Tăng học phí song song với việc đảm bảo chất lượng giáo dục

Một phần của tài liệu Xã hội hóa giáo dục đại học Trung Quốc từ năm 1993 đến nay (Trang 98)

B. PHẦN NỘI DUNG

3.2.3. Tăng học phí song song với việc đảm bảo chất lượng giáo dục

Đề án Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2008 – 2012, đã được báo cáo Bộ Chính trị ngày 05 tháng 3 năm 2009 và sau khi tiếp tục hoàn chỉnh đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13 tháng 5 năm 2009, tuy đã được chuẩn bị rất công phu và hợp lý, kể cả đã đề xuất những giải pháp hỗ trợ tín dụng, đã vấp phải phản ứng lo ngại của công luận, về biên độ dao động khá lớn giữa mức thu cơ bản và mức trần (255.000 đồng/tháng-800.000 đồng/tháng), và nhất là về cam kết chất lượng đào tạo. Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, “Các trường không

93

công khai cam kết chất lượng giáo dục, không công bố đánh giá thực tế chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục, không công bố nguồn lực thực tế của nhà trường phục vụ đào tạo (giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo …), không công khai tài chính của nhà trường để nhà nước và người dân dễ dàng kiểm tra, giám sát”. Ngay cả khi thực hiện „Ba công khai” (về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân sự và tài chính) theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường cũng chưa thực sự thuyết phục được công chúng, trong bối cảnh “văn hóa đối phó” lan tràn ở Việt Nam. Xếp hạng và kiểm định chất lượng đang được xem như một phương tiện để thuyết phục lòng tin của công chúng, hơn là một phương tiện đối sánh để cải thiện chất lượng hoạt động.

Ở Trung Quốc, nguồn vốn cho giáo dục đại học tuy đến từ nhiều nguồn khác nhau song học phí từ sinh viên vẫn là một trong những nguồn quan trọng, chiếm tỉ trọng lớn thứ hai sau nguồn vốn đến từ chính phủ. Có ba thực tế cần phải xem xét khi bàn đến học phí đại học ở cả Việt Nam và Trung Quốc. Một là tình hình xã hội ở Việt Nam và Trung Quốc có những điểm khá giống nhau, đó là khoảng cách giàu nghèo chênh lệch tương đối lớn gây khó khăn cho việc định mức giới hạn học phí. Nếu học phí cao thì đại học chỉ là nơi phục vụ cho một bộ phận người dân khá giả trong xã hội, còn nếu học phí thấp thì nhà trường không đủ chi tiêu. Do đó vấn đề đặt ra là phải đa dạng hóa các loại hình học tập với nhiều mức học phí khác nhau nhằm thỏa mãn mọi nhu cầu của người dân. Về điều này, ở cả Trung Quốc và Việt Nam đều thực hiện khá tốt, đó là bên cạnh hệ thống trường công lập còn có trường dân lập, trường liên kết với nước ngoài; bên cạnh hệ đào tạo chính quy còn có hệ tại chức, chuyên tu, dạy nghề, hệ đào tạo từ xa…Hai là, tâm lý trọng bằng cấp, chuộng hư danh vẫn rất phổ biến ở Việt Nam, nhưng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, một nền kinh tế trong đó chất xám và các kỹ năng mềm trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, thì bằng cấp không đi cùng thực học sẽ ngày càng mất giá trị. Xu hướng đòi hỏi thực học sẽ ngày càng mạnh, đi cùng với nó là thái độ chấp nhận mức học phí cao, với điều kiện là nó bảo đảm cho chất lượng cao. Đó là một trong những lý do khiến các trường nước ngoài hoặc các chương trình liên kết nước ngoài

94

tìm được một thị trường đầy tiềm năng ở Việt Nam. Ba là trong thực tế hiện nay, nhiều trường đại học, nhất là trường tư, đang hoạt động như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giáo dục và đang tạo ra lợi nhuận, mặc dù mức thu học phí hiện tại vẫn còn rất thấp.

Song song với việc mở rộng các hình thức học tập cũng cần giám sát chặt chẽ chất lượng giáo dục đại học. Bởi khi nhiều trường đại học, nhiều loại hình đào tạo được mở ra thì số lượng sinh viên vào học nhiều hơn và sự phân tầng về trình độ trong tầng lớp sinh viên sẽ sâu sắc hơn. Hơn nữa, khi người dân chấp nhận đóng học phí cao thì họ sẽ đòi hỏi được đáp ứng một nền giáo dục đại học với chất lượng tốt. Ở Trung Quốc và Việt Nam, học sinh muốn được vào học tại các trường đại học phải vượt qua một kỳ thi vô cùng cam go, đó là bước đầu tiên của việc đảm bảo chất lượng giáo dục. Trong suốt quá trình học tập, sinh viên phải trải qua nhiều môn học từ lý thuyết tới thực hành với nhiều kỳ thi khác nhau mới có thể có được tấm bằng đại học. Tuy nhiên, vấn đề then chốt của toàn bộ quá trình này là chương trình học tập (bao gồm cả nội dung và phương pháp) phải phù hợp với nhu cầu của thị trường. Tóm lại, việc dạy và học tại trường đại học phải thực chất, không chạy theo thành tích. Ở Việt Nam hiện nay đang tồn tại mối lo ngại là học phí tăng liệu có bảo đảm cho chất lượng tương xứng. Nhiều trường đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này bằng kiểm định và xếp hạng. Nhưng trong bối cảnh của “văn hóa đối phó”, trong tâm trạng thiếu lòng tin vào sự chính trực nói chung của xã hội, kiểm định và xếp hạng không phải là một bảo đảm chắc chắn của chất lượng. Chất lượng thật chỉ có thể có khi trường đại học nói riêng, và cả xã hội nói chung, xây dựng được văn hóa chất lượng, mà nền tảng của nó chính là tinh thần trách nhiệm và cơ chế giải trình trách nhiệm. Chất lượng đào tạo thực sự của nhà trường được minh chứng qua sản phẩm của họ: phẩm chất và năng lực của sinh viên tốt nghiệp trong việc thích ứng với xã hội kinh tế tri thức đang thay đổi từng ngày. Đó là những thứ giúp họ trở thành lực lượng dẫn đầu những đổi mới trong mọi lãnh vực kinh tế, xã hội, và chính trị của đất nước. Nhà trường cần phải chứng minh được rằng những sản phẩm này là kết quả của một triết lý và quy trình đào tạo, chứ không phải một thành công đột xuất dựa trên những nỗ lực hay thiên khiếu cá nhân. Việc chứng minh ấy là một quá

95

trình lâu dài, trong quá trình ấy, cơ chế giải trình trách nhiệm vừa là một động lực giúp cải thiện chất lượng hoạt động bên trong, vừa là một phương tiện minh chứng với bên ngoài về chất lượng hoạt động của nhà trường.

Do vậy, không nên nhìn cơ chế giải trình trách nhiệm chỉ đơn giản là công khai báo cáo hàng năm của các trường, mặc dù đó là việc hết sức cần thiết. Chủ trương Ba công khai của Bộ Giáo dục và Đào tạo là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn trong việc nâng cao trách nhiệm của các trường đối với công chúng, và có thể xem là một khởi đầu đúng hướng trong việc xây dựng và củng cố cơ chế giải trình trách nhiệm trong hệ thống đại học. Giải trình trách nhiệm cần trở thành một nhân tố không thể thiếu trong mọi khâu của quá trình quản lý, trở thành một nguyên tắc hoạt động của từng người và của cả tổ chức. Nó hoàn toàn đối lập với cách làm qua quýt, dối trá, cách báo cáo và nhào nặn con số sao cho “đẹp” bất chấp sự thật. Nó là nền tảng để xây dựng văn hóa trách nhiệm và văn hóa chất lượng. Vì vậy, khi nhà trường đã đặt ra mức thu học phí đối với sinh viên thì cũng nên xây dựng một cơ chế giải trình trách nhiệm công khai, nghiêm túc để nguồn đóng góp của sinh viên được sử dụng đúng mục đích.

Tóm lại: Sự mở rộng quy mô và phát triển nhanh chóng về số lượng của hệ thống đại học Việt Nam đặt ra những thử thách to lớn về chất lượng, trong việc giải quyết bài toán này, tài chính đại học trở thành một vấn đề then chốt. Trong khi ngân sách công không thể đáp ứng cho một hệ thống đại học đang trở thành đại chúng hóa, truyền thống hiến tặng cho đại học chưa hình thành, các nguồn thu do hoạt động nghiên cứu và dịch vụ còn hạn chế, học phí là một nguồn thu quan trọng của đại học công và gần như là nguồn thu duy nhất của các đại học tư, thì cải cách mức thu học phí là tất yếu để bảo đảm chất lượng. Vai trò của nhà nước không phải là quy định mức trần mức sàn hay quản lý cách chi tiêu của các trường mà là thiết kế bộ khung chính sách nhằm bảo đảm những định chế phù hợp cho việc thực hiện cơ chế giải trình trách nhiệm của các trường và giám sát việc thực hiện những định chế đó. Kiểm định chất lượng và xếp hạng là những hoạt động cần thiết thúc đẩy việc cải thiện chất lượng hoạt động của các trường, nhưng bản thân nó không bảo đảm cho việc nâng cao văn hóa chất lượng, vốn là nhân tố cốt lõi để tạo ra chất

96

lượng thật, để đào tạo ra những con người có thực học. Cũng như vậy, xây dựng thương hiệu có thể là điều cần thiết mà các trường cần làm, nhưng mọi chiến lược xây dựng thương hiệu đều cần đặt trên nền tảng của chất lượng thật. Cam kết chất lượng thật chính là điểm mấu chốt để giải quyết vấn đề học phí và tài chính đại học; nhưng cam kết chất lượng thật sẽ là điều khó lòng thực hiện nếu không có cơ chế giải trình trách nhiệm đi kèm với nó.

3.2.4. Giám sát chặt chẽ chất lượng giáo dục đại học

Thực tế hiện nay là chất lượng đào tạo không được bảo đảm, nhất là ở các cơ sở đào tạo ngoài công lập vì nhiều trường vẫn được cấp phép hoạt động dù không bảo đảm đủ điều kiện về cơ sở vật chất và nguồn giảng viên. Một số trường chạy theo nguồn thu dẫn đến hạ thấp các tiêu chuẩn tuyển sinh và thiếu nghiêm túc trong đánh giá kết quả đầu ra, không đầu tư thích đáng cho hoạt động học thuật và chất lượng đào tạo. Do đó, để đảm bảo chất lượng giáo dục đại học cần có sự giám sát chặt chẽ từ phía chính phủ và toàn xã hội.

3.2.4.1. Khuyến khích sự tham gia của xã hội trong việc giám sát chất lượng giáo dục đại học

Vấn đề chất lượng có thể tiếp cận từ đầu vào, quá trình và đầu ra. Từ đó, để cải thiện chất lượng, có thể nghĩ đến việc cải cách tuyển sinh (cách tiếp cận từ đầu vào), thay đổi quy trình đào tạo như phương pháp giảng dạy, chất lượng người thầy, các phương tiện hỗ trợ như thư viện hay dịch vụ mạng, cách thi cử và đánh giá kết quả học tập, v.v. (cách tiếp cận từ quá trình), hay dựa vào kết quả đánh giá của xã hội đối với sinh viên ra trường để cải thiện chương trình và nội dung đào tạo (tiếp cận từ đầu ra). Dước góc nhìn xã hội hóa giáo dục, người viết chú trọng tới cách tiếp cận thứ ba. Khuyến khích sự tham gia của xã hội ở đây là mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức sử dụng lao động, v.v… trong việc xây dựng chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra. Muốn vậy, cần tăng cường mối liên kết hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và các doanh nghiệp. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong số khoảng 20.000 sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng hằng năm, chỉ 50% sinh viên tốt nghiệp kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp;

97

trong số tìm được việc, chỉ có 30% tìm được việc đúng ngành nghề; và theo một nghiên cứu của bà Maureen Chao thuộc Trường Đại học Seattle (Mỹ) về lao động bậc cao của Việt Nam, số người này cũng phải được đào tạo lại về các kỹ năng mềm.[49] Trong lúc đó, các nhà quản lý vẫn luôn phàn nàn về việc thiếu hụt nguồn nhân lực bậc cao. Nhược điểm này có thể khắc phục được bằng cách tăng cường sự tham gia và hợp tác của các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo của nhà trường, qua các hoạt động như hợp tác nghiên cứu, xây dựng chương trình, hỗ trợ thực tập, mời giảng, tổ chức sinh hoạt chuyên đề, v.v. Đó cũng là một khía cạnh quan trọng của xã hội hóa giáo dục.

3.2.4.2. Nâng cao chất lượng giáo dục đại học dân lập

Trước thời điểm tái thống nhất đất nước năm 1975, trong hệ thống giáo dục đại học Miền Nam Việt Nam đã tồn tại 11 viện đại học học tư, đặc biệt là các viện đại học có liên quan với tôn giáo. Trong các viện đại học tư đáng lưu ý có Viện đại học tư Vạn Hạnh và Viện đại học tư Đà Lạt.

Sau năm 1975 ở Miền Nam tất cả các viện đại học tư và viện đại học cộng đồng đã bị giải thể, và hệ thống giáo dục đại học được tổ chức lại dựa vào Quyết định 426-TTg ngày 27/10/1976 của Thủ tướng Chính phủ, theo mô hình của các trường đại học Miền Bắc, tức là mô hình Liên Xô.

Với tư duy đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ 6 năm 1986 từ bỏ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, chấp nhận mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh ở Việt Nam được khuyến khích phát triển. Về giáo dục đại học, một trong những ý tưởng đổi mới là chấp nhận sự tồn tại của các cơ sở giáo dục đại học dân lập. Cơ sở giáo dục đại học dân lập đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất là “Trung tâm đại học dân lập Thăng Long” được thành lập tại Hà Nội năm 1988 do Giáo sư Hoàng Xuân Sính khởi xướng, ra đời dựa trên nguồn vốn ít ỏi quyên góp được từ nước ngoài.

Sau 5 năm thí điểm hoạt động của Trung tâm đại học dân lập Thăng Long, năm 1994 hàng loạt trường đại học dân lập ra đời. Cho đến tháng 8/2009 trong cả nước đã có 81 trường đại học và cao đẳng dân lập (44 trường đại học và 37 trường

98

cao đẳng) đào tạo khoảng 208 nghìn sinh viên, chiếm khoảng 12% trong tổng số hơn 1,72 triệu sinh viên đại học trong cả nước [8,tr.13]

Trước khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, ở Trung Quốc có một số trường đại học tư, đặc biệt các trường gắn với tôn giáo, nhưng từ năm 1952 các trường đó bị xóa bỏ. Sau khi ban hành đường lối cải cách và mở cửa, hiến pháp Trung Quốc (1982) công nhận các thành phần giáo dục ngoài nhà nước, đó là cơ sở để các trường đại học dân lập ra đời. Tuy các văn bản của Nhà nước và Đảng Cộng sản đã chấp nhận về nguyên tắc loại hình đại học dân lập, nhưng trong nhận thức của giới quan chức và trong công luận vị trí của loại hình này còn chưa rõ ràng.

Về cơ bản, giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam và Trung Quốc có một số điểm giống nhau :

- Giáo dục đại học dân lập vẫn được xem ở một vị trí thấp hơn giáo dục đại học công lập về chất lượng cũng như nguồn lực.

- Dù có nhiều tuyên bố về sự bình đẳng của các khu vực giáo dục, trong các chính sách chung của Nhà nước, và đặc biệt trong quan niệm của giới quản lý nhà nước về giáo dục vẫn chưa coi trọng khu vực giáo dục đại học dân lập.

- Hệ thống luật lệ để quản lý khu vực giáo dục đại học dân lập không đầy đủ và thiếu nhất quán, hệ thống khái niệm để quản lý loại hình giáo dục này còn chưa được xác định rõ ràng.

Các đặc điểm chung đó của khu vực giáo dục đại học dân lập ở hai nước có nền kinh tế chuyển đổi có thể do nguồn gốc chung ở thói quen tư duy từ mô hình kế hoạch hóa tập trung trước đây.

Về sự khác biệt về quản lý khu vực giáo dục đại học dân lập của hai nước thì có thể thấy Trung Quốc có chính sách quản lý chất lượng chặt chẽ hơn trong khi ở Việt Nam ít quan tâm đến khía cạnh này. Đó cũng chính là lý do vì sao quy mô giáo dục đại học dân lập ở nước ta đã được mở rộng nhưng chất lượng còn thấp so với thế

Một phần của tài liệu Xã hội hóa giáo dục đại học Trung Quốc từ năm 1993 đến nay (Trang 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)