Điểm trung bình của thang đo

Một phần của tài liệu Thực trạng vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em từ 6 đến 18 tuổi tại hai cơ sở chăm sóc, giáo dục trẻ mồ côi (Trang 68)

Dưới đây, chúng tôi sẽ trình bày các kết quả thu được từ báo cáo của người chăm sóc và trẻ em thông qua phiếu CBCL và YSR.

3.1.1.1. Điểm trung bình của thang đo CBCL

Điểm tổng thang đo sẽ cho ra một biến số, chúng tôi gọi là tổng điểm thô. Kết quả tổng điểm thô của toàn bộ thang đo (hay còn gọi là điểm tổng thang đo) được trình bày trong bảng dưới đây:

Bảng 3.1. Điểm trung bình của tổng thang đo CBCL

Số trường hợp Giá trị nhỏ nhất Giá trị lớn nhất ĐTB Độ lệch chuẩn 112 1 95 32.02 24.68

Kết quả nghiên cứu cho thấy: tổng điểm của thang đo CBCL dao động từ 0 đến 95 điểm, có giá trị trung bình bằng 32,02 và độ lệch chuẩn là 24.68 điểm.

ĐTB tổng thang đo trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn so với điểm tổng thang đo CBCL trong mẫu quốc gia của Trung quốc (16,1), Iran (27,5) và nhiều quốc gia khác (những quốc gia khác có ĐTB thang đo CBCL dao động trong khoảng 16,8 – 28,1) [54]. Điều đó cho thấy mức độ phổ biến của các biểu hiện vấn đề SKTT ở trẻ em trong độ tuổi từ 6 – 18 tuổi trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn so với sự phân bố các biểu hiện vấn đề SKTT trong các nghiên cứu kể trên.

Ở Việt Nam, cho đến nay chưa có kết quả điểm chuẩn CBCL cho mẫu trẻ em trên toàn quốc, tuy nhiên một số nghiên cứu sử dụng công cụ CBCL cũng đã được thực hiện nhằm đánh giá thực trạng SKTT trẻ em trong phạm vi thành phố, vùng miền, như nghiên cứu của Đặng Hoàng Minh[6], nghiên cứu của McKelvey và cộng sự [31].

Nghiên cứu của McKelvey thực hiện trên một số lượng mẫu khá lớn, 1,526 trẻ em và vị thành niên tại thành phố Hà Nội. ĐTB tổng thang đo CBCL trong nghiên cứu của McKelvey là 19,34, thấp hơn so với điểm số trung bình thang đo CBCL trong nghiên cứu của chúng tôi.

Sự khác biệt về ĐTB tổng thag đo trong các nghiên cứu kể trên và nghiên cứu của chúng tôi có thể lý giải được bởi nhóm trẻ em trong các nghiên cứu trên là nhóm

69

trẻ em bình thường, mang tính đại diện cho các quốc gia, khu vực, còn trẻ em trong nghiên cứu của chúng tôi là nhóm trẻ em đặc biệt, sớm phải trải nghiệm sự tổn thương, mất mát do bị mồ côi, hoặc bỏ rơi. Những đặc điểm riêng từ hoàn cảnh xuất thân, những chấn thương tâm lý do bị mất cha mẹ [12], điều kiện thiếu thốn trong các CSCSGD trẻ mồ côi cũng như thời điểm trước khi được đưa vào nuôi dưỡng trong các CSCSGD trẻ mồ côi khiến nhóm trẻ trong nghiên cứu của chúng tôi có những nguy cơ mắc các vấn đề SKTT cao hơn so với mẫu trẻ em trong cộng đồng.

3.1.1.2. Điểm trung bình thang đo YSR

Một điểm nhấn quan trọng trong bộ công cụ đánh giá SKTT trẻ em và vị thành niên của Achenbach là thu thập càng nhiều nguồn dữ liệu đánh giá vấn đề SKTT cho một đối tượng hoặc một nhóm đối tượng, kết quả càng có độ chính xác cao, càng phản ánh một cách phong phú đặc điểm SKTT của một nhóm, cá nhân dưới nhiều góc độ khác nhau.

Chính vì vậy, bên cạnh việc sử dụng CBCL, chúng tôi đã sử dụng thêm công cụ YSR nhằm thu thập thông tin trẻ em tự đánh giá về SKTT của bản thân. Tuy nhiên, phiếu đánh giá YSR chỉ được sử dụng để khảo sát trên nhóm trẻ từ 12 đến 18 tuổi.

Kết quả tổng điểm thô (hay tổng điểm toàn bộ thang đo) trong báo cáo của trẻ em như sau:

Bảng 3.2. Điểm trung bình của tổng thang đo YSR

Số trường hợp Giá trị nhỏ nhất Giá trị lớn nhất ĐTB (Mean) Độ lệch chuẩn (SD) 73 22 160 85.34 27.59

Kết quả nghiên cứu cho thấy: tổng điểm của thang đo YSR dao động từ 22 đến 160, có giá trị trung bình bằng 85.34 và độ lệch chuẩn bằng 27.35.

Chúng tôi đã tiến hành so sánh ĐTB tổng thang đo YSR và ĐTB tổng thang đo CBCL cho nhóm trẻ em trong độ tuổi 12 - 18 trong nghiên cứu của chúng tôi. Kết quả được biểu diễn trong bản đồ dưới đây:

70

Biểu đồ 3.1. Biểu đồ so sánh ĐTB tổng thang đo YSR và CBCL

Qua biểu đồ có thể nhận thấy, có sự chênh lệch rất lớn giữa ĐTB thang đo CBCL và YSR cho trẻ em từ 12 đến 18 tuổi. Điều đó cho thấy mức độ phổ biến của các vấn đề SKTT qua kết quả tự đánh giá của trẻ em cao hơn so với kết quả đánh giá của người lớn về SKTT của chính các em.

Sự khác biệt giữa kết quả đánh giá của người lớn và trẻ em trong nghiên cứu của chúng tôi cũng tương đồng với kết quả của nhiều nghiên cứu khác. Trong một nghiên cứu về SKTT trẻ em ở Puerto và Châu Mỹ [50], Achenbach đã so sánh giữa kết quả đánh giá của cha mẹ, giáo viên và trẻ em về SKTT của trẻ em, kết quả cho thấy trong báo cáo của trẻ em, trẻ em đánh giá mức độ phổ biến các biểu hiện vấn đề SKTT ở bản thân cao hơn kết quả đánh giá của người lớn. Trong một nghiên cứu đánh giá SKTT trẻ em tại Hy Lạp, Roussos cũng nhận được kết quả tương tự [50].

Sự khác biệt giữa kết quả đánh giá của trẻ em và người lớn về mức độ phân bố các biểu hiện vấn đề SKTT ở trẻ em nói chung cho thấy sự khác biệt trong quan điểm của trẻ em và người lớn về mức độ phổ biến và nghiêm trọng của các biểu hiện SKTT đang có tồn tại thực tế ở trẻ em.

Bên cạnh đó, thực trạng này cũng có thể được giải thích là do trẻ em là người có khả năng nhận biết rõ nhất về những biểu hiện xuất hiện ở bản thân, đặc biệt là những vấn đề về mặt cơ thể (đau bụng, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt….) và những

71

vấn đề liên quan đến cảm xúc, suy nghĩ (như buồn rầu, lo lắng, sợ hãi, cảm thấy ít hứng thú…). Trong khi đó người lớn lại thường có xu hướng quan sát, phát hiện và ghi nhớ những biểu hiện hành vi, lời nói, đặc biệt là những hành vi sai phạm của trẻ như: đánh nhau, đập phá đồ đạc… hơn những biểu hiện về mặt nội tâm của trẻ. Đặc biệt, trong những trường hợp mối quan hệ giữa trẻ em và người lớn không đủ gần gũi, an toàn, trẻ em có xu hướng giấu giếm hoặc thể hiện ngược so với nhu cầu, cảm xúc và suy nghĩ của bản thân, điều đó khiến người lớn khó nắm bắt và hiểu cảm xúc, hành vi và những vấn đề của trẻ.

Mặt khác, với thực trạng tỉ lệ người chăm sóc trực tiếp trên trẻ em là 0,1 ở Hải Phòng và xấp xỉ 0,06 ở Lâm Đồng, một mẹ nuôi, hay một bảo mẫu, một cán bộ giáo dục thường phải chăm sóc, quản lý từ 10 – 20 trẻ em, việc hiểu và nắm bắt một cách đầy đủ, chính xác đặc điểm tâm lý của các em là một thách thức đối với các cán bộ giáo dục, các mẹ nuôi. Điều đó phần nào lý giải vì sao kết quả báo cáo của trẻ em về các vấn đề SKTT của bản thân có ĐTB rất cao so với báo cáo của người chăm sóc.

Ngoài việc so sánh ĐTB toàn thang đo YSR với ĐTB thang đo CBCL cho các nhóm tuổi, chúng tôi cũng tiến hành so sánh ĐTB thang đo YSR với ĐTB thang đo YSR trong một số nghiên cứu trong và ngoài nước. Kết quả cho thấy, cùng nghiên cứu SKTT của trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12 - 18 thông qua thang đo YSR, song ĐTB tổng thang đo YSR trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn so với ĐTB tổng thang đo YSR trong nghiên cứu của Nguyễn Cao Minh (Mean = 51,99) [6]. Đồng thời ĐTB YSR trong nghiên cứu của chúng tôi cũng cao hơn ĐTB tổng thang đo YSR trên trẻ em 11 - 18 tuổi trong các CSCSGD trẻ em ở Thổ Nhĩ Kỳ (M= 55,1) [36]. Sự khác biệt trên cho thấy mức độ phổ biến của các biểu hiện vấn đề SKTT trên nhóm trẻ em trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn sự phân bố các biểu hiện vấn đề SKTT trên nhóm mẫu của hai nghiên cứu kể trên.

Sự chênh lệch ĐTB YSR trong nghiên cứu của chúng tôi và nghiên cứu của Nguyễn Cao Minh là khó tránh khỏi, có thể giải thích do sự khác biệt về đặc điểm mẫu nghiên cứu. Mẫu nghiên cứu của chúng tôi là nhóm trẻ em đặc biệt, có hoàn cảnh mồ côi, bị bỏ rơi và đang sống trong làng trẻ mồ côi và TTBTXH, còn trẻ em trong nghiên cứu của Nguyễn Cao Minh là nhóm trẻ em bình thường trong cộng

72

đồng. Sự chênh lệch ĐTB CBCL và YSR trong nghiên cứu của chúng tôi với ĐTB trong nghiên cứu của Nese Erol có thể lý giải bởi sự khác biệt về mặt văn hóa, kinh tế - chính trị của hai quốc gia, châu lục cũng như sự khác biệt trong quan điểm, nhận thức của người dân ở hai quốc gia Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề SKTT.

Tóm lại, có thể kết luận:

- Theo đánh giá của người chăm sóc thì mức độ phổ biến của các biểu hiện vấn đề SKTT ở trẻ em trong mẫu nghiên cứu của chúng tôi cao hơn so với mức độ phổ biến các biểu hiện vấn đề SKTT trong mẫu của nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước, trên nhóm trẻ mồ côi và không mồ côi.

- Trẻ em tự báo cáo có nhiều biểu hiện vấn đề SKTT ở bản thân hơn báo cáo của người lớn về mức độ phổ biến của các biểu hiện vấn đề SKTT ở các em. Nhiều nghiên cứu khác trên thế giới cũng cho kết quả tương tự.

Một phần của tài liệu Thực trạng vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em từ 6 đến 18 tuổi tại hai cơ sở chăm sóc, giáo dục trẻ mồ côi (Trang 68)