8. Cấu trúc của luận văn
2.4.2. Nguyên nhân của những khó khăn
Theo chúng tôi có một số nguyên nhân sau:
- Trước hết, đó là lực lượng cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Đây là khó khăn, đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân gây nên khó khăn đó. Một số phóng viên trẻ được tuyển dụng theo yêu cầu của công việc nhưng chưa được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ báo chí dẫn đến hiệu quả công việc thấp. Việc chuẩn bị lực lượng thay thế những cán bộ đến tuổi nghỉ hưu chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi yêu cầu công việc ngày càng cao nhưng con người lại chưa theo kịp sự phát triển chung. Bên cạnh đó, môi trường làm việc cũng không thu hút được người giỏi do điều kiện kinh tế khó khăn. Một số phóng viên có tư tưởng làm cho xong việc, chưa có sự đầu tư thoả đáng cho công việc chuyên môn. Phóng viên ở toà soạn thường xuyên đi công tác ở vùng miền núi, vùng khó khăn về đi lại và cơ sở vật chất cũng phần nào làm giảm sự hứng thú của các phóng viên trẻ.
- Nguyên nhân thứ hai, ấn phẩm báo chí xuất bản theo tháng nên dẫn đến tình trạng thông tin bị “nguội”. Đã có nhiều sự kiện thời sự diễn ra từ đầu tháng nhưng đến cuối tháng đồng bào mới được đọc, do đó không thu hút được sự quan tâm của đồng bào, kể cả thông tin đó đồng bào chưa được biết trước đó. Trong thời đại cạnh tranh thông tin như hiện nay, ấn phẩm báo chí xuất bản theo tháng sẽ không đáp ứng được yêu cầu tiếp nhận thông tin của người đọc dù đó là vùng sâu, vùng xa. Cũng từ nguyên nhân này, tạo ra sức ỳ cho phóng viên, biên tập bởi thời gian trống sau mỗi số quá nhiều. Theo khảo sát của chúng tôi, tổng số thời gian cho mỗi số (gồm cả Bản tin ảnh và Chuyên đề) chỉ chiếm 1/3 thời gian của mỗi tháng.
- Việc xuất bản theo hợp đồng với Uỷ ban Dân tộc và phát hành theo địa chỉ có sẵn, về ý nghĩa chính trị thì rất tốt. Tuy nhiên, xét về khía cạnh chuyên môn, thì đây là nguyên nhân dẫn đến việc Toà soạn không quá lo lắng đến việc nâng cao chất lượng để tăng số lượng phát hành. Đối với mỗi tờ báo, biểu hiện rõ nhất ảnh hưởng của nó là nhìn vào số lượng phát hành. Tuy nhiên, đối với hai ấn phẩm này, mặc dù vẫn được đánh giá tốt, có số lượng phát hành khá lớn (gần 80 ngàn bản/tháng) nhưng việc kiểm tra, khảo sát, đánh giá cũng chưa được toàn diện, những ý kiến đóng góp chủ yếu từ những cơ quan làm về công tác dân tộc, ý kiến cá nhân cũng chỉ mang tính đại diện.
2.5. Tình hình tiếp nhận 2 ấn phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số
Những ngày đầu xuất bản, Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi của TTXVN là ấn phẩm duy nhất phục vụ riêng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bản tin ảnh và Chuyên đề trong những năm qua đã thực sự có tác dụng thiết thực và góp phần quan trọng tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ghi nhận sự đóng góp đó, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Toà soạn Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ... Đây là thành tích mà ít đơn vị nào có được khi mới ra đời được 17 năm.
Báo cáo tổng kết 3 năm thực hiện Quyết định 1637 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số báo, tạp chí cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (tổ chức năm 2005), khi đánh giá về hai ấn phẩm Bản tin ảnh và Chuyên đề Dân tộc và Miền núi của TTXVN đã khẳng định: “Đây là hai ấn phẩm được chuyển tới vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt là việc dịch sang một số tiếng dân tộc thiểu số như Ba-na, Ê-đê, Gia-rai và Khơ-me. Nội dung tuyên
truyền phong phú, đa dạng, tin bài ngắn gọn phù hợp đối tượng và trình độ nhận thức của đồng bào dân tộc. Tin ảnh đẹp, rõ ràng, được đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mến mộ. Bản tin ảnh và Chuyên đề Dân tộc và Miền núi của TTXVN là một trong số ít ấn phẩm phát hành phục vụ đối tượng lớn đến thôn, bản miền núi trong cả nước”.
Tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả thông tin cho miền núi”, do TTXVN tổ chức tháng 1 năm 2001, với sự tham gia của nhiều đồng chí là lãnh đạo các ban, ngành ở Trung ương, một số tỉnh và một số báo, đài. Nội san Thông tấn đã đăng một số ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự. Sau đây là một số ghi nhận về sự đóng góp của hai ấn phẩm Bản tin ảnh và Chuyên đề.
Ông Lê Thanh Bình, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho rằng: “Đối với tờ Dân tộc và miền núi ở Sơn La hiện nay mỗi bí thư chi bộ bản và trưởng bản có 1 tờ tin ảnh. Sơn La có xấp xỉ 3.000 bản dân cư, mỗi bản có 2 tờ Dân tộc và Miền núi. Tất cả cán bộ chủ chốt của xã, mạng lưới trường học đều được cấp tờ tin ảnh Dân tộc và Miền núi... Hiện nay, các tổ chức chính trị đặc biệt là Hội Nông dân của chúng tôi đã tổ chức được hàng nghìn tổ đọc và làm theo báo mà chủ lực là tờ Dân tộc và Miền núi. Đây là vấn đề rất quan trọng đối với vùng dân tộc miền núi trong việc hướng dẫn nhân dân, để nhân dân bàn nhau thực hiện, đặc biệt những gương người thật, việc thật ở cơ sở, ở chính dân tộc mình thì rất quý. Bản tin Dân tộc và Miền núi có mục tuyên truyền kinh nghiệm, lấy người thật, việc thật ở dân tộc này, dân tộc kia có tác động phát huy tính tự cường và sáng tạo của nhân dân các dân tộc rất hiệu quả...”
Ý kiến của ông Hoàng Công Dung, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc và Miền núi, như sau: “Trước hết tôi xin được ghi nhận Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi là một trong những cơ quan đi đầu trong việc đưa thông tin về với
đồng bào dân tộc miền núi sau khi có Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và Quyết định 72 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ)... Bản tin ảnh Dân tộc và miền núi đã làm vẻ vang Uỷ Ban Dân tộc và Miền núi...”
Bí thư Huyện uỷ Lục Ngạn (Bắc Giang) thì cho rằng: “Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi của TTXVN ra hàng tháng, trong suốt hơn 10 năm qua, cấp phát không thu tiền đến các thôn bản miền núi rất bổ ích, từ nội dung tin, bài, trình bày ngắn gọn, chữ to, chữ màu và ảnh màu rất đẹp. Bản tin ảnh chỉ có 16 trang cả bìa, nhưng chuyển tải được trên 50 tin, bài và ảnh của các dân tộc khắp mọi miền đất nước, và có lẽ ít tạp chí hoặc ấn phẩm nào lại có dòng chữ to và đậm trên nền xanh ở cuối trang bìa ghi “Nhớ chuyển cho người khác cùng xem ấn phẩm này”. Chính vì vậy mà họ chuyển cho nhau xem và lấy của nhau, đến cuối cùng ai giữ không biết nữa, chỉ biết người nhận đầu, không biết ai là người xem cuối cùng và ở đâu, bao nhiêu lượt.
Có thể nói, cả hai ấn phẩm Bản tin ảnh và Chuyên đề Dân tộc và miền núi của TTXVN đều ngắn gọn, thiết thực, đẹp, hấp dẫn và bổ ích, lôi cuốn được cả người biết chữ và không biết chữ, biết tiếng và không biết tiếng”.
Ông Trần Thanh Vân, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) phát biểu: “...Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi của TTXVN đến với chúng tôi, những thông tin của các bạn đã góp phần giúp lãnh đạo huyện nghiên cứu, xây dựng và chỉ đạo sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung nhất là những kinh nghiệm làm giàu, phát triển kinh tế gắn với công tác xoá đói giảm nghèo, các điển hình tiên tiến, mô hình làm ăn có hiệu quả, kinh nghiệm về công tác định canh, định cư... ở khắp mọi miền đất nước”.
Nhân ngày 21/6/2007, cộng tác viên Đỗ Khắc Thể ở Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) gửi ra Toà soạn 2 ý
kiến đánh giá. Ông Mang Đậu, Bí thư chi bộ thôn Dân Hiệp, xã Thuận Hoà, huyện Hàm Thuận Bắc cho ý kiến: “Sở dĩ đời sống của đồng bào có được như hôm nay là do nắm được các thông tin, kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi trên báo, đài. Đặc biệt là đồng bào thường xuyên đọc Bản tin Dân tộc và Miền núi. Đọc xong chọn lọc những cái hay, áp dụng vào thực tiễn sản xuất phù hợp với các loại cây trồng, vật nuôi trên mảnh đất của mình đem lại hiệu quả cao...”. Ý kiến của ông K’Văn Dung, Chủ tịch UBND xã Đông Tiến, cùng huyện Hàm Thuận Bắc như sau: “Trong những năm gần đây, Bản tin Dân tộc và Miền núi cung cấp cho đồng bào K’Ho chúng tôi rất nhiều thông tin mà bấy lâu nay chưa biết. Đồng bào biết trồng lúa nước, bắp lai, cây điều... cũng là nhờ có Bản tin chỉ dẫn. Đọc Bản tin Dân tọc và Miền núi không những nắm được cách làm ăn của các dân tộc trong cả nước mà còn hiểu biết kịp thời các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ đó vận dụng đúng đắn vào địa phương mình quản lý, tìm ra những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đem lại hiệu quả cao nhanh chóng xoá đói, giảm nghèo”.
Trên đây là một số ý kiến phát biểu của nhà quản lý, chính quyền và người dân ghi nhận những đóng góp của hai ấn phẩm đối với quá trình phát triển của đồng bào. Dù chưa được nhiều và chỉ mang tính đại diện, tuy nhiên đây cũng có thể làm căn cứ để thấy rằng, hai ấn phẩm dù còn hạn chế nhưng cũng đã được đánh giá cao và được ghi nhận bởi độc giả là cán bộ quản lý, là đồng bào dân tộc thiểu số.
Những thông tin phản hồi đã kịp thời giúp cán bộ, phóng viên toà soạn phấn đấu hơn nữa, khắc phục khó khăn, hạn chế để nâng cao nội dung và hình thức đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin ngày càng cao của đồng bào. Bên cạnh đó, thông tin phản hồi góp ý giúp cho toà soạn có sự điều chỉnh phù hợp với
mong muốn của độc giả. Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng trong truyền thông hiện đại. Từ đó người làm báo thấy được hiệu quả tuyên truyền đến đâu, nội dung, hình thức ra sao, độc giả cần những thông tin gì...?
Những ý kiến gửi về toà soạn và ý kiến của đồng bào khi phóng viên toà soạn đi công tác tại các địa phương đều phản ánh số lượng các báo nói chung và hai ấn phẩm nói riêng đến với đồng bào quá ít cả về số lượng và thời lượng. Đây cũng là trăn trở của những người làm báo nói chung và của riêng toà soạn Dân tộc và Miền núi. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhu cầu của đồng bào chưa thể đáp ứng được trong thời gian ngắn. Cũng có ý kiến của đồng bào (phản ánh bằng miệng) cho rằng việc cân đối thông tin giữa các vùng miền trên hai ấn phẩm chưa được tốt. Có những dân tộc tuyên truyền rất nhiều, trong khi đó một số dân tộc rất ít người hoặc ở vùng sâu, vùng xa thì việc xuất hiện trên báo rất ít. Hoặc tuyên truyền về người tốt, việc tốt cũng chỉ tập trung ở một số dân tộc, hoặc những vùng có điều kiện đi lại dễ dàng, trong khi người tốt thì có ở mọi nơi. Bà con rất muốn những vùng khó khăn cần phải tuyên truyền nhiều hơn về những nỗ lực của chính đồng bào cùng với sự hỗ trợ từ Nhà nước mà cuộc sống của đồng bào đã dần đổi thay theo chiều hướng tích cực. Đồng bào cũng cho rằng cần phê phán mạnh hơn những thói hư tật xấu như mất vệ sinh môi trường, phá rừng, tảo hôn, đàn ông suốt ngày uống rượu... Đồng bào cũng lưu ý cần tránh một vấn đề tế nhị là không phê phán nhiều đến những vấn đề liên quan đến phong tục tập quán, dễ làm đồng bào tự ái, cho là xem thường đồng bào.
Như đã nói ở trên, tuy còn có hạn chế nhất định, nhìn chung, hai ấn phẩm của TTXVN từ khi ra đời đến nay được đồng bào đón nhận bởi sự nghiêm túc trong định hướng thông tin, hữu ích đối với đồng bào trong cuộc sống, trong sản
xuất, chăn nuôi... thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy trong đời sống tinh thần của đồng bào.
Tiểu kết chương 2: Có thể nói, Bản tin ảnh và Chuyên đề là hai ấn phẩm
của TTXVN được đánh giá cao từ khi xuất bản số đầu tiên đến nay. Đây là sự cố gắng của tập thể Toà soạn cùng với sự chỉ đạo của lãnh đạo TTXVN đối với hai ấn phẩm phục vụ đối tượng đặc biệt này.
Dù còn nhiều khó khăn, nhất là khi phải cạnh tranh với các báo, tạp chí khác nhưng hai ấn phẩm này đã để lại dấu ấn riêng đối với độc giả. Thực hiện tốt chức năng tuyên truyền của mình để đồng bào thấy được những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào nói riêng, với sự phát triển của cả nước nói chung. Đồng thời, Bản tin ảnh và Chuyên đề là nơi chuyển tải những tâm tư, nguyện vọng của đồng bào tới Đảng và Nhà nước.
Dù còn có những hạn chế nhất định, hai ấn phẩm đã làm tốt chức năng thông tin, tuyên truyền của mình, cùng với các cơ quan báo chí khác thực hiện mong muốn của Đảng và Nhà nước là ngày càng nâng cao hơn nữa đời sống vất chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chƣơng 3
MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƢỢNG HAI ẤN PHẨM PHỤC VỤ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ
Ngày 29/8/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 984/QĐ-TTg Về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển Thông tấn xã Việt nam đến năm 2010, với mục tiêu: Xây dựng Thông tấn xã Việt Nam trở thành trung tâm thông tin chiến lược quan trọng, tin cậy của Đảng và Nhà nước, thực hiện tốt chức năng ngân hàng dữ liệu thông tin quốc gia, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; trở thành hãng thông tấn có uy tín cao trong khu vực và quốc tế với các loại hình thông tin đa dạng, phong phú, có chất lượng và hiệu quả cao.
Nâng cao chất lượng chính trị, văn hoá, khoa học, nghiệp vụ và từng bước hiện đại hoá hoạt động thông tin để Thông tấn xã Việt Nam thực sự là nơi cung cấp thông tin chủ yếu, đảm bảo tính chính xác, khách quan, kịp thời và giữ vai trò định hướng thông tin chung đối với các cơ quan báo chí và dư luận trong nước, cung cấp cho quốc tế những thông tin xác thực về chủ trương, đường lối, quan điểm của Việt Nam. (Thông tấn xã Việt Nam năm thứ 60, tr164-165)
Thông tấn xã Việt Nam đến năm 2010 trở thành hãng thông tấn mạnh với các loại hình hoạt động thông tin đa dạng, phong phú có chất lượng là mục tiêu đã được xác định. TTXVN phải là trung tâm thông tin chiến lược của Đảng và Nhà nước, phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Trong đó, thông tin phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phải được coi trọng, giữ vai trò định hướng thông tin về tư tưởng chính trị, phát triển kinh tế xã hội và ổn định đời sống vùng đồng bào. Để làm được việc đó, trong thời gian tới Thông tấn xã Việt Nam cần có các giải pháp đồng bộ và hiệu quả để hai ấn phẩm phục vụ tốt hơn nhu cầu của đồng bào, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình.
3.1.1. Tình hình dân tộc thiểu số trước tình hình mới