Chuyển hướng tư tưởng theo khuynh hướng vô sản

Một phần của tài liệu Sự chuyển biến của phong trào yêu nước chống Pháp ở Thái Bình cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX (Trang 61)

Nước Việt Nam giữa hai cuộc chiến tranh thế giới là một thời kỳ đặc biệt phong phú về mặt tư tưởng và đấu tranh tư tưởng. Đây cũng là thời kỳ xã hội Việt Nam có những chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc về cơ cấu kinh tế, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa hình thành bên cạnh sự tồn tại của quan hệ sản xuất phong kiến; sự xuất hiện những giai cấp, tầng lớp xã hội mới cùng với mâu thuẫn giai cấp mới.

Cơ cấu kinh tế thay đổi đã kéo theo sự phân hoá mới trong xã hội Việt Nam. Giai cấp vô sản hình thành trước chiến tranh thế giới thứ nhất nay đã tăng nhanh về số lượng (Năm 1906 Việt Nam có 5 vạn công nhân chuyên nghiệp, năm 1929 đã tăng lên 22 vạn) và trưởng thành về nhận thức. Giai cấp tư sản bản xứ hình thành cùng với tiểu tư sản thành thị; giai cấp địa chủ tăng nhanh.

Một điều có liên quan sâu sắc đến tư tưởng và đấu tranh tư tưởng trong những năm 20 của thế kỷ XX là “Việt Nam từ 1924 đến 1927 như một thửa vườn ươm trên đó các khuynh hướng chính trị đều đua nhau xuất hiện, trình bày chương trình hành động trước quốc dân và ra sức tập hợp lực lượng quần chúng” [49,184 -185].

Trong bối cảnh đó, Tân Việt Nam thanh niên đoàn (tức Tâm Tâm xã) được thành lập – sản phẩm mới của lớp thanh niên yêu nước Việt Nam, với tôn chỉ “Liên hiệp những người có trí lực trong toàn dân Việt Nam không phân biệt đảng phái miễn là có quyết tâm hi sinh... để khôi phục quyền làm người của người Việt Nam”. Còn về chính thể cũng chưa xác định cụ thể, “Bước đầu đoàn đang lo tìm cách... quyền làm người của người dân Việt Nam. Còn sau này chính thể phải lập như thế nào? Sẽ do toàn thể đoàn viên và toàn quốc dân quyết định”.

Trong số 7 người có mặt trong ngày thành lập Tâm tâm xã có một người thuộc thế hệ thứ ba của dòng họ Nguyễn ở Động Trung - đó là Nguyễn Công Viễn. Sự hiện diện của ông ở Tâm Tâm xã (và sau này ở Việt Nam cách mạng Thanh niên) là điều kiện thuận lợi để những người yêu nước Thái Bình tiếp cận với tư tưởng của giai cấp vô sản.

Giữa năm 1925, đồng chí Lê Hồng Sơn từ Quảng Châu về nhà số 49, phố Hoa Kiều (12) gặp cụ Đinh Chương Dương (người Hậu Lộc, Thanh Hoá) để vận động thanh niên yêu nước Thái Bình, Nam Định, Thanh Hoá xuất

dương. Đợt đó chỉ có Nguyễn Công Thu và Nguyễn Danh Thọ đến được Quảng Châu dự lớp huấn luyện chính trị khóa đầu tiên cho những người từ trong nước cử sang [43,87-88].

Kết thúc khóa học, 6 học viên được phân công về nước (mỗi xứ 2 người) với nhiệm vụ xây dựng những cơ sở đầu tiên của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ở trong nước và vận động thanh niên tiếp tục sang Quảng Châu học tập. Nguyễn Công Thu và Nguyễn Danh Thọ nhận công tác ở Bắc Kỳ. Riêng Nguyễn Công Thu còn có thêm nhiệm vụ tổ chức một đường dây liên lạc - cũng là đường đưa các thanh niên đi sang Quảng Châu [40,89-90]. Chính Nguyễn Công Thu là người đã trực tiếp tuyên truyền, giác ngộ cách mạng và vận động Nguyễn Văn Năng tham gia Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên [43,90].

Nguyễn Văn Năng sau khi được giác ngộ cách mạng đã đem những hiểu biết ban đầu của mình tuyên truyền trong số học sinh, bạn bè đã từng bãi khóa ở trường Thành Chung Nam Định. Báo “Thanh niên” đã trở thành tài liệu chính trong việc tuyên truyền, bồi dưỡng những quan điểm mới và đúng đắn về cách mạng Việt Nam, về người sáng lập ra tổ chức “ Thanh niên”. Từ đó có nhiều người đã tự nguyện gia nhập tổ chức này.

Sau Đại hội, cùng với việc đẩy mạnh công tác củng cố cơ sở, hàng loạt lớp huấn luyện chính trị cũng được tổ chức. Các ủy viên trong Ban chấp hành Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên tổ chức học tập trước, rồi phân công nhau xuống các địa bàn mình phụ trách để tuyên truyền giác ngộ quần chúng.

Chương trình huấn luyện gồm các tài liệu: Nhân loại tiến hóa sử; Chủ nghĩa cộng sản sơ giải; đặc biệt những vấn đề cơ bản trong cuốn “Đường cáchmệnh” như:

- Lực lượng cách mạng, giai cấp đóng vai trò lãnh đạo

- Đối tượng cách mạng, vấn đề đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế... những nội dung giáo dục tiến bộ và tích cực đó đã góp phần nâng cao lòng yêu nước, chí căm thù thực dân Pháp và bè lũ tay sai; bồi dưỡng truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất của dân tộc; giới thiệu Cách mạng Tháng Mười Nga và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô; đấu tranh chống khuynh hướng quốc gia dân tộc... Báo “Thanh niên” còn chỉ ra con đường cách mạng đúng đắn, những quan điểm lý luận đầu tiên về xây dựng chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam.

Nhờ được học tập chính trị, trang bị lý luận cách mạng và nắm được phương pháp công tác, các hội viên đã củng cố thêm lòng tin vào sự tất thắng của cách mạng. Tuy hoạt động có hiệu quả nhưng Hội Việt Nam cách mạng thanh niên cũng gặp không ít khó khăn thử thách; đó là việc phải đối phó với mọi âm mưu và thủ đoạn xảo quyệt của địch và đấu tranh chống mọi khuynh hướng sai lầm trong phong trào giải phóng dân tộc.

Để đối phó với phong trào yêu nước đang lên mạnh ở các địa phương, thực dân Pháp đã thay đổi thủ đoạn cai trị: từ những thủ đoạn thống trị hà khắc, chuyển sang kết hợp giữa đàn áp với mỵ dân; lợi dụng chủ nghĩa cải lương.

Năm 1925, Pháp cử Varen (Alexandre Varenne) - một đảng viên Đảng Xã hội Pháp sang làm Toàn quyền Đông Dương. Varen đã trương chiêu bài “Pháp Việt đề huề” nhằm lừa gạt những người yêu nước nhẹ dạ; lập ra những tổ chức bù nhìn như: Viện dân biểu xứ, Hội đồng tỉnh; ở các làng, xã, chúng thực hiện chính sách cải lương hương chính: lập Hội đồng tộc biểu thay Hội đồng kỳ mục; mở thêm trường học, tiêm chủng phòng bệnh; xây đường, đào giếng, thể dục, thể thao v.v. Những thủ đoạn trên đã làm cho không ít người

ảo tưởng cho rằng đấu tranh từng bước trong nghị trường vẫn có thể giành được độc lập tự do.

Đây cũng là lúc xuất hiện không ít trào lưu tư tưởng và quan điểm khác nhau về vấn đề giải phóng dân tộc. Nhiều đảng phái xuất hiện, mỗi đảng phái đại biểu cho một quan điểm, nhưng tất cả đều yêu nước theo quan điểm quốc gia dân tộc hẹp hòi trong khuôn khổ hệ tư tưởng tư sản. Trong số các đảng phái đó, Việt Nam Quốc dân đảng (thành lập năm 1927) là tổ chức mạnh hơn cả.

Là một đảng chính trị theo xu hướng cách mạng dân chủ tư sản, đại diện cho tư sản dân tộc Việt Nam, nhưng khi mới ra đời Việt Nam Quốc dân đảng chưa đề ra được đường lối chính trị rõ ràng. Với chủ trương tập trung gây dựng lực lượng hạn hẹp ở một vài tầng lớp trên như nho sỹ, điền chủ, binh lính, hương lý..., và với tư tưởng bạo động sai lầm “ sát thân thành nhân”, mang khuynh hướng tư sản của chủ nghĩa Tam dân; tiết chế tư bản, bình quân địa quyền... Việt Nam Quốc dân đảng đã sớm bộc lộ tất cả những hạn chế của nó.

Ở Thái Bình, cơ sở của Việt Nam Quốc dân đảng khá mạnh; thành phần gồm những người thuộc tầng lớp tiểu tư sản, phú nông, hào lý, công chức, binh lính; điển hình là các nhân vật: giáo Đoài, giáo Nhưng, giáo Chính (Thị xã Thái Bình), Hào Điển (Ô Mễ, Vũ Thư)…

Có hai nhân vật tiêu biểu cho sự chuyển biến từ lập trường tư tưởng dân chủ tư sản sang lập trường của giai cấp vô sản mà chúng tôi muốn đề cập kỹ hơn, đó là: Nguyễn Công Riệu (tức Ba Liệu, 1883-1980, hiệu Động Thôn, con trai thứ ba của Nguyễn Hữu Cương, quê làng Động Trung huyện Chân Định, phủ Kiến xương, nay là xã Vũ Trung huyện Kiến Xương), và Nguyễn Đức Cảnh (1908-1932, người làng Diêm Điền, tổng Hổ Đội, huyện Thuỵ Anh – nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thuỵ) – Sau 19 tháng tù về tội tổ chức

in và rải truyền đơn đòi thả 9 người yêu nước, trong đó có Phan Bội Châu, Ba Liệu tiếp tục tham gia vận động thanh niên du học. Giữa lúc đó ông gặp được Nguyễn Thái Học và Phạm Tuấn Tài [54,153]. Đây là một dấu mốc trong sự lựa chọn con đường cứu nước của ông.

Sau vụ ám sát Bazin – chủ sở mộ phu đồn điền Bắc kỳ (đêm 9/2/1929) ở Hà Nội, tại Thái Bình thực dân Pháp bắt hàng loạt những người tình nghi có dính líu tới vụ này như Ba Liệu, Hà Đức Vọng, Hoàng Hộ, Nguyễn Văn Tốn, Trần Văn Chính, Lê Đức Phong, Đặng Đình Điều, Nguyễn Danh Đới. Ba Liệu bị kết án 5 năm tù tại Côn Đảo (Hội đồng Đề hình kết án ngày 5/7/1929) [54,154].

Trong tù, ông bị giam ở Hòn Cau cùng với nhiều chính trị phạm thuộc các tổ chức khác nhau :

- Việt Nam Quốc dân đảng có Phạm Tuấn Tài, Nguyễn Ngọc Sơn, Lê Văn Phúc, Hồ Văn Mịch, Trần Huy Liệu, Nguyễn Phương Thảo (Nguyễn Bình).

- Tổ chức theo tư tưởng vô sản có Phạm Văn Đồng, Nguyễn Danh Đới, Nguyễn Danh Thọ, Nguyễn Văn Năng, Nguyễn Công Hoà, Nguyễn Kim Cương, Bùi Lâm.

- Tân Việt có Tú Kiên (Nguyễn Đình Kiên)

- Những người trong khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 [54,154-155]. Ở trong tù, tư tưởng chính trị của các nhóm đã được bộc lộ: Nhóm cộng sản tổ chức chặt chẽ, chu đáo, có chi bộ, có học tập văn hoá - chính trị, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin… Nhóm Việt Nam Quốc dân đảng nghiên cứu chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn…

Được chứng kiến cuộc đấu tranh về quan điểm chính trị, quan điểm giai cấp giữa nhóm đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng và nhóm đảng viên cộng sản, đặc biệt khi Nguyễn Ngọc Sơn công khai công kích nhóm cộng sản trong

tư tưởng của Ba Liệu đã có sự thay đổi. Ông thấy thất vọng trước đường lối của những người lãnh đạo Việt Nam Quốc dân đảng ở Hòn Cau. Ra tù, ông trở về quê và đoạn tuyệt hoàn toàn với tư tưởng, đường lối của Việt Nam Quốc dân đảng để tham gia hoạt động trong các tổ chức cộng sản ở địa phương.

Với Nguyễn Đức Cảnh, năm 1926 ông gia nhập nhóm “ Nam Đồng thư xã” sau là Việt Nam Quốc dân đảng. Mùa hè năm 1927, theo chỉ thị của Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên về việc xây dựng khối liên minh chống Pháp giữa các lực lượng yêu nước Việt Nam, tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ở trong nước (Nguyễn Công Thu, Nguyễn Danh Đới (Điền Hải), Mai Lập Đôn) đã chủ động liên hệ với Việt Nam Quốc dân đảng để bàn việc thống nhất hành động chống thực dân Pháp. Mặc dù chưa hoàn toàn thừa nhận Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên là tổ chức cách mạng chặt chẽ, có đường lối đúng đắn, nhưng Việt Nam Quốc dân đảng đề nghị được cử Nguyễn Đức Cảnh và Lý Hồng Nhật (13) trực tiếp sang Quảng Châu nghiên cứu.

Qua học tập, nghiên cứu, cả hai người đã nhận ra con đường mà cách mạng Việt Nam phải trải qua là tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa; công nhân và nông dân là động lực của cách mạng do Đảng cộng sản lãnh đạo. Từ đây Nguyễn Đức Cảnh và Lý Hồng Nhật đã dứt khoát ly khai Việt Nam Quốc dân đảng, tự nguyện gia nhập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên

Cùng với Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên trong cả nước, Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên Thái Bình đã kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cải lương, phê phán quan điểm quốc gia dân tộc hẹp hòi và khuynh hướng cách mạng nửa vời của tầng lớp tiểu tư sản; làm cho quần chúng hiểu

rõ, phân biệt được thế nào là chủ nghĩa cải lương, cách mạng không triệt để, đâu là cách mạng chân chính, cách mạng triệt để.

Cuộc đấu tranh không chỉ ở bên ngoài, mà còn diễn ra trong nội bộ “Thanh Niên”, giúp cho hội viên có quan điểm vững vàng hơn, tạo điều kiện thực hiện nhiệm vụ giác ngộ cho quần chúng ngoài Hội. Cuộc đấu tranh cũng diễn ra giữa một số đồng chí lãnh đạo “Thanh Niên” với một số người đứng đầu Quốc dân Đảng ở cấp tỉnh, trên các vấn đề chủ nghĩa, quan điểm đường lối và phương pháp cách mạng.

Sau khi thành lập tỉnh bộ “Thanh Niên” và sau những đợt huấn luyện chính trị cho các hội viên, cùng với những cuộc đấu tranh phê phán các tư tưởng phi vô sản, các tổ chức “Thanh Niên” phát triển ngày càng mạnh.

Sự kiện Đảng cộng sản Việt Nam ra đời đã có ảnh hưởng quyết định đến phong trào cả nước nói chung và Thái Bình nói riêng. Ở Thái Bình, để góp phần bồi dưỡng, tăng cường sự hiểu biết cho đảng viên về những vấn đề về lý luận cách mạng, Tỉnh uỷ đã phân công cán bộ đi mở lớp huấn luyện cho đảng viên. Nội dung học tập tại các lớp này là: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng và Lời kêu gọi do đồng chí Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị hợp nhất. Để đảm bảo bí mật, các lớp học được tổ chức ngắn ngày, gọn nhẹ và được gắn với các buổi sinh hoạt Đảng. Tại các buổi sinh hoạt, đảng viên được các cán bộ cấp trên nói về vấn đề thời sự, về đường lối của Đảng, được học 5 bước công tác cách mạng: điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, đấu tranh.

Qua các buổi học tập, bản thân mỗi đảng viên không những được nâng cao nhận thức tư tưởng, lập trường cách mạng, mà còn có khả năng tuyên truyền, giác ngộ cho quần chúng. đảng viên tiếp thu được phương pháp vận động, tổ chức quần chúng.

Thất bại của tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng trong cả nước nói chung và ở Thái Bình (16/2/1930) nói riêng là sự thất bại tất yếu của một khuynh hướng yêu nước chống Pháp theo tư tưởng tư sản không có khả năng tập hợp được đông đảo nhân dân lao động. Mặt khác nó cũng khẳng định hướng đi đúng đắn và sự vững vàng của Đảng cộng sản trong tiến trình lịch sử đấu tranh yêu nước ở Thái Bình đầu những năm 30 của thế kỷ XX.

.

Một phần của tài liệu Sự chuyển biến của phong trào yêu nước chống Pháp ở Thái Bình cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX (Trang 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)