Công cụ khảo sát

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số vấn đề về phục hồi chức năng ngôn ngữ cho trẻ chậm phát triển trí tuệ (Trang 36)

7. Bố cục của luận văn

2.2.2. Công cụ khảo sát

Ở Việt Nam hiện nay chưa có bộ công cụ chuẩn hóa để đánh giá khả năng ngôn ngữ của trẻ CPTTT. Dựa vào đặc điểm phát triển ngôn ngữ nói của trẻ từ 0 – 6 tuổi chúng tôi xây dựng các bài tập đánh giá khả năng ngôn ngữ của trẻ với 10 mức độ, cụ thể từng mức độ như sau:

Mức 1: Ở mức độ thấp nhất này, chúng tôi yêu cầu trẻ trong một tình huống nhất định, ở một hoàn cảnh cụ thể trẻ có thể hiểu và có những phản ứng đáp lại đúng. Đây là các tình huống đơn giản, diễn ra hàng ngày như bố mẹ hoặc ai đó chào trẻ, lúc đó trẻ cần có phản ứng đáp lại như vẫy tay. Khi giáo viên đưa ra một yêu cầu đơn giản nào đó trẻ có thể thực hiện được. Ví dụ, giáo viên yêu cầu trẻ “cất đồ chơi đi”, trẻ biết cất đồ chơi đúng nơi quy định

Ở mức độ này trẻ nói được những từ giao tiếp đơn giản có một đến hai tiếng như: mama, bà, ạ, chào cô, cám ơn, xin lỗi…

Mức 2: Ở mức độ này, chúng tôi yêu cầu trẻ chỉ đúng những người thân được nhắc đến như: bố, mẹ, ông, bà, thầy/cô giáo đang dạy trẻ, thầy/cô hiệu trưởng hoặc giám đốc trung tâm, một số bạn cùng lớp…

Khả năng diễn đạt ngôn ngữ ở mức độ này yêu cầu trẻ nói được họ tên của bố, mẹ; nói được tên của thầy/cô giáo đang dạy trẻ, tên của thầy/cô hiệu trưởng hoặc giám đốc trung tâm…

Mức 3: Trẻ hiểu được một số bộ phận của cơ thể, thể hiện qua việc trẻ chỉ đúng các bộ phận như: mắt, mũi, tai, bụng, lưng, cổ, chân, tay, khửu tay, gót chân… trên cơ thể mình và người khác.

Trẻ nói được tên của một số bộ phận cơ thể.

Mức 4: Mức độ này yêu cầu trẻ hiểu được tên đồ vật, con vật, cây cối... bằng cách trẻ chỉ đúng những vật này khi được yêu cầu. Ví dụ khi giáo viên yêu cầu “nhặt cho cô bông hoa hồng?” trẻ nhặt đúng; cô hỏi “tivi đâu?”, trẻ chỉ đúng cái tivi…

Mức độ này yêu cầu trẻ gọi được tên một số đồ vật, con vật, cây cối, hoa quả…

Mức 5: Trẻ thực hiện được các hành động khi được yêu cầu như: ngồi xuống, đứng lên, giơ tay, cúi đầu, nhắm mắt, đóng, mở…

Trẻ nói được các động từ đơn giản như: ngồi xuống, đứng lên, đi ra, lại đây, đi rồi, hết rồi…

Mức 6: Trẻ hiểu được công dụng của các đồ vật. Ví dụ, yêu cầu trẻ nhặt đúng đồ vật khi được hỏi “cái gì dùng để nấu ăn?”, “cái gì dùng để quét nhà?”, “cái gì để gắp thức ăn?”…

Trẻ nói được công dụng của đồ vật, diễn tả ít nhất bằng 1 đến 2 từ. Mức 7: Trẻ hiểu câu có 2 từ quan trọng. Ví dụ, giáo viên ra lệnh “Đặt cái bút lên quyển vở”, ít nhất trẻ phải lấy được cái bút và quyển vở.

Trẻ nói được câu có ít nhất 2 từ. Ví dụ, trẻ xem tranh và trả lời được câu hỏi “bức tranh vẽ gì?”, “cái túi màu gì?”...

Mức 8: Trẻ hiểu các từ mô tả về kích thước như: to – nhỏ; dài – ngắn; nhận biết các màu sắc cơ bản như đỏ, xanh, vàng, trắng, đen và từ chỉ sở hữu như “của ai”.

Trẻ nói được các tính từ so sánh; nói được các từ chỉ vị trí và các từ để hỏi (ở đâu, cái gì, làm gì)…

Mức 9: Trẻ hiểu câu có 3 từ quan trọng, ví dụ, giáo viên yêu cầu trẻ “lấy cho cô quả bóng, cái bút và quyển vở”, ít nhất trẻ nhặt được cái bút, quả bóng và quyển vở; trẻ hiểu được các câu hỏi “ai”, “cái gì”.

Ở mức độ này chúng tôi yêu cầu trẻ nói được câu có 3 từ và trẻ trả lời được câu hỏi “làm gì?”

Mức 10: Trẻ hiểu câu có từ xác định vị trí trong không gian: trước, sau, trên, dưới; hiểu các từ chỉ thời gian như: hôm qua, ngày mai…

Trẻ nói được các câu dài như kể một câu chuyện ngắn. Trẻ biết sử dụng đúng các từ diễn tả trong đó có sử dụng các từ chỉ số lượng, sử dụng các từ chỉ cảm giác; sử dụng câu ở thì quá khứ với trật tự các sự kiện.

Như vậy, các mức độ đánh giá khả năng ngôn ngữ của trẻ như trên được nâng dần từ dễ đến khó. Trong mỗi mức độ chúng tôi có 5 bài tập đánh giá.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số vấn đề về phục hồi chức năng ngôn ngữ cho trẻ chậm phát triển trí tuệ (Trang 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)