Thủ đô Hà Nội
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời dưới sự lãnh đạo thiên tài của lãnh tụ Nguyễn ái Quốc, dân tộc ta đã làm cuộc khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám (19-8-1945) thành công, đánh đổ phát xít Nhật và đế quốc Pháp. Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố trước quốc dân và thế giới: nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Tuyên ngôn nêu rõ:
... Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do...
"... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy(1)".
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên Ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử (Đây chính là bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ ba của Tổ quốc ta) lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - thủ đô Hà Nội.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, mở đầu một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc ta;
Kỷ nguyên Độc lập, Tự do và Chủ nghĩa Xã hội.
Giành được độc lập, ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: "Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không có quyền hưởng tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiếu pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng
tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống, v. v..."(1)
Một Uỷ ban dự thảo hiến pháp được thành lập theo Sắc lệnh số 34-SL, công bố ngày 20-9-1945, gồm 7 thành viên là: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thuỵ, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu.
Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra sôi nổi trong cả nước. Nhiều địa phương, nhất là ở Nam Bộ cuộc bầu cử đã diễn ra dưới bom đạn ác liệt của kẻ thù. Nhiều cán bộ chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ Tổng tuyển cử (riêng ở Sài Gòn, Chợ Lớn có 42 cán bộ và chiến sĩ đã hy sinh).
Cuộc Tổng tuyển cử đã được toàn dân tham gia rộng rãi, có địa phương đến 90% tổng số cử tri đi bỏ phiếu. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái dân chủ khác nhau, 43% đại biểu không đảng phái (87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ Cách mạng), 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu các dân tộc ít người.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 đánh dấu mốc phát triển đầu tiên trong tiến trình xây dựng thể chế dân chủ trên đất nước Việt Nam.
Ngày 2-3-1946, 314 đại biểu Quốc hội đã họp kỳ thứ nhất tại Nhà Hát Lớn (Hà Nội), do cụ Ngô Tử Hạ, đại biểu cao tuổi nhất, làm chủ toạ và ông Nguyễn Đình Thi làm Thư ký kỳ họp.
Quốc hội đã quyết định thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến và nhất trí bầu cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh Lãnh tụ Cách mạng Việt Nam, người sáng lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Lúc nhỏ có tên là Nguyễn Sinh Cung và Nguyễn Tất Thành. Trong nhiều năm hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn ái Quốc và nhiều tên khác (Lý Thuỵ, Anh Ba, Vương Sơn Nhi, Chàng Vương, Tống Văn Sơ, Hồ Quang, Thầu Chín)... Con của chí sĩ Nguyễn Sinh Huy (Nguyễn Sinh Sắc) và bà Hoàng Thị Loan, sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Ông xuất thân trong một gia đình Nho học yêu nước, thuở nhỏ thông minh hiếu học. Đến tuổi thiếu niên theo thân phụ vào Huế học tại trường tiểu học Đông Ba, Trường Trung học Quốc học. Đầu năm 1911, Ông bỏ học với ý định ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Trên đường vào Sài Gòn, Ông ghé Phan Thiết (thủ phủ tỉnh Bình Thuận, nay thuộc tỉnh Bình Thuận) dạy học một thời gian ngắn tại trường Dục Thanh do các nhà yêu nước lập ra. Sau Ông vào Sài Gòn lấy tên là Ba, làm phụ bếp cho tàu buôn Amiral Larouche Tréville, rồi sang Pháp tìm hiểu tình hình thế giới. Tại
đây Ông liên hệ mật thiết với các nhà yêu nước Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường... và đến các nước Anh, Đức, Mỹ... một thời gian.
Năm 1917, ông tham gia đảng Xã hội Pháp, lập Hội những người Việt Nam yêu nước để tuyên truyền và giác ngộ Việt kiều ở Pháp. Năm 1919, Ông cùng các nhà yêu nước khác gửi đến Hội nghị Versailles một yêu sách gồm 8 điểm đòi tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của người Việt Nam với tên là Nguyễn ái Quốc.
Năm 1921, Ông tham gia Đảng Cộng Sản Pháp. Tại đại hội lần thứ 2 của Đảng Cộng Sản Pháp (1923) ông được cử tham gia Chủ tịch đoàn Đại hội. ở đây Ông và các đồng chí khác xuất bản tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Cuối năm 1923, Ông sang Liên Xô với tư cách là đại biểu của nông dân các nước thuộc địa. Tại hội nghị quốc tế nông dân, Ông được bầu vào Ban chấp hành Quốc tế nông dân. Trong thời gian này, Ông đã làm việc ở Quốc tế Cộng sản và viết bài cho các báo Sự thật, Thư tín Quốc tế.
Cuối năm 1924, Ông về Quảng Châu (Trung Quốc) với tên Lý Thuỵ công tác trong phái đoàn Brodine (cố vấn của Liên Xô bên cạnh Chính phủ Quốc dân đảng Trung Quốc). Tại đây, Ông sáng lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội tập hợp các nhà yêu nước ở nước ngoài và tham gia thành lập Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức á Đông... Năm 1927, sau vụ khởi nghĩa Quảng Châu, Ông đi Liên Xô, Bỉ, Đức, Thuỵ Sĩ... Giữa năm 1928 về hoạt động ở Thái Lan và xuất bản báo Thân ái. Từ 3 đến 7-2-1930, tại bán đảo Cửu Long (Hương Cảng - Trung Quốc), Ông đại diện Quốc tế cộng sản, chủ trì hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Các năm 1930-1931, tuy ở nước ngoài Ông vẫn theo dõi, chỉ đạo phong trào Xô Viết ở Nghệ Tĩnh và các tỉnh khác. Tháng 6 năm 1932, Ông bị mật thám Anh bắt tại Hương Cảng, đến đầu năm 1933 mới được trả tự do, sau đó Ông trở lại Liên Xô học tại trường Đại học Lénine. Năm 1938, Ông về hoạt động ở Quảng Tây (Trung Quốc) trong đơn vị Bát lộ quân Trung Quốc đầu năm 1939, Ông liên lạc được với Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Đông Dương qua xứ uỷ Bắc Kỳ. Cuối năm 1940, Ông về nước, lập căn cứ ở Pắc Bó (nay thuộc tỉnh Cao Bằng) đào tạo cán bộ và trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng các hội Cứu quốc ở các địa phương để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.
Tháng 8 năm 1942, Ông lấy tên là Hồ Chí Minh rồi trở sang Trung Quốc liên lạc với các tổ chức cách mạng của người Việt Nam ở đó. Vừa đến biên giới thì bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam một năm. Trong thời gian ngồi tù Ông viết tập thơ Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù). Tháng 9 năm 1943, sau khi được trả tự do, Ông tiếp xúc với các tổ chức chống Pháp - Nhật của người Việt Nam ở Liễu Châu, bắt liên lạc được với Đảng rồi trở về nước lãnh đạo cách mạng. Cuối năm 1944. Ông thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và lập Khu giải phóng Việt Bắc chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Ngày 16-8-1945, Ông chủ toạ Hội nghị Quốc dân toàn quốc (Đại hội Quốc dân)(1). Tại Đại hội Ông được bầu làm Chủ tịch.
Ngày 25-8-1945, Ông về Hà Nội chủ toạ phiên họp của Tổng bộ Việt Minh thành lập Chính phủ lâm thời.
Ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ đọc bản Tuyên ngôn độc lập do Ông viết, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chấm dứt chính quyền phong kiến, thực dân ngự trị lâu dài trên đất nước Việt Nam. Đến ngày 19-12-1946 do sự khiêu khích của thực dân Pháp, Chủ tịch ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống Pháp. Cuộc kháng chiến kéo dài đến năm 1954 - với chiến thắng ở Điện Biên Phủ - quân Pháp bị bắt buộc ký hiệp định Genève rút quân ra khỏi Việt Nam. Đầu năm 1955, Chủ tịch từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội trước sự đón tiếp tưng bừng của nhân dân Thủ đô. Các năm 1957-1960, Chủ tịch đi thăm các nước Xã hội Chủ nghĩa nhằm thắt chặt tình hữu nghị và tổng kết vấn đề chiến lược của cách mạng thế giới.
Sau khi Mỹ can thiệp vào miền Nam và chiến tranh xảy ra ác liệt ở cả hai miền, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt (27-3-1964) nhằm tăng cường khối đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi cho cách mạng.
Trong những năm cuối đời, sức khoẻ giảm sút, Chủ tịch vẫn sáng suốt lãnh đạo nhân dân xây dựng và kháng chiến.
Ngày 2-9-1969 (lúc 9h 47 phút) Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần tại Hà Nội hưởng thọ 79 tuổi để lại sự thương tiếc khôn nguôi trong lòng nhân dân Việt Nam. Trước khi về thế giới bên kia, Chủ tịch có lời "Di chúc" về việc riêng "Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là "hoả táng" (...) Tro chia làm ba phần, bỏ vào ba cái hộp sành. Một cho miền Bắc, một hộp cho miền Trung, một hộp cho miền Nam.
Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá, tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để cho những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi".
Trong lễ Quốc tang Chủ tịch, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đọc bài "Điếu văn" trong đó có đoạn:
"Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chí Minh, người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta nhân dân ta và non sông đất nước ta".
Một tác giả khuyết danh - trước đây ở Sài Gòn - trân trọng điếu Chủ tịch:
"Thế giới đạo tiên trình, Âu Á kim vô hậu bối; Vì nhân dân xã hội, Mã liệt chi hận hữu tiên sinh".
Nghĩa:
Vì nhân của xã hội mới, sau Các Mác, Lênin chỉ có người mà thôi.
Không những là nhà cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn một nhà văn, một nhà lý luận uyên thâm. Ông còn để lại cho đời các tác phẩm nổi tiếng:
- Đường Kách mệnh
- Bản án chế độ thực dân Pháp - Con rồng tre
- Nhật ký trong tù - Tuyên ngôn độc lập - Sửa đổi lề lối làm việc ...
Và một số lớn thơ văn khác.
Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền của nhân dân ta còn non trẻ, đã phải đương đầu với những khó khăn cực kỳ to lớn và quyết liệt.
Nạn đối đầu năm 1945, do đế quốc Pháp và phát xít Nhật gây ra, đã cướp đi sinh mạng của 2 triệu đồng bào ta thì nguy cơ một nạn đói mới đang đe dọa nhân dân ta.
Các "di sản" văn hoá lạc hậu của chế độ thực dân để lại khá nặng nề: hơn 90% dân ta mù chữ, các tệ nạn nghiện rượu, hút thuốc phiện, mê tín dị đoan, cờ bạc, đĩ điếm, v. v... rất trầm trọng và phổ biến, ở miền Bắc hai chục vạn quân Tưởng Giới Thạch kéo vào mượn tiếng tước vũ khí quân đội Nhật, mở đường cho thực dân Pháp cướp lại nước ta một lần nữa. Ngày 23-9-1945, Pháp gây hấn ở Sài Gòn rồi lần lượt chiếm đánh miền Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ.
Giặc ngoài, thù trong, khó khăn chồng chất khó khăn đè nặng lên đất nước ta, đặt chính quyền cách mạng trước một tình thế "ngàn cân treo sợi tóc!".
Trọng trách nặng nề đối với dân tộc đã giao phó cho Đảng và Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã chèo lái con tàu cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn thác ghềnh nguy hiểm.
Trung ương Đảng và Hồ Chủ Tịch đã ra chỉ thị quan trọng Kháng chiến, Kiến quốc, kêu gọi toàn Đảng, toàn dân ra sức phấn đấu nhằm giữ vững quyền độc lập tự do, bảo vệ chế độ mới.
Khẩu hiệu là "Dân tộc trên hết", "Tổ quốc trên hết". Kẻ thù chính của dân tộc ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược. Nhiệm vụ lúc này là: Chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.
Nước Việt Nam cần hoà bình để kiến thiết đất nước, bởi vậy Việt Nam đã phải nhân nhượng ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 và Tạm ước 14-9-1946 để đẩy 20 vạn quân Tưởng ra khỏi đất nước. Tháng 11-1946, giặc Pháp đã đánh chiếm Hải Phòng và Lạng Sơn. ở Hà Nội, chúng liên tiếp nổ súng, ném lựu đạn ở nhiều nơi, đặc biệt 17-12-1946 chúng đã tàn sát đẫm máu đồng bào ta ở Hàng Bún và Yên Ninh.
Việt Nam ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới. Chúng âm mưu cướp nước ta, bắt dân ta làm nô lệ cho chúng một lần nữa.
Ngày 19-12-1946, Hồ Chủ Tịch kêu gọi toàn quốc kháng chiến, thế là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta suốt hơn 9 năm gian khổ bắt đầu.
Ngay giữa lúc tiếng súng kháng chiến đang rền vang ở Hà Nội và trên toàn quốc, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi khắp cả nước. Người kêu gọi:
"Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!
Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta.
Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm!"
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hịch cứu nước, là tiếng gọi của non sông đất nước, động thấu trái tim và khối óc của mọi người Việt Nam yêu nước, khơi dậy mạnh mẽ chủ nghĩa dân tộc, truyền thống anh hùng bất khuất, làm cho cả nước đứng lên chiến đấu bằng sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ của người Việt Nam với mọi thứ vũ khí có sẵn, với một ý chí
"Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", với một thái độ dứt khoát "Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!".
Cuộc chiến đấu của quân dân Hà Nội với khẩu hiệu "Sống chết vì Thủ đô", với ý