Ở Việt Nam, sự nghèo đói và HIV/AIDS tiếp tục phá hủy từng kết cấu của tuổi thơ. Đối với nhiều em, lời hứa tuổi thơ như đã được nêu trong Công ước về Quyền Trẻ em cho đến nay vẫn chưa được thực hiện. Các em không được hưởng quyền có một tuổi thơ được thương yêu, chăm sóc và bảo vệ trong mái ấm gia đình hoặc được khích lệ phát triển hết khả năng của mình. Khi trưởng thành và trở thành cha mẹ, đến lượt con cái các em lại có nguy cơ bị tước đoạt các quyền đó vì các hiểm họa đối với tuổi thơ lặp lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiện nay, Việt Nam có gần 2 triệu trẻ em trong độ tuổi dưới 5 (30%) bị nhẹ cân so với tuổi; gần 10 triệu trẻ em (30%) trong tình trạng nghèo đói theo chuẩn nghèo quốc tế, 23% trẻ em dân tộc Kinh phải sống trong nghèo đói so với hơn 70% trẻ em các dân tộc thiểu số; 1.176.000 trẻ em sống trong tình trạng đói nghèo cùng cực, 23.000 trẻ em phải lao động và 16.000 trẻ em đường phố. [89]
Mặc dù Việt Nam có tỷ lệ nhiễm HIV ở người lớn tương đối thấp (0,53%), song dịch bệnh đã nhanh chóng chuyển hướng và xâm nhập vào những người dân bình thường. Hơn một nửa số trường hợp nhiễm HIV ở Việt Nam nằm trong độ tuổi 20 - 29, và cứ 10 người lại có một người dưới 19 tuổi bị nhiễm. Trẻ em cũng ngày càng có nguy cơ bị nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi AIDS dưới nhiều hình thức. Ước tính có khoảng 300.000 trẻ em bị ảnh hưởng bởi AIDS ở Việt Nam, khoảng 8.500 trẻ em trong độ tuổi từ 0 đến 15 đang sống với HIV và 22.000 trẻ mồ côi do mất cha mẹ vì AIDS. [89]
UNICEF đã giúp đỡ Việt Nam thực hiện các mục tiêu về sức khỏe và dinh dưỡng thông qua nhiều biện pháp khác nhau như:
Tăng cường sự công bằng và nâng cao khả năng tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh. UNICEF hỗ trợ Chính phủ xây dựng các chính sách, hướng dẫn và kế hoạch hành động nhằm tăng cường sự công bằng và khả năng tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh cho trẻ em, bà mẹ và các nhóm người nghèo. Việc hỗ trợ này nhằm tăng cường thực hiện các chính sách hiện hành về cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, triển khai tiêm chủng ở những vùng khó tiếp cận, đảm bảo phổ cập việc sử dụng muối i-ốt, hướng mục tiêu vào những nhóm dân cư mà từ trước đến nay chưa được quan tâm hỗ trợ đầy đủ, trong đó có các dân tộc thiểu số, tuyên truyền việc nuôi con bằng sữa mẹ. UNICEF còn hỗ trợ xây dựng các mô hình tăng cường chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ nhỏ và các bà mẹ, đặc biệt ở những vùng tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và dân nghèo thành thị.
Tăng cường tính bền vững của các chương trình y tế công cộng được thực hiện thành công như Chương trình Tiêm chủng mở rộng và phòng ngừa tình trạng thiếu các yếu tố dinh dưỡng vi lượng bằng cách tăng cường cấp kinh phí ngân sách nhà nước cho các chương trình này.
Tăng cường năng lực cho cán bộ trong ngành y tế và cộng đồng để có thể điều phối, lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi về sức khỏe và dinh dưỡng.
Phòng chống lây truyền HIV từ mẹ sang con (PLTMC): UNICEF đã hỗ trợ Chính phủ xây dựng Chương trình Hành động Quốc gia về PLTMC được triển khai thực hiện từ năm 2006. Theo Chương trình này, PLTMC sẽ được từng bước mở rộng và triển khai trên phạm vi toàn quốc vào cuối năm
2010. UNICEF còn hỗ trợ xây dựng quy trình phòng chống liên quan tới HIV và AIDS, ngăn chặn ảnh hưởng của HIV đối với trẻ em, kể cả việc phòng lây nhiễm HIV ở trẻ em, điều trị các trường hợp nhiễm trùng cơ hội và cách thức sử dụng thuốc kháng virút cho trẻ sơ sinh.