Chính quyền cấp xã là cầu nối quan trọng giữa các cơ quan chức năng và cộng đồng địa phương trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên do cơ chế còn nhiều bất cập cũng như sự phối hợp chưa nhuần nhuyễn nên vai trò của chính quyền cấp xã chưa phát huy hết hiệu quả. Tại VQG Cát Tiên, Vườn đã đưa ra một số mô hình điểm nhằm đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên dựa trên nền tảng là chính quyền cấp xã và sự hậu thuẫn của cộng đồng người dân địa phương. Điển hình như mô hình du lịch cộng đồng tại xã Tà Lài. Mô hình này được xem như bước đi tiên phong trong cả nước về việc cùng cộng đồng khai thác về du lịch sinh thái tại VQG Cát Tiên. Trong khung quản lý này, chính quyền cấp xã được đặc biệt chú trọng ngay từ khâu lập kế hoạch đến việc thực hiện các hoạt động và giám sát mô hình. Chính quyền cấp xã có cơ hội thể hiện vai trò và thực lực của mình trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên tại địa phương thông qua sự hỗ trợ của các cơ quan có liên quan.
UBND xã có nhiệm vụ tiếp nhận và phổ biến cho người dân các văn bản pháp lệnh, các nghị định, quyết định của các cấp từ huyện đến trung ương, chẳng hạn, các văn bản về giao đất lâm nghiệp, nông nghiệp tới hộ gia đình, về giao đất, khoán rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, luật bảo vệ rừng, pháp luật về môi trường, quản lý tài nguyên nước, quản lý và bảo vệ phát triển, sử dụng tài nguyên đa dạng sinh học v.v... Tuy nhiên do trình độ hiểu biết của cán bộ xã có hạn, chưa có trình độ chuyên môn về lĩnh vực lâm nghiệp, lại kiêm nhiệm nhiều công việc như phó chủ tịch phụ trách nông, lâm nghiệp và địa chính xã. Phần lớn cán bộ xã chưa qua đào tạo chuyên môn nên không thể hiểu hết các câu từ trong các văn bản để giải thích cho cán bộ thôn, bản cũng như cho người dân, càng khó hơn khi áp dụng các văn bản có liên quan tới quản lý bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Kết quả điều tra cho thấy với sự hỗ trợ của đội ngũ cán bộ huyện và VQG Cát Tiên phần lớn các xã đã tổ chức được các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về quản lý bảo vệ rừng... Tuy nhiên công tác tuyên truyền vẫn chưa triển khai được tới từng hộ và rừng vẫn bị xâm lấn. Đối với đất nông nghiệp, về cơ bản tôn trọng diện tích nương rẫy của các hộ, nhưng cần có quy hoạch lại đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng theo hướng sử dụng, ổn định lâu dài, tránh hiện tượng xâm canh, xâm cư, dần chuyển tới định cư cho đồng bào.
Nhìn chung chính quyền chưa thể hiện được hết vai trò của Nhà nước trong kiểm soát các hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên. Hiện nay, rừng vẫn tiếp tục bị phá, thú rừng vẫn bị săn bắn, chưa có những biện pháp xử lý những trường hợp vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng.
Trong công tác giao đất, giao rừng, quy hoạch đất đai, ấp trưởng là người chứng kiến và cùng các hộ xác định ranh giới tại hiện trường, xác nhận vào đơn của các hộ gửi lên địa chính xã..., là người đầu tiên chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp về đất đai, tài nguyên rừng, nước... Vai trò của các ấp trưởng, rất lớn trong việc tổ chức lập kế hoạch phát triển cho ấp. Tuy nhiên, họ cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng cũng như thái độ nhất định và phương pháp lập kế hoạch ấp có sự tham gia của cộng đồng.