8. Cấu trúc của luận văn
2.4.1. Những khó khăn, hạn chế
Từ đánh giá tổng quan trên, chúng tôi thấy, hai ấn phẩm có một số khó khăn, hạn chế sau:
- Trước hết, do khả năng tiếp nhận của đồng bào còn hạn chế nên việc chuyển tải thông tin trên hai ấn phẩm gặp nhiều khó khăn. Mỗi tin không viết quá dài (nhất là đối với Bản tin ảnh) nên việc thể hiện nội dung trong một số trường hợp gặp khó khăn. Trung bình mỗi tin khoảng 150 chữ, do đó để đáp ứng tiêu chí 5W và 1H đòi hỏi phóng viên biên tập phải đầu tư nhiều công sức trong cách thể hiện và lựa chọn chi tiết sao cho chuyển tải hết được nội dung. Bên cạnh đó, ngôn ngữ thể hiện cũng cần đơn giản, dễ hiểu. Những từ địa phương, hoặc những thuật ngữ chuyên ngành cần có sự giải thích thật dễ hiểu phù hợp với đồng bào.
- Lực lượng phóng viên, biên tập của toà soạn có một số chưa đáp ứng được yêu cầu công việc do còn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa được đào tạo cơ bản trong các trường báo chí hoặc các lớp đào tạo nghiệp vụ của TTXVN.
Đây là một trong những khó khăn lớn nhất mà toà soạn đang gặp phải nên dẫn đến tình trạng người hiệu đính rất vất vả trong việc biên tập, sửa chữa tin, bài cho phóng viên.
- Thông tin phục vụ đồng bào chủ yếu là tuyên truyền chủ trương, đường lối, động viên, khuyến khích, biểu dương nên không tránh khỏi sự khô cứng trong cách thể hiện. Đây không chỉ là khó khăn của riêng hai ấn phẩm này, mà còn là khó khăn đối với tất cả các báo phục vụ riêng đồng bào. Những dạng tin này đối với các báo, tạp chí khác thì cách thể hiện được linh hoạt hơn nên tạo sự “mềm mại” trong tin.
- Là ấn phẩm ra hàng tháng nên việc lựa chọn thông tin, lựa chọn sự kiện thực sự được đồng bào quan tâm, có ích với đồng bào đòi hỏi toà soạn cần có những người thực sự nhạy bén về chính trị, có sự hiểu biết nhất định về văn hoá, phong tục tập quán của đồng bào, để chuyển tải những gì đồng bào cần nhằm phục vụ thiết thực cuộc sống của họ.
- Việc Chính phủ có quyết định một số báo được cấp kinh phí để xuất bản ấn phẩm phục vụ đối tượng đọc là đồng bào là một chủ trương đúng và kịp thời. Tuy nhiên, đây cũng là thử thách đối với mỗi tờ báo trong đó có hai ấn phẩm của TTXVN. Như thế có nghĩa là hiện nay trên địa bàn miền núi đã có 18 tờ báo, tạp chí và bản tin ảnh được cấp hàng tháng. Do đó, mỗi cơ quan báo chí đều phải “lặng lẽ” chạy đua với nhau để làm cho ấn phẩm của mình đẹp và nội dung hay. Không những mỗi tờ báo “thầm lặng” cạnh tranh mà còn có cả một tập thể “trọng tài” đang ráo riết kiểm tra, nhắc nhở. Đó là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Uỷ ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Bộ Tài chính. Nếu tờ báo nào không đáp ứng được yêu cầu thì năm sau phải ra khỏi diện phục vụ để thay thế bằng tờ báo khác.