Cuộc chiến đấu tại thành Nam Định

Một phần của tài liệu Sự chuyển biến của phong trào yêu nước chống Pháp ở Thái Bình cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX (Trang 69)

Ngày 20/11/1873, quân Pháp do Gácniê (F. Garnier) chỉ huy chiếm thành Hà Nội. Ngày 10/12/1873 chúng qua đường sông Độc Bộ tiến đánh thành Nam Định. Tại đây chúng đã vấp phải sức chống cự quyết liệt của nghĩa quân do Thương biện hải phòng sứ – Hoàng giáp Phạm Văn Nghị chỉ huy. Bọn quan lại có trách nhiệm giữ thành run sợ không kháng cự; trong khi đó nhân dân địa phương đã chống trả quyết liệt, gây cho quân Pháp nhiều tổn thất nặng nề.

Chính vào thời điểm quyết liệt này, Nguyễn Mậu Kiến đã cùng hai con là Nguyễn Hữu Bản và Nguyễn Hữu Cương kịp thời vượt sông, đưa quân từ Kiến Xương tham gia chiến đấu bảo vệ thành Nam Định. Với hành động ứng nghĩa kịp thời đó, Nguyễn Mậu Kiến được coi là “ người xướng nghĩa đầu tiên trên đất Thái Bình” [54,18].

Theo Hoà ước Giáp Tuất (3/1874), Pháp rút quân khỏi Bắc kỳ. Quân triều đình được lệnh bãi binh, nhưng Nguyễn Mậu Kiến không những không chấp nhận bãi binh mà còn phối hợp chặt chẽ với lực lượng của Tiến sĩ Doãn Khuê duy trì lực lượng vũ trang trên bốn huyện tả ngạn sông Hồng (Kiến Xương, Tiền Hải, Vũ Tiên, Thư Trì).

Tại mặt trận sông Hồng, từ bến Gùi (nay thuộc Nguyên Xá, Vũ Thư) chạy ra biển, đến làng Yên Tứ thuộc xã Nam Hải - Tiền Hải, quân của Doãn Khuê và Nguyễn Mậu Kiến đã phối hợp với quân của Đỗ Phát và Phạm Văn Nghị bên hữu ngạn, bố trí lực lượng ngăn chặn giặc.

Tiếp tục tiến đánh địch, Doãn Chi và Doãn Vị (hai con của Doãn Khuê) đã đưa dân dõng sang Nam Định tiếp viện cho Tổng đốc Nguyễn Hiện và tăng cường cho các đồn Phù Sa, Cao Lộng, nơi đóng bản doanh của Thương biện sứ Đỗ Phát và Doãn Khuê. Cuộc chiến đấu diễn ra không đầy nửa ngày, đồn Phù Sa vỡ, lãnh binh Nguyễn Lợi, quản xuất Nguyễn Thành Thao và Phạm Văn Nghị rút về Ý Yên; Doãn Khuê và Đỗ Phát ở lại bố phòng vây tốp

lính Pháp đóng ở đồn Phù Sa, còn đa số lực lượng kéo về bao vây thành Nam dưới sự chỉ đạo của Thống đốc quân vụ Bắc kỳ Hoàng Tá Viêm.

Tháng 12/1881, quân Pháp tăng thêm quân số ở miền Bắc. Tháng 3/1882, Thống đốc Nam kỳ phái Trung tá hải quân Ri-vie (H. Rivière) đem 300 quân ra Bắc đổ bộ lên Hà Nội, nâng tổng số quân của chúng lên 600 tên. Gần một năm sau, quân Pháp lại tiến đánh Nam Định lần thứ hai.

7 giờ sáng ngày 27/3, lính Pháp đổ bộ lên bờ. 10 giờ chúng bắt đầu nã pháo và cũng bắt đầu vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân dân ta. Ở mặt trận cửa Đông, cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt. Đề đốc Lê Văn Điếm bị thương nặng rồi hy sinh. Án sát Hồ Bá Ôn cùng nghĩa quân bắn hạ nhiều tên giặc. Nguyễn Hữu Bản tình nguyện chỉ huy một lực lượng giữ cửa phía Đông. Ông đốt lửa trên các dãy phố để chặn bước quân địch và cuối cùng đã dũng cảm hy sinh tại mặt trận.

Các cố lão địa phương và con cháu ông có kể lại một chi tiết: “Cổng thành bị đổ gãy, khói thuốc pháo cháy sạm đen thi thể ông cùng một số quân sỹ giữ cổng thành. Mấy phó tướng có mặt tại đấy là Nguyễn Hữu Phu, Hiệp Vỡi, Lãnh Hoan, Nguyễn Năng Giản chỉ kịp nhận ra ông bởi vóc người to cao, chùm chìa khoá đồng với chiếc thắt lưng nhiễu màu đỏ cháy dở thắt bên hông.”[114,146-147].

Thành Nam Định thất thủ, Đề đốc Lê Văn Điếm tử trận. Triều đình buộc phải cử Tạ Hiện về giữ chức Đề đốc Nam Định (Tạ Hiện người làng Quang Lang, nay thuộc xã Thuỵ Hải, Thái Thuỵ. Ông từng giữ chức Đốc binh quân vụ Tuyên Quang, Năm 1882 được thăng chức Đề đốc, trong phong trào Cần Vương ông được thăng chức Đô thống).

Để nhanh chóng thống nhất lực lượng kháng chiến, Tạ Hiện cho củng cố lại các con đường quan trọng chạy đi những nơi xung yếu của cả vùng Định – An (nay là Nam Định và Hưng Yên). Mặt khác, để chống Pháp lâu dài, ông

cho xây dựng cấp tốc một căn cứ lớn ở An Điện (nay thuộc xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư, Thái Bình) nằm kề ngã ba sông Hồng với sông Trà Lý, rất tiện cho việc giao lưu với các vùng lân cận.

Thắng lợi của quân và dân ta ở Cầu Giấy vào ngày 19/5/1883 giết chết Trung tá hải quân Rivie, Tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp ở Bắc kỳ, cùng một số sĩ quan, binh lính khác đã khích lệ rất lớn tinh thần chiến đấu của quân và dân Nam Định.

Tranh thủ thời cơ, Tạ Hiện và các quan lại đầu tỉnh mới được bổ dụng kết hợp cùng các sĩ phu, thân hào gấp rút chuẩn bị về mọi mặt để giải phóng thành Nam.

Đầu tháng 6/1883, sau nhiều ngày chuẩn bị, lực lượng đã được tập hợp tới vài nghìn người, gồm cả quân triều lẫn dân binh, hương dũng. Đề đốc Tạ Hiện cùng các thủ lĩnh khác quyết định tổ chức đánh thành...

Những hoạt động tích cực của lực lượng kháng chiến Thái Bình đã buộc Buê (Bouet) - Trung tướng nắm quyền chỉ huy tối cao lực lượng viễn chinh Pháp ở Bắc kỳ phải cho bố trí ở Nam Định 350 quân (trong khi đó Hà Nội có 600 quân, Hải Phòng có 350 quân), đồng thời ráo riết mở rộng địa bàn chiếm đóng, xây dựng thêm lô cốt, pháo đài, lập các tiểu đoàn “ Cờ vàng” của bọn Việt gian... Song tất cả những cố gắng đó của thực dân Pháp cũng không làm giảm bớt được không khí chống Pháp mạnh mẽ ở đây.

Một phần của tài liệu Sự chuyển biến của phong trào yêu nước chống Pháp ở Thái Bình cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX (Trang 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)