Quá trình thực nghiệm phản ứng được tiến hành trên hệ thống thiết bị phản ứng như trên. Chất xúc tác FCC mới được sử dụng trong quá trình thực nghiệm, bình khí nitơ sử dụng được chứa trong các bình khí nén 40 lít do công ty Cryotech Việt Nam cung cấp.
Qua quá trình khảo sát nhiệt độ của lò gia nhiệt cho thiết bị phản ứng thấy rằng lò gia nhiệt chỉ cung cấp nhiệt độ đúng với thiết bị cài đặt nhiệt độ ở phần trên của thiết bị phản ứng, khoảng cách giữa 2 can nhiệt là 30 cm nên quyết định lựa chọn đoạn trên của thiết bị phản ứng để đặt lớp xúc tác. Lớp xúc tác này có bề dày 20 cm và có khối lượng 30 g.
Sau khi lựa chọn khối lượng xúc tác là 30 g, tiến hành khảo sát dòng khí thấy với dòng khí N2 nhỏ hơn 2 lít/ phút thì lưu lượng khí không đủ để đẩy dòng hơi dầu đi qua lớp xúc tác, với lưu lượng khí N2 lớn hơn 2 ml/ phút thì xảy ra hiện tượng tăng áp ở đồng hồ đo áp suất của thiết bị phản ứng. Điều này ảnh hưởng đến vấn đề an toàn của hệ thiết bị phản ứng nên quyết định lựa chọn thực hiện phản ứng cracking với lưu lượng dòng N2 là 2 lít/ phút.
Qua quá trình khảo sát lò gia nhiệt nguyên liệu thấy khi gia nhiệt ở 300 oC thì không đủ để hóa hơi hoàn toàn lượng dầu nguyên liệu. Một phần dầu thực vật thải không kịp hóa hơi vẫn còn ở trong ống cho nên không thể tiến hành điều khiển chính xác dòng dầu thực vật bơm vào đi đến cột phản ứng để tiến hành phản ứng cracking. Do vậy , các thí nghiệm khảo sát với dòng dầu thực vật từ bơm vào là 1 ml/ phút.
Vậy, với các thực nghiệm phản ứng cracking xúc tác dầu thực vật thải đều tiến hành với 30g chất xúc tác, lưu lượng dòng N2 là 2 lít/ phút, tốc độ bơm nguyên liệu là 1 ml/ phút.
Các thực nghiệm được tiến hành trong khoảng nhiệt độ 475 – 575 oC, và tiến hành khảo sát thời gian tối ưu để thu lượng sản phẩm điêzen sinh học và thời gian mất hoạt tính của xúc tác.