7. Bố cục của luận văn
3.2.1. Liệu pháp nâng cao kĩ năng giao tiếp sớm cho trẻ CPTTT
3.2.1.1. Giúp trẻ kĩ năng tập trung
Muốn tăng khả năng tập trung cho trẻ chúng ta cần có những bài tập nhằm kích thích trẻ nhìn, ví dụ: bế trẻ gần sát mặt mình nói chuyện, nựng và thể hiện các nét mặt cười, vui, buồn…cho trẻ quan sát; đưa các đồ chơi màu sắc khác nhau, hình dáng khác nhau cho trẻ nhìn theo; chơi ú òa với trẻ, đợi trẻ dõi nhìn theo mặt bạn; lăn bóng về phía trẻ để trẻ nhìn theo và nói trẻ giơ tay ra bắt bóng; giấu đồ chơi, đồ vật quen thuộc (thìa, cốc…) vào một cái rổ đựng đồ và nói trẻ đi tìm…
Bên cạnh việc kích thích trẻ nhìn chúng ta cũng cần kích thích khả năng nghe cho trẻ. Các bài tập giúp trẻ chăm chú nghe các âm thanh như: lắc các đồ chơi có phát ra âm thanh (xúc xắc, chút chít); chơi trò chơi tạo ra các tiếng động như bắt chước tiếng kêu của con vật cho trẻ nghe rồi đợi trẻ phát âm theo, trong lúc trẻ thực hiện ta vỗ tay cổ vũ trẻ; nói chuyện, hát hoặc bật nhạc trẻ em cho trẻ nghe, lúc đó ta nên quan sát nét mặt của trẻ khi nghe các âm thanh khác nhau; cho trẻ chơi theo nhóm: gọi tên từng trẻ, trẻ giơ tay khi được gọi tên.
3.2.1.2. Giúp trẻ kĩ năng bắt chước và lần lượt
Giúp trẻ kĩ năng bắt chước: đối với trẻ em nói chung và trẻ CPTTT nói riêng chúng thường học mọi thứ thông qua bắt chước. Do đó, phát triển kĩ năng này sẽ giúp khả năng hiểu và diễn đạt ngôn ngữ của trẻ dễ dàng hơn. Ví dụ, chúng ta dạy trẻ bắt chước nét mặt, cử động cơ thể (giơ tay chào, vẫy tay tạm biệt…); dạy trẻ bắt chước chơi với đồ chơi; bắt chước phát âm âm thanh và từ ngữ; hoặc chúng ta có thể hát và tạo âm thanh để trẻ bắt chước; chỉ cho trẻ những vật gây tiếng động như tiếng ô tô, tiếng chó sủa, tiếng nước chảy…, làm những tiếng động đó để trẻ bắt chước.
Giúp trẻ kĩ năng lần lượt: lần lượt là một kĩ năng quan trọng mà mọi trẻ đều học khi giao tiếp (trẻ khóc, mẹ đến dỗ dành; khi trẻ đói sẽ chỉ tay đòi, mẹ đến cho trẻ ăn; trẻ chỉ tay vào đồ vật nó muốn, mẹ đưa cho trẻ). Trẻ CPTTT thường không có kĩ năng lần lượt (không biết đáp ứng lại việc dạy của ta). Vì vậy huấn luyện kĩ năng lần lượt rất quan trọng đối với trẻ CPTTT nhằm giúp trẻ hiểu ngôn ngữ trước khi phát âm ra tiếng.
Chúng ta có thể giúp trẻ có kĩ năng lần lượt như: nựng trẻ bằng âm thanh, cù bụng, đợi trẻ cười, nựng và cù tiếp, đợi trẻ phản ứng; khi trẻ phát âm, ta bắt chước âm thanh của trẻ, đợi trẻ đáp ứng; ta làm mẫu một hành động như vỗ tay, giơ tay, bảo trẻ làm rồi đợi trẻ làm theo; chơi ú òa: ta che tay vào mặt nói “ú”, bỏ tay ra và nói “òa”, đợi trẻ cười; lăn bóng về phía trẻ và nói “của con”, đợi trẻ bắt lấy bóng, lăn về phía ta và nói “của cô”; chơi giả vờ: con tắm cho bé, mẹ nấu cơm, đợi trẻ đáp ứng với việc nhận lượt của mình; trò chơi lần lượt: bỏ viên sỏi vào lon côca gây nên tiếng động cho trẻ nghe, đợi trẻ bắt chước làm theo… Khi trẻ thực hiện những nhiệm vụ đến lượt mình giáo viên và phụ huynh nhớ vỗ tay khen ngợi trẻ.