Một thực tế là đời sống của một bộ phận người dân vẫn dựa vào tài nguyên thiên nhiên thông qua các hoạt động săn bắt động vật hoang dã, khai thác lâm sản làm nơi trú ngụ, chất đốt, thuốc chữa bệnh, thức ăn hằng ngày, khai phá đất đai làm nương rẫy sản xuất lương thực,... Tài nguyên thiên nhiên của VQG Cát Tiên với nhiều loại có giá trị thương phẩm cao nên khi nhu cầu thị trường đòi hỏi đã thôi thúc nhiều người trong và ngoài địa bàn khai thác dưới mọi hình thức, cả lén lút và công khai, cả hợp pháp và bất hợp pháp. Có thể khẳng định, tài nguyên thiên nhiên đang bị sức ép rất lớn từ nhiều phía, nhất là cộng đồng người dân địa phương. Xác định được vấn đề đó, đã có mô hình đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên đã xuất hiện tại VQG Cát Tiên với việc đề cao vai trò của người dân địa phương đến hiệu quả quản lý. Các tiêu chí hoạt động, hình thức hoạt động và đối tác thực hiện cho các hoạt động đều lấy người dân làm tâm điểm. Hình thức quản lý mới này không mang tính áp đặt từ trên xuống, mà các nhà quản lý nhạy bén đã biết kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với phát triển sinh kế người dân địa phương. Cộng đồng người dân địa phương tham gia nhiều lĩnh vực trong hoạt động bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên, vai trò của họ là không nhỏ trong kết quả đạt được như ngày hôm nay. Họ chính là những người sống ở gần nguồn tài nguyên nhất, có điều kiện theo dõi, kế thừa thông tin lịch sử diễn biến, có kiến thức bản địa truyền thống. Lợi ích của nguồn tài nguyên thiên nhiên thật sự gắn bó trực tiếp, thường xuyên đối với cộng đồng người dân địa phương nên chính họ sẽ là lực lượng thường xuyên tham gia bảo vệ, giữ gìn và phát huy nó. Cộng đồng địa phương là tai mắt, là lực lượng nòng cốt chính trong tất cả các hoạt động nhằm ngăn chặn các hành vi khai thác tài nguyên trái phép cũng như góp phần phát triển bền vững nguồn tài nguyên này. Chúng ta đã biết phát huy vai trò hệ thống
quản lý nhà nước từ cấp cơ sở là ấp trưởng, chi bộ ấp đến những người có uy tín trong thôn như già làng, trưởng bản để cảm hóa cũng như hướng mọi người đến với nét văn hóa và truyền thống của cộng đồng nhằm bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng thu hẹp cả về chất và lượng như thực tế hiện nay.
Nhận thấy vai trò quan trọng của cộng đồng trong công tác bảo tồn, VQG Cát Tiên đã cùng với các chính quyền địa phương, trong đó có UBND xã Tà Lài đã tiến hành nhiều hoạt động nâng cao nhận thức và hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng ở vùng đệm và vùng lõi nhằm giảm thiểu tác động bất lợi từ phía cộng đồng đến tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt là tổ chức thực hiện các hoạt động, mô hình du lịch sinh thái thông qua việc thực hiện Dự án phát triển du lịch cộng đồng xung quanh VQG Cát Tiên do WWF Đan Mạch tài trợ từ tháng 9 năm 2008 đến tháng 12/2011.
Trọng tâm của Dự án áp dụng trong công tác phát triển du lịch cộng đồng là xây dựng chiến lược phát triển du lịch cho các thôn bản mục tiêu dựa trên các nhu cầu sử dụng tài nguyên hiện tại và dự đoán trong tương lai. Mục đích là giảm thiểu việc sử dụng không bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên bằng cách tìm ra các giải pháp thay thế phù hợp, từ đó kết hợp các mục tiêu bảo tồn và phát triển tại các địa điểm thực hiện dự án.