Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý

Một phần của tài liệu Điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam sau khi gia nhập WTO (Trang 78)

- Thứ năm, nhiều cơ hội mang lại từ việc thực hiện các cam kết quốc tế về đầu tư.

3.3.1. Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý

Mặc dù trong thời gian qua, Việt Nam đã được công nhận là quốc gia có sự ổn định chính trị và an toàn nhất (chưa có tệ nạn bắt cóc người nước ngoài, khủng bố...). Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam đã có 5 lần sửa đổi Luật FDI vào các năm 1990, 1992, 1996, 2000 và 2005. Những lần sửa đổi này nhìn chung đã được sự hoan nghênh, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, khiến môi trường đầu tư trở nên thông thoáng hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế hơn. Nhưng nhiều lần sửa đổi như thế cũng làm cho chính

78

sách FDI của Việt Nam trở nên không ổn định, khiến các nhà đầu tư không yên tâm khi đầu tư vào Việt Nam. Trong thời gian tới, chắc chắn chúng ta sẽ còn phải tiếp tục sửa đổi Luật đầu tư để theo kịp tình hình trong nước và quốc tế.

Hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra những chính sách, quy định ổn định, lâu dài và được áp dụng một cách bình đẳng để các doanh nghiệp có thể yên tâm lập kế hoạch kinh doanh trong tương lai cũng như trong quyết định mở rộng đầu tư. Thêm vào đó, các nhà đầu tư cũng đề nghị không nên áp dụng chính sách mới trong thời gian ngắn mà không có sự chuẩn bị truớc, nhất là khi nó tác động không thuận lợi cho đối tác đầu tư. Khi đã xác định phát triển theo nền kinh tế thị trường, cần tôn trọng quy luật thị trường và quy luật tự do thương mại. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương và nghiêm túc rà soát, sửa đổi, bổ sung, thậm chí loại bỏ các văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách kinh tế đang gây khó khăn cho các nhà đầu tư và không phù hợp với thông lệ quốc tế. Luật đầu tư chắc chắn sẽ phải sửa đổi để theo kịp tình hình trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, để những lần sửa đổi sau mang lại hiệu quả cao hơn, rất cần sự kết hợp giữa sửa đổi Luật đầu tư và các nghị định hướng dẫn ban hành kèm theo cần phải thực hiện tại cùng một thời điểm, để tránh tình trạng khi Luật có hiệu lực nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thi hành. Hơn nữa, cũng rất cần những quy định rõ ràng về đối tác đầu tư để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới của nền kinh tế. Luật rất cần thiết kế các ưu đãi cụ thể riêng biệt để thu hút các nhà đầu tư chiến lược từ các đối tác lớn, các công ty đa quốc gia, có tiềm năng lớn về công nghệ và thị trường, những đối tác thực sự có khả năng đóng góp cho Việt Nam đạt được những mục tiêu, yêu cầu nêu trên. Mặt khác cũng cần có những quy định rõ ràng về mặt pháp lý để ngăn chặn những luồng vốn đầu tư không mong muốn, để tránh tình trạng Việt Nam trở thành bãi thải công nghiệp khi tiếp nhận nguồn vốn FDI.

Bên cạnh đó, việc rà soát và bổ sung các văn bản luật pháp liên quan đến đầu tư nước ngoài cần tiến hành cụ thể như sau:

79

+ Huỷ bỏ các luật và các nghị định không còn cần thiết và không còn tác dụng trên phạm vi quốc gia;

+ Đề ra danh mục các dự án thu hút FDI theo chiều hướng trọng điểm hơn theo hướng ưu tiên đầu tư phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn và các vùng sâu, vùng xa;

+ Luật đầu tư cũng cần có những sửa đổi theo hướng tránh phân biệt đối xử các thành phần kinh tế, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư. Hình thức đầu tư cũng nên được nới lỏng hơn nữa để phù hợp với thông lệ quốc tế và nên có những ưu đãi nhiều hơn trong việc thu hút vốn FDI vào lĩnh vực nông lâm thuỷ sản. Các điều khoản của luật cần phải cụ thể hoá và chi tiết hơn nữa, tránh tình trạng luật quy định chung chung và phải kéo theo nhiều văn bản dưới luật gây ách tắc trong triển khai và thực hiện dự án, tăng chi phí và nảy sinh tiêu cực.

+ Cần ban hành các quy chế quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu thiết bị, cơ chế giám định kỹ thuật và công nghệ; thẩm định giá cả thiết bị nhập khẩu; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xuất nhập khẩu và gắn trách nhiệm quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

+ Cần xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả quy chế hoạt động tài chính của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ban hành các chuẩn mực kế toán, kiểm toán phù hợp với quy định pháp luật trong nước và quốc tế để tạo dựng một nền tài chính minh bạch rõ ràng giúp các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động thuận lợi; Cần luật hoá các quy định khuyến khích và đảm bảo đầu tư nước ngoài nhằm đảm bảo hiệu lực pháp lý, duy trì ổn đinh các chính sách ưu đãi và đảm bảo đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

+ Chính phủ nên có sự rà soát lại các loại thuế bất hợp lý so với thông lệ quốc tế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tiến tới thực hiện đồng bộ các sắc thuế bằng cách xây dựng một chính sách thuế thống nhất áp dụng cho mọi doanh nghiệp không phân biệt thành phần kinh tế, doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này đòi hỏi phải hoàn chỉnh lại nội dung các chính

80

sách thuế sau: thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, ban hành thuế thu nhập cá nhân thay thế cho thuế thu nhập đối với những người có thu nhập cao để áp dụng chung cho nguời trong nước và người nước ngoài; Cần sáp nhập thuế sử dụng đất nông nghiệp với thuế nhà, đất vào một loại thuế gọi là thuế sử dụng đất. Căn cứ tính thuế nên dựa vào diện tích, thuế suất và giá tính thuế. Thuế đánh vào đất ở nên thấp hơn đất kinh doanh, đất xây dựng công trình...; Cần nghiên cứu ban hành một số loại thuế mới như thuế môi trường, thuế xây dựng đô thị, thuế tài sản... nhằm tăng thu ngân sách cho nhà nước, giảm bao cấp.

+ Để cắt giảm chi phí, ngoài việc cải cách và sửa đổi các chế độ thuế, chính phủ cũng cần phải nâng cấp kết cấu hạ tầng hiện có để tránh thất thoát điện, nước, cước phí điện thoại, tăng chi phí vận tải và các loại chi phí khác. Một trong những biện pháp hữu hiệu mang lại sự cắt giảm chi phí nhanh và mạnh nhất là xoá bỏ cơ chế độc quyền trong một số ngành điện, nước, viễn thông, vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không, xăng dầu...và giao cho tư nhân hoặc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia quản lý. Cơ chế quản lý năng động với tiềm lực về vốn, công nghệ từ các công ty tư nhân (có thể là công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài, công ty nước ngoài hoạt động dưới hình thức BOT..) sẽ giúp cho việc nâng cấp và hiện đại hoá các kết cấu hạ tầng hiện có, tạo điều kiện thuận lợi để giảm bớt chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Hiện tại, ở Việt Nam, lĩnh vực cơ sở hạ tầng được bảo hộ rất mạnh. Sự độc quyền trong nhiều lĩnh vực đã giúp các doanh nghiệp được bảo hộ tự quyết định giá cả các loại dịch vụ. Nói như vậy thì không hẳn là đúng. Khu vực doanh nghiệp nhà nước ở Việt nam vốn là khu vực cồng kềnh, kém năng động nhất, do vậy các thiết bị và cơ sở vật chất của các doanh nghiệp thường lạc hậu hơn nhiều so với thế giới. Điều đó làm phát sinh chi phí, đội giá cả lên mức cao hơn bình thường, và làm cho sản xuất kinh doanh càng trì trệ.

+ Ngoài ra, để khuyến khích các doanh nghiệp FDI đầu tư vào các bí quyết kỹ thuật, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp..., cần bổ sung các quy định pháp lý, đặc biệt là

81

các quy định hướng dẫn riêng để tránh tình trạng đánh cắp bản quyền như nhãn hiệu hàng hoá, bằng sáng chế, giống cây trồng mới và các quyền liên quan... Bên cạnh đó, chính phủ cũng cần có các biện pháp tăng cường năng lực chống hàng giả, phát hiện và huỷ bỏ các sản phẩm kinh doanh không lành mạnh vi phạm sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế...

Để hạn chế một phần rủi ro, đặc biệt trong các dự án FDI đầu tư trong lĩnh vực nông lâm thuỷ sản (những lĩnh vực đòi hỏi phải có vùng nguyên liệu phát triển như cao su, mía, gỗ...), chính phủ cùng phối hợp với nhà đầu tư xây dựng và thực hiện một số chương trình: chương trình phổ biến khuyến nông, chương trình cung cấp giống năng suất cao, chương trình đầu tư thuỷ lợi hoá, ngăn lũ cho vùng nguyên liệu, trợ giá phân bón, thuốc trừ sâu...

Một phần của tài liệu Điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam sau khi gia nhập WTO (Trang 78)