B. PHẦN NỘI DUNG
1.3.2. Thực trạng nền giáo dục đại học Trung Quốc
Trung Quốc vốn là một dân tộc có truyền thống hiếu học từ lâu đời. Khổng Tử - bậc thầy vĩ đại của nhân loại luôn đề cao vai trò của giáo dục đối với con người “nhân bất học, bất tri lý”. Các bậc hiền triết sau này như Mạnh Tử, Tuân Tử cũng đều cho rằng chỉ có giáo dục mới giúp con người tránh xa cái ác, hướng tới cái thiện.
Tuy nhiên, cuộc đại cách mạng văn hóa bắt đầu từ năm 1966 diễn ra trong hơn 10 năm với những chính sách sai lầm như đóng cửa trường học, đưa sinh viên về nông thôn đã gây cản trở cho sự phát triển của giáo dục.
Về giáo dục đại học, một trong những thành phần quan trọng của hệ thống giáo dục, diện mạo cũng không mấy sáng sủa.
1.3.2.1. Nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục đại học thấp
Giữa thế kỷ XX, nền giáo dục đại học nước ta bước vào giai đoạn phát triển nhanh chóng với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử. Số lượng sinh viên nhập học đại học lớn và ngày càng tăng, nguồn tài chính mà chính phủ phải phụ trách
32
ngày càng nhiều. Nhưng nền kinh tế kế hoạch với năng suất thấp khiến chính phủ không thể đảm đương được nguồn tài chính này. Năm 1993, chính phủ Trung Quốc ban bố “Cương yếu cải cách và phát triển giáo dục Trung Quốc” quy định: kinh phí đầu tư cho giáo dục mỗi năm chiếm 4% GDP của năm đó. Nhưng trên thực tế, kinh phí cho giáo dục năm 1993 là 2,54%, năm 1996 là 2,46%, năm 1997 là 2,50%, năm 1998 là 2,55%, năm 1999 là 2,79%, trong khi đó các nước Na uy là 6,8%, Mỹ 5,8%, Malaixia 4,9% [21, tr.76] . Từ các số liệu này có thể thấy nguồn kinh phí chính phủ đầu tư cho giáo dục còn ít, chưa đạt được mức trung bình của thế giới là 4%.
Theo nguồn số liệu khác, kinh phí của quốc gia dành cho giáo dục thiếu trầm trọng, kinh phí cho giáo dục công cộng không chỉ thấp hơn mức bình quân của các quốc gia phát triển mà còn thấp hơn cả mức bình quân của các quốc gia đang phát triển. Theo điều tra, năm 1980 và 1995, kinh phí cho giáo dục công cộng ở các quốc gia phát triển chiếm 4,4% và 5,2% GNP, ở các quốc gia đang phát triển là 3,9% và 4,6%, trong khi ở Trung Quốc chỉ là 2,5% và 2,37%, [21, tr.76] và mức này không ngừng bị thu hẹp buộc chính phủ phải tìm ra biện pháp tăng nguồn vốn cho giáo dục nhằm thúc đẩy giáo dục phát triển. Thu hút nguồn vốn cá nhân vào phát triển giáo dục là một trong những con đường tất yếu.
Mặt khác, nguồn tiền hàng năm mà giáo dục cần là trên 2 vạn nhân dân tệ, có khi còn vượt quá 3 vạn. Số tiền này vượt quá trình độ phát triển kinh tế của nước ta, đồng thời vượt xa thu nhập của người dân đòi hỏi cần có một hệ thống trường dân lập mà người dân tham gia cùng đóng góp với nhà nước.
Do đó, chính phủ đã dần đưa giáo dục đại học theo phương hướng xã hội hóa. Chính phủ dần cải cách nền giáo dục đại học dưới thể chế kinh tế kế hoạch, để giáo dục đại học đi theo phương hướng thị trường.
1.3.2.2. Quy mô giáo dục nhỏ
Trong “Kế hoạch chấn hưng giáo dục hướng tới thế kỷ 21”, Bộ Giáo dục Trung Quốc chỉ ra mục tiêu của chiến lược phát triển giáo dục đại học quốc gia là đến năm 2010 tỉ lệ sinh viên đại học đạt 15% so với số học sinh đi học.
33
Sau khi đất nước thành lập, giáo dục đại học Trung Quốc có những bước phát triển lớn, đặc biệt là trong những năm gần đây khiến giáo dục đại học Trung Quốc đạt được một quy mô nhất định. Tuy nhiên nếu so sánh với tốc độ phát triển của nền kinh tế xã hội Trung Quốc và nhu cầu nhân tài phục vụ cho đất nước thì vẫn còn những khoảng cách tương đối xa.
Năm 2000, Trung Quốc tiến hành khảo sát và thu thập được số liệu: sinh viên đại học chính quy 11000000 người, chiếm khoảng 11,7% số lượng học sinh đi học, nghiên cứu sinh 290000 người. So với năm 1995, số lượng sinh viên đại học tăng gấp đôi. Nhưng nếu so sánh với các nước phát triển phương Tây là 45%, các nước Bắc Mỹ là 80% thì quy mô giáo dục đại học Trung Quốc còn quá nhỏ bé[18, tr.122].
1.3.2.3. Chất lượng giáo dục đại học chưa làm hài lòng người dân
Giáo dục đại học không chỉ quy mô nhỏ mà chất lượng còn chưa cao. Từ sau khi thành lập đất nước, do trong một thời gian dài chịu ảnh hưởng của khuynh hướng “tả” và sự bó buộc của thể chế kinh tế kế hoạch nên nền giáo dục đại học Trung Quốc lâm vào tình cảnh lạc hậu, trì trệ cả về nội dung, lý luận, tư tưởng, mục đích, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng giáo dục đại học, đặc biệt là chất lượng giáo dục nhân tài khiến nhân dân chưa hài lòng. Các cơ quan ban ngành có liên quan tỉnh Quảng Đông tiến hành điều tra bằng phương pháp phỏng vấn đối với đối tượng là sinh viên, kết quả đạt được: tỉ lệ hài lòng với chất lượng đào tạo là 2,7%; tỉ lệ chưa hài lòng đạt 77%. Báo Giáo dục Trung Quốc đăng tải kết quả điều tra 12 398 học sinh trên khắp cả nước, cho thấy 79% học sinh cho rằng những kiến thức được học không phục vụ gì cho bản thân, 77% học sinh cho rằng kiến thức được học quá lạc hậu so với xã hội, 80% học sinh chưa hài lòng với nội dung kiến thức được học[21, tr.76].
Chất lượng giáo dục đại học chưa cao thể hiện ở 2 mặt:
Phương thức đào tạo và nội dung giáo dục lạc hậu. Nền giáo dục đại học của Trung Quốc có lịch sử trên dưới 100 năm nhưng phương thức đào tạo học sinh hầu như không có gì thay đổi, vẫn chủ yếu là thỉnh giảng, giáo viên giảng bài, học
34
sinh nghe và chép, giáo viên là hệ tư tưởng, chân lý của sinh viên, sinh viên tiếp thu một cách thụ động, không có sự lựa chọn kiến thức và phương pháp tiếp thu. Phương pháp này ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính năng động, tính sáng tạo của sinh viên. Với phương pháp học này, nội dung học tập lạc hậu là điều tất nhiên.
Năng lực thực tiễn, tính sáng tạo của sinh viên còn yếu. Giáo dục đại học cần đào tạo ra những sinh viên có nhiều tố chất và năng lực, trong đó đặc biệt phải có đặc tính: tư tưởng tự do và tinh thần sáng tạo. Không có tư tưởng tự do tức là không có ý thức bình đẳng, dân chủ, pháp luật, không có tinh thần sáng tạo thì không thể phát triển. Giáo dục đại học Trung Quốc thiếu cả 2 điểm này. Trong điều kiện xã hội ngày càng cạnh tranh khốc liệt, nền giáo dục như vậy chưa thể đáp ứng được xã hội.
1.3.2.4. Thể chế quản lý giáo dục đại học không phù hợp
Quản lý theo kiểu tập trung. Thể chế quản lý giáo dục đại học hiện nay là một thể chế quản lý tập trung cao độ, nó lũng đoạn tuyệt đối hệ thống giáo dục. Một là lũng đoạn toàn bộ tài nguyên giáo dục. Các loại tài nguyên này không chỉ bao gồm nguồn vốn, đất đai, tài sản vật chất mà nhà nước giành cho giáo dục mà còn bao gồm các loại tài nguyên vô hình như hệ thống chính sách. Hai là lũng đoạn toàn bộ nguồn vốn tiêu dùng trong giáo dục. Thực hiện thể chế này, nhà nước không chỉ quản lý chung mà còn tham gia toàn bộ vào từng quá trình và tầng lớp của giáo dục đại học.
Lãnh đạo theo kiểu phân cấp. Dưới thể chế quản lý tập trung cao độ, quản lý giáo dục đại học được thực hiện theo từng cấp, trong đó các trường đại học là một cơ quan hoàn toàn phụ thuộc vào cơ quan cấp trên. Người thực chất nắm quyền ở các trường đại học là chính phủ chứ không phải hiệu trưởng các trường. Khi chính phủ không nắm được tình hình thực chất ở trường đại học thì những chính sách đưa ra sẽ không phù hợp, chỉ mang tính chất hành chính hóa, văn kiện và mang nặng lý thuyết.
1.3.2.5. Hậu quả của thể chế quản lý giáo dục hiện hành
Làm mất quyền tự chủ của các trường đại học. Thể chế quản lý giáo dục đại học hiện nay làm các trường mất đi quyền tự chủ, thực chất chỉ là một đơn vị phục
35
tùng bị động. Tất cả đều phải tuân theo sự sắp xếp của cơ quan cấp trên, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính tích cực, tính chủ động, tính sáng tạo của các trường, đồng thời không phát huy được vai trò của mình đối với xã hội.
Hạn chế sự nâng cao về quy mô và chất lượng giáo dục. Sự phát triển của kinh tế xã hội đòi hỏi tất yếu phải có các trường đào tạo nhân tài một cách tương ứng. Yêu cầu này đầu tiên thể hiện ở quy mô giáo dục rộng lớn, đáp ứng đủ nhu cầu học tập của toàn thể nhân dân. Nhà giáo dục xã hội học người Mỹ Martin Castro phân giáo dục đại học thành các giai đoạn khác nhau: giáo dục tinh anh – giáo dục đại chúng – giáo dục phổ cập – giáo dục suốt đời. Nếu tỉ lệ sinh viên đại học đạt dưới 15% số học sinh tới trường thì được gọi là giáo dục tinh anh, trên 15% là giai đoạn đại chúng hóa, 50% là giai đoạn phổ cập và tiếp theo là giai đoạn giáo dục suốt đời. Năm 2000, tỉ lệ sinh viên đại học của Trung Quốc đạt 12% số học sinh đi học, vẫn còn chưa đạt đến mức đại chúng hóa, thấp hơn mức trung bình của thế giới là 16% và thấp hơn rất nhiều so với mức 80% của các nước Bắc Mỹ [30, tr.121]. Nguyên nhân của tình hình trên chủ yếu là do thể chế quản lý giáo dục đại học chưa hợp lý.
Hơn nữa, phát triển giáo dục đại học đòi hỏi một nguồn kinh phí rất lớn. Nếu mỗi trường tuyển thêm một sinh viên thì mức đầu tư xây dựng cơ bản đạt trên dưới 3,8 vạn, ngoài ra chưa kể đến các khoản đầu tư khác. Trong “Kế hoạch chấn hưng giáo dục hướng tới thế kỷ XXI”, Bộ Giáo dục có chỉ ra: đến năm 2010, về cơ bản Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn đại chúng hóa giáo dục đại học, tức là tỉ lệ sinh viên đạt 15%, cũng đồng nghĩa với việc mức đầu tư cho giáo dục đại học đạt khoảng 4500 tỉ nhân dân tệ. Với số vốn lớn như vậy, một mình chính phủ không thể đảm đương được đòi hỏi toàn dân cùng tham gia đóng góp.
Chức năng của giáo dục đại học là không ngừng nâng cao số lượng và chất lượng sinh viên, vì bất cứ một lý do nào mà hạn chế sự phát triển của giáo dục đại học, xóa bỏ quyền lợi tiêu dùng của nhân dân thì đều đi ngược lại quy luật phát triển chung của kinh tế xã hội.
36
Sự phân phối tài nguyên không hợp lý. Cơ chế phân phối tài nguyên hiện nay chủ yếu vẫn là phân phối theo cơ chế của nền kinh tế kế hoạch. Cơ chế này đã lạc hậu trong thời kỳ kinh tế thị trường bởi sự thiếu khoa học, thiếu linh hoạt và thiếu minh bạch của mình. Nếu vẫn áp dụng thể chế quản lý giáo dục theo kiểu cũ thì sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng trong phân phối tài nguyên, nơi thừa nơi thiếu nhân tài.
Không có kế hoạch dài hạn. Từ sau khi thành lập nước, giáo dục đại học Trung Quốc không có kế hoạch dài hạn để phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, với quy luật phát triển lâu dài của giáo dục đại học. Những chính sách giành cho giáo dục đại học chủ yếu vẫn mang tính chất cấp thời, không ổn định và chưa có tầm nhìn xa.
Tóm lại, trong điều kiện nền kinh tế thị trường với áp lực cạnh tranh lớn, cách duy nhất để giáo dục đại học tồn tại được là nâng cao chất lượng của mình.. Nếu giáo dục vẫn theo con đường trước đây, tức là bất luận từ việc dạy học, quản lý, chiêu sinh… đều do chính phủ quản lý thì nhà trường mất đi quyền tự chủ và cũng không có trách nhiệm với mình. Đó là điểm yếu của giáo dục đại học Trung Quốc, đồng thời cũng là rào cản giáo dục đại học Trung Quốc phát triển một cách năng động và dồi dào sinh lực. Khi nền kinh tế bước vào thời kỳ thị trường hóa, cùng với nhu cầu của xã hội, giáo dục đại học Trung Quốc đứng trước hoàn cảnh “nội công ngoại kích”, bên ngoài là nhu cầu nhân tài ngày càng lớn và đa dạng của thị trường, bên trong là một loạt vấn đề khó khăn mà giáo dục đại học đang gặp phải. Do đó, vừa để phù hợp với sự điều chỉnh của thị trường, đồng thời nâng cao chất lượng và nội lực của mình, giáo dục đại học cần phải đổi mới theo hướng khác đó là xã hội hóa giáo dục.
Vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, khi nền kinh tế thị trường phát triển ngày càng nhanh chóng với tính cạnh tranh, tính linh hoạt buộc các nước phải cải tiến khoa học kỹ thuật, nâng cao tố chất nguồn nhân lực. Trong khi các nước trên thế giới đã tiến hành đổi mới giáo dục nhằm thích ứng với tình hình mới thì Trung Quốc, với một nền giáo dục đại học tụt hậu khá xa so với thế giới – hệ quả của thời
37
kỳ đại cách mạng văn hóa 1966-1976, khi bước vào công cuộc cải cách đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế do thiếu vốn, thiếu nhân tài… Điều này đặt ra vấn đề là phải đổi mới giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học nhằm mang lại một khả năng trỗi dậy mới cho nền kinh tế, từ đó bắt kịp với sự thay đổi mới của thời đại. Quá trình đổi mới diễn ra ngay từ những năm đầu của công cuộc cải cách khi năm 1977, Đặng Tiểu Bình đưa ra chính sách mở cổng trường đại học, đưa thanh niên, trí thức từ nông thôn về thành thị, vào đại học… Tiếp sau đó là hàng loạt các chính sách khác mà xã hội hóa là một trong những chính sách đó.
Như vậy có thể thấy, bất luận căn cứ vào nhu cầu khách quan hay vào thuộc tính của bản thân giáo dục, giáo dục đại học Trung Quốc cần phải thay đổi thể chế cũ và chuyển hướng sang xã hội hóa. Chỉ có như vậy, giáo dục đại học quốc gia mới có thể nâng cao chất lượng, nâng cao tính cạnh tranh, đồng thời mang lại lợi ích cho xã hội và cá nhân.
Tiểu kết:
Tóm lại, từ những năm 60, 70 đến những năm 90 của thế kỷ XX, trong giáo dục đại học xuất hiện một trào lưu mới, đó là xã hội hóa, tức là tất cả các thành phần trong xã hội đều tham gia đầu tư vốn vào giáo dục đại học. Trào lưu này ban đầu xuất hiện ở Mỹ và một số nước phương Tây, rồi dần dần trở thành một làn sóng mạnh mẽ lan tới các nước đang phát triển trên khắp thế giới.
Có thể nói, dựa trên những nghiên cứu về lý luận đồng thời căn cứ vào tình hình kinh tế, chính trị - xã hội đương thời, xã hội hóa giáo dục đại học xuất hiện là một điều tất yếu, phù hợp với quy luật phát triển của thời đại. Nó như một lời giải hoàn chỉnh nhất cho bài toán về vốn trong giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng mà phần lớn các nước trên thế giới đang gặp phải. Nó cũng như một “chiếc bánh trách nhiệm” mà các phần đã được chia đều cho từ cá nhân tới tổ chức trong xã hội nhằm tạo điều kiện cho chất lượng giáo dục đại học được nâng cao.
Đối với Trung Quốc, xã hội hóa giáo dục đại học được nhen nhóm từ sau đất nước thực hiện cải cách khi thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
38