Sau chiến tranh lạnh, thế giới đã và đang tồn tại những tiền đề khách quan cho việc hình thành một thế giới tương lai hòa bình, ổn định, an ninh và dân chủ hơn. Những tiền đề đó được kể đến là những thành tựu kỳ diệu của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, là xu thế hợp tác phát triển, là xu hướng toàn cầu hóa làm gia
tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia… Nhìn chung, các nước đều điều chỉnh chiến lược, chính sách nhằm giành cơ hội thuận lợi để phát triển đất nước và xác lập vị trí tốt nhất theo khả năng trong cộng đồng thế giới.
Tuy nhiên, như đã phân tích, tình hình thế giới 10 năm sau khi chiến tranh lạnh kết thúc vẫn diễn biến rất phức tạp. Học giả Mỹ Paul Kennedy nhận xét: Điều hiển nhiên là “chiến tranh lạnh” đã kết thúc, song thế giới đứng trước không phải là “một trật tự thế giới mới” mà là một hành tinh đầy nhiễu nhương và tan tác. Điều này hoàn toàn đúng với nhiều khu vực, đặc biệt ở Trung Đông và Tây - Nam Á. Hệ thống các quan hệ quốc tế có những đảo lộn với những biến chuyển sâu sắc dẫn đến thay đổi vị thế của nhiều quốc gia và sự tập hợp lực lượng mới trên thế giới. Vậy, trật tự nào cho thế giới? hay thế giới sẽ ra sao? Đó là những câu hỏi được các chính trị gia và các học giả khắp nơi đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu và đưa ra nhiều phương án dự đoán rất khác nhau.
Các nhà lãnh đạo nước Nga đứng đầu là Tổng thống V.Putin đã căn cứ vào tình hình hiện tại và dự báo tương lai để đưa ra các khuynh hướng của quan hệ quốc tế cũng như xác định vị trí của Liên bang Nga trong cộng đồng thế giới. Theo Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga năm 2000, đặc điểm tình hình thế giới là hệ thống các mối quan hệ quốc tế đang biến đổi năng động. Kỷ nguyên đối đầu lưỡng cực kết thúc làm nảy sinh hai khuynh hướng trái ngược nhau:
Khuynh hướng thứ nhất: Nhiều nước và các tổ chức liên kết các nước đó đang cố gắng củng cố vị thế kinh tế, chính trị, hoàn thiện cơ chế quản lý đa phương đối với các diễn biến quốc tế. Theo khuynh hướng này, các yếu tố kinh tế, chính trị, khoa học - kỹ thuật, môi trường sinh thái và thông tin ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn.
Khuynh hướng thứ hai thể hiện qua mưu toan thiết lập cơ chế các mối quan hệ quốc tế dựa trên các nước phát triển phương Tây đứng đầu là Mỹ thống trị cộng đồng quốc tế, toan tính đơn phương và dùng vũ lực giải quyết các vấn đề mấu chốt
của thế giới, coi thường những chuẩn mực cơ bản của Luật pháp quốc tế. Sự hình thành các mối quan hệ quốc tế dẫn đến tình trạng cạnh tranh cũng như dẫn đến tham vọng của một loạt các quốc gia muốn tăng cường ảnh hưởng của mình đối với nền chính trị thế giới bằng cách chế tạo vũ khí giết người hàng loạt. Theo khuynh hướng này, vũ lực vẫn còn ý nghĩa đáng kể trong quan hệ quốc tế.
Các nhà lãnh đạo Liên bang Nga cho rằng, nước Nga sẽ thúc đẩy việc hình thành ý tưởng thiết lập một thế giới đa cực theo khuynh hướng thứ nhất. Trong tương lai, nước Nga sẽ liên kết rộng rãi hơn với nền kinh tế quốc tế, mở rộng hợp tác với các tổ chức kinh tế - tài chính thế giới. Về mặt khách quan, lợi ích chung của Nga cũng như của nhiều nước khác vẫn tiếp tục được duy trì trong lĩnh vực an ninh quốc tế như: chống lại việc phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, ngăn chặn và giải quyết các cuộc xung đột khu vực, đấu tranh chống khủng bố quốc tế và buôn bán ma túy, giải quyết các vấn đề sinh thái toàn cầu đang trở nên nghiêm trọng trong đó có việc bảo đảm an toàn hạt nhân và phóng xạ. Bên cạnh đó, Liên bang Nga vẫn nhận định rằng có một số nước đang tăng cường các hoạt động nhằm làm suy yếu vị thế của nước Nga về chính trị, kinh tế, quân sự cũng như trong nhiều lĩnh vực khác. Những ý đồ coi thường lợi ích của Nga trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế lớn, kể cả các cuộc xung đột, có thể làm tan vỡ nền an ninh và ổn định quốc tế cũng như kìm hãm những thay đổi tích cực đang diễn ra trong quan hệ quốc tế.
Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga khẳng định rõ Liên bang Nga hiện tại là một trong những nước lớn nhất trên thế giới với lịch sử lâu đời và truyền thống văn hóa phong phú. Mặc dù tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp và những khó khăn trong nội bộ về nhiều mặt, nhưng với tiềm năng kinh tế, khoa học kỹ thuật và quân sự cũng như vị trí chiến lược ở lục địa Âu - Á, Liên bang Nga đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các diễn biến quốc tế.