10. Khung lý thuyết
1.3. Chủ trƣơng xã hội hóa lĩnh vực bảo vệ môi trƣờng
Hiện nay, xã hoá hoá không chỉ là một thuật ngữ về mặt khoa học mà còn là một thuật ngữ của chính sách. Chính sự thay đổi của tư duy quản lý Nhà nước đã khiến cho thuật ngữ xã hội hoá được sử dụng phổ biến. Hiện nay, có rất nhiều các lĩnh vực quản lý Nhà nước được khuyến khích xã hội hoá như: Giáo dục, Y tế, văn hoá, thể dục thể thao…Xã hội hoá lĩnh vực bảo vệ môi trường là một chủ trương lớn của Việt Nam trong nhiều năm qua. Nhờ vào chủ trương này, “tốc độ” ô nhiễm môi trường tại nhiều khu vực đã được kìm chế đáng kể, trách nhiệm môi trường vì thế cũng được thực thi một cách rộng rãi. Ở khía cạnh vĩ mô, số lượng các văn bản quản lý Nhà nước trong lĩnh vực môi trường ngày càng dầy và đa dạng, trong đó có sự đóng góp đáng kể của
các chính sách xã hội hoá. Ngoài Luật Bảo vệ môi trường, khi nhắc tới vấn đề xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường các nhà khoa học và các nhà quản lý thường hay nhắc tới chỉ thị 36/CT-TW và nghị quyết 41-NQ/TW.
Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước chỉ rõ: “Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Bảo vệ môi trường là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các cấp, các ngành, là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Trong đó các mục tiêu về bảo vệ môi trường được xác định như sau:“Ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, phục hồi và cải thiện môi trường của những nơi, những vùng đã bị suy thoái, bảo tồn đa dạng sinh học, từng bước nâng cao chất lượng môi trường ở các khu công nghiệp, đô thị và nông thôn…”. Rõ ràng việc đạt các mục tiêu bảo vệ môi trường nói trên là một thách thức trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chính vì thế chỉ thị 36/CT-TW đã đưa ra hàng loạt các giải pháp: (i)Thường xuyên giáo dục, tuyên truyền, xây dựng thói quen, nếp sống và các phong trào quần chúng bảo vệ môi trường, (ii) Hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật bảo vệ môi trường, ban hành các chính sách về phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, nghiêm chỉnh thi hành Luật bảo vệ môi trường, (iii) Chủ động phòng chống ô nhiễm và sự cố môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái môi trường, (iv) Khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên, (v) Tăng cường và đa dạng hoá đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường, (vi) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương, (vii) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ, đào tạo cán bộ, chuyên gia về lĩnh vực
bảo vệ môi trường, và (viii) Mở rộng hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.
Trong 8 giải pháp nói trên, việc nâng cao nhận thức, cải thiện hành vi của cộng đồng và thúc đẩy các phong trào quần chúng bảo vệ môi trường (một phần của hoạt động xã hội hoá lĩnh vực bảo vệ môi trường) được đưa lên hàng đầu điều này cho thấy tầm quan trọng của xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và phát huy vai trò của quần chúng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nói riêng, đặc biệt tại các vùng nông thôn – nơi rộng lớn và các dịch vụ môi trường như ở đô thị chưa thể vươn tới.
Sau chỉ thị số 36/CT-TW, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Sau thời gian chạy đà, Việt Nam bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cũng đồng nghĩa với sự gia tăng đáng kể nguy cơ, sức ép và những tác động tiêu cực tới môi trường. Sự tăng tốc của hoạt động kinh tế xã hội đòi hỏi sự “quyết liệt” trong các chính sách về bảo vệ môi trường, do đó dễ hiểu khi có sự thay đổi về mục tiêu bảo vệ môi trường cụ thể của Việt Nam giữa Nghị quyết số 41-NQ/TW và chỉ thị số 36/CT- TW:“Ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do hoạt động của con người và tác động của tự nhiên gây ra. Sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học. Khắc phục ô nhiễm môi trường, trước hết ở những nơi đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái, từng bước nâng cao chất lượng môi trường. Xây dựng nước ta trở thành một nước có môi trường tốt, có sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; mọi người đều có ý thức bảo vệ môi trường, sống thân thiện với thiên nhiên.” Như vậy, vấn đề ô nhiễm môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên đã được đưa lên hàng đầu, tuy nhiên không thể kiểm soát ô nhiễm, không thể sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nếu ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi
trường của mỗi người còn hạn chế và những hành vi thiếu thân thiện với môi trường vẫn được tiếp diễn. Các nghiên cứu về xung đột môi trường đã cho thấy sự “lệch pha” về mặt giá trị giữa hành động bảo vệ môi trường với các hành động kinh tế và các hành động “có lợi” khác của con người. Xét về mặt lịch sử, con người đã được lĩnh hội và thường xuyên trau dồi các hành động kinh tế nhưng lại mới hoặc ít biết, thực hiện các hành vi về mặt môi trường. Bên cạnh đó, tâm lý con người thường chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt (đặc biệt là lợi ích kinh tế) trong khi lợi ích của các hành động về môi trường lại ít hoặc khó nhìn thấy ngay lập tức. Do đó, xã hội hoá lĩnh vực bảo vệ môi trường vừa là một sự lan toả, vừa là một sự thâm nhập của hệ giá trị về môi trường thông qua nhiều cách thức, mô hình khác nhau (bao gồm cả các mô hình kinh tế và phi kinh tế). Chính vì thế, Nghị quyết số 41-NQ/TW tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của xã hội hoá lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong hệ thống các văn bản pháp quy có liên quan tới hoạt động xã hội hoá về bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 (sửa đổi) là văn bản đề cập đến nhiều nội dung về xã hội hoá hoặc động bảo vệ môi trường nhất: “Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động, kết hợp áp dụng các biện pháp hành chính, kinh tế và các biện pháp khác để xây dựng ý thức tự giác, kỷ cương trong hoạt động bảo vệ môi trường” [15].
Như vậy, cùng với sự ra đời của hàng loạt các chính sách bảo vệ môi trường, các giá trị chuẩn mực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tuy đã được hình thành nhưng chưa thực sự phổ biến và được tiếp nhận một cách rộng rãi, sức sống của các giá trị này trong thực tiễn xã hội vì thế mà cũng không thật ổn định. Do đó, nhằm tiếp tục “đẩy mạnh”, nâng tầm các giá trị, hành động bảo vệ môi trường ngày 21/1/2009, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 29-CT/TW: “Về bảo vệ
môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” với 7 nhiệm vụ trọng tâm trong đó tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xã hội hoá về bảo vệ môi trường được xem là một nhiệm vụ không thể thiếu: “Đẩy mạnh xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường, có cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức, cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường. Xây dựng và phát triển lực lượng tình nguyện viên bảo vệ môi trường. Tăng cường sự giám sát của cộng đồng, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng đối với bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Phát triển các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác bảo vệ môi trường với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế…” Qua đó phần nào đó cũng minh chứng rằng công tác bảo vệ môi trường ngày càng được quan tâm và mở rộng hơn nữa.