Liệu pháp giúp trẻ “tăng vốn từ” và “nói nhiều hơn”

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số vấn đề về phục hồi chức năng ngôn ngữ cho trẻ chậm phát triển trí tuệ (Trang 80)

7. Bố cục của luận văn

3.2.2.Liệu pháp giúp trẻ “tăng vốn từ” và “nói nhiều hơn”

Để khả năng ngôn ngữ của trẻ phát triển chúng ta cần giúp trẻ “tăng vốn từ” và “nói nhiều hơn”. Vốn từ có vai trò rất quan trọng ảnh hưởng tới khả năng ngôn ngữ của trẻ. Trẻ muốn giao tiếp trước hết chúng phải có vốn từ phong phú, để vốn từ của trẻ được sử dụng trong cuộc sống chúng ta cần có liệu pháp kích thích trẻ “nói nhiều hơn”.

3.2.2.1. Liệu pháp giúp trẻ “tăng vốn từ”

Lúc đầu trẻ chưa có vốn từ nhiều nên ta chỉ dạy những từ đơn, và nhắc đi nhắc lại để trẻ nhớ, sau đó tăng dần dạy cho trẻ những từ có nhiều âm tiết đến những câu ngắn rồi câu dài hơn… Giáo viên và phụ huynh hãy nói với trẻ mọi nơi, mọi lúc và nói mọi điều trẻ được chơi, được làm.

Chúng ta có thể giúp trẻ tăng vốn từ vựng bằng những bài tập cụ thể như:

Bài tập phân loại đồ vật, đây là bài tập chúng ta dạy trẻ các từ mô tả: to - nhỏ, dài - ngắn…; các từ sở hữu: của mẹ, của bố, của anh…; các từ chỉ vị trí: trên dưới, trong ngoài, bên cạnh, đằng trước, đằng sau…; các từ chỉ màu sắc: xanh, đỏ, trắng, đen…

Ví dụ, khi trẻ gấp quần áo, bạn hỏi: quần của ai? Cái áo này có màu gì? Cái nào to hơn? Cái nào dài hơn? Cái này cất ở đâu?

Chúng ta sưu tầm các bức tranh có kích thước, hình vẽ thể hiện mức độ đối lập nhau như: cao/thấp; béo/gầy; rách/mới; lạnh/nóng; mùa đông/ mùa hè; sáng/tối… Hãy để từng cặp tranh trước mặt trẻ và hỏi: “anh nào béo?” để trẻ chỉ vào tranh đó. Khi trẻ đã thuộc hết tên tranh, hãy hỏi trẻ câu hỏi khác: “anh này thế nào?” hoặc “anh này béo, còn anh này…?”

Chúng ta giúp trẻ tăng vốn từ thông qua việc chơi với đồ vật: chúng ta chỉ cho trẻ những thứ quen thuộc như: bát, đĩa, thìa, cốc… nói tên những đồ vật này rồi yêu cầu trẻ nhắc lại; chúng ta để một số vật như xoong, chảo, bát, đĩa… trước mặt trẻ, khi quấy cơm, múc canh hãy nói về những điều bạn đang làm và yêu cầu trẻ nhắc lại.

Giáo viên/phụ huynh có thể giúp trẻ tăng vốn từ bằng cách “chơi đóng vai”. Ví dụ khi chơi đóng vai “bố, mẹ - em bé” chúng ta sẽ cung cấp cho trẻ các từ liên quan đến xưng hô (bố, mẹ, con, em bé…), các từ chỉ hoạt động hàng ngày trong gia đình (thức dậy, đánh răng, ăn sáng, đến lớp…), những từ mô tả trạng thái (đói, no, yêu, ghét…)

Chúng ta cũng có thể giúp trẻ tăng vốn từ bằng cách làm mẫu cho trẻ, ví dụ bạn cầm lược, nói tên “lược” rồi chải lên đầu mình nói “chải” sau đó đưa trẻ tự chải và nhắc lại “chải đầu” để trẻ nhắc lại lời bạn.

Chúng ta giúp trẻ mở rộng vốn từ bằng cách nhắc lại câu trẻ vừa nói và bổ sung thêm từ. Ví dụ, nếu mục tiêu chúng ta đặt ra cho trẻ là học được hình dạng và màu sắc của quả táo, sau khi trẻ nói được “táo”, giáo viên mở rộng thêm “táo đỏ”, “táo tròn”. Hay khi chúng ta muốn dạy trẻ nói câu dài “con muốn ăn kẹo”, chúng ta sẽ dạy trẻ nói chữ “kẹo” đầu tiên, tiếp đến chúng ta mở rộng dạy trẻ nói 2 từ “ăn kẹo”, rồi 3 từ “muốn ăn kẹo” đến cả câu “con muốn ăn kẹo”…

Khi chúng ta dạy cho trẻ các khái niệm về màu sắc, kích cỡ, cảm xúc, cảm giác, vị trí… chúng ta nên kết hợp với những cảm nhận bằng các giác quan của trẻ như nhìn, sờ, ngửi, nếm…

Khi dạy một từ cho trẻ CPTTT, chúng ta phải chú ý dạy từ đó trong nhiều ngữ cảnh khác nhau để trẻ có thể hiểu được nghĩa khái quát của từ đó. Đặc biệt, việc dạy từ cho trẻ phải được đặt trong “tình huống ngôn ngữ”

cụ thể. Việc dạy từ cho trẻ ở đây không có nghĩa là cứ cầm một vài đồ vật lên rồi bắt trẻ phải chỉ, bắt trẻ phải nói tên đồ vật đó, mà phải căn cứ vào tình huống ngôn ngữ. Việc dựa vào tình huống ngôn ngữ không chỉ giúp trẻ hiểu và nói được tên của đối tượng mà còn phải giúp trẻ từng bước nắm vững khái niệm về đối tượng ấy. Nếu chúng ta ép trẻ học ngôn ngữ sẽ khiến trẻ rơi vào tâm thế bị động, khiến trẻ thiếu kỹ năng sử dụng ngôn ngữ trong tình huống. Vậy nên, trẻ sẽ không thể tự tin tham gia giao tiếp, và không dám sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt nó.

Nhiều nhà trị liệu ngôn ngữ cho trẻ CPTTT đã dùng thẻ tranh để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ. Đó chính là con đường phát triển ngôn cho trẻ thông qua cấu trúc tình huống. Đối tượng thẻ tranh được các nhà trị liệu sử dụng nhằm thay thế vật thật trong quá trình thiết lập trò chơi; nói đúng hơn đó chính là vật thay thế vật thật nhằm thiết lập cấu trúc tình huống của từ. Đối với trẻ em, lúc đầu “từ” không có nghĩa rõ ràng, nhưng nhiều lần “từ” được kết hợp với tình huống cụ thể (có kèm cả điệu bộ, thái độ của người sử dụng) dần dần “từ” trở nên có nghĩa rõ ràng hơn, và cuối cùng “từ” giải phóng khỏi hoàn cảnh cụ thể và trở thành ngôn ngữ ở trẻ, đó là con đường của sự phát triển ngôn ngữ tự nhiên ở trẻ em, trong đó có trẻ CPTTT[13].

Những từ mới được học nên dùng hàng ngày trong những ngữ cảnh khác nhau với các câu ngắn, đơn giản để trẻ có thể nghe lại nhiều lần.

Trẻ CPTTT luôn gặp khó khăn trong việc ghép các từ để tạo thành câu. Trẻ sẽ bắt chước lại một câu hoàn chỉnh khi được nghe nhiều lần. Do đó, khi nói với trẻ chúng ta nên nói một cách chậm chạp, rõ ràng.

Để tăng vốn từ cho trẻ chúng ta nên vừa nói vừa dùng dấu hiệu cử chỉ và tranh ảnh: Ví dụ, ta xua tay tỏ ý “không được” hoặc vẫy tay để tỏ ý “lại

đây”… Việc kết hợp ngôn ngữ cử chỉ và tranh ảnh với lời nói sẽ giúp trẻ hiểu và diễn đạt ngôn ngữ nói tốt hơn.

Nếu trẻ nói đúng hoặc sử dụng các từ mới vừa học, hãy động viên trẻ bằng cách mỉm cười, vỗ về trẻ hoặc thưởng cho trẻ được chơi, được làm điều trẻ thích.

3.2.2.2. Liệu pháp giúp trẻ “nói nhiều hơn”

Sau khi trẻ đã có vốn từ phong phú, chúng ta cần giúp trẻ đưa những từ đã biết vào những tình huống giao tiếp cụ thể, từ đó từng bước nâng cao khả năng ngôn ngữ cho trẻ.

Để trẻ nói nhiều hơn, giáo viên và phụ huynh cần tạo cơ hội giao tiếp cho trẻ. Cơ hội này có thể nảy sinh trong ngày do trẻ tự khởi xướng, cũng có thể cơ hội lại nảy sinh trong quá trình người lớn giao tiếp với trẻ. Cũng có thể giáo viên và phụ huynh dựa vào những sở thích của trẻ, sau đó tìm cách giao tiếp với chúng, khơi gợi sự tham gia hợp tác của trẻ. Sở thích của trẻ có thể bộc lộ khi trẻ đang chú ý tới một đồ vật hay một sự kiện, con người nào đó. Sự chú ý đó có thể được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như trẻ đang nhìn hoặc lắng nghe một cái gì đó hoặc một ai đó, trẻ có thể vươn tay lấy đồ vật hoặc chỉ tay về đồ vật đó. Sau khi tạo được cơ hội giao tiếp cho trẻ, giáo viên và phụ huynh có thể áp dụng một số liệu pháp sau trong quá trình giúp trẻ “nói nhiều hơn”.

Chúng ta nên khuyến khích trẻ phát ra các âm thanh khác nhau, không nên ngăn cản trẻ phát ra các âm vô nghĩa, vì với trẻ các âm đó đều mang một ý nghĩa giao tiếp nào đó. Do đó, với mỗi âm thanh vô nghĩa của trẻ CPTTT chúng ta nên cố gắng dạy cho trẻ 1 từ có nghĩa.

Giáo viên/phụ huynh đưa ra yêu cầu đối với trẻ buộc trẻ phải nói gì đó. Ví dụ trẻ đang với tay lấy đồ chơi, giáo viên có thể lại gần và yêu cầu

trẻ nói “lấy búp bê”… có thể trẻ chỉ nói 1 hoặc 2 từ giáo viên vẫn cần động viên trẻ, khi trẻ nói cô mới đáp ứng nhu cầu đưa búp bê cho trẻ.

Giáo viên và phụ huynh tạo cơ hội cho trẻ bằng cách đưa tình huống cho trẻ lựa chọn giữa các vật thể, sự kiện hoặc hoạt động dựa trên mối quan tâm của trẻ. Ví dụ, cô đưa ra hai hoạt động chơi bán hàng và chơi búp bê xem trẻ thích chơi hoạt động nào và buộc trẻ phải nói ít nhất là một, hai từ “bán hàng” hoặc “búp bê”; trong bữa ăn, bạn hỏi: “con ăn bằng đũa hay thìa?”, “ăn cá hay ăn canh?”; hoặc khi trẻ tắm xong bạn hỏi: “con muốn mặc áo xanh hay áo vàng?”… Cứ như thế trẻ sẽ phải nhớ các từ để trả lời.

Giáo viên và phụ huynh có thể áp dụng liệu pháp ngăn tiếp cận, có nghĩa là gây cho trẻ khó khăn khi muốn lấy đồ vật mà trẻ muốn hoặc tham gia hoạt động mà trẻ thích. Liệu pháp ngăn tiếp cận buộc trẻ nói ra yêu cầu của mình. Ví dụ trẻ muốn vặn nắp hộp, giáo viên vặn thật chặt nắp hộp đó để trẻ không mở được. Sau đó giáo viên đưa ra gợi ý buộc trẻ phải nói nhờ giúp đỡ.

Giáo viên/phụ huynh có thể dùng liệu pháp chia phần thiếu, tức là chia không đồng đều, giáo viên chỉ chia cho trẻ một số ít vật thể mà trẻ muốn. Trẻ muốn lấy nhiều hơn chúng buộc phải giao tiếp. Ví dụ, khi chia kẹo, giáo viên chỉ đưa cho trẻ ít hơn các bạn khác, trẻ muốn lấy thêm buộc trẻ phải giao tiếp với cô và phải có lời xin thêm. Giáo viên có thể tạo tình huống thiếu dụng cụ, có nghĩa là trong một hoạt động nào đó giáo viên có thể chia cho các trẻ khác đồ chơi nhưng lại không chia cho trẻ đó, khi trẻ thấy thiếu buộc trẻ phải nói ra yêu cầu. Ví dụ, trong giờ học vẽ, cô chia cho trẻ khác bút nhưng vờ quên không chia cho trẻ, trẻ phải có yêu cầu cô đưa bút thì cô mới đáp ứng yêu cầu đó.

Tiếp theo chúng ta có thể sử dụng liệu pháp gây tình huống bất ngờ giúp trẻ “nói nhiều hơn”. Giáo viên tạo ra những tình huống mà trẻ không ngờ dựa trên hiểu biết hiện thời của trẻ về hoạt động hay sự kiện đó. Có thể sự việc giáo viên đưa ra trái với thực tế hoặc đó là những điều ngốc nghếch, buồn cười hoặc thú vị để dùng nó làm kích thích cho trẻ đưa ra những nhận xét, đặt câu hỏi, giải quyết vấn đề. Ví dụ, giáo viên lấy cái quần và nói “đưa cho cô mặc” nhưng giáo viên không sỏ chân vào mà cố vờ như mặc áo để trẻ phát hiện ra cô làm sai và nói ra những nhận xét của mình.

Giáo viên tạo cơ hội cho trẻ nhận xét, mô tả thứ mà trẻ có, trẻ nhìn thấy hoặc thực hiện, hoặc thứ mà người lớn có, nhìn thấy hoặc thực hiện. Ví dụ, trẻ thích chơi ô tô, giáo viên đưa cho trẻ ô tô nhưng thiếu bánh xe. Sau đó, giáo viên giúp trẻ nhận xét xe ô tô thiếu cái gì. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Ngoài những liệu pháp trên, giáo viên cũng cần có những kĩ thuật để hỗ trợ, kích thích trẻ nói bằng ngôn ngữ, phi ngôn ngữ như nét mặt, cử chỉ, điệu bộ… Chúng ta cũng có thể hỗ trợ bằng thể chất giúp trẻ đạt được mục tiêu.

Khi trẻ có cố gắng, thậm chí ngay cả khi trẻ làm chưa tốt, giáo viên cũng cần khuyến khích động viên trẻ và tỏ thái độ hài lòng khi trẻ cùng hợp tác.

KẾT LUẬN

Đề tài luận văn “Nghiên cứu một số vấn đề về phục hồi chức năng ngôn ngữ cho trẻ CPTTT” đã nghiên cứu vấn đề rất thiết thực đối với trẻ CPTTT. Mục đích chúng tôi hướng tới trong luận văn là đưa ra những liệu pháp giúp trẻ CPTTT nâng cao khả năng ngôn ngữ. Để có những liệu pháp phù hợp giúp trẻ CPTTT nâng cao khả năng ngôn ngữ, chúng tôi khảo sát thực tế khả năng hiểu và diễn đạt ngôn ngữ của 3 trẻ CPTTT ở 3 cơ sở trị liệu cho trẻ khuyết tật trên địa bàn Hà Nội là trẻ N.T.T - trường mầm non Ánh Sao; N.V.T – làng Hữu Nghị Việt Nam và N.V.N - trung tâm An Phúc Thành.

Qua khảo sát thực tế khả năng ngôn ngữ của 3 trẻ CPTTT (5-6 tuổi) trên địa bàn Hà Nội chúng tôi thấy, khả năng hiểu và khả năng diễn đạt ngôn ngữ của trẻ thấp hơn nhiều so với tuổi thực của chúng. Giữa khả năng hiểu và khả năng diễn đạt ngôn ngữ có mối quan hệ khăng khít, nếu khả năng hiểu của trẻ tốt thì khả năng diễn đạt ngôn ngữ của trẻ cũng tốt và ngược lại. Do đó chúng ta cần có những liệu pháp thích hợp từng bước nâng cao khả năng ngôn ngữ cho trẻ CPTTT.

Trước hết, muốn nâng cao khả năng ngôn ngữ cho trẻ CPTTT giáo viên/phụ huynh cần tìm hiểu khả năng và nhu cầu của trẻ. Đó là khả năng về nhận thức và khả năng giao tiếp của trẻ.

Sau đó, chúng ta cần tạo cho trẻ môi trường giao tiếp thuận lợi, đó là môi trường giao tiếp giữa trẻ với bạn bè; môi trường giao tiếp giữa trẻ với giáo viên; môi trường giao tiếp giữa trẻ với gia đình và môi trường giao tiếp giữa trẻ với xã hội. Ở mỗi môi trường giao tiếp, giáo viên/phụ huynh cần có những bài tập cụ thể, thiết thực giúp trẻ phát huy tối đa khả năng ngôn ngữ của mình.

Sau khi đã tạo được môi trường giao tiếp thuận lợi cho trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ của mình, chúng ta cần có những liệu pháp giúp trẻ nâng cao kĩ năng giao tiếp sớm, cụ thể là kĩ năng tập trung, kĩ năng bắt chước và lần lượt.

Để trẻ có thể tập trung và tiếp thu ngôn ngữ tốt, trong quá trình dạy chúng ta cần hạn chế những yếu tố ngoại cảnh tham gia vào quá trình dạy như không nên sử dụng quá nhiều tranh ảnh, đồ vật và không nên có nhiều người đứng xung quanh khi đang dạy. Chúng ta cũng cần dạy trẻ biết cách cùng lắng nghe khi học một cái gì đó.

Giáo viên/phụ huynh cần động viên khuyến khích trẻ nói dù đúng hay sai. Giáo viên không nên phê phán hay cấm trẻ không được nói mà cần giúp trẻ bắt chước những người khác nói, sau đó khuyến khích trẻ tìm hiểu mà không cần sự giúp đỡ. Giáo viên và cha mẹ trẻ cũng cần để cho trẻ có thời gian phản hồi và chờ đợi trẻ suy nghĩ.

Tiếp theo đó chúng ta từng bước “mở rộng vốn từ” cho trẻ và giúp trẻ vận dụng vốn từ đã có để trẻ “nói nhiều hơn”.

Để thực hiện được điều này chúng ta phải luôn tạo cho trẻ có cơ hội giao tiếp, thường xuyên nói chuyện với trẻ. Trong quá trình giao tiếp trẻ có thể gặp những khó khăn trong việc học nói nên các từ và các câu phải được nhắc đi nhắc lại nhiều lần và trẻ cần được nghe thấy các từ, các câu đó thường xuyên trong ngày, trong tuần. Trước khi dậy trẻ sử dụng từ ngữ chúng ta cần giúp trẻ hiểu ý nghĩa của âm thanh, từ và câu trước khi nói. Chúng ta nói chuyện với trẻ ở mức độ ngôn ngữ phù hợp, ví dụ nên sử dụng các câu đơn, câu ngắn và nói một cách chậm rãi, rõ ràng.

Bên cạnh đó, giáo viên/phụ huynh cũng cần kết hợp ngôn ngữ nói với các cử chỉ, điệu bộ, ra các dấu hiệu giúp trẻ dễ dàng hơn trong giao tiếp.

Giáo viên cần chỉ rõ cho trẻ thấy những việc mà trẻ đã làm được và làm đúng cũng như những gì trẻ chưa làm được và làm sai. Chúng ta cũng không quên động viên, khen thưởng cho trẻ khi trẻ đã có sự tiến bộ hay có những cố gắng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Nữ Tâm An, Phương pháp dạy học cho học sinh chậm phát triển trí tuệ, tài liệu bài giảng, 2007.

2. Đào Thanh Âm (Chủ biên), Giao tiếp sư phạm, Nxb ĐHQG Hà Nội.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số vấn đề về phục hồi chức năng ngôn ngữ cho trẻ chậm phát triển trí tuệ (Trang 80)