Tâm tư người lính

Một phần của tài liệu Đặc điểm cái tối trữ tình của các nhà thơ chiến sĩ thời chống Mỹ cứu nước (Qua Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Vương Trọng (Trang 63)

Thế hệ người lính trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ mang một chiều kích lớn lao của lịch sử. Cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ của dân tộc đã để lại nhiều ẩn ức, dư vang trong tâm hồn con người. Người ra đi biết đặt quyền lợi của dân tộc lên trên hết. Vì lý tưởng, vì tình yêu với Tổ quốc, tiếp bước cha anh trên con đường đầy chông gai thử thách vẫn rực cháy trên những con đường hành quân không nghỉ. Ý thức được trách nhiệm nặng nề của mình, thế hệ người lính trong giai đoạn này nghiêng về nghĩ suy phân tích, lý giải vị trí, ứng xử của mình. Người lính khẳng định mình là một thành viên trong cuộc trường chinh giải phóng, họ hiện diện với tư cách là người nhập cuộc, người tham gia lịch sử chứ không phải là người ca ngợi nên trong tâm hồn có những suy tư, trăn trở. Người lính tự nguyện ra đi vì nghĩa lớn nhưng không còn cái thanh thản vô tư bề ngoài, mà có sự xáo động và thử thách thường xuyên của nhân cách. Mô típ ngày ra trận như một ngày hội đầy háo hức đã không còn, người lính ra đi mang nhiều

tâm trạng, những suy tư sâu lắng về đất nước và con người: Nói với người đi xin hãy yên lòng/Người ở lại sức nhân đôi đánh giặc/Đất năm tấn mở chiến hào trong gió bấc/Mùa đông lên đường trong sắc lá mùa xuân (Mùa đông lên đường-Nguyễn Đức Mậu).Để lại đằng sau luống cày đất đỏ, bỏ lại mẹ già vợ trẻ con thơ, rời xa lũy tre làng xanh ngắt nơi quê nhà yêu dấu, người lính lên đường với bao lưu luyến, nhớ thương. Tâm thế vui tươi, hồ hởi của cả người đi và kẻ ở không còn, tất cả như lặn vào trong ánh mắt, trái tim, vào hành động cùng những nguyện thề của hai chiều thương nhớ. Chiến tranh là chia ly, là mất mát, có cuộc chia ly rồi hội ngộ nhưng cũng có cuộc chia ly không bao giờ gặp lại. Nhưng khi đất nước đang còn tiếng bom rơi, thì ra đi là một điều tất yếu. Gác lại những nỗi niềm riêng, người lính lên đường với niềm tin, hi vọng ở một hậu phương vững chắc, ở một lý tưởng chiến đấu cao đẹp cho Tổ quốc thân yêu: Mai con sẽ đi ra tiền tuyến/ theo đường xóm bóng tre trùm kỉ niệm/Đường bờ vùng hoa xoan tím bước chân/ Đường qua trường bóng phượng thương thân. (Ý nghĩ trong đêm- Vương Trọng). Cuộc sống tâm hồn của mỗi người là những cung bậc tình cảm với nhiều trạng thái. Nếu con người chỉ theo một khuôn mẫu khô cứng, không có xúc cảm thì đó chỉ là những cỗ máy không hơn không kém. Thể hiện chân dung người lính, các tác giả có cái nhìn chân thực, xoáy sâu trong tâm tư tình cảm người lính. Những chàng trai mười tám đôi mươi, tuổi trẻ với những mộng mơ, những hồn nhiên của tuổi đến trường, sống trong vòng tay mẹ che chở yêu thương. Nhưng khi đất nước có ngoại xâm, họ rời xa mái trường, xa vòng tay mẹ để ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Trong gia tài nhỏ bé của người lính, ở một góc khuất nào đó, đấy là hình bóng của mẹ, của em, của quê hương, xứ sở, những ước mơ tuổi trẻ trở thành nỗi niềm và ký ức miên man trong tâm khảm người lính. Không có một sự ra đi nào là thanh thản và vô tư khi con người

có những sợi dây tình cảm vô hình đang níu giữ. Chiến tranh là lúc con người cần phải mạnh mẽ, những tình cảm lưu luyến, nhớ nhung khiến cho con người trở nên nhụt ý chí chiến đấu là một điều bất lợi. Vì vậy trong giai đoạn này, người ta thường né tránh đề cập tới những gì ủy mị, yếu đuối. Tuy nhiên, cùng với thời gian, nhận định trên chưa hoàn toàn chính xác. Tây tiến của Quang Dũng và Màu tím hoa sim của Hữu Loan cho đến tận ngày nay vẫn làm say sưa biết bao thế hệ, khắc họa một phần sắc thái tình cảm của người lính trong bức tranh nhiều mầu sắc. Điểm tựa đi đến chiến thắng cuối cùng của dân tộc Việt Nam chính là tình yêu thương, sự sẻ chia của con người với con người. Nếu như người lính chỉ là những cỗ máy được ấn khẩu lệnh “enter” trong một chuỗi những chém giết có lẽ chúng ta sẽ thất bại trong cuộc chiến này. Người lính cũng có trái tim và tâm hồn, tình yêu, nỗi nhớ nhung khắc khoải với người thân, quê hương là động lực thúc đẩy họ trong cuộc chiến tranh trường kỳ. Mặt khác, nếu bỏ qua những tâm sự kín đáo, những tâm tư của người lính thì thơ ca chưa làm tròn sứ mệnh của mình.Về một phương diện nào đó, chân dung người lính trở nên khô cứng mất đi sức sống và sự chân thực của nó trong cả đời sống và trong văn học.

Con người không phải là sắt đá, người lính trên con đường hành quân mang trong mình nỗi nhớ khát khao cồn cào về hình dáng thân thương của mẹ: Thương mái nhà mưa giột/Thương hàng cây gió dồn/Cơn mưa từ phía má/Tí tách còn theo con.(Đêm mưa thôn Tầm Vu- Nguyễn Đức Mậu)

Hình ảnh người mẹ là nguồn cảm hứng bất tận trong thơ ca, bởi mỗi con người sinh ra ai cũng có mẹ. Mẹ là người cho ta dòng sữa mát lành, cho ta lời ru tiếng hát, đỡ nâng ta trong vấp ngã cuộc đời. Cầm súng ra đi nơi chiến trường ác liệt, điều mà người lính trở trăn nhất, băn khoăn và day dứt nhất trong cuộc đời

chính là người mẹ nơi hậu phương. Mái tóc mẹ bạc với dáng lưng còng, nhớ thương, lo lắng cho con đến héo mòn thân xác khiến những đứa con nơi chiến trường như xát muối trong tim. Thân mẹ một mình lặn lội sớm trưa không ai đỡ đần chia sẻ, gánh nặng dồn lên đôi vai gầy nhỏ bé trở thành một nỗi niềm nhức nhối trong tâm trí của người lính. Để lại những nhọc nhằn thiếu thốn cho mẹ, một mái nhà xơ xác quạnh hiu, không đủ che mưa, che nắng để thấy lòng trào dâng nước mắt. Đọc những vần thơ về mẹ, một nỗi buồn tràn ngập trong tâm hồn. Sử dụng thể thơ năm chữ-gợi những hoài niệm nhớ thương, Nguyễn Đức Mậu đã thể hiện thành công tâm tư của người lính khi hướng tới người mẹ kính yêu của mình. Sự dồn nén của câu chữ, cái giọng điệu hào sảng của cuộc chiến không còn, chỉ còn lại sự trầm lắng, xoáy sâu thăm thẳm chảy ngược vào trong một tâm trạng dạt dào của tình yêu, nỗi nhớ mong, thương xót của đứa con với người mẹ: Mẹ lại về cất nhà bên hồ sen/Trên mảnh đất bao lần bom giặc phá/Căn nhà cũ như một manh áo vá ...Một mảnh áo xanh hai bàn tay trắng/Sóng hồ lay vách nát đêm mưa (Hồ sen-Anh Ngọc). Cảm hứng về mẹ bao giờ cũng nhiều ý tứ, nhiều xúc cảm trong thơ bởi tình yêu của mẹ mênh mông, dạt dào như biển cả bao la không thể nào đền đáp công ơn. Năm tháng chiến tranh mòn mỏi ngóng trông những đứa con ra trận, gánh nặng trên vai mẹ là nỗi đau tinh thần, những lam lũ nhọc nhằn của cuộc sống. Những đứa con nơi chiến hào ác liệt, phải chăng nỗi nhớ thương khắc khoải ấy trở thành một động lực mạnh mẽ để các con chiến đấu, chiến thắng quân thù cho cuộc sống của mẹ không còn đói khổ, không còn cô đơn hiu quạnh.

Những chàng trai trẻ với nhiều mộng mơ, với tâm hồn lãng mạn đã kịp có một hình bóng thân thương trong trái tim mình.Tình yêu đôi lứa cũng là một đề tài muôn thuở trong thi ca bởi nó khơi gợi mọi ngọn nguồn xúc cảm, những rung

động chân thành của con người để thấy cuộc sống này tươi đẹp và nhiệm màu hơn: Người nhớ vườn chanh ngày ra đi/Cô gái hái chanh nụ cười ẩn hiện/Hương tóc làm hương chanh thơm lây/Quả chanh em cầm không dấu kín/Tặng một người, em tặng cả bàn tay (Một ngày giữ chốt-Vương Trọng).Tình yêu với dư vị ngọt ngào như một “liều thuốc” thần kì khiến những khó khăn,thử thách của người lính như tan biến. Nơi chiến trận ác liệt chỉ có khói bom, nét thanh tú, mộc mạc chân quê phả lẫn hương chanh dìu dịu khiến lòng người chiến sĩ quên đi bao mệt mỏi. Cuộc sống trở nên thi vị hơn, đáng yêu bởi cảm giác bâng khuâng xao xuyến ùa về một bàn tay thơm mát của người con gái. Sau giây phút tàn khốc nhất, hiện thực chiến tranh lùi lại, chỉ còn tràn ngập nơi đây một mùi hương chanh nhẹ nhàng và khuôn mặt người thương hiện về trong sâu thẳm tâm hồn cũng đủ tiếp thêm nguồn sinh khí mới cho người lính trên bước đường hành quân. Bom đạn chiến tranh không làm tình yêu nguội lạnh. Ngược lại, trước những mất mát, chia ly, tình yêu thêm nảy nở, trân trọng những phút giây hạnh phúc bên nhau: Bao kỉ niệm cứ theo anh ra trận/Ngôi sao nào anh ngỡ mắt em xanh/Buổi mới yêu nhau bên hàng rào đêm ấy/ Tàu cau rung, hai đứa giật mình. (Hòm thư bưu điện ở trạm giao liên- Nguyễn Đức Mậu). Chốn hẹn hò ở những làng quê có thể là con đê ven bờ sông yên tĩnh, nơi vườn chanh, vườn bưởi đưa hương, dưới cổng làng với ánh trăng vằng vặc của thôn quê thanh bình, yên ả ngập tràn sự nên thơ. Những bông hoa chanh, hoa bưởi, những chùm hoa xoan hay hoa cau rụng trắng sân nhà mùi thơm ngan ngát, ươm nồng chứng kiến bao mối tình đã đi vào thơ ca rất tự nhiên và trở thành quen thuộc. Nhưng với tình yêu, mỗi người lại có những rung động riêng.Vẫn là hình ảnh đó, nơi hẹn hò đó, Nguyễn Đức Mậu cho chúng ta cảm nhận rất thật, rất sống. Những cơn gió thổi khiến hàng cau đung đưa và “hai đứa giật mình”. Cái giật mình mới thú vị làm

sao! Chắc ai đã từng yêu, từng ở cạnh người yêu sẽ hiểu, những khoảnh khắc, những phút giây bên cạnh người yêu, thời gian như ngừng trôi, không gian như lắng đọng. Chỉ có hai người với trăng sao và một tình yêu ước hẹn thủy chung. Cái giật mình cho ta thấy những phút giây đắm say của tuổi trẻ, tất cả dường như không tồn tại chỉ còn lại cái nắm tay hay nụ hôn đầu vụng dại của tình yêu, cái rụt rè sợ sệt đến dễ thương khi hai đứa giật mình vì sợ ai bắt gặp. Một tình yêu tinh khiết ban sơ, cao đẹp và diệu kỳ, cái cảm xúc ngây ngất lâng lâng trong tâm hồn ấy đã trở thành một kỉ niệm khó phai mờ. Cái ý tứ thật sâu cùng sự quan sát tinh tế và tỉ mỉ với trái tim nhiều xúc cảm thăng hoa, Nguyễn Đức Mậu khiến câu thơ trở nên có hồn như vậy. Sâu sắc và nhạy cảm, nhà thơ đã nắm bắt được những rung động, những suy tư sâu kín của người lính, làm cho chân dung của họ chân thực, gần gũi hơn.

Tình yêu quê hương, đất nước, nỗi niềm canh cánh trong tim về hình bóng mẹ già, nỗi nhớ khôn nguôi của tình yêu mong đợi cùng trách nhiệm nặng nề với non sông là điểm tựa vững chắc để người lính có một niềm tin yêu cuộc sống, lạc quan vào tương lai tươi sáng rạng ngời: Bạn hỏi tiếng sáo ở đâu/Mà dịu mát những chiều đạn lửa?Tiếng sáo mọc lên trên đồi cao/Từ hơi thở và ngón tay người pháo thủ/Sau giờ pháo đã thông nòng/Anh ngồi trên hòm đạn/Cho tiếng sáo cao trong. (Tiếng sáo-Vương Trọng). Sau bom đạn ác liệt chiến tranh, người lính trở về với những phút giây bình yên trong tâm hồn, bỏ lại những nhọc nhằn, hi sinh, tiếng sáo vút cao trong trẻo như chính tâm hồn người lính - một tâm hồn nhạy cảm yêu đời say mê cuộc sống, dù cuộc đời còn muôn trùng điều gian khó. Sự lạc quan, niềm tin cháy bỏng về một tương lai tốt đẹp luôn hiện hữu trong lòng người lính: Giữa một vùng lửa cháy bom rơi/Cây hiện lên như một niềm ấp

ủ/Anh lính trẻ hái một cành xấu hổ/Ướp vào trong trang sổ của mình (Cây xấu hổ- Anh Ngọc).

Anh Ngọc thường tìm đến những hình ảnh rất riêng, những bông hoa cỏ may, những nhành cây xấu hổ hiện lên với một tứ thơ độc đáo bằng con mắt quan sát tinh tế của nhà thơ. Trước sự sống và cái chết, người lính vẫn nhìn thấy một sức sống dẻo bền vươn lên trong đạn bom ác liệt. Cây xấu hổ vươn mình trong sắc lá xanh non của một sự sống đâm chồi mãnh liệt. Niềm tin, sự yêu đời của người lính trước thực tại đầy khắc nghiệt là một điểm sáng lung linh, là lời tuyên ngôn cho sức mạnh của ý chí con người: ở đời này không có bước đường cùng, điều quan trọng là con người phải vượt qua những ranh giới đó.

Khắc họa người lính ở nhiều góc độ khác nhau, cả ba nhà thơ đã tạo nên một bức tranh đa màu về hình ảnh người lính - hài hòa giữa tính trữ tình đằm thắm và tính chất anh hùng ca trang nghiêm.

Một phần của tài liệu Đặc điểm cái tối trữ tình của các nhà thơ chiến sĩ thời chống Mỹ cứu nước (Qua Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Vương Trọng (Trang 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)