Quy trình điều tra bằng bảng hỏi

Một phần của tài liệu Thực trạng vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em từ 6 đến 18 tuổi tại hai cơ sở chăm sóc, giáo dục trẻ mồ côi (Trang 57)

Để thu thập thông tin đánh giá từ trẻ em và người chăm sóc tại hai CSCSGD trẻ mồ côi, phục vụ cho việc nghiên cứu, chúng tôi đã tiến hành theo những bước cụ thể sau:

Bước 1:Làm việc trực tiếp với Ban quản lý và các cán bộ TTBTXH Lâm Đồng và làng trẻ SOS Hải Phòng để xin phép được triển khai đánh giá SKTT trẻ em thông

qua trẻ em và các mẹ nuôi, các CBQL, CBGD tại cơ sở. Sau khi làm việc trực tiếp chúng tôi nhận được sự chấp thuận của với ban quản lý và các cán bộ hai CSCSGD trẻ mồ côi.

Bước 2: Gặp gỡ trực tiếp các trẻ em thuộc nhóm khách thể nghiên cứu

Trong buổi gặp trực tiếp chúng tôi có trình bày rõ lý do, mục đích nghiên cứu, cách thức tiến hành nghiên cứu dự kiến; mời các em hợp tác; đồng thời nhấn mạnh rõ nguyên tắc giữ bí mật khi tiến hành nghiên cứu để các em cảm thấy an toàn và sẵn sàng tham gia nghiên cứu. Chúng tôi và các cán bộ CSCSGD trẻ cũng nhấn mạnh rằng các em có quyền từ chối và việc các em từ chối sẽ không gây bất kỳ ảnh hưởng bất lợi nào đến các em.

Bước 3: Tiến hành phát phiếu điều tra

- Tiến hành điều tra trên trẻ em: Trẻ em - những em chấp thuận tham gia nghiên cứu - được phân thành từng nhóm nhỏ 5 - 10 em để tiến hành điền phiếu hỏi. Tại TTBTXH Lâm Đồng, các em được tập hợp tại Phòng sinh hoạt chung - nơi các em đến đây học bài, đọc sách và vui chơi hàng ngày. Các em được tự do lựa chọn chỗ ngồi nhưng được lưu ý rằng nên ngồi cách xa nhau để không bị ảnh hưởng và không làm ảnh hưởng đến bạn khác. Tại Làng trẻ SOS Hải Phòng, chúng tôi đến từng gia đình của các em trong làng trẻ và hướng dẫn các em làm phiếu tại nhà của mình.

Trước khi trả lời bảng hỏi, các em được hướng dẫn, giải thích kỹ về bảng hỏi và cách thức trả lời bảng hỏi. Các em một lần nữa thể hiện sự đồng ý bằng cách ký vào thư mời tham gia nghiên cứu, chúng tôi sẽ không sử dụng thông tin trong phiếu

58

trả lời của những em không ký xác nhận sự chấp thuận tham gia nghiên cứu và giữ bí mật danh tính của các em.

- Điều tra trên những người trực tiếp chăm sóc, quản lý, giáo dục trẻ tại CSCSGD trẻ: Do đặc thù về nhân sự và mô hình chăm sóc, giáo dục trẻ tại TTBTXH và làng trẻ mồ côi khác nhau nên ở mỗi cơ sở chúng tôi đã lựa chọn các nhóm cán bộ khác nhau điền phiếu đánh giá vấn đề hành vi, cảm xúc cho trẻ em. Chúng tôi lựa chọn người điền phiếu đánh giá cho từng trẻ căn cứ trên vai trò, nhiệm vụ và tần suất, mức độ tiếp xúc và tương tác với trẻ của từng cán bộ, nhân viên mỗi cơ sở.

Tại Hải Phòng, nhóm cán bộ tham gia điền phiếu đánh giá SKTT cho trẻ là các mẹ nuôi trong mỗi gia đình. Họ là người sống cùng trẻ, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho trẻ hàng ngày, có cơ hội quan sát, tương tác và thấu hiểu trẻ hơn cả so với các cán bộ khác. Điểm hạn chế lớn nhất của nhóm đối tượng này khi tham gia nghiên cứu là: Họ có quá nhiều con (mỗi mẹ có từ 8 - 10 con, con nuôi hay còn gọi là con SOS), do vậy khả năng để họ có thể quan sát và hiểu các vấn đề của trẻ có thể bị hạn chế. Bên cạnh đó mỗi mẹ sẽ có khoảng 3 - 5 con trong độ tuổi từ 6 - 18 tuổi, do vậy họ sẽ phải điền 3 - 5 phiếu cùng một khoảng thời gian. Hơn nữa, tuổi của họ khá cao (độ tuổi trung bình khoảng 50 tuổi); trình độ học vấn không cao (tốt nghiệp cấp III), công việc thường ngày ít liên quan đến sổ sách, giấy tờ nên họ có thể gặp một số khó khăn nhỏ và không thực sự hứng thú với việc đọc và điền phiếu đánh giá.

Tại TTBTXH Lâm Đồng, nhóm cán bộ được chọn tham gia nghiên cứu là các cán bộ quản lý - giáo dục (CBQLGD) chính và trực tiếp của 2 nhóm trẻ em (nhóm trẻ em từ 6 - 12 tuổi và từ 12 - 18 tuổi). Điểm mạnh của nhóm CBQLGD này là: Họ là những người trẻ, nhiệt huyết, năng động trong các hoạt động làm việc trực tiếp với trẻ, cũng như những công việc liên quan đến sổ sách, giấy tờ. Ba phần tư trong số họ sống cùng trẻ tại TTBTXH, người còn lại sống ngay gần TTBTXH; công việc chủ yếu hàng ngày là giải quyết các việc liên quan trực tiếp với trẻ và tương tác với trẻ thường xuyên. Nhưng điểm hạn chế lớn nhất của họ trong nghiên cứu là họ chỉ có bốn người nhưng phải quan sát và điền phiếu đánh giá hành vi, cảm xúc cho khoảng 30 trẻ em.

59

Chúng tôi đã cố gắng khắc phục những hạn chế trên bằng cách thảo luận với họ về ý nghĩa của những thông tin chính xác liên quan đến SKTT của trẻ, vai trò quan trọng của việc điền phiếu đánh giá một cách nghiêm túc, cẩn trọng; đồng thời hướng dẫn các mẹ, các cán bộ quản lý - giáo dục trẻ một cách tỉ mỉ; khuyến khích họ điền phiếu tại thời điểm họ minh mẫn, thoải mái hơn cả và để cho họ có nhiều thời gian hơn để điền phiếu để có thể điền một cách chính xác, không nhầm lẫn đặc điểm của trẻ này với khác. Trong quá trình điền phiếu, họ có thể hỏi chúng tôi bất kỳ vấn đề nào khiến họ băn khoăn liên quan đến việc điền phiếu hoặc nghiên cứu nói chung.

Một phần của tài liệu Thực trạng vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em từ 6 đến 18 tuổi tại hai cơ sở chăm sóc, giáo dục trẻ mồ côi (Trang 57)