Cùng với các nguy cơ trong nước, Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga đã đề cập đến những nguy cơ từ bên ngoài được hình thành chủ yếu bởi nhiều yếu tố. Đó là việc một số nước và một số tổ chức liên quốc gia có mưu đồ hạ thấp vai trò của các cơ chế bảo đảm an ninh quốc tế hiện hành, trước hết là Liên Hợp Quốc và Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE). Bên cạnh đó là sự suy giảm ảnh hưởng chính trị, kinh tế và quân sự của Nga trên thế giới. Trong khi đó, các khối và liên minh quân sự - chính trị lại tăng cường củng cố, đặc biệt NATO đang tìm mọi cách mở rộng sang phía Đông. Từ đó dẫn đến khả năng xuất hiện những căn cứ quân sự và lực lượng quân đội lớn của nước ngoài ở ngay sát biên giới Nga. Mặt khác, quá trình liên kết trong SNG đã bộc lộ sự yếu kém, các cuộc xung đột và tranh chấp lãnh thổ với Liên bang Nga nảy sinh và leo thang ở gần biên giới Nga và biên giới bên ngoài SNG. Các loại vũ khí giết người hàng loạt và phương tiện chuyển tải loại vũ khí này vẫn tiếp tục được phổ biến trên thế giới.
Từ những yếu tố kể trên xuất hiện hàng loạt các nguy cơ đối với an ninh quốc gia Liên bang Nga. Trước tiên là âm mưu của nhiều nước muốn cản trở sự củng cố của nước Nga như một trong những trung tâm ảnh hưởng trong thế giới đa cực, làm giảm vị thế của Nga ở Châu Âu, Trung Cận Đông, Kavkaz, Trung Á và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Các nước láng giềng của Nga luôn muốn mở rộng sự bành trướng về kinh tế, dân số, văn hoá - tôn giáo sang lãnh thổ Liên bang Nga. Khủng bố quốc tế phát động những chiến dịch công khai. Các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia gia tăng hoạt động. Đây là những nguy cơ hàng đầu làm cho tình hình ở Nga mất ổn định.
Trong lĩnh vực thông tin, nguy cơ nghiêm trọng chính là mưu đồ của một số nước muốn thống trị không gian thông tin thế giới, muốn đẩy Liên bang Nga ra
khỏi thị trường thông tin bên ngoài và bên trong. Các nước đó đang hoạch định “Luận thuyết chiến tranh thông tin” để tạo dựng ra các phương tiện gây tác động nguy hại về thông tin đối với các nước khác, xâm hại hoạt động bình thường của các hệ thống thông tin và viễn thông, phá hoại tiềm năng thông tin hoặc lấy cắp thông tin của Nga.
Về quân sự, mức độ và quy mô của các nguy cơ ngày càng tăng lên. Việc nâng từ thực tế thành học thuyết chiến lược sử dụng hành động quân sự và vũ lực không thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dẫn đến mất ổn định tình hình chiến lược trên toàn thế giới. Ngoài ra, khả năng công nghệ của một số cường quốc hàng đầu ngày càng bứt xa Liên bang Nga cùng với việc họ chế tạo các thế hệ vũ khí và kỹ thuật quân sự hiện đại có thể dẫn đến giai đoạn chạy đua vũ trang mới về chất hoặc làm thay đổi căn bản hình thức và phương pháp tiến hành các hoạt động quân sự. Các cơ quan đặc biệt nước ngoài và các tổ chức họ lợi dụng không ngừng tăng cường hoạt động trên lãnh thổ Liên bang Nga.
Trong lĩnh vực môi trường, ngoài những nguy cơ trong nước còn xuất hiện những mối đe doạ từ bên ngoài. Đó là việc xuất hiện khuynh hướng sử dụng lãnh thổ Nga làm nơi tái chế hoặc chôn các chất thải nguy hiểm đối với môi trường ngày càng tăng lên, làm suy giảm môi sinh, tác động xấu tới nguồn tài nguyên thiên nhiên ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh và lợi ích quốc gia của nước Nga.
Tóm lại, Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga đã đề cập hàng loạt nguy cơ từ bên trong cũng như bên ngoài đe dọa đến việc bảo vệ các lợi ích quốc gia của Liên bang Nga. So với Học thuyết an ninh quốc gia (1997), bên cạnh việc nhấn mạnh hơn tới những nguy cơ từ bên trong mà trước tiên là nguy cơ kinh tế, Chiến lược đã đặc biệt chú trọng tới những nguy cơ từ chủ nghĩa khủng bố với nhận định: vấn đề khủng bố đã trở nên hết sức căng thẳng, mang tính chất xuyên quốc gia, đe dọa sự ổn định thế giới, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải hợp lực đấu tranh,
nâng cao hiệu quả của các hình thức và biện pháp đấu tranh chống khủng bố để vô hiệu hóa nguy cơ này.