7. Bố cục của luận văn
3.1. Tạo môi trƣờng giao tiếp thuận lợi
Môi trường giao tiếp có vai trò quan trọng trong việc phát triển khả năng ngôn ngữ cho trẻ CPTTT. Môi trường giao tiếp thuận lợi là môi trường mà ở đó trẻ được phát huy tối đa khả năng ngôn ngữ của mình. Những thực tế đáng tin cậy cho thấy rằng, nếu một đứa trẻ bình thường chỉ tiếp xúc với gia đình thì khả năng ngôn ngữ hạn chế hơn nhiều so với một trẻ cùng độ tuổi được đến lớp học, được giao tiếp với giáo viên và bạn bè. Đứa trẻ chỉ tiếp xúc với gia đình vốn từ nghèo hơn, khả năng nói kém hơn và tính tình nhút nhát không linh hoạt. Qua khảo sát 3 trẻ CPTTT trong mẫu nghiên cứu của chúng tôi cũng đã chứng minh điều đó. 3 trẻ CPTTT là N.T.T, N.V.T và N.V.N đều nằm trong độ tuổi đến trường (5 – 6 tuổi) nhưng N.V.T có khả năng ngôn ngữ kém hơn hẳn so với 2 bạn kia. Một
trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới hạn chế này là do trẻ được đến trường muộn, do điều kiện gia đình khó khăn nên trẻ ít được tiếp xúc với bạn bè, thầy/cô giáo…
Điều đó cho thấy tạo ra môi trường thuận lợi cho trẻ CPTTT giao tiếp là hết sức cần thiết. Giáo sư Rubin Stein cho rằng: “nếu để trẻ CPTTT tiếp xúc với nhau, cách ly với môi trường bên ngoài thì khả năng phát triển ngôn ngữ cũng không phát triển. Nếu chúng được tiếp xúc đúng môi trường, xã hội, bạn bè… thì khả năng giao tiếp ngôn ngữ của chúng sẽ tốt hơn rất nhiều” [11].
3.1.1. Môi trường giao tiếp giữa trẻ với bạn bè
Môi trường giao tiếp giữa trẻ với các bạn đồng trang lứa được coi là môi trường phát triển ngôn ngữ tốt nhất của trẻ. Khi trẻ giao tiếp với bạn bè trẻ sẽ “học hỏi được nhiều hơn” và “nhập tâm nhanh hơn” [11]. Do vậy, để phát huy khả năng ngôn ngữ của trẻ khi chúng giao tiếp với nhau giáo viên và phụ huynh cần tạo ra những nhóm bạn chơi cùng độ tuổi cũng như cùng khả năng nhận thức để chúng có thể giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Bên cạnh đó giáo viên và phụ huynh cũng cần có những biện pháp kích thích sự phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Cụ thể giáo viên và phụ huynh có thể vận dụng một số các biện pháp sau:
Biện pháp kích thích giao tiếp cho trẻ CPTTT bằng đồ chơi (hoạt động giữa trẻ với bạn bè): Trong các giờ chơi với đồ chơi giáo viên/phụ huynh chuẩn bị hàng loạt đồ chơi để các em chọn theo ý thích nhưng muốn chơi đồ chơi nào thì trẻ phải nói: Thưa cô, con thích đồ chơi này (gọi tên đồ chơi) hoặc đồ chơi kia (gọi tên). Nếu trẻ dùng tay chỉ giáo viên/phụ huynh không đưa đồ chơi cho trẻ. Khi chọn xong đồ chơi cho các nhóm trẻ cùng chơi, giáo viên/phụ huynh chỉ hướng dẫn để trẻ tự giao tiếp với nhau. Giáo
viên/phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ giao tiếp trong tình huống này bằng cách cầm từng đồ chơi và hỏi “Đây là đồ chơi gì?” để mọi trẻ trả lời, trẻ nào trả lời đúng được khen ngay, trẻ nào trả lời sai phải nhắc lại cho đến khi trả lời được.
Biện pháp kích thích trẻ CPTTT giao tiếp bằng trò chơi: Giáo viên/phụ huynh chuẩn bị tốt các trò chơi có chủ định, có thể là các trò chơi mang tính hoạt động cũng có thể là trò chơi tĩnh. Giáo viên giải thích cách chơi cho cả nhóm. Sau đó từng em nói lại quy tắc chơi rồi mới cho trẻ thực hành. Trong sự giao lưu này trẻ sẽ phải giao tiếp với nhau bằng lời. Ví dụ, trò chơi truyền tin: giáo viên/phụ huynh truyền tin cho em xếp đầu, các em sẽ tự tiếp nối đến người cuối (cô nhận thông tin ở người cuối cùng); hoặc trò chơi bắt và tung bóng, muốn tung cho ai phải nói tên bạn ấy. Tương tự như vậy, giáo viên/phụ huynh buộc trẻ giao tiếp bằng lời; đối với các trò chơi tĩnh như nhận mặt chữ, nhận mặt số hoặc biết gọi tên các vật vẽ trong tranh cũng đòi hỏi trẻ phải dùng lời để biểu đạt.
Biện pháp kích thích trẻ giao tiếp bằng nghe kể - kể nghe: Giáo viên/phụ huynh kể những câu chuyện hấp dẫn cho cả nhóm trẻ nghe, sau đó yêu cầu từng em kể lại, khuyến khích trẻ kể đúng cốt chuyện và kể có diễn cảm; hoặc cũng có thể cho trẻ tự kể về mình, giáo viên/phụ huynh gợi ý và các bạn khác trong nhóm bổ sung.
Biện pháp kích thích thảo luận chủ đề: Giáo viên/phụ huynh hãy để trẻ chọn các chủ đề sinh hoạt mà các em ưa thích. Ví dụ, chủ đề nhà trường “hãy kể chuyện về thầy cô mà em yêu thích?” hoặc “muốn học tốt em phải làm gì?”; chủ đề về gia đình, “hãy kể về gia đình em” hoặc “muốn trở thành con ngoan con phải làm gì?”; chủ đề về xã hội, “hãy kể chuyện về một chú bộ đội hay chú thương binh mà em biết”.
Đây là biện pháp dành cho trẻ CPTTT ở mức độ nhẹ, khả năng ngôn ngữ khá tốt. Nếu khả năng ngôn ngữ của các em còn kém giáo viên/phụ huynh cần gợi ý kĩ để các em thực hiện được yêu cầu.
Biện pháp kích thích trẻ CPTTT giao tiếp bằng các hoạt động văn nghệ: Đây cũng là một hoạt động bổ ích đối với trẻ, trong quá trình tham gia hoạt động này trẻ học được rất nhiều từ như tập hát, đóng kịch, tập múa… Ví dụ, khi chúng ta tập hát cho trẻ phải dậy từng câu cho chúng, sau đó mới ghép thành bài. Sau khi dậy cho trẻ thuộc một bài hát phải cho chúng luyện tập thường xuyên nếu không trẻ sẽ quên mất.
Giáo viên/phụ huynh cần chú ý vì đây là môi trường giao tiếp giữa trẻ với bạn bè nên trong các bài tập thực tế giáo viên/phụ huynh chỉ đóng vai trò hướng dẫn, uốn nắn cho các em tham gia các hoạt động nhằm nâng cao khả năng ngôn ngữ của trẻ, giáo viên/phụ huynh không nên bao biện làm thay.
3.1.2. Môi trường giao tiếp giữa trẻ với giáo viên
Do khả năng nhận thức và khả năng giao tiếp của trẻ CPTTT còn nhiều hạn chế nên giáo viên cần hiểu những đặc điểm tâm sinh lí của trẻ nhằm khuyến khích trẻ giao tiếp. Giáo viên cần chiếm lĩnh được lòng tin của trẻ để xóa đi ranh giới mặc cảm tự ti do đặc điểm tâm sinh lí của trẻ. Trẻ phải cảm nhận được tình yêu thương của giáo viên dành cho mình, lúc đó chúng mới dám bộc lộ bản thân và mạnh dạn giao tiếp. Từ đó giáo viên sẽ phát hiện được điểm mạnh, điểm yếu của từng trẻ để có thể phát huy những điểm mạnh tiềm tàng của trẻ cũng như khắc phục những điểm còn hạn chế của trẻ. Nếu giáo viên để trẻ rơi vào trạng thái mặc cảm, không thích tiếp xúc, không cộng tác… thì khả năng ngôn ngữ của trẻ khó lòng được cải thiện.
Cụ thể đối với 3 trẻ chúng tôi khảo sát, điểm mạnh của trẻ N.T.T và N.V.N là “cởi mở, dễ tiếp cận”, do đó giáo viên cần khích lệ động viên để trẻ tích cực giao tiếp hơn nữa. Ngược lại, trẻ N.V.T “nhút nhát, ngại tiếp xúc”, yêu cầu giáo viên cần quan tâm hơn, dành nhiều thời gian hơn để trẻ hòa đồng với bạn bè, từ đó nâng cao khả năng ngôn ngữ cho trẻ.
Trong môi trường giao tiếp này, giáo viên có thể giúp trẻ CPTTT phát triển ngôn ngữ bằng biện pháp “hội thoại”. Đây là phương pháp cá biệt hóa vì cô phải làm việc với từng em (khác với các biện pháp trong môi trường giao tiếp giữa trẻ và bạn bè). Cụ thể, giáo viên có thể giúp trẻ phát triển ngôn ngữ nói thông qua hội thoại bằng các hình thức sau:
Hội thoại bằng hình thức kể nghe – nghe kể: giáo viên kể chuyện cho trẻ nghe, trẻ kể lại câu chuyện hoặc kể chuyện theo tranh để phát triển ngôn ngữ.
Luyện tập phát âm: Đối với trẻ khả năng phát âm còn kém giáo viên cần phải luyện phát âm cho trẻ, luyện cả về cường độ theo phương pháp phát âm “nhại lại”, tức là cô đọc trước trò đọc sau [11,32].
Sửa tật ngôn ngữ: Nếu phát hiện thấy trẻ mắc tật ngôn ngữ cần phải sửa tật theo phương pháp phát âm âm tiết, phương pháp dùng âm tiết trung gian…
3.1.3. Môi trường giao tiếp giữa trẻ với gia đình
Gia đình là môi trường rất quan trọng giúp phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ, vì 2/3 thời gian trẻ sống ở gia đình, được tiếp xúc với bố mẹ, anh chị và những người ruột thịt khác. Trong môi trường này nếu phụ huynh của trẻ có phương pháp đúng thì khả năng ngôn ngữ của trẻ phát triển rất nhanh. Muốn làm được điều này, trước hết gia đình phải là nơi để
trẻ cảm thấy an toàn, ấm áp… có như vậy khi gia đình dạy ngôn ngữ cho trẻ chúng mới hứng thú làm theo.
Những hoạt động phụ huynh cần làm để phát triển ngôn ngữ cho trẻ như:
Dạy cho trẻ cách giao tiếp: dạy trẻ biết chào hỏi khi đi học và khi về đến nhà; dạy trẻ biết mời, chào khi có khách đến nhà, biết giúp ba mẹ chuẩn bị tiếp khách.
Dạy trẻ phát âm và tập đọc.
Kể chuyện cổ tích hoặc chuyện vui cho con nghe.
3.1.4. Môi trường giao tiếp giữa trẻ với xã hội.
Môi trường xã hội đối với trẻ ở đây là môi trường cộng đồng, làng xóm, sự giao lưu mua bán, hội hè… Trẻ được tiếp xúc tốt với môi trường này sẽ nâng cao khả năng hiểu cũng như diễn đạt ngôn ngữ. Đây là môi trường ngôn ngữ rất phong phú và đa dạng nên phụ huynh và giáo viên cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho trẻ như tham gia lễ hội, tham gia vãng cảnh, đi chợ mua sắm… Khi trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa giáo viên/phụ huynh hãy thường xuyên nói về những điều đang diễn ra xung quanh (ví dụ khi cho trẻ đến siêu thị, cố gắng nói với trẻ những từ như: siêu thị, nhiều đồ chơi, nhiều người, thang máy, mua hàng…) Sau đó yêu cầu trẻ kể lại những gì trẻ đã nhìn thấy bằng các câu hỏi “cái gì đây?”, “đây là ở đâu?”, “con muốn mua gì?”, “con thích cái (tên đồ vật) màu xanh hay màu đen?”… Khi trẻ đã trả lời được những câu hỏi này giáo viên/phụ huynh tiếp tục hỏi trẻ những câu khó hơn “như thế nào?”, “tại sao?”…
Khi trẻ tham gia những môi trường này, người lớn cố gắng chỉ đóng vai trò hỗ trợ giúp trẻ tự chủ trong giao tiếp nhằm thực hiện được ý muốn của bản thân.
3.2. Một số liệu pháp nâng cao khả năng ngôn ngữ cho trẻ CPTTT
Khi đã tạo được môi trường giao tiếp thuận lợi cho trẻ, giáo viên và phụ huynh cần có những liệu pháp cụ thể giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ nói. Trẻ CPTTT rất hạn chế về khả năng quan sát, nghe, nhìn, khả năng tập trung, chú ý cũng như trẻ rất khó bắt chước các hành động, các âm thanh trong việc học các biểu hiện ngôn ngữ. Do đó, để giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ, trước hết chúng ta cần giúp trẻ những phát triển những kĩ năng giao tiếp sớm như kĩ năng tập trung, kĩ năng bắt chước và lần lượt. Sau đó chúng ta từng bước giúp trẻ “tăng vốn từ” và “nói nhiều hơn”.
3.2.1. Liệu pháp nâng cao kĩ năng giao tiếp sớm cho trẻ CPTTT
3.2.1.1. Giúp trẻ kĩ năng tập trung
Muốn tăng khả năng tập trung cho trẻ chúng ta cần có những bài tập nhằm kích thích trẻ nhìn, ví dụ: bế trẻ gần sát mặt mình nói chuyện, nựng và thể hiện các nét mặt cười, vui, buồn…cho trẻ quan sát; đưa các đồ chơi màu sắc khác nhau, hình dáng khác nhau cho trẻ nhìn theo; chơi ú òa với trẻ, đợi trẻ dõi nhìn theo mặt bạn; lăn bóng về phía trẻ để trẻ nhìn theo và nói trẻ giơ tay ra bắt bóng; giấu đồ chơi, đồ vật quen thuộc (thìa, cốc…) vào một cái rổ đựng đồ và nói trẻ đi tìm…
Bên cạnh việc kích thích trẻ nhìn chúng ta cũng cần kích thích khả năng nghe cho trẻ. Các bài tập giúp trẻ chăm chú nghe các âm thanh như: lắc các đồ chơi có phát ra âm thanh (xúc xắc, chút chít); chơi trò chơi tạo ra các tiếng động như bắt chước tiếng kêu của con vật cho trẻ nghe rồi đợi trẻ phát âm theo, trong lúc trẻ thực hiện ta vỗ tay cổ vũ trẻ; nói chuyện, hát hoặc bật nhạc trẻ em cho trẻ nghe, lúc đó ta nên quan sát nét mặt của trẻ khi nghe các âm thanh khác nhau; cho trẻ chơi theo nhóm: gọi tên từng trẻ, trẻ giơ tay khi được gọi tên.
3.2.1.2. Giúp trẻ kĩ năng bắt chước và lần lượt
Giúp trẻ kĩ năng bắt chước: đối với trẻ em nói chung và trẻ CPTTT nói riêng chúng thường học mọi thứ thông qua bắt chước. Do đó, phát triển kĩ năng này sẽ giúp khả năng hiểu và diễn đạt ngôn ngữ của trẻ dễ dàng hơn. Ví dụ, chúng ta dạy trẻ bắt chước nét mặt, cử động cơ thể (giơ tay chào, vẫy tay tạm biệt…); dạy trẻ bắt chước chơi với đồ chơi; bắt chước phát âm âm thanh và từ ngữ; hoặc chúng ta có thể hát và tạo âm thanh để trẻ bắt chước; chỉ cho trẻ những vật gây tiếng động như tiếng ô tô, tiếng chó sủa, tiếng nước chảy…, làm những tiếng động đó để trẻ bắt chước.
Giúp trẻ kĩ năng lần lượt: lần lượt là một kĩ năng quan trọng mà mọi trẻ đều học khi giao tiếp (trẻ khóc, mẹ đến dỗ dành; khi trẻ đói sẽ chỉ tay đòi, mẹ đến cho trẻ ăn; trẻ chỉ tay vào đồ vật nó muốn, mẹ đưa cho trẻ). Trẻ CPTTT thường không có kĩ năng lần lượt (không biết đáp ứng lại việc dạy của ta). Vì vậy huấn luyện kĩ năng lần lượt rất quan trọng đối với trẻ CPTTT nhằm giúp trẻ hiểu ngôn ngữ trước khi phát âm ra tiếng.
Chúng ta có thể giúp trẻ có kĩ năng lần lượt như: nựng trẻ bằng âm thanh, cù bụng, đợi trẻ cười, nựng và cù tiếp, đợi trẻ phản ứng; khi trẻ phát âm, ta bắt chước âm thanh của trẻ, đợi trẻ đáp ứng; ta làm mẫu một hành động như vỗ tay, giơ tay, bảo trẻ làm rồi đợi trẻ làm theo; chơi ú òa: ta che tay vào mặt nói “ú”, bỏ tay ra và nói “òa”, đợi trẻ cười; lăn bóng về phía trẻ và nói “của con”, đợi trẻ bắt lấy bóng, lăn về phía ta và nói “của cô”; chơi giả vờ: con tắm cho bé, mẹ nấu cơm, đợi trẻ đáp ứng với việc nhận lượt của mình; trò chơi lần lượt: bỏ viên sỏi vào lon côca gây nên tiếng động cho trẻ nghe, đợi trẻ bắt chước làm theo… Khi trẻ thực hiện những nhiệm vụ đến lượt mình giáo viên và phụ huynh nhớ vỗ tay khen ngợi trẻ.
3.2.2. Liệu pháp giúp trẻ “tăng vốn từ” và “nói nhiều hơn”
Để khả năng ngôn ngữ của trẻ phát triển chúng ta cần giúp trẻ “tăng vốn từ” và “nói nhiều hơn”. Vốn từ có vai trò rất quan trọng ảnh hưởng tới khả năng ngôn ngữ của trẻ. Trẻ muốn giao tiếp trước hết chúng phải có vốn từ phong phú, để vốn từ của trẻ được sử dụng trong cuộc sống chúng ta cần có liệu pháp kích thích trẻ “nói nhiều hơn”.
3.2.2.1. Liệu pháp giúp trẻ “tăng vốn từ”
Lúc đầu trẻ chưa có vốn từ nhiều nên ta chỉ dạy những từ đơn, và nhắc đi nhắc lại để trẻ nhớ, sau đó tăng dần dạy cho trẻ những từ có nhiều âm tiết đến những câu ngắn rồi câu dài hơn… Giáo viên và phụ huynh hãy nói với trẻ mọi nơi, mọi lúc và nói mọi điều trẻ được chơi, được làm.
Chúng ta có thể giúp trẻ tăng vốn từ vựng bằng những bài tập cụ thể như:
Bài tập phân loại đồ vật, đây là bài tập chúng ta dạy trẻ các từ mô tả: to - nhỏ, dài - ngắn…; các từ sở hữu: của mẹ, của bố, của anh…; các từ chỉ vị trí: trên dưới, trong ngoài, bên cạnh, đằng trước, đằng sau…; các từ chỉ màu sắc: xanh, đỏ, trắng, đen…