Lịch sử Thái Bình giai đoạn cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX là lịch sử của sự chuyển biến liên tục, liền mạch và không đứt đoạn các phong trào đấu tranh yêu nước. Đặc điểm này đã được thể hiện rất rõ qua những sự kiện lịch sử liên quan đến phong trào yêu nước chống Pháp ở Thái Bình cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX mà chương 2 của Luận án đã đề cập.
Ngay từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam (1858), một
người con của quê hương Thái Bình là Tiến sĩ Phạm Thế Hiển quê làng Luyến Khuyết (nay thuộc xã Thuỵ Phong, huyện Thái Thuỵ) với trọng trách Tham tán quân vụ đại thần trong triều đình Huế đã trực tiếp cầm quân, kiên trì chủ chiến. Tấm gương của Phạm Thế Hiển đã có ảnh hưởng sâu sắc trong tầng lớp văn thân, sĩ phu yêu nước ở Thái Bình, để rồi một phong trào vũ trang chống Pháp ở đây trở nên sôi động ngay từ khi thực dân Pháp nổ súng đánh Bắc kỳ lần thứ nhất (1873) đến những năm cuối cùng của thế kỷ XIX, với tên tuổi của những thủ lĩnh tiêu biểu như: Tạ Hiện, Nguyễn Mậu Kiến, Phạm Huy Quang, Bang Tốn, Đốc Đen, Đốc Nhưỡng cùng rất nhiều ông Cử, ông Tú, ông Đề, ông Đốc, ông Lãnh thuộc nhiều làng quê của tỉnh Thái Bình...
Vào những năm cuối của thế kỷ XIX, khi phong trào yêu nước chống pháp trong cả nước tưởng như bị dập tắt hoàn toàn từ sau khởi nghĩa Hương Sơn – Hương Khê của Phan Đình Phùng và Cao Thắng (1896), phong trào vũ trang kháng Pháp ở Thái Bình vẫn tồn tại, phát triển với phong trào của Kỳ
Đồng – Mạc Đĩnh Phúc. Dấu hiệu chấm dứt hình thức đấu tranh vũ trang chống Pháp là cuộc tiến công vào Thị xã Thái Bình của nghĩa quân từng theo Kỳ Đồng, đã hưởng ứng phong trào của Sư Thụ chùa Lãng Đông (Kiến Xương), tiến đánh dinh Công sứ và dinh Tuần phủ Thái Bình ngày 15/12/1897.
Trong báo cáo gửi về Paris (1897), Toàn quyền P. Đume đã nhận xét: “Hiện nay tình hình chính trị toàn cõi Đông Dương không một nơi nào đáng lo ngại hay quá bi đát”, nhưng: “ Nhân dân toàn xứ hầu như đã bị quật xuống dưới quyền thống trị của chúng ta, nhưng họ chưa phải đã thấm nhuần tính chất vĩnh viễn của nền đô hộ Pháp và họ sẵn sàng nắm lấy một thời cơ thuận lợi hay một giây phút yếu đuối của chúng ta để lật nhào cái ách nặng trên cổ” [49,15]. Trong bối cảnh lịch sử với muôn vàn khó khăn, phong trào yêu nước Thái Bình vẫn tồn tại, phát triển. Việc giữ được mối quan hệ chặt chẽ giữa phong trào của Kỳ Đồng ở Thái Bình với nghĩa quân Đề Thám (ở Yên Thế), và phong trào ở Hải Dương, Hải Phòng... có ý nghĩa rất quan trọng trong việc duy trì ngọn lửa của phong trào yêu nước chống Pháp không bị dập tắt, để đến những năm đầu của thế kỷ XX tiếp tục chuyển biến theo hướng dân chủ tư sản và vô sản.
Sang đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước Thái Bình lại tiếp tục phát triển với nhiều nội dung phong phú. Đó là phong trào Du học (1900 –1908), phong trào mở trường học để đào tạo nhân tài, nâng cao dân trí (1907 – 1908), phong trào Việt Nam Quang phục hội (1912 – 1913), phong trào Thiện đàn (1920 – 1925) và phong trào đấu tranh đòi quyền sống, độc lập dân tộc mà đỉnh cao là cuộc biểu tình của nông dân Duyên Hà - Tiên Hưng (1/5/1930) và nông dân Tiền Hải (14/10/1930)...
Điểm lại các phong trào yêu nước giai đoạn này ở nước ta, những địa phương có đặc điểm này không nhiều. Ngay Nam Định – tỉnh liền kề với Thái
Bình, phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX có lúc chưa liên tục.
Cũng như Thái Bình và các địa phương trong cả nước, phong trào yêu nước ở Nam Định cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX có sự phát triển mạnh. Khi Pháp đánh Nam Định lần thứ nhất (1873), rồi lần thứ hai (1882), nhân dân Nam Định (trong đó có Thái Bình) đã anh dũng chiến đấu bảo vệ thành Nam Định dưới sự chỉ huy của hai cha con Phạm Văn Nghị và Phạm Đăng Thuyên... Hưởng ứng chiếu Cần Vương, Nam Định có nhiều phong trào mà điển hình là các phong trào do Lã Xuân Oai, Phạm Trung Thứ ở Thượng Đồng, Phong Doanh (Yên Tiến, Ý Yên), Vũ Ngọc Tuân (tức Vũ Hữu Lợi ở Vụ Bản), Nguyễn Xuân Gia, Hiệp Đề ở Đệ Cốc (Ý Yên)... lãnh đạo. Thời kỳ hậu Cần Vương có cuộc vận động của Trần Văn Gia (Hải Hậu) theo phong trào Kỳ Đồng...
Đầu thế kỷ XX, Nam Định có Đàm Trí Trạch (người làng Định Trạch, Vụ Bản), Vũ Văn Thuỵ (tức Hàn Linh, người làng Thanh Cầu, xã Nam Tiến, huyện Nam Ninh); Đặng Tử Minh và Đặng Đoàn Bằng (người làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Thuỷ) tham gia phong trào Đông du. Riêng Đặng Đoàn Bằng (tức Đặng Hữu Bằng), sau khi Đông du giải tán ông rời Nhật Bản về Trung Quốc và giữ chức cố vấn quốc gia, uỷ viên vận động ở Bắc kỳ của tổ chức Việt Nam Quang phục hội (1912). Phong trào Nghĩa thục cũng được phát triển ở Nam Định và được gắn với tên tuổi của Bùi Trình Khiêm (ở Văn Tập, xã Minh Tân, huyện Vụ bản); Phạm Cao Đàm ở Châu Bạc (xã Cộng Hoà, huyện Vụ Bản).
Là một tỉnh có nhiều nhà máy, đội ngũ công nhân được hình thành sớm nên phong trào yêu nước theo khuynh hướng vô sản phát triển sôi nổi, rộng khắp là đặc điểm dễ nhận thấy nhất trong phong trào yêu nước ở Nam Định giai đoạn này. Nhưng theo Lịch sử Hà Nam Ninh [97] nếu xét sự liên tục về
thời gian của phong trào yêu nước ở Nam Định cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX chúng ta thấy có khoảng thời gian từ sau Đông kinh nghĩa thục (1909) đến đầu năm 1924 hầu như chưa được đề cập đến.
3.2.3. Sự ra đời sớm của Ban Tỉnh uỷ Thái Bình (6/1929) – nét độc đáo trong quá trình vận động đi đến thành lập Đảng Cộng sản ở một tỉnh nông nghiệp.
Vào những năm cuối cùng của thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam đang trong tình trạng khủng hoảng sâu sắc về đường lối cách mạng mà thực chất là khủng hoảng về vai trò lãnh đạo cách mạng của giai cấp tiên tiến nhất trong xã hội. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức cộng sản đã “chấm dứt thời kỳ cách mạng Việt Nam ở trong tình trạng “đen tối không có đường ra”, chấm dứt thời kỳ bế tắc khủng hoảng về đường lối hơn hai phần ba thế kỷ” [6,96].
Chúng ta biết rằng ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở các nước tư bản phát triển, các yếu tố để thành lập một chính Đảng vô sản bao gồm: Chủ nghĩa Mác – Lênin và phong trào công nhân. Ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của sự kết hợp giữa ba yếu tố: Chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước.
Tuy là một tỉnh nông nghiệp, nông dân chiếm đa số, tầng lớp công nhân chưa hình thành, chưa có phong trào công nhân, nhưng đến tháng 7/1929 Thái Bình đã có 6 chi bộ cộng sản được thành lập với hàng trăm đảng viên, hoạt động thống nhất dưới sự chỉ đạo của Ban Tỉnh uỷ. Sự ra đời sớm của Ban Tỉnh uỷ là một nét độc đáo của quá trình chuyển biến phong trào yêu nước ở Thái Bình những năm cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.
Trong phong trào Thái Bình, có mối quan hệ biện chứng giữa các yếu tố dân tộc và giai cấp, trong đó yếu tố dân tộc đã trở thành yếu tố quyết định tính
độc đáo của cách mạng. Chính yếu tố dân tộc đã trở thành nền tảng cho chủ nghĩa Mác – Lênin và phong trào công nhân phát triển ở nước ta. Điều này cũng góp phần lý giải vì sao cho đến đầu thế kỷ XX, tuy số lượng của giai cấp công nhân Việt Nam chỉ có 22 vạn, nông dân chiếm 90% dân số nhưng Đảng ta vẫn ra đời. Bởi chính những thủ đoạn thống trị và bóc lột một cách tàn bạo của thực dân Pháp càng làm cho mâu thuẫn dân tộc trở nên sâu sắc, phong trào yêu nước của nhân dân ta càng phát triển. Chính chủ nghĩa yêu nước, truyền thống đoàn kết, ý chí độc lập dân tộc được tôi luyện trong lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã trở thành “mảnh đất màu mỡ” để “gieo hạt giống của công cuộc giải phóng”.
Xuất phát từ tinh thần yêu nước, từ ý thức đấu tranh giành độc lập dân tộc, nhiều trí thức Thái Bình đã ra nước ngoài tiếp thu được những tư tưởng mới và sau khi về nước. Chính họ đã trở thành những hạt nhân tích cực nhất trong việc tuyên truyền, cổ động tư tưởng của giai cấp vô sản; thành lập và phát triển tổ chức cộng sản, lãnh đạo các phong trào cách mạng ở Bắc kỳ nói chung và Thái Bình nói riêng.
Ban Tỉnh uỷ Thái Bình ra đời là sự kiện đánh dấu sự phát triển tất yếu trong quá trình chuyển biến phong trào yêu nước chống Pháp ở Thái Bình cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX từ lập trường tư sản lên lập trường vô sản.
3.3. Những ưu điểm và hạn chế:
Phong trào yêu nước chống Pháp ở Thái bình giai đoạn từ 1873 – 1930 đã diễn ra sự chuyển biến từ tư tưởng quân chủ đến dân chủ tư sản và vô sản. Quá trình chuyển biến đó diễn ra liên tục, liền mạch, không đứt đoạn. Tuy nhiên, trong cả quá trình đó, bên cạnh những ưu điểm, cũng bộc lộ mặt yếu của phong trào Thái Bình.
Về tư tưởng, trong quá trình tham gia phong trào chống Pháp ở địa phương, những trí thức yêu nước Thái Bình đã chứng kiến sự thất bại của hệ ý thức phong kiến cũng như sự bất lực của hệ ý thức tư sản trước các nhiệm vụ của lịch sử. Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, chủ nghĩa Mác-Lênin được truyền bá vào Việt Nam bằng nhiều con đường, đặc biệt là qua các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc như “Đường Cách mệnh”, thông qua các hoạt động tuyên truyền đấu tranh của Đảng Cộng sản Pháp và Đảng Cộng sản Trung Quốc, và qua hoạt động của các cán bộ Việt Nam đầu tiên được đào tạo từ Quảng Châu, Mátxcơva và Pari…
Những người yêu nước Thái bình đã tích cực tiếp thu tư tưởng mới của giai cấp vô sản, tuyên truyền tư tưởng Mác – Lênin vào đông đảo quần chúng nhân dân. Sự chiến thắng của tư tưởng vô sản của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trong phong trào yêu nước ở Thái Bình cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX thật “tự nhiên”, như một lôgic tất yếu. Những chuyển biến về tư tưởng đã trở thành nền tảng để phong trào chống Pháp Thái Bình có sự chuyển biến về tổ chức và hình thức đấu tranh.
Về tổ chức, nếu cuối thế kỷ XIX đến những năm 20 của thế kỷ XX, phong trào yêu nước chống Pháp ở Thái Bình chưa có một tổ chức thống nhất thì đến tháng 6/1929 Thái Bình đã trở thành tỉnh duy nhất trong cả nước có hệ thống tổ chức Việt Nam cách mạng Thanh niên hoàn chỉnh ở cả ba cấp (Tỉnh – huyện – cơ sở). Đến đầu năm 1930 đã có 33 chi bộ Đảng Cộng sản với hàng trăm đảng viên. Các chi bộ này đã trở thành hạt nhân lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng đòi quyền sống và độc lập dân tộc ở Thái Bình giai đoạn này. Về lãnh đạo phong trào cũng có sự chuyển biến. Nếu cuối thế kỷ XIX lãnh đạo phong trào chủ yếu là sĩ phu, văn thân yêu nước thì đến đầu thế kỷ XX lãnh đạo các phong trào yêu nước chống pháp ở Thái Bình thuộc về những trí thức yêu nước...
Những chuyển biến của phong trào yêu nước chống Pháp ở nước ta từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1930, suy cho cùng là sự tìm kiếm, lựa chọn một giai cấp lãnh đạo có đủ khả năng đưa quần chúng giành lại độc lập cho đất nước và tự do cho nhân dân. Thái Bình có thể được coi là một trong những địa phương tiêu biểu cho sự chuyển biến phong trào cả nước giai đoạn này.
Trong suốt quá trình vận động của phong trào đấu tranh yêu nước, Thái bình luôn luôn là địa phương tiếp nhận và khởi xướng các phong trào yêu nước một cách sớm nhất. Nếu cuối thế kỷ XIX, tư tưởng chủ chiến, ái quốc cùng phương pháp vũ trang chống Pháp là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các phong trào yêu nước ở Thái Bình, thì đến đầu thế kỷ XX những người yêu nước ở đây đã sớm ý thức được yêu cầu muốn đánh thắng thực dân Pháp và phong kiến tay sai phải có con đường đi và phương pháp hoàn toàn mới. Đó là một trong nhiều lý do để trả lời câu hỏi vì sao sự chuyển biến của phong trào yêu nước ở Thái Bình lại diễn ra liên tục, rộng khắp, với nhiều hình thức phong phú đến như vậy. Ở mỗi thời kỳ, ở từng phong trào, Thái Bình đều có nét riêng. Đó là:
- Là địa phương có phong trào Đông du, Nghĩa thục xuất hiện sớm. - Nơi có hoạt động tiêu biểu của Việt Nam Quang phục hội (giết Tuần
phủ Nguyễn Duy Hàn)
- Tỉnh có hoạt động Việt Nam Quốc dân đảng khá mạnh (Phụ Dực) - Tỉnh duy nhất trong cả nước có hệ thống tổ chức hoàn chỉnh Hội
Việt Nam cách mạng Thanh niên (tỉnh bộ - huyện bộ - chi bộ) và có nhiều nhân vật đóng vai trò quan trọng vào việc thành lập và duy trì hoạt động của tổ chức này ở Bắc kỳ.
- Tỉnh có chi bộ đảng cộng sản ra đời sớm… Xin lấy phong trào mở trường học làm ví dụ.
Phong trào Nghĩa thục ở Thái Bình xuất hiện sớm và tồn tại kéo dài hơn so với Hà Nội và nhiều nơi khác.
So với một số tỉnh của Bắc kỳ như:
- Hà Đông (với ba phân hiệu: thôn Canh, thôn Tây Mỗ huyện Hoài Đức, thôn Tân Hội huyện Đan Phượng)
- Bắc Ninh (làng Đình Xuyên, huyện Gia Lâm) - Hưng Yên (hai huyện Văn Giang và Yên Mỹ) - Hải Dương (làng Tạ Xá, huyện Nam Sách)…
thì ở Thái Bình, phong trào Nghĩa thục đã lan rộng đến nhiều làng của các huyện: Kiến Xương, Tiền Hải, Đông Hưng, Hưng Hà, Quỳnh Phụ.
Ở xã An Dục - huyện Quỳnh Phụ, phong trào phát triển mạnh đến mức những người đứng đầu đã lập ra được một bản “Hương ước” mới gồm 24 điều, đem khắc vào bia đá để ở đình làng. Vào giai đoạn phát triển nhất của phong trào, họ đã cử người đi liên hệ với phong trào nông dân Yên Thế của Hoàng Hoa Thám. Mặt khác họ cũng lập ra các hội ái hữu tương trợ lẫn nhau dưới hình thức hội dệt vải, hội hiếu, hội hỷ... [128,83].
Hiện tượng phong trào ở An Dục sớm có liên hệ với phong trào Yên Thế, cũng giống như Đông kinh nghĩa thục ở Hà Nội có quan hệ với nghĩa quân Yên Thế trong kế hoạch đánh chiếm Hà Nội sau này, là biểu hiện rõ nhất sự khác nhau của Đông kinh nghĩa thục với phong trào Duy Tân nói chung đầu thế kỷ XX. Điều này chứng tỏ “Đông kinh nghĩa thục không chỉ mang tính chất duy tân cải cách, mà còn có xu hướng kết hợp với phong trào đấu tranh vũ trang”[128,99]. Cũng giống như phong trào Đông du của Phan Bội Châu, “Đông kinh nghĩa thục đã trở thành một phong trào tổng hợp các khuynh hướng cách mạng, đại biểu cho ý chí tiến bộ nhất lúc đó.
Bằng những hoạt động tích cực: dạy chữ quốc ngữ, bài trừ hủ tục, diễn thuyết, mở hội buôn…, phong trào Nghĩa thục Thái Bình đã thực sự trở thành
một phong trào yêu nước đối tượng đấu tranh là bọn thực dân phong kiến và các phong tục tập quán lạc hậu mà bọn cướp nước và bán nước cố tình duy trì để phục vụ cho quyền lợi của chúng. Đây cũng là hoạt động văn hoá với việc mở trường dạy học theo lối mới nhằm đào tạo một lớp người nối tiếp cho