Xử lý nguyên liệu dầu thực vật thải ban đầu[6]

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thực nghiệm quá trình sản xuất phân đoạn điêzen từ dầu thực vật thải bằng xúc tác FCC của nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất (Trang 25)

Dầu thải và mỡ cá thu gom về chưa sử dụng để tổng hợp điêzen sinh học ngay được, do có lẫn nhiều tạp chất như: nước, các tạp chất cơ học, cặn cacbon, lượng axít béo tự do cao,…Hàm lượng các tạp chất phụ thuộc vào nguồn gốc của mỡ cá, dầu thải và thời gian sử dụng của dầu trước đó.Để sử dụng được các nguồn nguyên liệu phế thải này cần phải tinh chế. Quá trình này gồm các bước:

1.3.5.1. Phương pháp lắng

Dầu thực vật thải chứa nhiều tạp chất không tan, nước, muối và các hợp chất chứa oxi.Vì vậy việc xử lý dầu thực vật thải bằng phương pháp cơ học là rất cần thiết.Một trong các phương pháp đó là phương pháp lắng cơ học.

Dầu thực vật thải sau khi lắng sẽ loại bỏ được một lượng lớn tạp chất không tan trong dầu, mặc dù những phần tử tạp chất có tỷ trọng nhỏ hơn không được loại bỏ hoàn toàn, tuy nhiên nếu xét về yếu tố kinh tế thì phương pháp lắng cơ học không đòi hỏi thiết bị phức tạp và không tiêu tốn năng lượng nên sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao. 1.3.5.2. Phương pháp ly tâm.

Quá trình lắng cơ học loại bỏ được những tạp chất cơ học có tỉ trọng lớn, những tạp chất cơ học có tỉ trọng trung bình vẫn còn ở lại trong dầu thực vật thải.Phương pháp ly tâm có thể loại bỏ được các tạp chất cơ học có tỉ trọng trung bình.

Ưu điểm của phương pháp là có thể tách loại được các tạp chất cơ học có tỉ trọng khá nhỏ nên hiệu suất tách loại cũng khá cao.

Nhược điểm của phương pháp là phải cần tiêu tốn năng lượng lớn cho quá trình ly tâm. Vì vậy trong nhiều trường hợp việc sử dụng phương pháp ly tâm cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng xem xét đến hiệu quả kinh tế của phương pháp

1.3.5.3. Phương pháp lọc.

Dầu thực vật thải sau quá trình lắng, ly tâm sẽ vẫn còn một lượng tạp chất có tỉ trọng nhỏ (có kích thước < 8µm), để loại bỏ các tạp chất này người ta sử dụng phương pháp lọc cơ học.

Vật liệu lọc sau một thời gian lọc sẽ bị các tạp chất không tan lấp kín các mao quản làm tăng khả năng lọc của vật liệu lọc (các tạp chất không tan có kích thước nhỏ sẽ được giữ lại). Tuy nhiên khi các mao quản vật liệu lọc bị bịt kín thì thời gian lọc sẽ kéo dài làm giảm hiệu quả của quá trình lọc. Vì vậy trong quá trình lọc, sau một thời gian nhất định người ta phải thay thế vật liệu lọc để tăng tốc độ của quá trình.

1.3.5.4. Phương pháp hấp phụ.

Cơ sở của phương pháp: Dựa vào lực hấp phụ giữa bề mặt chất hấp phụ và tạp chất không tan, nước. Các chất này sẽ tập trung ở bề mặt chất hấp phụ và được loại bỏ

ra khỏi dầu thải cùng với chất hấp phụ. Chất hấp phụ sau đó được tái sinh bằng quá trình nhả hấp phụ

Ưu điểm: Quá trình hấp phụ có thể loại bỏ được những tạp chất cơ học có tính phân cực, và loại bỏ được một hàm lượng nước đáng kể trong dầu thực vật thải. Vật liệu hấp phụ có thể loại bỏ ra khỏi dầu thực vật thải bằng quá trình lọc.

Nhược điểm: Trong quá trình hấp phụ, chất hấp phụ có thể hấp phụ một lượng dầu nhất định, làm giảm khả năng cạnh tranh, hấp phụ các tạp chất phân cực trong dầu thực vật thải. Làm mất mát một lượng dầu thải trong quá trình hấp phụ.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thực nghiệm quá trình sản xuất phân đoạn điêzen từ dầu thực vật thải bằng xúc tác FCC của nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất (Trang 25)