Chuyển biến về tư tưởng

Một phần của tài liệu Sự chuyển biến của phong trào yêu nước chống Pháp ở Thái Bình cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX (Trang 53)

2.1.1.Chủ chiến, ái quốc - tư tưởng cốt lõi của người dân Thái Bình trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX.

“Chủ chiến hay chủ hoà” - một cuộc đấu tranh tư tưởng và đấu tranh chính trị lớn, sôi nổi và kéo dài suốt 25 năm kể từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam cho đến khi kinh thành Huế thất thủ. Từ năm 1884 trở đi, vấn đề này được biểu hiện dưới hai hình thức: tiếp tục kháng chiến hay đầu hàng chủ nghĩa thực dân xâm lược.

Trước 1862, tức là trước khi triều đình ký Hoà ước Nhâm Tuất, “chiến hay hoà” trong triều đình chưa có định hướng rõ ràng. Điều này được biểu hiện ngay ở Tự Đức – vị Hoàng đế của vương triều Nguyễn là “đánh, giữ, hoà

xem cái nào có thể làm thì làm”, còn trong nhân dân, khuynh hướng chủ chiến mạnh hơn, trong đó tỉnh Thái Bình là một ví dụ.

Sau khi đánh Đà Nẵng (9/1858), rồi đánh chiếm thành Gia Định (2/1859), Thống soái của quân Pháp là Pa-giơ (Page) gửi đến quân thứ Gia Định một bản Hoà ước gồm 11 điều khoản. Doãn Khuê đã làm tập tâu cùng các viên Giáo thụ, Huấn đạo, Tri phủ trong tỉnh kịch liệt phản đối Hoà ước này.

Với Doãn Khuê: “ nghị hoà là hỏng”. Năm 1862 – khi ông giữ chức Đốc học Sơn Tây, cũng là lúc Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp ký Hoà ước Nhâm Tuất với Pháp, ông đã cùng nhân dân ở đây làm tờ tâu lên triều đình kịch liệt phản đối hoà ước. Ông xin vua phải chém đầu bọn phản quốc, xuống chiếu kêu gọi các sĩ phu mộ dũng vào giành lại các tỉnh Nam Kỳ đã mất [144,353].

Từ sau 1862, triều đình Huế chính thức nhượng 3 tỉnh miền Đông Nam bộ cho Pháp, cũng là mốc khởi đầu cho sự phát triển của tư tưởng chủ chiến. Ở Thái Bình, đại diện cho tư tưởng chủ chiến giai đoạn này là Nguyễn Mậu Kiến (người làng Động Trung nay là Vũ Trung, Kiến Xương).

Về hoạt động quân sự của Nguyễn Mậu Kiến, chúng ta có thể tạm chia làm 3 giai đoạn:

- 1868 -1871: Với cương vị là Tuần phủ, ông đã chỉ huy việc tiễu trừ bọn phỉ trên vùng biên giới phía Bắc và Đông Bắc (Lạng Sơn, Quảng Yên, Cao Bằng)

- 1872 -1873: Chiêu mộ binh sĩ, xây dựng căn cứ Động Trung thành trung tâm kháng chiến đầu tiên và mạnh nhất ở tỉnh Nam Định .

- 1876 -1879: Cùng Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Đình Nhuận... vừa trấn giữ thành Hưng Hoá, vừa xây dựng kế hoạch phòng thủ chiến lược dâng lên triều đình.

Có thể nhận thấy giai đoạn thứ hai là giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời ông với tư tưởng chủ chiến đến cùng. Ngay từ năm 1867, Nguyễn Mậu Kiến đã dự báo rằng sau khi bình định xong Nam - Trung kỳ, quân Pháp sẽ đánh ra Bắc Kỳ. Muốn đánh thắng Pháp phải có thời gian chuẩn bị, phải biết dựa vào dân, phải có căn cứ vững chắc... Bởi vậy, sau khi bị vua cách chức vì dâng sớ vạch tội bọn đầu hàng Pháp (1873), ông trở về quê cùng hai con trai là Nguyễn Hữu Cương và Nguyễn Hữu Bản mộ quân, chuẩn bị chống Pháp. Ông cho xây dựng Động Trung thành căn cứ chống Pháp sớm nhất lúc đó ở vùng Chân Định (nay là huyện Kiến Xương).

Trong thâm tâm, Nguyễn Mậu Kiến không muốn lấy binh nghiệp làm một nghề. Ông đã từng bộc bạch chí hướng của mình khi được Trần Văn Bính – bạn học cũ và là Tri huyện Chân Định khuyên ông nên chuyên về binh nghiệp để sau này làm Lãnh binh hay Đô thống: “ Bao giờ nước nhà có giặc tôi lại xin đi. Nay tôi có nhiều công việc cần làm hơn là công việc của một ông Lãnh binh”[113,161]. Nhưng khi thực dân Pháp tiến đánh Nam Định, căn cứ Động Trung của Nguyễn Mậu Kiến đã trở thành nỗi khiếp sợ đối với quân Pháp. Tư duy sắc sảo về quân sự của ông thể hiện ở việc lựa chọn địa thế xây dựng căn cứ vững chắc, làm địa bàn đứng chân của nghĩa quân. Việc xây dựng căn cứ liên xã, liên thôn (hơn 10 xã) gắn với các căn cứ của Phạm Văn Nghị ở núi An Hoà, của tiến sĩ Doãn Khuê ở thôn Đông Vinh, đặc biệt là xây dựng mối quan hệ với quan quân triều đình ở thành Nam Định... đã thể hiện tư tưởng tích cực đánh địch từ bên ngoài để bảo vệ căn cứ của ông.

Tổng đốc Nam Định - Nguyễn Trọng Hợp khi đánh giá về Nguyễn Mậu Kiến đã viết: “Nguyễn Mậu Kiến là người giỏi binh pháp. Điều ấy đã được thể hiện rõ ràng trong những năm viên ấy đánh giặc ở quân thứ Cao - Lạng. Gần đây, trước việc hưởng ứng chiếu Cần Vương của Thánh thượng, viên ấy đã tỏ rõ tài năng. Viên ấy có tội không vâng mệnh bãi binh. Nhưng xét viên

ấy là người có lòng chính, có đức nhân, hết lòng với xã tắc, sỹ tốt không ai la oán, đó thật là điều khả thủ.” [113,172-173].

Phong trào vũ trang chống Pháp ở Thái Bình cuối thế kỷ XIX mở đầu từ 1873, khi Pháp đánh chiếm thành Nam Định và kết thúc bằng phong trào Kỳ Đồng – Mạc Đĩnh Phúc (1898). Cũng như cả nước, bao trùm cả giai đoạn này là tư tưởng chủ chiến, tư tưởng yêu nước nồng nàn. Doãn Khuê khi được biết những người học trò của mình có ý định làm lễ chúc mừng ông 60 tuổi, ông đã trả lời: “ Hẳn đợi đến khi dẹp xong giặc, khi triều đình không phải lo nghĩ thì sẽ mừng thọ...” [144,117]. Đó không phải là tư tưởng chỉ của Doãn Khuê, chỉ của người dân Thái Bình mà là diễn biến tư tưởng lớn của cả dân tộc Việt Nam trong suốt gần 40 năm (từ 1858 đến 1896), tất cả đều nhằm vào nhiệm vụ bao trùm là đánh giặc bảo vệ Tổ quốc, khôi phục chủ quyền dân tộc.

Cũng như cả nước, phong trào Cần Vương kháng Pháp ở Thái Bình cuối cùng cũng đi vào con đường bế tắc. Một số lãnh tụ của phong trào phải đi tìm một vũ khí tinh thần huyền bí mà phong trào Kỳ Đồng - Mạc Đĩnh Phúc cuối thế kỷ XIX là ví dụ.

Cuộc rước cờ vào thành phố Nam Định (1887) có ý nghĩa như một hình thức biểu dương lực lượng, động viên tinh thần yêu nước, đồng thời cũng phản ánh khát vọng cứu nước của quần chúng mong muốn có một thủ lĩnh kịp thời tập hợp phong trào, tiếp tục sự nghiệp chống Pháp sau thất bại của phong trào Cần Vương, tương tự như phong trào của Võ Trứ, Trần Cao Vân ở Quảng Ngãi.

Một phần của tài liệu Sự chuyển biến của phong trào yêu nước chống Pháp ở Thái Bình cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX (Trang 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)