Phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham dự (PRA)

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác động của cộng đồng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Cát Tiên (Trang 27)

Sự tham gia định nghĩa như một quá trình, thông qua đó các chủ thể cùng tác động và chia sẻ những sáng kiến phát triển và cùng quyết định. Điều quan trọng là người dân địa phương có khả năng trao đổi các triển vọng của họ về TNR với các nhà nghiên cứu, các cơ quan quản lý và ngược lại, các cơ quan này có thể hiểu và đáp ứng các nguyện vọng được nêu ra (dẫn theo Bùi Việt Hải, 2007). [4]

Trong nghiên cứu này, phương pháp tiếp cận cùng tham gia được áp dụng, trong đó người dân địa phương tham gia ở mức độ 3, tức là tham gia qua hình thức tư vấn, cung cấp thông tin. Các phương pháp đánh giá nhanh nông thôn (RRA) và phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia (PRA) sẽ được sử dụng để thu thập thông tin cho nghiên cứu.

Theo phương pháp này đề tài thực hiện những cuộc trao đổi, thảo luận với 5 nhóm người đại diện cho cộng đồng với các chủ đề có liên quan đến quản lý rừng. Trong quá trình trao đổi, thảo luận, những người thực hiện đề tài giữ vai trò là người thúc đẩy và định hướng cuộc trao đổi mà không đưa ra những ý kiến mang tính quyết định và không áp đặt tư tưởng của mình cho những thành viên tham gia thảo luận.

Lựa chọn đối tượng: Nhóm đối tượng chọn phỏng vấn, thảo luận thu thập thông tin dựa vào: mức sống khác nhau, địa bàn cư trú khác nhau, địa vị xã hội khác nhau, lĩnh vực quản lý khác nhau nhưng đều có sự hiểu biết về các vấn đề có liên quan đến quản lý rừng.

Công cụ được lựa chọn trong phương pháp PRA là:

- Phỏng vấn cán bộ Vườn quốc gia Cát Tiên, hạt kiểm lâm, cán bộ của xã nghiên cứu điểm để nắm bắt những thông tin chung nhất của khu vực như: Tình hình đất đai, tài nguyên rừng, công tác QLBVR, cây trồng, vật nuôi, tình hình phát triển KT-XH của địa phương…

- Phỏng vấn các ấp trưởng của các cộng đồng nghiên cứu: Công cụ này được thực hiện đầu tiên khi tới ấ p, bản, nhằm tìm hiểu tình hình chung về kinh tế - xã hội của ấp, bản như: Dân số, mức sống, dân trí, các loại đất đai, các hỗ trợ từ bên ngoài, các hình thức sử dụng tài nguyên rừng...

- Bảng câu hỏi phỏng vấn: Các câu hỏi phỏng vấn là những câu hỏi bán định hướng và được sắp xếp theo từng chủ đề phỏng vấn.

- Sử dụng phương pháp phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức (SWOT) để đánh giá tình hình quản lý bảo vệ rừng tại VQG Cát Tiên.

- Phân loại kinh tế hộ gia đình đầu tư sản xuất, chi phí, thu nhập… được tính toán theo nguyên tắc cụ thể sau: (1) Công lao động của gia đình không được quy đổi sang chi phí đầu tư bằng tiền cho sản xuất; công lao động được tổng hợp theo 2 nhóm: nhóm đầu tư bằng công cho sản xuất tại HGĐ và nhóm đầu tư bằng công cho canh tác trên rừng, đất rừng của VQG. (2) Gỗ, gỗ củi phục vụ nhu cầu của HGĐ được lấy từ rừng không tính vào thu nhập từ rừng, chỉ tính khi mang bán.

2.5.2.2.. Phương pháp chuyên gia

Đề tài sử dụng phương pháp chuyên gia để điều chỉnh và hoàn thiện kết quả thông tin thu thập sau khi xử lý tài liệu ngoại nghiệp. Với phương pháp này đề tài gửi kết quả phân tích đánh giá thông tin của đề tài cho một số chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý rừng và phát triển nông thôn miền núi, các nhà quản lý và tổ chức cộng đồng ở địa phương đóng góp ý kiến. Những ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý sẽ được sử dụng để điều chỉnh và hoàn thiện các thông tin đã thu thập ở địa phương.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác động của cộng đồng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Cát Tiên (Trang 27)