99 năm, Quốc hiệu Đại Việt - Kinh đô Đông Đô (Hà Nội) Niên hiệu: Thuận Thiên (1428-1433)
Lê Lợi, sinh ngày 6 tháng 8 năm Ất Sửu (tức 10-9-1385) là con trai thứ ba của ông Lê Khoáng và bà Trịnh Thị Thương, người ở hương Lam Sơn, huyện Lương Giang, trấn Thanh Hoá. Ngay từ khi còn trẻ, Lê Lợi đã tỏ ra là người thông minh, dũng lược,
đức độ hơn người, dáng người hùng vĩ, mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, trên vai phải có nốt ruồi đỏ lớn, tiếng nói như chuông, bậc thức giả biết ngay là một người phi thường.
Lớn lên, ông làm chức Phụ đạo ở Khả Lam, ông chăm chỉ dùi mài đọc sách và binh pháp, nghiền ngẫm thao lược, tìm mời những người mưu trí, chiêu tập dân lưu tán, hăng hái dấy nghĩa binh, mong trừ loạn lớn.
Mùa xuân năm Mậu Tuất (1418) Lê Lợi đã cùng những hào kiệt, đồng chí hướng như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Bùi Quốc Hưng, Lưu Nhân Chú, v. v... chính thức phất cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, xưng là Bình Định Vương, kêu gọi nhân dân đồng lòng đứng lên đánh giặc cứu nước.
Suốt 10 năm nằm gai nếm mật, vào sinh ra tử, Lê Lợi đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi.
Sau Hội Thề Đông Quan, ngày 29 tháng 12 năm 1427, bại binh của giặc bắt đầu được phép rút quân về nước an toàn, đến ngày 3-1-1428, bóng dáng quân Minh cuối cùng đã bị quét sạch khỏi bờ cõi.
Ngày 15 tháng 4 năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi chính thức lên ngôi Vua tại điện Kính Thiên, xưng là "Thuận Thiên thừa vận, Duệ Văn Anh Vũ Đại Vương" đặt tên nước là Đại Việt, đóng đô ở Đông Đô (Hà Nội) đại xá thiên hạ, ban bố Bình Ngô đại cáo, đây chính là "Tuyên ngôn độc lập" lần thứ hai của Tổ quốc ta. Bình Ngô đại cáo mở đầu ghi:
"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, Quân điếu phạt trước lo trừ bạo Xét như nước Đại Việt ta, Thực là một nước văn hiến Cõi bờ sông núi đã riêng
Phong tục Bắc Nam cũng khác..."
Bình Ngô đại cáo do Nguyễn Trãi thảo là một thiên anh hùng ca tuyệt vời bất hủ, nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, truyền thống quật cường, bất khuất của dân tộc ta.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư có ghi lời bàn: "Lê Thái Tổ từ khi lên ngôi đến khi mất, thi hành chính sự, thực rất khả quan, như ấn định luật lệnh, chế tác lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, xây dựng quan chức, thành lập phủ huyện, thu thập sách vở, mở mang trường học... cũng có thể gọi là có mưu kế xa rộng, mở mang cơ nghiệp...".
Lê Thái Tổ mất ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu (1433) hưởng thọ 49 tuổi, táng ở Vĩnh Lăng tại Lam Sơn, Thanh Hoá, trị vì được 5 năm.
Niên hiệu: - Thiệu Bình (1434-1439) - Đại bảo (1440-1442)
Lê Thái Tông tên huý là Nguyên Long, sinh ngày 21 tháng 11 năm Quý Mão (1423), là con thứ hai của Lê Lợi và bà Phạm Thị Ngọc Trần, lên ngôi vua ngày 8 tháng 9 năm Quý Sửu (1433) lấy niên hiệu là Thiệu Bình.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi: "Vua thiên tư sáng suốt nôi vận thái bình: bên trong ức chế quyền thần, bên ngoài đánh dẹp Di địch. Trọng đạo sùng nho, mở khoa thi chọn hiền sĩ, xử tù, xét án phần nhiều tha thứ khoan hồng. Cũng là bậc vua tài giỏi nối giữ cơ đồ song đam mê tửu sắc, đến nỗi thình lình băng ở bên ngoài cũng là tự mình chuốc lấy hoạ...".
Lê Thái Tông lên ngôi vua mới 11 tuổi, còn quá trẻ lại phải đối phó với tình hình triều đình khá phức tạp. Mâu thuẫn và chia rẽ giữa lực lượng, một bên là các công thần khai quốc, đứng đầu là Đại tư đồ Lê Sát, Lê Ngân, với một bên là những quan lại có khoa bảng. Mặc dù vậy, Thái Tông vẫn đủ bản lĩnh để không cho các đại thần hoàn toàn thao túng.
Triều Lê Thái Tông cho phục hồi thi hương, thi hội như triều Trần. Năm 1438, mở thi hương, năm 1439 mở thi hội. Từ đó cứ 3 năm mở một khoa thi. Thi hương cũng phải qua 4 trường, bài thi như triều Trần. Ai trúng tuyển thi hội đều gọi là "Tiến sĩ xuất thân".
Năm Nhâm Tuất (1442) mở khoa thi Đình cho những người thi Hội đã trúng 4 trường, làm một bài thi do Vua ra đề. Đỗ thi Đình gọi là Tiến sĩ chia làm 3 bậc:
- Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ gồm 3 người đỗ đầu: (Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám hoa) gọi là Tam khôi).
- Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân gọi là Hoàng giáp. - Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân gọi là Tiến sĩ.
Những người đậu đều được ghi danh vào bia đá, gọi là bia Tiến sĩ đặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Các tiến sĩ được khắc tên vào bia đá ở Văn Miếu khởi đầu từ đấy.
Ngày 27 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442), Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh, Nguyễn Trãi mời Vua ngự chùa Côn Sơn, nơi ở của Nguyễn Trãi. Ngày 4 tháng 8, Vua về đến Lệ Chi Viên (vườn vải) huyện Gia Bình (nay thuộc Gia Lương, Bắc Ninh). Cùng đi với vua có Nguyễn Thị Lộ, một người thiếp của Nguyễn Trãi, được Vua yêu quý luôn được theo hầu bên cạnh Vua, đêm đó Thái Tông
bị bạo bệnh chết đột ngột ở đó, lúc này Thái Tông mới 20 tuổi. Bọn gian thần trong triều đã vu cho Nguyễn Thị Lộ ám hại Vua, chúng kết án "tru di tam tộc" Nguyễn Trãi.
Ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442), Nguyễn Trãi và ba họ bị hành hình, chỉ có bà Phạm Thị Mẫn, một người thiếp khác của Nguyễn Trãi đang mang thai, được học trò của ông đưa trốn sang Lào, mới thoát chết, đẻ ra Nguyễn Anh Vũ. Sau đến thời Lê Thánh Tông mới minh oan cho Nguyễn Trãi. Nguyễn Anh Vũ được vua Lê Thánh Tông trọng dụng. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ, nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương chính là "hậu duệ" (dòng họ ở Tiên Du, Bắc Ninh) của Nguyễn Trãi.
Vua Lê Thái Tông mất mới 20 tuổi, nhưng đã có bốn con trai do bốn bà vợ sinh ra: bà Chiêu Nghi Dương Thị Bí sinh ra Nghi Dân; bà thần phi Nguyễn Thị Anh sinh ra Hoàng tử Bang Cơ; bà Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Giao sinh ra Hoàng tử Tư Thành (sau là vua Lê Thánh Tông) và một bà vợ khác sinh ra Cung Vương Khắc Xương.
Niên hiệu: - Thái Hoà (1443-1453) - Diên Ninh (1454-1459)
Lê Nhân Tông tên huý là Bang Cơ, con thứ của Lê Thái Tông, sinh ngày 9 tháng 6 năm Tân Dậu (1441), ngày 16 tháng 11 năm Tân Dậu (1441), được lập là Hoàng Thái Tử, ngày 12 tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442) lên ngôi vua đổi niên hiệu là Thái Hoà, lúc đó Lê Nhân Tông mới 2 tuổi, Thái hậu Tuyên Từ phải buông rèm nhiếp chính.
Tháng 11 năm Quý Dậu (1453) Vua đã 12 tuổi, Thái hậu trả quyền chính cho Vua lui về ở cung riêng. Vua đổi niên hiệu là Diên Ninh, đại xá cho thiên hạ. Người đời bấy giờ ca ngợi tài năng và đức độ của Vua.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi: "Vua tuổi còn thơ ấu đã có thiên tư sáng suốt, vẻ người tuấn tú, đàng hoàng, dáng điệu nghiêm trang, sùng đạo Nho, nghe can gián, thương người làm ruộng, yêu muôn dân, thực là bậc vua giỏi, biết giữ cơ đồ, không may bị cướp ngôi, giết hại. Thương thay!".
Trước kia Dương Thị Bí là mẹ Nghi Dân có tội với Lê Thái Tông, nên Nghi Dân không được lập làm thái tử, mới ngầm chứa mưu gian nhòm ngó ngôi báu, cùng bọn đồng đảng là Phạm Đồn, Phan Ban, Trần Lăng cầm đầu bọn vô lại côn đồ, đêm ngày 3 tháng 10 năm Kỷ Mão (1459) bắc thang chia làm ba đường, trèo thành cửa Đông, lẻn vào cung cấm giết chết vua Lê Nhân Tông và Tuyên Từ Hoàng thái hậu.
Lê Nhân Tông bị giết lúc mới 19 tuổi, làm vua được 17 năm. Nghi Dân tự lập làm vua, nhưng chỉ 8 tháng sau lại bị các đại thần là Nguyễn Xí, Đinh Liệt xướng nghĩa giết bọn phản nghịch, giáng Nghi Dân xuống tước hầu, rồi lập Hoàng tử Tư Thành lên làm vua, đó là vua Lê Thánh Tông.
- Hồng Đức (1470-1497)
Lê Thánh Tông tự là Tư Thành có tên huý là Hạo, con trai út của Lê Thái Tông và bà Ngô Thị Ngọc Dao (con gái Thái Bảo Ngô Từ). Lê Tư Thành được sinh ra tại chùa Huy Văn (phía trong ngõ Văn Chương, Hàng Bột, Hà Nội). Sống giữa chốn dân gian từ nhỏ đến năm lên 4 tuổi, mẹ Nhân Tông buông rèm nghe chính sự, mới cho đón Tư Thành về phong làm Bình Nguyên Vương, cho ở trong cung để hàng ngày cùng vua Nhân Tông và các vương hầu khác học tập tại toà Kính Diên. Tư Thành chăm chỉ học tập, dáng dấp đoan chính, thông tuệ hơn người, được vua Nhân Tông rất yêu quý.
Lê Thánh Tông sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442), ngày 6 tháng 6 năm Canh Thìn (1460) các quan đại thần phế truất Nghi Dân, rước Tư Thành lên ngôi vua, đặt niên hiệu Quang Thuận.
Lê Thánh Tông hết lòng chăm lo việc nước: Mở khoa thi, kén chọn hiền tài ra giúp nước.
Khuyến khích sản xuất nông nghiệp, mở mang ngành nghề, mở rộng giao lưu buôn bán, ban hành chế độ quân điền.
Coi trọng việc bảo vệ biên giới quốc gia, bản đồ biên giới quốc gia Đại Việt được hoàn thành dưới triều Lê Thánh Tông.
Bộ luật Hồng Đức nổi tiếng mang niên hiệu vua Lê Thánh Tông còn lại cho đến nay là một trong những bộ luật hoàn chỉnh và có nhiều điểm tiến bộ nhất dưới thời phong kiến nước ta.
Bộ Đại Việt sử ký toàn thư do Sử quan Ngô Sĩ Liên biên soạn năm Kỷ Hợi (1479) dưới sự chỉ đạo của Vua Lê Thánh Tông.
Lê Thánh Tông còn lập ra hội Tao Đàn gồm 28 ông tiến sĩ giỏi văn thơ nhất nước thời đó gọi là: "Tao Đàn nhị thập bát tú" do Lê Thánh Tông làm nguyên súy.
Năm Canh Thìn (1470) là năm Hồng Đức nguyên niên, vua Chiêm Thành là Trà Toàn là một tên vua hung bạo, dối thần ngược dân, muốn sinh sự với nước ta.
Một mặt Trà Toàn cho người sang cầu viện nhà Minh, một mặt đem quân sang đánh phá đất Hoá Châu.
Vua Lê Thánh Tông cho sứ sang nhà Minh kể chuyện Trà Toàn làm nhiễu, rồi Ngài thân chinh cử 20 vạn quân sang đánh Chiêm Thành. Khi đến Thuận Hoá, Ngài cho đóng quân lại để luyện tập và sai người lẻn sang vẽ địa đồ nước Chiêm Thành để biết rõ chỗ hiểm yếu rồi mới tiến binh lên đánh lấy cửa Thị Nại (Bình Định).
Trà Toàn thua trận, chạy về giữ kinh thành Đồ Bàn. Quân ta kéo đến vây đánh, phá được thành, bắt được Trà Toàn.
Bấy giờ có tướng Chiêm Thành là Bô Trì Trì chạy đến đất Phan Lung, sai sứ vào cống và xưng thần. Vua Lê Thánh Tông mới chia đất đó làm ba nước: Chiêm Thành, Hoà Anh và Nam Phan.
Còn đất Đồ Bàn, đất Đại Chiêm và đất Cổ Luỹ thì vua Lê Thánh Tông lấy để lập thêm đạo Quảng Nam có 3 phủ, 9 huyện, rồi đặt quan cai trị, và chọn dân đinh từ 15 tuổi trở lên, ai là người thông minh, ham học thì cho làm sinh đồ, để dạy cho sự học hành về lễ nghĩa...(1)
Ngày 30 tháng 1 năm Đinh Tỵ (1497), Lê Thánh Tông mất, ở ngôi 38 năm, thọ 56 tuổi, táng ở Chiêu Lăng.
Xem những công việc của vua Lê Thánh Tông trong 38 năm trị vì thì Ngài thật là đấng anh quân. Những sự văn trị và võ công ở nước ta không có đời nào thịnh hơn đời Hồng Đức. Nhờ có vua Lê Thái Tổ thì giang sơn nước Đại Việt mới còn và nhờ có vua Lê Thánh Tông thì nền văn hoá nước ta mới thịnh, cho nên nhân dân ta không bao giờ quên công đức hai vị vua đó.
Niên hiệu: Cảnh Thống (1498-1504)
Lê Hiến Tông còn có tên huý là Huy, con trưởng của Lê Thánh Tông và mẹ là Trường Lạc Thánh Từ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Hằng, con gái thứ hai của Trình Quốc Công Đức Trung (quê ở Gia Miêu, Tống Sơn, Thanh Hoá).
Lê Hiến Tông sinh ngày 10 tháng 8 năm Tân Tỵ (1461). Tháng 2 năm Đinh Tỵ (1497) lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Cảnh Thống.
Lê Hiến Tông là một ông vua thông minh hoà hậu, thường khi bãi triều rồi, vua ra ngồi nói chuyện với các quan lời lẽ ôn hoà, sắc mặt vui tươi. Cách cai trị nhàn hạ ung dung mà thiên hạ răm rắp tuân theo lệnh.
Vua chú trọng đặc biệt đến thuỷ lợi, chăm sóc bảo vệ đê điều, bắt đào sông khơi ngòi, đắp đường làm xe nước, để tiện việc sản xuất nông nghiệp. Việc văn học cũng vậy, không bao giờ trễ nải.
Ngày 24 tháng 5 năm Giáp Tý (1504), Hiến Tông mất, thọ 44 tuổi, ở ngôi 7 năm. Niên hiệu: Thái Trinh (1504)
Lê Túc Tông tên huý là Lê Thuần, là con trai thứ ba của Lê Hiến Tông, mẹ là Trang Thuận Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Hoàn, quê ở Bình Lăng, Thiên Thi, nay là Ân Thi, Hưng Yên. Túc Tông sinh ngày 3 tháng 8 năm Mậu Thân (1488).
Lê Túc Tông ham học hỏi, thân người hiền, vui điều thiện, đúng là một vị vua giỏi giữ nghiệp thái bình.
Tháng 11 năm 1504, mắc bệnh nặng, biết không qua khỏi mới mời các quan triều thần đến để chỉ định người anh thứ hai là Lê Tuấn lên ngôi vua. Ngày 7-12-1504, vua Túc Tông mất, ở ngôi được 6 tháng, thọ 17 tuổi.
Niên hiệu: Đoan Khánh (1505-1509)
Lê Uy Mục tên huý là Tuấn, sinh ngày 5 tháng 5 năm 1488, mẹ là Chiêu Nhân Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Cận, người làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn (Bắc Ninh), lên ngôi vua ngày 22 tháng 1 năm 1505, đặt niên hiệu là Đoan Khánh.
Lê Uy Mục từ khi lên ngôi vua, ham rượu chè, gái đẹp, thích giết người, tin dùng người họ mẹ.
Sự tàn bạo quá đáng của Lê Uy Mục đã gây bất bình trong dân chúng và triều thần, đương thời gọi là "Vua quỷ".
Tháng 11 năm 1509, Giản Tu Công Oanh tự xưng là Cẩm Giang vương ở Tây Đô (Thanh Hoá) đưa quân về chiếm Đông Kinh (Hà Nội) bắt được và bức Lê Uy Mục tự tử tháng 12 - 1509.
Lê Uy Mục ở ngôi được 4 năm, thọ 24 tuổi. Niên hiệu: Hồng Thuận (1510-1516)
Lê Tương Dực tên huý là Oanh, là cháu nội của vua Lê Thánh Tông, con thứ hai của Kiến Vương Lê Tân và bà Huy Từ Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Tuyên, người làng Thuỷ Chú, huyện Lôi Dương (Tức Thọ Xuân, Thanh Hoá), sinh ngày 25 tháng 6 năm Quý Sửu (1493).
Sau khi giết Lê Uy Mục, Oanh tự lập làm vua tháng 10 năm Kỷ Tỵ (1509), đặt niên hiệu là Hồng Thuận.
Bản thân Lê Tương Dực cũng lao vào con đường ăn chơi truỵ lạc. Tháng 5-1514, nghe sàm tấu của Hiệu uý Hữu Vĩnh giết chết 15 Vương Công, cho gọi các cung nhân của triều trước vào cung để gian dâm, người đương thời gọi là "Vua lợn".
Lê Tương Dực tính hay chơi bời và xa xỉ, như sai Vũ Như Tô làm cái điện 100 nóc, xây Cửu Trùng Đài, bắt quân dân làm trong mấy năm trời không xong, mà thật là tổn hại tiền của, chết hại nhiều người.
Trịnh Duy Sản nhiều lần can ngăn, vua không nghe, còn đem Sản ra đánh bằng trượng.
Tháng 4-1516, Trịnh Duy Sản sai đâm chết Tương Dực, Tương Dực ở ngôi được 7 năm, thọ 24 tuổi.
Lê Chiêu Tông tên huý là ý, có tên nữa là Huệ, cháu bốn đời của Lê Thánh Tông, con trưởng của Cẩm Giang vương Lê Sùng và bà Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Loan, người xã Phi Bạo, huyện Thanh Chương (Nghệ An).
Lê Chiêu Tông sinh ngày 4 tháng 10 năm Bính Dần (1506).
Sau khi giết Tương Dực, Trịnh Duy Sản và Lê Nghĩa Chiêu đón Lê ý (mới 11 tuổi) về tôn làm vua, đặt niên hiệu là Quang Thiệu.
Dưới triều Lê Chiêu Tông, giặc giã nổi lên như ong, dân chúng khổ sở về cảnh loạn lạc, đầu rơi máu chảy.
Mạc Đăng Dung là một trong những người phò lập vua, bằng tài năng quân sự nổi