Hình ảnh người lính trong chiến đấu

Một phần của tài liệu Đặc điểm cái tối trữ tình của các nhà thơ chiến sĩ thời chống Mỹ cứu nước (Qua Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Vương Trọng (Trang 42)

Ba mươi năm kháng chiến là ba mươi năm những người con ưu tú nhất của đất nước này lần lượt ra đi. Hết lớp này đến lớp khác, hết thế hệ này tới thế

hệ khác, khi Tổ quốc vẫn còn bóng giặc thù, khi những thôn làng vẫn còn tiếng bom rơi, những đứa trẻ vẫn còn phải xa vòng tay mẹ, những đòn thù tra tấn dã man của lũ giặc cướp nước đang ngày đêm gieo chết chóc xuống đồng bào ta thì những chàng trai, cô gái vẫn còn tiếp tục lên đường chiến đấu để bảo vệ quê hương, giành lại tự do, độc lập cho dân tộc Việt Nam.

Hình ảnh người lính là nhân vật trung tâm quy tụ mọi vẻ đẹp, khắc họa mọi khó khăn gian khổ của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ.Tiếp nối hình ảnh người lính trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, người lính trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ là những con người có lý tưởng, có sự trưởng thành nhất định dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy mà hình ảnh người lính trong thơ ca thời kỳ này có những bước tiếp nối đồng thời cũng có những khác biệt. Không còn mang tâm thế của kẻ chinh phu, mang đậm dấu ấn tiểu tư sản cũng không còn cái ồn ào, ngô nghê của những người lính cày trong cuộc kháng chiến chống Pháp, người lính giai đoạn chống Mỹ mang một chiều sâu trong tâm tưởng, họ ý thức được sâu sắc sứ mệnh lịch sử thiêng liêng mà mình đã lựa chọn, chiến đấu để bảo vệ độc lập của dân tộc,thống nhất đất nước. Đó là cuộc chiến đấu giữa tình yêu thương và sự độc ác, giữa khát vọng sống và sự hủy diệt điên cuồng.

Cả ba nhà thơ Anh Ngọc, Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậu đều là những người lính trong cuộc kháng chiến truờng kỳ này. Không chỉ từ những quan sát bên ngoài, cảm nhận bên ngoài mà hình ảnh người lính trong thơ của ba tác giả là những trải nghiệm trực tiếp trên chiến trường với bom đạn, với thiếu thốn vất vả, đối diện giữa cái sống và cái chết. Do đó, hình ảnh người lính trong thơ của ba nhà thơ - chiến sĩ này là những bức chân dung sinh động, chân thực về những con người đã từng làm nên lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Chiến trường là nơi khốc liệt nhất, nơi con người phải đối diện với bao hiểm nguy, bao âm mưu hiểm ác của kẻ thù. Cuộc kháng chiến chống lại đế quốc Mỹ là cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc, bởi chúng ta phải đối đầu với kẻ thù hung ác nhất với những trang bị vô cùng tối tân và hiện đại. Mỗi người lính hiện lên trong thơ với những công việc, những nhiệm vụ cụ thể của mình đều gặp phải khó khăn, nguy hiểm:

Bom nổ gần, nổ xa

Đạn cày ngang, cày dọc... Ném ra phía trước một hố bom Xe rung lên trong tiếng rít gầm

Người lái xe nhô đầu ngoài buồng lái Bám từng chiếc máy bay

Và cứ thế xe dừng, xe chạy Như thách thức quân thù.

(Đất trên mũi xe - Vương Trọng)

Có được chiến thắng vang dội của trong cuộc kháng chiến là sự nỗ lực, sự hi sinh của biết bao thế hệ con người, một cánh én nhỏ không thể làm nên được mùa xuân, mỗi trận đánh, mỗi lần chiến thắng là công sức của toàn thể dân tộc trong cuộc chiến đấu này. Thơ ca giai đoạn chống Mỹ đã thể hiện thành công hình ảnh người lính với những đặc thù riêng rất cụ thể, chân thực. Người lính công binh, bộ binh, pháo binh hay trinh sát được các nhà thơ khắc họa thật sinh động - đó là kết quả của những năm tháng mà bản thân người nghệ sĩ đã từng khoác áo lính, trải nghiệm cuộc sống nơi trận mạc. Những vật phẩm thiết yếu phục vụ cho chiến tranh khi được chuyển ra chiến trường gặp rất nhiều trở ngại do kẻ thù gây ra. Những người lính lái xe mang trong mình một trách nhiệm vô

cùng nặng nề, hình ảnh người lái xe trong thơ Vương Trọng khiến chúng ta nhớ tới người lính lái xe trong bài thơ Tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Sự oanh tạc, tàn phá của kẻ thù khiến người lính luôn phải đối diện giữa sự sống và cái chết. Đối với họ bảo vệ hàng hóa ở trên xe còn quan trọng hơn tính mạng của mình. Trong những năm tháng đất nước còn khó khăn, gian khổ chúng ta đã quá quen với câu nói của người lính lái xe “coi xe như con, quý xăng như máu”. Thử hỏi nếu những kiện hàng không mang tới kịp thời cho tiền tuyến liệu chúng ta có hoàn tất được cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Nhà thơ Vương Trọng đã có những quan sát rất tinh tế đối với người lính lái xe, sự giằng co giữa ranh giới mong manh của sống và chết, ta và địch trên con đường đầy bom đạn hiểm nguy, sự truy kích đến tận cùng khiến người lính gặp phải nhiều khó khăn và thách thức. Nếu Vương Trọng thể hiện người lính trong những giờ khắc lóe sáng thì Anh Ngọc lại khắc họa người lính đang âm thầm chiến đấu ngày đêm không ngừng nghỉ: Sáu mươi mấy ngày đêm trong chốt/Mái nhà nghiêng sập xuống nền nhà/Chúng nó và chúng ta/Nhìn nhau qua hai hàng gạch...Trên đầu súng AK/Vẫn sẵn sàng/Thước ngắm một/Những ánh mắt điềm nhiên sau chốt/Vẫn hướng vào ngày, vẫn hướng vào đêm. (Thước ngắm một - Anh Ngọc).

Hình ảnh người lính trong thơ Anh Ngọc là sự giằng co bền bỉ của người lính trong những năm tháng chiến đấu không mệt mỏi. Khi đất nước còn chiến tranh thì những người lính vẫn còn cầm súng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Hình ảnh người lính không còn là hình ảnh đơn thuần mà trở thành một hình tượng, một tượng đài bất khuất dẻo dai và bền bỉ đại diện cho dân tộc, là một hình tượng thách thức kẻ thù trong những năm tháng đạn bom vô cùng ác liệt. Dù là khoảnh khắc hay là một hành trình dài đấu tranh không ngừng nghỉ thì người lính vẫn hiện lên là những điểm sáng lung linh nhất trong bức tranh hiện

thực: Cách đồn thù hai trăm mét/Bộ binh không đào hầm bằng cuốc chim và xẻng/Con dao găm hơn một gang tay/Bí mật mở những căn hầm trong đất/Cứ mười lăm phút từ vọng gác/Từng chùm lựu đạn quăng ra/Quả nào nổ xa/Mặc nó/Quả nào ở gần/Chiến sĩ cầm quăng đi/Những bàn tay lòe lửa, xanh lè...Họ nói với nhau bằng những lần dây giật/Họ nói với nhau bằng bàn tay, ánh mắt/ Thiêng liêng hơn một lời thề.(Viết trong đêm đào hầm vây ép - Nguyễn Đức Mậu). Khắc họa giờ phút chiến đấu trực diện với kẻ thù, dường như không gian chiến trận được thu hẹp, chỉ còn lại một không gian đối diện trực tiếp giữa ta và địch. Sự thu hẹp giúp cho người đọc cảm nhận một không khí căng thẳng, ngạt thở, hồi hộp của cuộc chiến một mất một còn giữa ta và địch. Một ranh giới mong manh trong những giờ phút quyết định đến sự sống còn của cả những người lính và vận mệnh của dân tộc - người lính lái xe trong thơ Vương Trọng bám từng chiếc máy bay, người lính của Anh Ngọc thể hiện một không gian đối diện gần nhất: Chúng nó và chúng ta/ Nhìn nhau qua hai hàng gạch, hay một không gian cụ thể hơn được đong đếm bằng những đơn vị toán học cụ thể như trong thơ của Nguyễn Đức Mậu: Cách đồn thù hai trăm mét/ Quả nào nổ xa/ Quả nào nổ gần. Mở ra một không gian chiến trận căng thẳng, quyết liệt làm điểm tựa để tô đậm hình ảnh người lính trong chiến đấu là một nghệ thuật đòn bẩy thành công của ba nhà thơ. Một không gian càng nhỏ hẹp bao nhiêu, khoảng cách giữa ta và địch càng gần bao nhiêu thì hình ảnh người lính hiện lên rõ ràng, sắc nét bấy nhiêu trong cuộc chiến đầy nguy hiểm này.

Nếu không gian trong cuộc chiến bị thu hẹp thì thời gian lại có bước biến đổi khá linh hoạt và nhịp nhàng. Có thể sáu mươi ngày giữ chốt được khắc họa bằng một tích tắc thì dường như mười lăm phút lại được kéo dài ra hàng giờ. Điểm nhấn về thời gian giúp các nhà thơ tô đậm những giây phút lóe sáng của

người lính đồng thời tạo được một dấu ấn mạnh mẽ trong tâm hồn người đọc, khắc sâu giây phút hào hùng nhất, đẹp đẽ nhất của người lính trong những giờ khắc trọng đại. Khoảnh khắc chiến đấu như một thước phim quay chậm, có bao nhiêu sự việc được dồn nén trong thời gian này, nó thể hiện một không khí khẩn trương, sôi nổi, gấp gáp của chiến trường. Bước đi của thời gian không còn theo quy luật tuyến tính, trong những giây phút gay go nhất, thời gian như trôi chảy chậm lại khiến độc giả có thể cảm nhận sâu sắc hơn những thời khắc oanh liệt của người lính trong chiến đấu, thấy được sự giằng co giữa cái sống và cái chết, những nguy hiểm ngàn cân treo sợi tóc mà người lính phải đối diện với quân thù. Bằng tài năng của mình cùng những trải nghiệm trực tiếp từ tiền tuyến ác liệt, cả ba nhà thơ sử dụng các biện pháp nghệ thuật thành công khi khắc họa người lính. Kết hợp với thể thơ tự do, các câu thơ dài ngắn không hạn chế, cùng với việc tổ chức không gian, thời gian chiến trận hợp lý, hình ảnh người lính hiện lên trong những thời khắc quan trọng, những không gian ác liệt để thấy được sự đấu tranh sinh tồn, gay go, ác liệt, tàn khốc nhất của quân ta và địch trên trận chiến giành lại độc lập, tự do.

Người lính trong thơ dù ở cương vị nào, nhiệm vụ nào thì tố chất của họ vẫn là những phẩm chất vô cùng đáng quý. Đối diện giữa sự sống và cái chết, người lính cụ Hồ hiện lên với một ý chí kiên cường bất khuất, bất chấp mọi hiểm nguy. Họ ý thức được trách nhiệm, nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng của mối nợ nước thù nhà. Trước kẻ thù hung ác và nguy hiểm, người lính vẫn không hề nao núng. Sự truởng thành của người lính trong những năm tháng chiến tranh tàn phá là một minh chứng hùng hồn cho lòng quyết tâm, ý chí quật cường của quân và dân ta. Anh dũng, gan góc, kiên cường trong chiến đấu là phẩm chất chung hiện lên trong thơ viết về người lính. Không một khó khăn nào, một trở ngại nào có

thể làm họ lùi bước: Đất vùi lên mui xe, xe chở nặng hơn/Đạn xới bom cày, đường không thành đường nữa. Đó là lúc: Mắt người lái xe bốc lửa/Sáng hơn ánh chớp đạn bom/Bắp tay cuộn tròn/Lái xe đi như chở chiến hào ra trận (Đất trên mũi xe-Vương Trọng). Vượt lên tất cả mọi hiểm nguy, người lính với trí thông minh, lòng dũng cảm, một nghị lực phi thường để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, không một thế lực nào ngăn cản nổi: Và bàn tay xém lửa xù xì/Thành bàn chân: như trẻ nhỏ/ anh đi/Bám đất chiến hào nhích lên từng bước/Đầu gối sát dây thép gai lạnh buốt/Bàn tay anh biết đi/Lửa bộc phá lóe lên phá sập bốt đồn (Bàn tay biết đi- Nguyễn Đức Mậu).

Trong chiến tranh người ta đã chứng kiến hàng vạn điều phi thường đang xảy ra. Những anh hùng như Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Cù Chính Lan... là những hình tượng trở thành bất hủ, là tấm gương sáng chói trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của quân và dân ta. Hình ảnh người lính trong thơ Nguyễn Đức Mậu vẫn luôn mang một âm hưởng thân quen giản dị nhưng cũng rất phi thường. Cái cố gắng cuối cùng của người lính để hoàn thành nhiệm vụ dù biết rằng cái chết đang kề cận ở bên. Một niềm tin bất diệt, sức mạnh của lòng căm thù và tình yêu với quê hương khiến người lính không thể chùn bước trước bất cứ khó khăn gì. Toàn thân người lính đã nhuốm máu, đôi chân không thể bước được nữa, đấy là lúc tưởng chừng vô vọng. Nhưng với bản lĩnh, ý chí kiên cường, ý thức trách nhiệm, người lính đã dùng đôi bàn tay của mình để chiến đấu với kẻ thù. Đôi bàn tay tưởng chừng như không còn vẹn nguyên trước bom đạn, những bước đi bé nhỏ, không chắc chắn như đứa trẻ nhỏ mới biết đi còn không vững. Nhưng những bước đi ấy lại làm nên điều kì diệu, bởi một sức mạnh ghê gớm của con tim, khối óc, của người lính. Bằng những quan sát tinh tế, liên tưởng thú vị, hình ảnh người lính trong thơ Nguyễn Đức Mậu cứ thế hiện lên trong câu chữ, nó

được bật ra từ cảm xúc chân thành của tác giả, là cảm hứng muốn giãi bày, muốn phản ánh để rồi mọi thứ cứ tuôn tràn trên mặt giấy câu này gọi câu khác, hình ảnh này gọi hình ảnh khác. Tất cả đều tự nhiên như chính cuộc đời, như những xúc cảm được chắt lọc từ sâu thẳm tâm hồn nhà thơ.

Được cầm súng chiến đấu dường như là niềm tự hào, là tiếng gọi thiêng liêng của quê hương, Tổ Quốc. Đối với người lính, được chết, được hi sinh, được cống hiến cho sông núi ngàn năm đất Việt là sức mạnh, là điểm tựa để họ vững bước trên con đường còn nhiều chông gai, thử thách này:

Nhưng chúng tôi những chiến sĩ đường dây Đỉnh núi này phải băng qua bằng được Đường dù trơn, lối lên dù dốc ngược Dù chúng tôi có gục xuống nơi đây Tuổi hai mươi vẫn lao về phía trước.

(Sức nặng của âm thanh - Anh Ngọc)

Có những lúc thế giới đã tự hỏi, và cả những người đi sau chiến tranh cũng tự hỏi, tại sao các anh lại có một sức mạnh phi thường đến thế? Có lẽ chỉ một câu trả lời duy nhất về những điều kỳ diệu mà các anh đã làm chính là tình yêu - yêu gia đình, yêu làng xóm, yêu quê hương, Tổ Quốc, non sông này và các anh sẵn sàng đem máu thịt của mình để bảo vệ tình yêu thiêng liêng. Chiến đấu bởi những gì là cao cả nhất đẹp đẽ nhất chính là động lực, là niềm tin vững chắc nhất trong mỗi người lính để chiến thắng quân thù vượt qua ngàn gian khó.

Trong thời điểm gay go và ác liệt của cuộc chiến, người ta thường né tránh khi viết về những mất mát, những thiếu thốn, vất vả của chiến tranh. Ngược lại, thơ ca giai đoạn này nói chung và của ba tác giả nói riêng không hề tránh né những vấn đề này, bởi đó là một phần của cuộc chiến, thiếu vắng nó hình ảnh

người lính không còn trở nên chân thực, gần gũi. Họ chỉ như những bức tượng đồng được dựng lên để cổ vũ, khích lệ, hô hào mà không có một cảm nhận từ trái tim.Vẻ đẹp của người lính hiện lên trong giây phút khốc liệt của chiến tranh với những phẩm chất kiên cường, gan góc, ý chí quật cường trong chiến đấu thể hiện cái đẹp, cái oai hùng của người chiến sĩ thì những gian khó, khổ cực của họ lại thể hiện cái bi. Cái bi ở đây không hề bi lụy, yếu đuối, sầu muộn và bế tắc. Cái bi trong người lính ở giai đoạn này là một khúc tráng ca bi hùng. Cái bi ấy không làm nhụt ý chí của người cầm súng mà lại là động lực để người lính tiếp bước trên con đường còn nhiều khó khăn này: Tiếng nói bây giờ là tiếng nói của bàn chân/ Tiếng mười ngón xòe ra bám đất/Đá xuyên qua đôi đế dép vẹt mòn/Thoắt ngã xuống đứng lên rồi lại ngã/Chúng tôi gánh trên vai bao kẻ mất người còn/Đằng đẵng những năm dài khuất bóng vợ con/Chúng tôi gánh trên vai gầy sốt rét (Sức nặng của âm thanh - Anh Ngọc). Đối diện giữa sống và chết là việc mà những người lính khi bước chân ra đi đã xác định rất rõ ràng. Nhưng trước những vùi dập về thể xác và tinh thần trong những ngày dài của cuộc chiến không phải là một điều dễ dàng. Sự hành hạ và dày vò của bệnh tật khiến người lính suy giảm về sức khỏe, nỗi đau thể xác vẫn ngày đêm rình rập người chiến sĩ.

Một phần của tài liệu Đặc điểm cái tối trữ tình của các nhà thơ chiến sĩ thời chống Mỹ cứu nước (Qua Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Vương Trọng (Trang 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)