10. Khung lý thuyết
1.2.2. Lý thuyết hành động xã hội của Max Weber (1864-1920
Max Weber là một trong những nhà xã hội học có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền xã hội học thế giới. Trong hệ thống lý thuyết xã hội học của mình, lý thuyết về hành động xã hội được coi là mảng tâm đắc nhất ông. Theo Weber, “nói tới hành động là nói tới việc chủ thể gắn cho hành vi của mình một ý nghĩa chủ quan nào đó. Hành động kể cả hành động thụ động và không hành động (quyết định chờ đợi không làm gì cả), được coi là hành động xã hội khi ý nghĩa chủ quan của nó có tính đến hành vi của người khác trong quá khứ, hiện tại hay trong tương lai; ý nghĩa chủ quan đó định hướng hành động.”
Bên cạnh việc chỉ ra định nghĩa của hành động xã hội, căn cứ vào động cơ của hành động Weber cũng đã có sự phân loại hành động xã hội thành bốn loại chủ yếu sau:
Hành động duy lý- công cụ là hành động được thực hiện với sự cân nhắc, tính toán, lựa chọn công cụ, phương tiện, mục đích sao cho có hiệu quả cao nhất.
Hành động duy lý giá trị là hành động được thực hiện vì bản thân hành động (mục đích tự thân). Thực chất loại hành động này có thể nhằm vào những mục đích phi lý nhưng lại được thực hiện bằng những công cụ, phương tiện duy lý.
Hành động duy cảm (xúc cảm) là hành động do các trạng thái xúc cảm hoặc tính cảm bột phát gây ra mà không có sự cân nhắc, xem xét, phân tích mối quan hệ giữa công cụ, phương tiện và mục đích hành động.
Hành động duy lý truyền thống là loại hành động tuân thủ những thói quen, nghi lễ, phong tục, tập quán đã được truyền lại từ đời này qua đời khác.[5, tr.87-88]
Nhìn nhận từ góc độ lý thuyết của Max Weber, thấy rằng việc người dân thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương là một hành động xã hội. Họ có nhu cầu để thực hiện cho mục tiêu, mục đích của mình là để giữ cho môi trường sống trong lành, sạch đẹp, giữ cho cảnh quan thôn xóm và tránh được các bệnh tật nguy hại cho sức khỏe từ việc ô nhiễm môi trường. Các thông tin liên quan đến môi trường, các hoạt động bảo vệ môi trường sẽ là phương tiện, là động lực để giúp người dân đạt được mục tiêu của mình trong hoạt động sống hàng ngày. Khi có được thông tin về môi trường cũng như tùy từng loại tính chất ô nhiễm môi trường, người dân Hà Nam sẽ cân nhắc, tính toán, lựa chọn công cụ, phương tiện sao có lợi nhất và thực hiện mục đích là bảo vệ môi trường sao cho đạt được hiệu quả cao nhất. Như vậy căn cứ vào lý thuyết hành động xã hội của Max Weber có thể lý giải phần nào về các hoạt động bảo vệ môi trường của người dân tại Hà Nam.