ và nhân vật ông mối. Nhân vật cha mẹ đẻ cùng những người thân thích họ hàng bên ngoại của cô gái chính là những nhân vật trực tiếp đẩy con gái mình vào cuộc sống làm dâu khổ cực trong một cuộc hôn nhân gả bán. Họ là những nhân vật xây nên những mâu thuẫn, nghịch lí ngay từ người thân với nhau, nói như Aristote, thì: “Chỉ có giữa những người thân mà xảy ra sự việc bi thảm…đấy mới là những điều mà nhà thơ cần tìm” [36, tr.896]. Con gái không chịu lấy người mình không yêu, cha mẹ đẻ và anh em đằng ngoại sẵn sàng “gả phứa”, “gả bừa”, “lôi cổ”, “tống cổ”, “kéo lê”, “kéo thốc”, “quát mắng”, “năn nỉ”, “đánh đập”…buộc cô gái phải về nhà chồng bởi họ đã trót “tham tiền”, “tham bạc”, “tham con ngựa thồ giỏi”, “tham con trâu mộng đuôi trắng”…của nhà người. Đến khi con gái không chịu được cảnh làm dâu cực khổ, trở về cầu xin cha mẹ đẻ giải thoát cho mình, thì cha mẹ cũng khước từ bằng cách dọa dẫm, cầu xin, năn nỉ do đã “lỏng tay tiêu hết bạc của người”, “đã giết sạch súc vật của người”…không còn khả năng chuộc cô gái trở về. Cũng như nhân vật mẹ chồng, cha mẹ đẻ và họ hàng đằng ngoại cũng trở thành một công cụ tay sai đắc lực thực thi trọn vẹn hủ tục ép gả, ép duyên trong chế độ hôn nhân gả bán của xã hội Mông xưa.

Bên cạnh nhân vật ngoại biên là cha mẹ đẻ và họ hàng họ xuân, một nhân vật ngoại biên nữa góp phần lôi thốc cô gái trở thành món hàng hời để kiếm lợi, đó chính là nhân vật ông mối. Kiểu nhân vật này thực ra là một kiểu nhân vật hành nghề làm ăn trong xã hội Mông xưa. Họ kinh doanh và kiếm tiền từ chính cuộc đời cực khổ và thân phận bèo bọt của người con gái. Chính những ông mối này với những lập luận mị dân của mình, đã khiến cho thân phận người con gái trong xã hội nam quyền vốn đã bị rẻ rúng nay lại càng bị rẻ rúng nhiều hơn. Theo lập luận của ông mối, họ không phải là “người cầm thìa cúng lễ”, “người cầm đũa cúng tế”, chỉ

như “bông hoa trân châu dại trên rừng”, “như con hươu hoa đen” bị khinh miệt cực độ. Nhân vật ông mối đến nhà là một tín hiệu của hôn nhân gả bán đã được lên kế hoạch và xét duyệt, chính vì vậy khi nhân vật này đến mang theo yếu tố bất ngờ, lo lắng trong dự cảm của người con gái. Đó là những dự cảm cho cuộc đời làm dâu nghiệt ngã, là tiếng chuông đánh dấu cuộc sống hạnh phúc, tươi đẹp mới chớm nở đã chóng tàn. Thay vào đó là một kiếp tù ngục đang chờ đợi ở phía trước không xa.

Cũng nằm trong tuyến nhân vật phản diện, nhưng là nhóm nhân vật phản diện ngoại biên, bố chồng, em chồng, anh chồng và chồng là những nhân vật cùng với mẹ chồng trực tiếp hành hạ, chà đạp lên thể xác và tinh thần của người con dâu. Bố chồng có thể quát mắng, chửi rủa như mẹ chồng, chồng có thể “tay đập”, “chân đạp” hoặc vô cùng thờ ơ trước cái chết của vợ, em chồng, anh chồng cũng có thể “chê”, “trách”, “nhiếc”…Tuy nhiên trong dân ca Tiếng hát làm dâu, nhân vật người chồng rất hiếm khi xuất hiện trực tiếp, chủ yếu cô gái chịu sự hành hạ của mẹ chồng và em chồng. Nhưng đến truyện thơ thì người chồng tàn ác đã hiện lên với bộ mặt như quỷ dữ. Không dừng lại ở những hành động nghênh ngang khi đón dâu, thờ ơ khi nhìn xác vợ được cột ở giữa nhà như trong ca dao nữa mà “con trâu đực đen” của gia đình nhà chồng đã đánh đập tàn ác người vợ tay ấp má kề của mình (truyện thơ A Thào – Nù Câu) hoặc phụ tình đi theo người đàn bà khác (truyện thơ Tiếng hát làm dâu). Như vậy, đến truyện thơ, xã hội nam quyền trọng nam khinh nữ, coi rẻ quyền sống, quyền tự do của người phụ nữ mới thực sự được phản ánh rõ nét và sâu sắc.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của dân ca dân tộc Mông trong truyện thơ Tiếng hát làm dâu (Trang 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(146 trang)