Nhà Tây Sơn (1778-1802)

Một phần của tài liệu Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam (Trang 97)

Niên hiệu: Thái Đức (1778-1793)

Anh em Tây Sơn vốn người họ Hồ, hậu duệ của Trạng nguyên Hồ Hưng Dật (Thế kỷ X). Ông tổ của Tây Sơn ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, khoảng năm (1653- 1657), bị quân của Chúa Nguyễn đánh ra Đàng Ngoài, bắt đem về cho ở ấp Tây Sơn (Nay là An Khê, Hoài Nhân, Bình Định) từ đó đổi thành họ Nguyễn.

Ông Nguyễn Phi Phúc lấy bà Nguyễn Thị Đồng sinh ba con trai: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ.

Gia đình ông Phúc làm nghề buôn trầu cau, cuộc sống cũng khá giả.

Anh em Nguyễn Nhạc theo học giáo Hiến. Giáo Hiến vốn là môn khách của Trương Văn Hạnh, ngoại hữu dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777).

Sau Trương Văn Hạnh bị Trương Phúc Loan giết, giáo Hiến sợ phải chạy vào ở ẩn tại Quy Nhơn, mở trường dạy học ở ấp Yên Thái.

Lúc đó quyền thần Trương Phúc Loan tác oai tác quái, lấn lướt nhà Chúa, lòng người ai cũng căm ghét.

Hàng ngày anh em Tây Sơn được giáo Hiến dạy cả văn lẫn võ, đồng thời khích lệ bởi câu sấm:

"Tây khởi nghĩa, Bắc thu công".

Năm Tân Mão (1771) anh em Tây Sơn phất cờ khởi nghĩa với khẩu hiệu chiến lược: "Lật đổ quyền thần Trương Phúc Loan, phò Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương".

Quân Tây Sơn thường lấy của những nhà giàu rồi phân phát cho dân nghèo, do đó nhân dân các nơi theo về rất đông.

Trải qua 8 năm chiến đấu gian khổ, năm Mậu Tuất (1778), quân Tây Sơn đã diệt được chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

- Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng đế lập nên triều đại Tây Sơn.

- Nguyễn Nhạc đặt niên hiệu là Thái Đức, phong cho Nguyễn Huệ là Long Nhương tướng quân.

Năm 1777, Chúa Nguyễn Phúc Thuần và Hoàng Tôn Dương đều bị chết trong trận đánh ở Long Xuyên, chỉ còn Nguyễn ánh chạy thoát ra đảo Thổ Chu, sau chạy sang Xiêm ẩn náu. Năm 1784, Nguyễn ánh cầu viện vua Xiêm đem quân đánh Tây Sơn, để cứu giúp mình. Cuối tháng 7 năm 1784, hai tướng Chiêu Tăng, Chiêu Sương được lệnh đem 2 vạn thuỷ quân, 300 chiến thuyền và tướng Chiêu Thuỳ Biên đem 3 vạn bộ binh cùng Nguyễn ánh, Chu Văn Tiếp đánh về Gia Định. Cho đến cuối năm đó, gần một nửa đất Gia Định đã thuộc về quân Xiêm - Nguyễn ánh. Tướng Tây Sơn là Trương Văn Đa giữ vững hai thành Gia Định và Mỹ Tho để chờ viện binh.

Kiêu căng với thắng lợi nhanh chóng của mình, quân Xiêm mặc sức cướp phá, đốt nhà cướp của, giết người rất dã man tàn bạo, gây bao tội ác với nhân dân ta.

Nguyễn Huệ được lệnh đem quân vào đánh quân Xiêm - Nguyễn ánh. Đầu tháng 1 năm 1785, quân Nguyễn Huệ kéo vào đóng ở Mỹ Tho. Quân Xiêm - Nguyễn ánh đóng ở Sa Đéc, chuẩn bị tấn công Mỹ Tho.

Trận quyết chiến đã diễn ra trên khúc sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Mút, sáng ngày 19-1-1785, Nguyễn Huệ nhử quân địch vào trận địa mai phục sẵn và đánh cho chúng tan tành, chỉ còn vài ngàn quân chạy bộ về nước.

Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút thể hiện tài năng quân sự kiệt xuất của vị chủ soái Nguyễn Huệ và tinh thần chiến đấu anh dũng của nghĩa quân Tây Sơn.

Sau khi đánh tan 5 vạn quân Xiêm - Nguyễn ánh. Năm 1786, Hoàng đế Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ đem quân ra hạ thành Thuận Hoá của Chúa Trịnh vào tháng 5 năm 1786. Trên đà thắng lợi đó, với khẩu hiệu "Phù Lê diệt Trịnh", quân Tây Sơn tiến ra Bắc Hà theo hai đường thuỷ bộ. Quân Tây Sơn chiếm Vị Hoàng (Nam Định) rồi kéo quân ra Phố Hiến tiến về Thăng Long. Quân Trịnh do Hoàng Phùng Cơ và Trịnh Khải chỉ huy đều bị đánh tan. Trịnh Khải bỏ chạy lên Sơn Tây rồi bị bắt.

Ngày 21 tháng 7 năm 1786, Nguyễn Huệ kéo đại quân vào Thăng Long. Chính quyền của Chúa Trịnh bị lật đổ. Nguyễn Huệ trao lại quyền hành cho vua Lê Hiển Tông và được vua Lê phong tước Uy quốc công. Vua Lê cũng nhường đất Nghệ An cho Tây Sơn, gọi là để thưởng công.

Nghe tin Nguyễn Huệ chiếm được thành Thăng Long, Nguyễn Nhạc sợ không kiềm chế được Nguyễn Huệ, đã vội thân hành đem quân bản bộ ra Bắc Hà.

Vua Lê Hiển Tông nghe tin, đem trăm quân ra ngoài cõi đón Vua Tây Sơn. Nguyễn Huệ ra tận ngoại ô đón anh và tạ tội tự chuyên của mình.

Về đến Kinh đô, Nguyễn Huệ đưa công chúa Ngọc Hân ra chào Vua anh. Nguyễn Nhạc khen:

- Chà, em vua Tây Sơn làm rể vua nước Nam "môn đương hộ đối" mối nhân duyên thật đẹp!

Sau khi từ Bắc Hà trở về, tháng 4 năm Đinh Mùi (1787), Nguyễn Nhạc chia vùng đất phía Nam ra làm ba:

- Từ đèo Hải Vân trở ra Bắc thuộc về Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ. - Đất Gia Định thuộc về Đông Định Vương Nguyễn Lữ.

- Nguyễn Nhạc đóng đô ở Quy Nhơn xưng là Trung ương Hoàng đế. Năm 1793, Nguyễn Nhạc mất, làm vua được 15 năm.

Niên hiệu: Quang Trung (1788-1792)

Hoàng đế Quang Trung tên huý là Nguyễn Huệ (tức Hồ Thơm), sinh năm Quý Dậu (1753). Nguyễn Huệ có nhiều đặc điểm: tóc quăn, da sần, tiếng nói sang sảng như chuông, cặp mắt sáng như chớp, có thể nhìn rõ mọi vật trong đêm tối.

Nguyễn Huệ là trụ cột của nghĩa quân Tây Sơn, đã góp nhiều công lao to lớn đập tan Chúa Nguyễn Đàng Trong, được vua Tây Sơn phong cho làm Long Nhương tướng quân và được trao quyền cầm quân đánh Đông dẹp Bắc, là một tướng hành quân chớp nhoáng, đánh đâu được đấy, bách chiến bách thắng.

Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc Hà lật nhào Chúa Trịnh chuyên quyền, tôn phò nhà Lê.

Sau khi vua Lê Hiển Tông tiếp kiến Nguyễn Huệ ở điện Vạn Thọ, vua Lê phong cho Nguyễn Huệ làm Nguyễn Suý Dực chính phù vận Uy quốc công. Với sự sắp xếp khôn khéo của Nguyễn Hữu Chỉnh, vua Lê Hiển Tông đã gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ.

Tháng 7 - 1786, một đêm mưa to gió lớn. Kinh đô Thăng Long ngập hàng thước nước, vua Lê Hiển Tông qua đời, thọ 70 tuổi.

Công chúa Ngọc Hân khi được chồng hỏi nên lập ai lên ngôi báu, đã nghiêng về Lê Duy Cận, nghe lời vợ Nguyễn Huệ muốn hoãn lễ đăng quang của Lê Duy Kỳ. Cả triều đình xao xuyến ngờ vực. Các tôn thất nhà Lê cho rằng Ngọc Hân cố tình làm lỡ việc lớn của triều đình và bảo sẽ từ mặt công chúa. Ngọc Hân sợ, vội nói với Nguyễn Huệ thu xếp cho Lê Duy Kỳ lên ngôi vua.

Ít lâu sau, Nguyễn Huệ đem công chúa Ngọc Hân cùng Nguyễn Nhạc rút về Nam. Quân Tây Sơn rút về, Bắc Hà rối loạn. Nạn đói hoành hành, nhân dân cực khổ vô cùng, vua Lê Chiêu Thống bất lực trong việc chống chọi với chúa Trịnh Bồng nên đã dựa vào Nguyễn Hữu Chỉnh đánh bại quân của Trịnh, đốt phá phủ Chúa tan tành.

Nguyễn Hữu Chỉnh nhân đó lộng quyền, chống lại Tây Sơn, cho người vào đòi Nghệ An.

Nguyễn Huệ cử Ngô Văn Sở và Vũ Văn Nhậm đem quân ra diệt Nguyễn Hữu Chỉnh.

Trước sức tấn công mãnh liệt của quân Tây Sơn, Nguyễn Hữu Chỉnh và Lê Chiêu Thống bỏ chạy lên phía Bắc, Nguyễn Hữu Chỉnh chạy đến Bắc Giang thì bị bắt và bị giết, Lê Chiêu Thống trốn thoát chạy sang đất Quảng Tây.

Được thông báo về sự lộng quyền của Vũ Văn Nhậm, Nguyễn Huệ lại phải kéo quân ra Bắc Hà dẹp loạn, bắt giết Vũ Văn Nhậm rồi cử Ngô Văn Sở lên thay, đồng thời thu nhận một số quan lại, sĩ phu Bắc Hà như Ngô Thời Nhậm, Phan Huy ích,

Nguyễn Thế Lịch, Vũ Huy Tiến, v.v... giao quyền hành, chức vụ cho họ, thể hiện đúng ý thức trọng dụng nhân tài.

Sau khi đã lập Sùng Nhượng công Lê Duy Cận làm Giám quốc, Nguyễn Huệ lại rút quân về Phú Xuân.

Cuối năm 1788, Lê Chiêu Thống đưa đường cho đội quân xâm lược Mãn Thanh vào chiếm đóng Kinh đô Thăng Long.

Đại tư mã Ngô Văn Sở đã bàn với Ngô Thì Nhậm, Phan Huy ích và các mưu thần khác, chủ động rút quân về đóng ở Tam Điệp - Biện Sơn chờ lệnh.

Nghe tin cấp báo, ngay ngày hôm sau, 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22-12-1788), Nguyễn Huệ xuất quân tiến ra Bắc Hà. Chiều ý các tướng và để sáng tỏ danh nghĩa với cả nước, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế niên hiệu Quang Trung.

Ngày 29 tháng 11 năm Mậu Thân (26-12-1788), đại binh của Hoàng đế Quang Trung tới Nghệ An, Quang Trung cho dừng quân tại đó hơn 10 ngày, tuyển thêm hàng vạn trai tráng Nghệ An vào nghĩa quân Tây Sơn, nâng quân số lên 10 vạn, với đội tượng binh 200 voi chiến. Nguyễn Huệ chia làm 5 đạo quân: tiền, hậu, tả, hữu và trung quân. Những binh sĩ mới tuyển ở Nghệ An, chưa quen chiến trận, chưa được thao luyện được đặt vào đạo trung quân do chính Hoàng đế Quang Trung trực tiếp chỉ huy.

Hoàng đế Quang Trung còn tổ chức lễ duyệt binh ngay tại Nghệ An để khích lệ ý chí quyết chiến, quyết thắng của tướng sĩ đối với quân xâm lược Mãn Thanh.

Ngay sau lễ duyệt binh, Quang Trung cưỡi voi thúc quân tiến ra Bắc Hà. Ngày 20 tháng chạp năm Mậu Thân (15-1-1789), đại quân của Quang Trung đã ra đến Tam Điệp (Ninh Bình).

Trước khi bước vào chiến dịch, vua Quang Trung đã nói với quan quân rằng:

- Nay ta tới đây, thân đốc việc binh, chiến thư ra sao đã có phương lược sẵn. Chỉ nội mười ngày nữa, thế nào cũng quét sạch giặc Thanh. Song ta nghĩ: Nước Thanh lớn hơn nước ta gấp mười lần, Thanh bị thua tất hổ thẹn, chắc phải tìm cách rửa hờn. Nếu cứ để binh lửa kéo dài mãi, thật không phải là phúc cho trăm họ, lòng ta không nỡ! Nên chi, sau khi thắng, ta nên khéo đường từ lệnh thì mới dập tắt được ngọn lửa chiến tranh, việc từ lệnh đó ta giao cho Ngô Thì Nhậm.

Để mở cuộc tổng tiến công vào quân xâm lược Mãn Thanh, vua Quang Trung chia toàn quân làm 5 mũi tiến công.

- Đạo thứ nhất là đạo chủ lực cho đích thân vua Quang Trung trực tiếp chỉ huy, có nhiệm vụ đánh thẳng vào các đồn luỹ phía Nam Thăng Long.

- Đạo thứ hai do đô đốc Long chỉ huy, có nhiệm vụ đánh vào đồn Khương Thượng - Đống Đa rồi qua cửa Tây Nam thọc sâu vào Thăng Long.

- Đạo thứ ba do đô đốc Bảo chỉ huy, có nhiệm vụ tiến vào Đại áng (Thường Tín - Hà Nội), chuẩn bị tham gia tiêu diệt đồn Ngọc Hồi.

- Đạo thứ tư do đô đốc Tuyết chỉ huy, có nhiệm vụ vượt biển lên đóng ở Hải Dương để uy hiếp mặt đông của giặc:

- Đạo thứ năm do đại đô đốc Lộc chỉ huy, có nhiệm vụ vượt biển vào sông Lục Đầu sẵn sàng đón đánh tiêu diệt tàn quân của giặc.

Kế hoạch tấn công quân Thanh đã được phổ biến cho các tướng lĩnh chỉ huy. Vua Quang Trung cho mở tiệc khao quân, gọi là ăn tết trước, chờ "đến ngày mồng 7 tháng giêng vào Thăng Long sẽ làm lễ hạ cây nêu, mừng chiến thắng".

Sau lễ khao quân, các đạo quân gấp rút tiến quân ra mặt trận với khí thế quyết chiến, quyết thắng.

Các đồn tiền tiêu của địch như Gián Khẩu, Thanh Quyết, Nhật Tảo lần lượt bị hạ. Không một tên địch nào chạy thoát. Nửa đêm mồng 3 Tết, quân của Vua Quang Trung bao vây đồn Hà Hồi (Thường Tín - Hà Nội) cách Thăng Long 20 cây số. Quân Tây Sơn bắc loa gọi hàng, hoảng hốt, bất ngờ khi nghe tiếng loa vọng như sấm dậy, lũ giặc bó tay xin hàng. Đồn Hà Hồi bị diệt gọn.

Ngày mồng 4 Tết, đang ăn uống vui vẻ thì Tôn Sĩ Nghị được tin "đồn Hà Hồi đã bị quân Tây Sơn đánh úp bắt hết rồi". Chúng hoảng sợ nói với nhau: "Thật là tướng ở trên trời xuống, quân ở dưới đất chui lên". Tôn Sĩ Nghị lập tức tăng viện cho đồn Ngọc Hồi.

Ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu (30-1-1789) lúc trời còn chưa sáng, đội tượng binh của vua Quang Trung bất thần tiến nhanh về phía đồn Ngọc Hồi. Hứa Thế Hanh lập tức ra lệnh cho đội kỵ binh thiện chiến xông ra nghênh chiến, nhưng vừa thấy voi, đoàn ngựa chiến của địch hoảng loạn rút chạy. Địch bắn ra như mưa: đoàn voi chiến chia thành hai cánh tả, hữu mở đường cho đội xung kích tiến lên, 600 chiến sĩ cảm tử chia thành 20 toán, cứ 10 người, dao ngắn dắt bên hông, cùng nhau khiêng một tấm mộc lớn, bên ngoài quấn rơm ướt xông lên phía trước, phía sau có 20 chiến sĩ khác đi theo, kết thành những bức tường di động. Đại bác, cung nỏ, hoả mù của địch bắn ra tới tấp "khói toả mù trời" cũng không ngăn nổi bước tiến của đoàn quân cảm tử. áp sát chân luỹ, các chiến sĩ xung kích bỏ các tấm mộc xuống làm thang vượt hào luỹ, rút dao và các loại vũ khí khác xông vào chiến đấu dữ dội. Cùng lúc đó, theo sự chỉ huy của Vua Quang Trung, hàng vạn quân ta ào ạt xông lên tiếp chiến, đại bác và hoả nổ của quân ta bắn dữ dội vào địch. Trước sức tấn công như vũ bão của quân ta, địch chống cự không nổi, bỏ chạy toán loạn. Quân ta thừa thắng chém giết quân giặc, thây nằm đầy

đồng, máu chảy thành suối. Hứa Thế Hanh, Thượng Duy Thăng cùng nhiều tên tướng khác bị tử trận. Đồn Ngọc Hồi bị hạ.

Hàng vạn quân Thanh tháo chạy về phía Thăng Long bị quân ta nghi binh nên dồn về làng Quỳnh Đô, định chạy qua cầu về Văn Điển rồi chạy về Thăng Long.

Theo kế hoạch, đạo quân của đô đốc Bảo đã mai phục sẵn ở mạn bắc Quỳnh Đô, đổ ra đồn địch vào khu Đầm Mực mà tiêu diệt.

Cùng lúc đó, theo kế hoạch đã định, đạo quân của đô đốc Long tiến công như vũ bão vào đồn Khương Thượng - Đống Đa. Bị tấn công bất ngờ, quân giặc hoảng loạn, chống đỡ yếu ớt. Hàng ngàn quân Thanh tử trận. Nhân dân 9 xã ngoại thành đã sôi nổi bện rơm thành hình rồng, đốt lên xông vào doanh trại giặc trợ chiến tạo thành vòng cung lửa bao vây đồn giặc. Tướng chỉ huy giặc là Sầm Nghi Đống tuyệt vọng đã thắt cổ chết tại sở chỉ huy. Hàng trăm thân binh của hắn cũng tự sát theo. Thừa thắng, đô đốc Long hô quân đánh thẳng vào trung tâm Thăng Long.

Vào canh tư sáng mồng 5 Tết, tiếng súng nổ liên hồi ở mạn Tây Nam đã làm Tôn Sĩ Nghị thức giấc. Được tin đồn Ngọc Hồi và đồn Đống Đa bị thất thủ, y hốt hoảng, nhảy lên "ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp" cùng một số tuỳ tùng chạy qua cầu phao, vượt sông Hồng lên mạn Bắc. Quân sĩ thấy chủ tướng đã bỏ chạy, bèn hùa nhau chạy theo, chen chúc, xô đẩy nhau vượt qua cầu, cầu gãy, hàng vạn quân Thanh rơi xuống nước chết, trôi theo dòng sông Nhị. Tàn quân của Tôn Sĩ Nghị chạy đến Phượng Nhãn thì bị đạo quân của đại đô đốc Lộc đổ ra đánh giết, phải chui lủi theo đường rừng chạy về nước, khi qua Tuyên Quang, chúng cũng bị các đội dân binh người Tày đón đánh tơi bời, phải vất vả lắm đám tàn quân này mới chạy được về đến Vân Nam.

Trưa mồng 5 Tết Kỷ Dậu (30-1-1789), Vua Quang Trung ngồi trên mình voi, áo bào sạm đen khói súng, dẫn đầu đạo quân tiến vào giải phóng Thăng Long giữa cảnh mừng vui khôn xiết của nhân dân.

Như vậy, đúng như dự kiến và lời hứa hẹn của vị Tổng chỉ huy, với tài dùng binh táo bạo, thần tốc, chưa đầy 5 ngày đêm, đội quân bách chiến bách thắng của Hoàng đế Quang Trung đã đánh tan 29 vạn quân Mãn Thanh, đập tan hoàn toàn mộng xâm chiếm nước ta của nhà Mãn Thanh, cũng như mưu đồ "rước voi về giày mồ" của bè lũ Lê Chiêu Thống, giữ vững nền độc lập của dân tộc. Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và tên tuổi của người anh hùng áo vải Quang Trung mãi mãi sáng ngời trong lịch sử

Một phần của tài liệu Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam (Trang 97)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(149 trang)
w