Họ Hồng Bàng - Lạc Long Quân - Âu cơ (thời tiền sử)
Theo truyền thuyết thì thuỷ tổ dân tộc Việt Nam là Kinh Dương Vương (tên huý là Lộc Tục), hiện còn có mộ tại làng á Lữ, Thuận Thành, Bắc Ninh.
Kinh Dương Vương làm vua vào khoảng năm Nhâm Tuất (năm 2879 trước công nguyên), Kinh Dương Vương lấy con gái Thần Long là vua hồ Động Đình sinh một con trai đặt tên là Sùng Lãm, sau nối ngôi vua cha, hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long
Quân lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ sinh ra một bọc(1) một trăm trứng, một trăm trứng nở ra một trăm người con trai là tổ tiên của các dân tộc Việt.
Một hôm nhà Vua bảo bà Âu Cơ: "Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thuỷ hoả khắc nhau, chung hợp thật khó". Bèn từ biệt, chia năm chục người con theo mẹ lên núi, năm chục người con theo cha về phía Nam miền biển, phong cho con trưởng làm Hùng Vương nối ngôi.
Hùng Vương lên ngôi Vua, đặt quốc hiệu là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (Bạch Hạc, Phú Thọ), chia nước ra làm 15 bộ:
Các đời Vua sau đều gọi là Hùng Vương, có 18 đời vua Hùng Vương(1). Đặt các tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng, con trai vua gọi là Quan Lang, con gái Vua gọi là Mỵ Nương, các quan nhỏ gọi là Bồ Chính.
Nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng là nhà nước phôi thai đầu tiên của Việt Nam, còn rất đơn giản, mặc dù mới hình thành nhưng đã cố kết được lòng người. Từ tình cảm cộng đồng dẫn đến ý thức cộng đồng, thể hiện rõ tình đồng bào ruột thịt. Họ bước đầu hiểu được mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người, thấy được sức mạnh của cộng đồng trong việc làm thuỷ lợi, trao đổi sản phẩm và đấu tranh giữ gìn bản làng, đất nước.
Thời đại Hùng Vương có hai truyền thuyết được lưu truyền mãi trong dân gian thể hiện rõ tinh thần đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Đời Hùng Vương thứ 6 giặc Ân rất hùng mạnh, đã thôn tính nhiều nước xung quanh, chúng kéo quân xâm lược nước ta. Thế giặc rất mạnh, quan quân không sao chống cự nổi. Nhà Vua cho sứ giả đi rao tìm người tài giỏi ra giúp nước.
Lúc bấy giờ ở làng Phù Đổng, bộ Vũ Ninh có một nhà giàu đã 62 tuổi mới sinh được một cậu con trai lên ba mà vẫn chưa biết nói. Cậu bé suốt ba năm chỉ nằm ngửa không tự ngồi hay đứng được.
Khi sứ giả đến làng rao cầu hiền, cậu bé thốt nhiên nói được xin với cha cho mời sứ giả vào hỏi chuyện. Khi sứ giả đến, cậu bé xin sứ giả về tâu vua đúc cho cậu một con ngựa sắt, một thanh kiếm, một cái nón sắt rồi cậu sẽ ra quân diệt giặc.
Từ khi sứ nhà vua về, cậu bé mỗi ngày một lớn, ăn khoẻ lạ thường. Ngày tháng qua cậu lớn phổng lên thành người khổng lồ.
Khi giặc Ân kéo đến chân núi Châu Sơn (Tiên Du, Bắc Ninh) thì sứ giả đem kiếm, ngựa dâng cho cậu. Cậu vươn vai đứng lên rồi nhảy lên ngựa, ngựa chạy đến đâu, miệng phun ra lửa đến đó, cậu xông vào đội ngũ giặc. Sải kiếm chém giặc như chém chuối, kiếm gãy, cậu nhổ cả các cụm tre mà đánh giặc. Không đương nổi sức mạnh thần thông của chàng trai làng Phù Đổng, quân giặc còn lại quỳ gối xin hàng.
Phá xong giặc Ân, người anh hùng làng Phù Đổng đi đến núi Sóc Sơn thì biến mất cả người lẫn ngựa. Vua nhớ ơn, truyền lập đền thờ ở làng Phù Đổng và sắc phong là Phù Đổng Thiêng Vương.
Năm nào đến ngày mồng 9 tháng tư làng Phù Đổng (còn gọi là làng Gióng) đều mở hội diễn lại sự tích đánh giặc Ân xưa, tục gọi là hội Gióng.
Hùng Vương thứ 18 kén chồng cho con gái là Mỵ Nương.
Sơn Tinh (thần núi) và Thuỷ Tinh (thần nước) đều đến cầu hôn. Hùng Vương hứa gả con gái cho người nào ngày mai mang lễ vật đến trước. Sơn Tinh đem lễ vật đến sớm hơn và được đưa Mỵ Nương về núi Tản Viên (tức núi Ba Vì, tỉnh Sơn Tây).
Thuỷ Tinh đến sau nổi giận dâng nước sông lên đánh Sơn Tinh. Nước dâng lên đến đâu Sơn Tinh làm cho núi đồi cao lên đến đó. Cuối cùng Thuỷ Tinh thua trận phải rút nước. Hàng năm, cuộc chiến lại diễn lại. Truyền thuyết này phản ánh các trận lụt do sông Hồng, sông Đà gây ra và việc đắp đê trị thuỷ của tổ tiên ta có từ xa xưa.