Để các biện pháp của nhà nước về đảm bảo an ninh quốc gia đạt hiệu quả, ngoài việc khắc phục khó khăn hướng tới tăng trưởng kinh tế, nhà nước Liên bang Nga cần phải ổn định về chính trị - xã hội. Cơ sở cho sự ổn định đó chính là sự đồng thuận của xã hội theo hướng củng cố nhà nước Liên bang, bảo vệ chế độ hợp hiến, đấu tranh chống tội phạm trong nước. Đây là những điều kiện quan trọng cho việc đảm bảo an ninh quốc gia Liên bang Nga trong lĩnh vực đối nội.
Nhiệm vụ hết sức quan trọng góp phần giữ ổn định nội trị và thống nhất đất nước là làm cho lợi ích các dân tộc trong nuớc xích lại gần nhau, phát triển quan hệ hợp tác toàn diện giữa các dân tộc. Nhà nuớc cần thực hiện chính sách dân tộc cũng như chính sách đối với các địa phương một cách hợp lý và trách nhiệm. Đây chính là cơ sở chính sách đối nội của nhà nước để nước Nga thực sự là nhà nước Liên bang dân chủ và đa dân tộc.
Để ổn định chính trị - xã hội của quốc gia, nhà nước cần hoạch định và thực hiện đường lối đồng bộ khi giải quyết các vấn đề pháp lý, kinh tế, xã hội và chính sách dân tộc trên cơ sở quán triệt lợi ích quốc gia của Nga cũng như của các chủ thể nằm trong Liên bang.
Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga đã nêu ra các hướng chính về bảo vệ chế độ hợp hiến: “Đặt Luật pháp Liên bang Nga ở vị trí cao nhất, trên cơ sở đó hoàn thiện luật pháp của các chủ thể thuộc Liên bang; Hoạch định các cơ chế tổ chức và pháp lý về bảo vệ sự toàn vẹn của nhà nước, thống nhất không gian pháp lý và các lợi ích quốc gia của nước Nga; Đề ra và thực hiện chính sách địa phương để đảm bảo cân bằng cao nhất lợi ích giữa trung ương và các khu vực; Hoàn thiện cơ chế phòng ngừa nguy cơ hình thành các đảng phái chính trị và tổ chức xã hội theo đuổi các mục đích ly khai và phản Hiến pháp, chặn đứng mọi hoạt động của các đảng phái và tổ chức này; Tập trung mọi nỗ lực đấu tranh chống tội phạm và tham nhũng. Nước Nga cần phải loại bỏ những nguyên nhân kinh tế - chính trị phát sinh
những hiện tượng nguy hiểm đối với xã hội, đề ra các biện pháp đồng bộ hữu hiệu bảo vệ cá nhân, xã hội và nhà nước; Cần ưu tiên hình thành các biện pháp phòng ngừa và giáo dục công dân tuân theo pháp luật. Những biện pháp này phải quán triệt mục đích bảo vệ quyền, tự do, đạo đức và sở hữu của mỗi cá nhân không phân biệt địa vị xã hội, dân tộc, quốc tịch, ngôn ngữ, nơi cư trú, tín ngưỡng, quan điểm chính trị cũng như những điều kiện khác”[Phụ lục 4].
Hiến pháp Liên bang đã quy định nguyên tắc chính quyền là của nhân dân mà tất cả các cơ quan chính quyền nhà nước cần thực hiện chức năng và phối hợp hài hoà với nhau, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của các cơ quan dân cử, tuân thủ nghiêm ngặt hệ thống chính quyền hành pháp ngành dọc và hệ thống tư pháp thống nhất. Để bảo vệ chế độ hợp hiến phải căn cứ vào nguyên tắc Hiến pháp quy định về phân chia quyền lực, phân định rõ hơn thẩm quyền giữa các thiết chế nhà nước, củng cố thể chế Liên bang bằng cách hoàn thiện quan hệ với các chủ thể thuộc Liên bang theo khuôn khổ Hiến pháp đã xác định quy chế cho mỗi chủ thể.
Trong cuộc đấu tranh chống tội phạm, những nhiệm vụ quan trọng được xác định trong văn kiện Chiến lược an ninh quốc gia năm 2000 là: “Phát hiện, loại trừ, ngăn chặn nguyên nhân và điều kiện nảy sinh tội phạm; Tăng cường vai trò của nhà nước đảm bảo an ninh cho cá nhân và xã hội, xây dựng nền tảng pháp lý cần thiết và cơ chế áp dụng để thực hiện nhiệm vụ này; Củng cố hệ thống cơ quan bảo vệ pháp luật, trước hết là các cơ quan đấu tranh chống tội phạm có tổ chức và khủng bố, tạo điều kiện cho các cơ quan đó hoạt động hiệu quả; Thu hút các cơ quan chính quyền nhà nước trong khuôn khổ quyền hạn của mình tham gia vào việc phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật; Thiết lập quan hệ hợp tác quốc tế trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật, trước hết với các nước SNG” [Phụ lục 4].
Để thực hiện được những nhiệm vụ trên, điều quan trọng là các quyết định và biện pháp mà các cơ quan chính quyền áp dụng phải công khai, cụ thể và dễ hiểu
đối với mỗi công dân, mang tính nhắc nhở, đảm bảo sự bình đẳng của mọi người dân trước pháp luật. Đề phòng và đấu tranh chống tội phạm, trước hết cần phát triển nền tảng pháp lý làm cơ sở vững chắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời phải tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế của nước Nga trong lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm và bảo vệ quyền con người. Ở đây, điều quan trọng là phải loại trừ các sơ hở trong luật pháp, khủng hoảng trong kinh tế, xã hội, chính trị - những môi trường nuôi dưỡng tội phạm.
Để ngăn ngừa tham nhũng trong bộ máy chính quyền và khắc phục những kẽ hở có thể bị lợi dụng để hợp thức hoá thu nhập bất hợp pháp, nhà nước cần lập ra một hệ thống kiểm soát tài chính hữu hiệu, hoàn thiện các biện pháp về hành chính, dân sự và hình sự, lập ra cơ chế kiểm tra tài sản và những nguồn thu của người có chức quyền và các viên chức nhà nước khác không phụ thuộc vào hình thức sở hữu cũng như phải kiểm tra sự phù hợp giữa thu và chi của họ.