Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu sinh ngày 14 tháng 1 năm 1948. Quê quán xã Nam Điền, huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định. Nhập ngũ ngày 26 tháng 1 năm 1966. Sau chiến tranh nhà thơ về công tác tại ban thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội. Sinh sống ở Hà Nội nhiều năm. Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Hội viên hội nhà văn. Nguyễn Đức Mậu giành được nhiều giải thưởng văn học như giải thưởng Bộ Quốc phòng với tác phẩm Bão và sau bão, giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam 1999 với Cánh rừng nhiều đom đóm bay. Các tác phẩm đã xuất bản như Thơ người ra trận (1971), Cây xanh đất lửa (1973), Áo trận
(1973)....Bên cạnh các tác phẩm thơ ca, Nguyễn Đức Mậu còn có những tác phẩm ở địa hạt khác như tiểu thuyết (Tướng và lính, Chí Phèo mất tích), truyện ngắn và truyện vừa (Con đường rừng không quên, ở phía rừng Lào)...Con đường đời của Nguyễn Đức Mậu gắn liền với binh nghiệp và văn nghiệp.Văn chương đã lựa chọn ông như số phận của ông không thể khác. Mười tám tuổi, Nguyễn Đức Mậu cầm súng ra trận, ông có mặt trong đội hình sư đoàn chủ lực trong chiến tranh, sư đoàn 312 anh hùng. Bước chân của Nguyễn Đức Mậu từng lăn lộn ở hầu khắp các chiến trường đầy gian khổ, ác liệt: Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng (Lào), Quảng Trị, Khe Sanh, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Sài Gòn. Tuổi trẻ của ông đã thuộc về ký ức chiến tranh không thể nào quên.
Tự nhận mình là “viên sỏi sót lại trên chiếc sàng tử thần” khi mình còn sống sót trở về sau cuộc chiến tranh đầy mất mát hi sinh của đồng đội, “viên sỏi” may mắn ấy đã đi qua những giây phút khủng khiếp nhất của chiến tranh để náu
mình trong sự tĩnh lặng của đá. Nhưng tận cùng sự tĩnh lặng ấy, ông như không thể thoát khỏi những hồi ức của chiến tranh. Những hồi ức như một cơn mơ dài, và cơn mơ sâu thẳm trong cõi tâm linh ấy là những giai điệu thơ ạt ào tuôn chảy như không thể dứt. Làm việc nhiều, viết nhiều với một nội lực ghê gớm, ông kiệm lời và không nói nhiều hơn về mình ngoài công việc của một người biên tập thơ mẫn cán và bận bịu. Khối lượng công việc đồ sộ của một người làm thơ có tâm có tài đã nuốt chửng Nguyễn Đức Mậu trong những bận rộn thường nhật ở một tòa soạn lớn, và ở Hội nhà văn. Thành danh và từng trải, Nguyễn Đức Mậu chọn cho mình một lối sống lặng lẽ.Với Nguyễn Đức Mậu, khó nhất và đáng ngại nhất là khi nói về bản thân mình. Ông sẽ không nói gì hơn khi đã lựa chọn thơ làm nơi ẩn náu của tâm hồn mình, những câu thơ sẽ nói hộ ông tất cả:
Thơ quả thật dễ dàng và nghiệt ngã
Từng thổi qua thành quách các vương triều Thơ quả thật dễ dàng và nghiệt ngã
Cuộc đời cho tôi mắc nợ thêm nhiều Dòng sông chảy tâm tình chưa cạn Ngọn lửa bền, muối mặn hóa tình yêu
Tôi nghĩ gì viết gì giữa những trang giấy trắng Bài thơ đầu tôi viết thuở yêu em
Hai mươi năm bạn bè xa lắc
Cánh chim chiều tan giữa chốn vô biên Con đường dài đủ cho người bạc tóc Vẫn một chùm hoa đời trẻ thêm Khi mọi buồn vui trong lòng vơi cạn Khi con tằm thiếu lá dâu xanh
Tôi lo ngại những hạt xoàn giả tạo Những câu thơ trang điểm của mình.
1.2.2.3.Nhà thơ Vương Trọng
Nhà thơ Vương Trọng sinh ngày 1 tháng 8 năm 1943. Quê quán Trung Sơn, Đô Lương, Nghệ An. Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Hội viên hội nhà văn Việt Nam, tốt nghiệp khoa Toán trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhập ngũ ngày 15 tháng 11 năm 1965. Từng ở Bộ tổng tham mưu, trường Văn hóa quân đội. Từ năm 1974 chuyển về công tác tại ban thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhà thơ Vương Trọng cũng đạt được nhiều giải thưởng như giải thưởng cuộc thi thơ của báo Văn nghệ 1969. Giải thưởng Bộ Quốc phòng 1984-1989 với tác phẩm Những ngày xa. Các tác phẩm đã được xuất bản: Thơ người ra trận
(1972), Khoảng trời quê hương (1979), Những ngày xa (1986)....
Ông sinh ra ở một vùng quê nghèo thuộc làng Đông Bích, Đô Luơng, Nghệ An. Nơi đó, những đứa trẻ lên cấp hai vẫn có thể mặc quần đùi đi chân đất 4-5 cây số để đến trường, nơi có lớp học là nhà tre, lợp gianh, vách nứa. Kháng chiến chống thực dân Pháp, làng Đông Bích được chọn làm nơi đặt trụ sở của Hội Văn nghệ cứu quốc Liên Khu 4. May mắn được biết đến những văn nghệ sĩ nổi tiếng của đất nước: Thanh Tịnh, Hoài Thanh, Chế Lan Viên... khiến niềm đam mê và sáng tạo văn chương trỗi dậy trong tâm hồn của nhà thơ Vương Trọng lúc nào không hay. Lên lớp sáu, Vương Trọng đã thuộc lòng cả tập thơ Truyện Kiều, dù còn nhỏ nhưng ông vẫn say sưa và thuộc từng lời có lẽ đó là một trong mạch thơ nuôi dưỡng nguồn thơ cho đến tận bây giờ như nhà thơ từng tâm sự. Cuộc đời của ông như có duyên nợ với văn chương. Hồi trước ông học rất khá các môn tự nhiên, mặc dù đã từng đi thi văn. Đến khi thi đại học ông đã chọn thi Đại học Tổng hợp, khoa Toán vì nghĩ rằng mình học khá môn toán thì
sẽ dễ đỗ hơn, và cũng vì muốn học một ngành khác với người anh trai của mình - lúc đó đang là giáo viên dạy văn. Nhưng trong những ngày công tác thám mã của cục Quân báo, tại Ba Vì, Vương Trọng vẫn tranh thủ làm thơ, và thơ ông được công chúng, bạn đọc công nhận, được khẳng định trên văn đàn bằng những giải thưởng văn học có giá trị.
Những kí ức chiến tranh vẫn luôn chảy - một dòng chảy bất tận trong tâm hồn nghệ sĩ của Vương Trọng. Năm 1972, Vương Trọng vinh dự có mặt trong trận B52 trên bầu trời Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không như một trang phóng sự bằng thơ, mang tính chất sử biên niên.Vương Trọng đã viết nên tác phẩm của mình dưới con mắt của một nhà thơ đồng thời cũng là của một người chiến sĩ chiến đấu hi sinh cho độc lập tự do của dân tộc. Những năm tháng chiến tranh đã qua đi nhưng vẫn còn vang dội trong sâu thẳm trái tim của nhà thơ đã thôi thúc ông viết trường ca: Hà Nội của tôi. Trái tim của nhà thơ là trái tim của một con người nhạy cảm, là sự sẻ chia sâu sắc với những số phận con người.Vương Trọng từng nói rằng: Tôi yêu Đỗ Phủ hơn Lý Bạch, yêu Nguyễn Du gấp nhiều lần Hồ Xuân Hương bởi Đỗ Phủ, Nguyễn Du ngoài tài thơ ra còn có trái tim lớn biết đau nỗi đau của những cuộc đời bất hạnh. Thơ không phải là thứ sinh ra cho người đời chơi chữ mà để chuyển tải nỗi lòng. Bài thơ hay có khi không còn thấy thơ đâu mà chỉ thấy cuộc đời, tâm trạng và số phận. Yêu quê hương, sống giản dị và cống hiến hết mình cho thơ ca là con người của nhà thơ Vương Trọng:
Nếu đời tôi dừng lại chốn tha hương Tang lễ xin đừng làm với lễ nghi cấp tá Đồng phục, súng, lưỡi lê tôi không lạ Màu cờ kia sẵn trong máu tim tôi Thi hài tôi sẽ trở lại với làng
Trên sức lực bạn bè, xóm mạc Những bàn tay lam nham cua cắp
Những bàn chân tập tễnh bước gai đâm.
CHƯƠNG 2
CÁI TÔI CÔNG DÂN CỦA BA NHÀ THƠ
ANH NGỌC, VƯƠNG TRỌNG, NGUYỄN ĐỨC MẬU
Có thể nói rằng thơ ca là những biểu hiện cảm xúc, suy tư, những khát vọng của con người nhằm đối diện và khám phá những trải nghiệm tinh thần của con người trước mọi hiện tượng xã hội và tự nhiên. Cuộc trải nghiệm ấy diễn tiến trong suốt lịch sử nhân loại như một hiện tượng tinh thần đặc thù của con người, nhưng cũng là cuộc trải nghiệm thông qua mỗi cá nhân và được thể hiện bằng tiếng nói cá thể của mỗi nhà thơ - chủ thể trữ tình. Cái tôi trữ tình như một nhân tố khởi sự và hoàn tất của sáng tạo trữ tình - tư tưởng này được quán xuyến và khẳng định ở hầu hết các quan điểm lý luận. Cái tôi trữ tình có thể được coi là sự thể hiện một cách nhận thức và cảm xúc với thế giới và con người thông qua lăng kính cá nhân của chủ thể và thông qua việc tổ chức các phương tiện của thơ trữ tình, tạo ra một thế giới tinh thần riêng biệt, độc đáo mang tính thẩm mỹ, nhằm truyền đạt tinh thần ấy đến người đọc. Cái tôi trữ tình là hiện tượng tổng hợp các phương tiện cá nhân, xã hội, thẩm mỹ. Bản thân những yếu tố cấu thành
nó luôn trong trạng thái biến đổi, tác động và đặt cái tôi trữ tình trong một thế vận động thường xuyên và liên tục. Hiện thực đời sống, cùng những vấn đề chính trị-xã hội là nguồn tác động khách quan và mạnh mẽ nhất đối với văn học nói chung và cái tôi trữ tình nói riêng. Cách mạng tháng Tám cùng hai cuộc kháng chiến trường kỳ và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là một thực tế xã hội và tinh thần to lớn đưa đến sự hình thành một kiểu cái tôi trữ tình mới trong thơ ca, cùng sự vận động liên tục của nó song song với một thời đại đầy chấn động và thử thách. Bên cạnh sự tác động của hiện thực cuộc sống, sự trưởng thành và phát triển của cái tôi cá nhân nhà thơ cũng đóng một vai trò quan trọng. Cái tôi nhà thơ là yếu tố đầu tiên, cốt lõi của cái tôi trữ tình. Với tư cách thi sĩ, nhà thơ sống cuộc sống cá nhân và cuộc sống xã hội. Những quan sát, nhận thức trải nghiệm bồi đắp liên tục cho nhân cách trữ tình.
Cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong giai đoạn chống Pháp và chống Mỹ có tác động to lớn đến đời sống tinh thần và nhận thức của con người. Trước sự khốc liệt của chiến tranh cùng với tinh thần chiến đấu quả cảm, kiên cường của quân và dân ta để giành lại độc lập tự do cho dân tộc đã có nhiều chuyển biến trong lý tưởng thẩm mỹ, quan điểm sáng tác của các nhà thơ và tất yếu của cái tôi trữ tình. Cái tôi trữ tình trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ luôn hướng về cái tôi công dân- cái tôi của những con người đang ngày đêm xả thân với đạn bom, là cái tôi mang trách nhiệm của một người công dân trước vận mệnh của quê hương đất nước,là cái tôi hòa cùng cái ta, mang tiếng nói chung, mang những tâm tư nguyện vọng chung của cả một dân tộc. Như một lẽ tất yếu, khắc họa những nét chung trong giai đoạn này, các nhà thơ nói chung và ba nhà thơ nói riêng không thể bỏ qua hình ảnh người lính - nhân vật trung tâm của văn học, là điểm quy tụ mang tiếng nói của thời đại.
2.1.Hình ảnh người lính qua cảm nhận của ba nhà thơ-chiến sĩ Anh Ngọc, Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậu