Đảm bảo an ninh biên phòng, thông tin, quân sự và phòng chống tội phạm quốc tế

Một phần của tài liệu Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga duới chính quyền tổng thống V. PUTIN 2000-2008 (Trang 52 - 56)

phạm quốc tế

Các lĩnh vực biên phòng, thông tin, quân sự, đấu tranh chống tội phạm quốc tế là các lĩnh vực được nhà nước Liên bang Nga quan tâm đề ra những nhiệm vụ chủ yếu trong hoạt động đối nội và đối ngoại nhằm bảo đảm an ninh quốc gia.

* Đảm bảo an ninh biên phòng

Nhà nước Liên bang Nga đã xác định vị trí địa lý - chính trị, diện tích lãnh thổ của Nga có ý nghĩa đặc biệt trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến

đảm bảo lợi ích và an ninh quốc gia Liên bang Nga. Vì vậy, Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga đã nêu ra các nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực đảm bảo an ninh biên phòng.

Trong hoạt động đối nội, nhiệm vụ xây dựng nền tảng pháp quy là nhiệm vụ cần thiết hàng đầu cho việc đảm bảo an ninh biên phòng của toàn Liên bang. Sự hoàn thiện các văn bản pháp luật về biên giới quốc gia của Liên bang Nga, sự hình thành cơ sở pháp lý quốc tế về biên giới quốc gia và phân định lãnh thổ giữa Nga và các nước láng giềng là điều kiện tiên quyết cho việc đảm bảo lợi ích và an ninh quốc gia trên biên giới và trong lòng lãnh thổ Liên bang Nga.

Trong hoạt động đối ngoại, các nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an ninh biên phòng của nước Nga được đề ra trong Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga năm 2000 là:

“- Phát triển hợp tác biên phòng liên quốc gia;

- Chống lại sự bành trướng kinh tế, dân số, văn hoá và tôn giáo từ các nước khác sang lãnh thổ Nga;

- Ngăn chặn hoạt động của các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia cũng như tình hình nhập cư trái phép;

- Thực hiện các biện pháp tập thể về đảm bảo an ninh biên giới của các nước thành viên SNG.” [Phụ lục 4]

* Đảm bảo an ninh thông tin

Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga đã khẳng định: Trong điều kiện xã hội thông tin hiện đại ngày nay và sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin càng làm tăng thêm sự cần thiết phải đảm bảo an ninh quốc gia trong lĩnh vực này.

Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực an ninh thông tin của Liên bang Nga là thực hiện các quyền tự do hợp Hiến của công dân trong lĩnh vực hoạt

động thông tin. Đây là nhiệm vụ mới được Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga nêu ra so với Học thuyết an ninh quốc gia Liên bang Nga (1997).

Các nhiệm vụ nhằm bảo vệ an ninh thông tin trong khu vực nhà nước là hoàn thiện và bảo vệ mạng lưới thông tin trong nước, liên kết với không gian thông tin thế giới, chống nguy cơ gây đối đầu về lĩnh vực thông tin. Nước Nga cần hoàn thiện cấu trúc thông tin, tăng cường sự phát triển công nghệ thông tin, tiêu chuẩn hóa các thiết bị dò tìm, thu thập, lưu trữ, xử lý và phân tích thông tin cùng với sự gia nhập vào cấu trúc thông tin toàn cầu.

* Đảm bảo an ninh quân sự

Theo Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga, đảm bảo an ninh quân sự của Liên bang Nga là hướng quan tâm trọng yếu nhất của nhà nước. Mục đích chính là đảm bảo khả năng phản ứng thích hợp đối với những nguy cơ có thể nảy sinh trong thế kỷ XXI với chi phí quốc phòng hợp lý.

Nhiệm vụ hết sức quan trọng là kiềm chế và ngăn chặn các cuộc xâm lược chống Nga và các đồng minh của Nga ở mọi quy mô. Trong những trường hợp cần thiết, nước Nga sẽ xem xét khả năng sử dụng sức mạnh quân sự để đảm bảo an ninh quốc gia. Liên bang Nga sẽ sử dụng các lực lượng và phương tiện sẵn có, kể cả vũ khí hạt nhân trong trường hợp cần chống trả hành động xâm lược vũ trang, nếu đã áp dụng mọi biện pháp giải quyết tình hình khủng hoảng và các biện pháp đó không còn tác dụng.

Trường hợp nảy sinh nguy cơ dùng bạo lực để thay đổi chế độ hợp hiến, sự toàn vẹn lãnh thổ, hoặc đe doạ sinh mạng và sức khoẻ công dân cũng là những trường hợp có thể sử dụng sức mạnh quân sự ở trong nước và phải hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp và pháp luật Nga.

Trong việc ngăn chặn chiến tranh và các cuộc xung đột vũ trang, Liên bang Nga coi trọng các giải pháp chính trị, ngoại giao, kinh tế và các giải pháp phi quân sự khác. Song lợi ích quốc gia đòi hỏi phải có sức mạnh quân sự đủ để đảm bảo

quốc phòng. Nước Nga phải có lực lượng hạt nhân đảm bảo có thể tấn công gây hậu quả định trước cho bất cứ quốc gia hoặc liên minh quốc gia xâm lược nào trong mọi tình huống. Liên bang Nga cần tạo những điều kiện cần thiết để tổ chức các nghiên cứu khoa học ưu tiên cho các nghiên cứu cơ bản, dự báo và có tính phát hiện nhằm xây dựng được một cơ sở khoa học kỹ thuật đón đầu và có triển vọng đáp ứng lợi ích quốc phòng và an ninh của đất nước.

Các lực lượng vũ trang Nga đóng vai trò chính trong đảm bảo an ninh quân sự của Nga. Trong thời bình, các lực lượng vũ trang Nga phải đủ khả năng bảo vệ chắc chắn đất nước khi bị tấn công cả trong không trung - vũ trụ. Mặt khác, các lực lượng vũ trang phải có sự phối hợp với nhau giải quyết các nhiệm vụ chống xâm lược cả khi có chiến tranh cục bộ (các cuộc xung đột vũ trang), cũng như triển khai chiến lược để thực hiện nhiệm vụ của chiến tranh quy mô lớn. Đồng thời phải đảm bảo cho nước Nga thực hiện hoạt động kiến tạo hoà bình.

* Đấu tranh chống tội phạm quốc tế

Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga đã đề cập đến nguy cơ tội phạm quốc tế mà đặc biệt là chủ nghĩa khủng bố. Đấu tranh với chủ nghĩa khủng bố và các loại tội phạm quốc tế khác như ma túy, buôn lậu là một bộ phận quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc gia Liên bang Nga cũng như đảm bảo an ninh toàn cầu nói chung. Tình hình khủng hoảng về kinh tế và xã hội, sự xuất hiện mâu thuẫn trong quan hệ quốc tế, các vấn đề tranh cãi khu vực và quốc tế cùng với việc chưa hoàn thiện hệ thống luật pháp chuẩn… là những điều kiện cho sự xuất hiện các dạng tội phạm này.

Đấu tranh chống tội phạm quốc tế cần được tiến hành trên cơ sở các biện pháp đồng bộ có quy mô quốc gia. Mặt khác, trên cơ sở các hiệp định quốc tế, nước Nga cần phải đẩy mạnh hợp tác một cách hiệu quả giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan mật vụ của Nga với các nước khác, thậm chí hợp tác với các tổ chức quốc tế có nhiệm vụ đấu tranh chống khủng bố. Ngoài ra, cần sử dụng rộng rãi

hơn kinh nghiệm quốc tế đấu tranh với các hiện tượng tội phạm này, lập ra cơ chế phối hợp chống khủng bố quốc tế, đảm bảo kiểm soát có hiệu quả các kênh có thể bị lợi dụng để buôn bán trái phép vũ khí, chất nổ, ma tuý cả trong nước cũng như đưa từ nước ngoài vào. Các cơ quan chính quyền nhà nước Liên bang cần phải truy nã tất cả những kẻ tham gia hoạt động khủng bố, không phân biệt các hành động khủng bố gây thiệt hại cho nước Nga đó được lên kế hoạch và thực hiện ở đâu.

Một phần của tài liệu Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga duới chính quyền tổng thống V. PUTIN 2000-2008 (Trang 52 - 56)