5. Phương pháp nghiên cứu
1.4.2.1.2 Cách xác định nghĩa tố trong ngôn ngữ học
Có nhiều cách xác định các nghĩa tố. Các nghĩa tố có thể được xác định bằng đối chiếu từng cặp từ, hoặc là có thể tách các nghĩa tố ra bằng trực giác trên cơ sở so sánh các câu đồng nghĩa. Thông thường các nghĩa tố được tách ra trên cơ sở của từ điển giải thích. Nếu trong phần giải thích của từ điển, một từ tham gia vào việc định nghĩa từ khác được so sánh với nó thì nghĩa là hai từ này có những nghĩa tố chung. [7, Tr.92]
Khi xác định thành phần nghĩa tố của một đơn vị từ vựng, người ta đụng chạm đến những loại nghĩa tố khác nhau, bởi vì từ vừa là đơn vị từ vựng, vừa là đơn vị ngữ pháp, nó cũng có thể bao hàm cả một số sắc thái tu từ đặc biệt nữa. Do đó trong một từ, cần phải chia ra nghĩa tố từ vựng, nghĩa tố từ vưng - ngữ pháp, nghĩa tố ngữ pháp và nghĩa tố tu từ. Để miêu tả nghĩa của từ, cái quan trọng không những là bản thân tập hợp các nghĩa tố mà còn là kết cấu của các phức thể các nghĩa tố đó.
Phương pháp phân tích nghĩa tố không sử dụng đối với các từ cô lập. Kết cấu của nghĩa tố chỉ có thể rõ ràng nếu chúng ta xem xét từ trong mối quan hệ với những đơn vị ngôn ngữ khác.
Phương pháp phân tích nghĩa tố đã mở ra nhiều triển vọng mới trong việc giải quyết các vấn đề lí luận trong ngữ nghĩa học và từ điển học. Nó cho phép có thể miêu tả một số lớn các từ của ngôn ngữ tự nhiên bằng một số lượng không lớn lắm các nghĩa tố. Nó tạo khả năng trình bày một cách đầy đủ và rõ ràng tất cả dung lượng nghĩa và kết cấu nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ, quan sát sự biến đổi của các đơn vị này xảy ra như thế nào, xác định những mối liên hệ về nghĩa giữa các nghĩa vị khác nhau của một đơn vị, thậm chí giữa các đơn vị khác nhau. Ngoài ra, vì các nghĩa tố ít nhiều có tính liên ngữ cho nên theo phương pháp phân tích nghĩa tố, chúng ta có thể xây dựng lí thuyết về loại hình học ngữ nghĩa.