Thực trạng công tác QLBVR

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác động của cộng đồng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Cát Tiên (Trang 39)

Trước đây, rừng Cát Tiên đã bị tác động bởi chiến tranh và hoạt động khai thác lâm sản sau ngày giải phóng. Vì vậy, diện tích rừng gỗ giàu còn lại thấp, chủ yếu là rừng gỗ trung bình và rừng tre nứa. Tỷ lệ diện tích các loại rừng như sau: rừng tre và rừng lồ ô thuần loại chiếm 22,3%, rừng gỗ nghèo IIIA1 chiếm 7%, rừng gỗ trung bình IIIA2 chiếm 13,2%. Rừng gỗ giàu IIIA3 và IIIB chiếm diện tích rất nhỏ - 0,4% (nguồn VQG Cát Tiên, 2010).

Từ năm 1978, Cát Tiên được chuyển thành khu rừng cấm, được quản lý bảo vệ theo quy chế rừng đặc dụng. Các đơn vị làm kinh tế được chuyển ra ngoài, rừng được bảo vệ nghiêm ngặt. Hiện nay, trước sức ép của dân số và nhu cầu cao của xã hội đối với sản phẩm từ rừng công tác BVR ở Vườn quốc gia Cát Tiên được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Lực lượng kiểm lâm VQG Cát Tiên hiện có 120 người, đa số đã qua đào tạo từ các trường, một số được tuyển từ người dân địa phương, trong đó có cả dân tộc thiểu số. Theo đánh giá chung của những người được phỏng vấn, đây là lực lượng mạnh, họ công tác nhiệt tình và yêu nghề. Trong những năm qua, bằng các nguồn vốn khác nhau, Vườn quốc gia Cát Tiên đã tạo điều kiện cho họ được tham gia những lớp tập huấn về nghiệp vụ, trong đó có lớp về kỹ thuật tuần tra rừng, kỹ thuật sử dụng máy tính phục vụ quản lí bảo vệ rừng, điều tra một số loài động vật quý hiếm như tê giác, voi, bò rừng, các loài linh trưởng.

Để tăng cường cơ sở vật chất cho công tác bảo vệ rừng VQG Cát Tiên đã đầu tư một số trang thiết bị cần thiết cho lĩnh vực bảo vệ rừng như hệ thống máy bộ đàm, 02 xe ô tô chữa cháy, 05 máy bơm nước, hệ thống dây ống dẫn nước, bình chữa cháy thủ công, 05 máy thổi gió, máy GPS. Đây là những thiết bị có hiệu quả

trong thông tin, liên lạc, và phòng cháy chữa cháy rừng. Tuy nhiên, còn thiếu những trang bị cho giám sát những hành vi xâm hại tài nguyên rừng, giám sát lửa rừng, đấu tranh trực tiếp với lâm tặc, theo dõi diễn biến TNR rừng nói chung.

Kết quả điều tra cho thấy, vào những năm trước 2005, do hợp tác chưa chặt chẽ với chính quyền địa phương và các ngành hữu quan như Công an, Quân đội nên kiểm lâm đã có những xung đột lớn với với người dân, hậu quả là lực lượng kiểm lâm gần như mất hiệu lực, tài nguyên rừng bị phá hoại nghiêm trọng. Từ bài học thực tiễn đó, sau năm 2005, VQG tăng cường quan hệ với chính quyền địa phương, xây dựng được quy chế phối hợp làm việc giữa VQG với chính quyền và các ngành hữu quan, tổ chức nhiều cuộc họp với chính quyền và đại diện người dân địa phương nhằm bàn biện pháp QLBVR, PCCCR. Qua các hội nghị đó đã tăng cường công tác tuyên truyền ý thức về bảo vệ môi trường, tranh thủ cung cấp những thông tin cần thiết để người dân hiểu hơn về nhiệm vụ của lực lượng kiểm lâm, hiểu hơn các luật về môi trường, về bảo vệ rừng, từ đó đã tạo sự thông cảm, hiểu biết lẫn nhau, đã hạn chế các vụ vi phạm tài nguyên rừng, từ đó công tác bảo vệ rừng được thuận lợi và hiệu quả hơn.

Để ngăn chặn các hiện tượng xâm hại tài nguyên rừng Kiểm lâm VQG Cát Tiên đã phối hợp với Công an địa phương và Kiểm lâm sở tại tổ chức các đợt tuần tra, truy quét ngắn và dài ngày để ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm, lập hồ sơ răn đe và phòng chống tái phạm đối với những cá nhân có hành vi vi phạm không nghiêm trọng nhưng vi phạm nhiều lần. Vườn quốc gia Cát Tiên cũng tổ chức truy quét các điểm thu mua lâm đặc sản rừng, kiểm tra các cơ sở chế biến lâm sản và các cửa hàng ăn có dấu hiệu sử dụng trái phép sản phẩm rừng. Ngoài ra, để tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, VQG Cát Tiên đã phối hợp với cơ quan tố tụng tổ chức những phiên toà xét xử lưu động đối với những vụ án điển hình tại các địa phương nơi có nhiều người dân vi phạm nhằm răn đe và tuyên truyền người dân cùng tham gia QLBVR.

Theo số liệu thống kê của Hạt Kiểm lâm VQG Cát Tiên, từ năm 2006 đến năm 2010, nhìn chung tình hình vi phạm rừng lúc đầu có chiều hướng gia tăng, năm 2009, năm 2010 có chiều hướng giảm.

Bảng 4.1. Thống kê tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ở VQG Cát Tiên từ năm 2006 đến năm 2010

Năm Số vụ Số người 2006 479 754 2007 566 947 2008 567 913 2009 313 581 2010 432 453 Tổng 2.357 3.648

(Nguồn: Hạt kiểm lâm VQG Cát Tiên, 2010) Có thể nhận thấy rõ hơn sự thay đổi tình trạng vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng qua biểu đồ sau.

Hình 4.1. Biến động số vụ vi phạm ở VQG Cát Tiên

Số liệu cho thấy vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng chủ yếu xảy ra địa phận của ba tỉnh là Đồng Nai (Nam Cát Tiên), Lâm Đồng (Cát Lộc) và Bình Phước

(Tây Cát Tiên). Số vụ vi phạm xảy ra ở địa phận tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đồng Nai, nhiều hơn các tỉnh khác. Trong những năm tới hoạt động quản lý bảo vệ rừng cần tập trung nhiều hơn vào khu vực này.

Riêng trong địa phận Đồng Nai có xã nghiên cứu thì số vụ vi phạm khu vực này tăng cao nhất, các hình thức vi phạm là vào rừng lấy măng, săn bắn thú rừng, khai thác gỗ, lấy củi, xâm lấn đất rừng…Đặc biệt ngày 25/10, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Quỹ Bảo tồn tê giác quốc tế (IRF) đã công bố cá thể tê giác cuối cùng ở Việt Nam tại Vườn quốc gia Cát Tiên đã chết và đưa loài động vật đặc biệt quý hiếm này vào danh sách bị “xoá sổ” tại Việt Nam.

Qua số liệu vi phạm rừng cho thấy những loại hình vi phạm tài nguyên rừng thường xảy ra ở Cát Tiên là khai thác gỗ quý hiếm, săn bắn thú rừng, đánh bắt cá, thu hái lâm sản phụ và phát rừng làm nương rẫy… và xu hướng giảm dần các vụ vi phạm trong những năm gần đây. Tuy nhiên, xu hướng này chưa hoàn toàn ổn định. Vì vậy, cần đánh giá lại hiệu quả của các biện pháp quản lý bảo vệ rừng đã thực hiện để tiếp tục hoàn thiện nhằm đạt được hiệu quả cao hơn.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác động của cộng đồng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Cát Tiên (Trang 39)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(98 trang)
w