Nghi thức, nghi lễ cầu mùa, một trong những yếu tố cấu thành

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng cầu mùa trong các lễ hội của người Việt ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ (Trang 101)

7. Bố cục của luận văn

4.1.Nghi thức, nghi lễ cầu mùa, một trong những yếu tố cấu thành

văn hóa dân gian tộc người.

Tục cầu mùa, một đề tài mới xem qua tưởng là vấn đề của quá khứ xa xưa, không còn ý nghĩa và vai trò gì trong cuộc sống hiện tại. Nhưng, khi xét kỹ thì nó lại là cơ tầng của văn hóa dân tộc. Thông qua những nghi lễ của nó, chúng ta như được trở về cội nguồn văn hóa dân tộc. Đặc biệt là các ứng xử của con người đối với môi trường sinh thái, điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh lịch sử xã hội qua các thời kỳ mà các dân tộc đã trải nghiệm. Đồng thời, qua nghi lễ cầu mùa đã cho ta hiểu biết thêm đời sống tinh thần của cộng đồng và đời sống tâm linh của các dân tộc.

Qua tìm hiểu, nghiên cứu về tín ngưỡng cầu mùa nhất là tục lệ và những nghi lễ, nghi thức của nó đã giúp ta hiểu biết sâu sắc hơn ý nghĩa và giá trị của thứ tín ngưỡng xa xưa này. Trong đó, nổi bật lên là sự phát huy truyền thống tốt đẹp về lao động sản xuất, góp phần củng cố ý thức cộng đồng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời góp phần giải quyết tốt mối quan hệ giữa văn hóa truyền thống và hiện đại, xây dựng nền văn hóa mới phù hợp với xu thế của thời đại. Vì thế, ý nghĩa quan trọng đầu tiên của tín ngưỡng cầu mùa là phát huy truyền thống tốt đẹp về lao động sản xuất nói chung, nhất là những kinh nghiệm của quá trình canh tác ruộng nước ở châu thổ Bắc Bộ và huyện Lâm Thao nói riêng.

Như đã trình bày ở các chương trước, người Việt cổ, tiền thân của các nhóm người Việt hiện đại ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ nói riêng, ở châu

thổ Bắc Bộ nói chung vốn là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Theo các nguồn tư liệu của ngành khảo cổ học (nhất là về Văn hóa Phùng Nguyên) và những tư liệu của văn hóa dân gian ở châu thổ Bắc Bộ, đã chứng minh rõ ràng, từ các lớp cư dân Phùng Nguyên, cách ngày nay hơn 3.000 năm, họ chính là những người khai thiên lập địa, mở màn cho nền nông nghiệp trồng lúa nước ở châu thổ Bắc Bộ, đặc biệt là vùng đỉnh tam giác châu Bắc Bộ.

Khi người Việt cổ bước ra khỏi cuộc sống nguyên thủy, sống dựa chủ yếu vào nguồn thức ăn do săn bắn hái lượm, chiếm đoạt tự nhiên mang lại. Xuất phát từ điều kiện tự nhiên cụ thể của mình, vùng Ngã ba Bạch Hạc - Việt Trì, nơi hội tụ của các con sông Lô, Thao, Đà. Các con sông đó cùng các chi lưu của mình đã bồi đắp những lớp phù sa mầu mỡ thuận lợi và thích hợp với nghề nông trồng lúa nước nơi đây, mở ra thời đại Hùng Vương. Trực tiếp quan sát điều kiện tự nhiên cụ thể nơi đây, Vua Hùng đã nhận ra rằng, vùng

Ngã ba Bạch Hạc - Việt Trì này rất thích hợp với các cánh đồng, mà cánh Đồng Lú ở xã Minh Nông, ngoại thành thành phố Việt Trì hiện nay là nơi thích hợp và điển hình nhất. Bởi vì, thời đó vùng này hầu như nhiều tháng nước ngập trắng xóa, nhất là vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9 âm lịch. Nhưng cùng với nước ngập túa vào đầy các cánh đồng thì phù sa của các con sông đó cũng tràn vào theo tăng thêm độ mầu mỡ cho các cánh đồng. Điều đó rất thích hợp với cây lúa nước.

Tại các di chỉ này có thể có nhiều chủng loại hiện vật như đồ chặt, cắt, đồ bếp núc, các loại đồ trang sức..., nhưng lại hoàn toàn vắng bóng những công cụ cày cuốc để vỡ đất. Vì, nơi đây là cánh đồng trũng, quanh năm ngâm trong nước bùn ngấu, không cần đến các công cụ vỡ đất, chỉ cần dùng trang cào và cả chân giẫm đất cho sục bùn là có thể cấy lúa được. Để tiện cho việc sản xuất, thời đó con người thường sinh tụ trên những mỏm đồi cao, không bị ngập lụt ngay cạnh cánh đồng của mình, vừa để cày cấy, chăm sóc đồng

ruộng, vừa thuận lợi cho việc kiếm tôm cá, mò cua, bắt ốc làm thực phẩm tươi sống cho các bữa ăn hàng ngày.

Nhờ điều kiện vật chất dễ dàng, thuận lợi như vậy làm cho đời sống cư dân luôn ấm no, sung túc mà các ngành nghề thủ công gia đình như nghề dệt, nghề gốm, đúc đồng, đóng thuyền, nghề sơn làm nhà cửa phát triển. Cuộc sống vật chất đó đã làm nên cơ sở, nền tàng cho đời sống tinh thần như sinh hoạt cộng đồng, hội hè, đình đám có cơ hội phát triển. Cùng với những sinh hoạt đó, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, chạm khắc, trang trí hoa văn, múa hát, diễn xướng... có cơ hội hình thành và phát triển theo. Đặc biệt là các mảng chạm khắc chim, người hóa trang, áo dài cách điệu cùng các điệu nhảy múa trên thuyền, trên đồ dùng, đồ trang sức và các mô típ, đồ án hoa văn hình học trên đá, trên ngọc, đồ đồng... được tìm thấy khá nhiều trong các di chỉ khảo cổ học thời Phùng Nguyên.

Có lẽ phải nói rằng, với điều kiện vật chất no đủ, sung túc như thế đã làm cho bộ lạc Văn Lang thời các Vua Hùng trở nên giàu mạnh. Đó là điều kiện thuận lợi để Vua Hùng thu hút và đứng lên thống nhất các cư dân vùng khác sáp nhập vào bộ lạc của mình. Từ đó, nước Văn Lang, Nhà nước đầu tiên, mặc dù thời đó chỉ mới sơ khai được thành lập. Cơ sở vật chất và tinh thần ấy của Nhà nước Văn Lang đã tạo ra nền tảng vững chắc cho các hoạt động văn hóa tinh thần hình thành và phát triển. Có lẽ, chính từ cơ sở đó mà thời này, nhân dân đã sáng tạo ra các câu chuyện, các truyền thuyết, sự tích... pha trộn giữa thực tiễn và lịch sử, giữa sinh hoạt thực và trí tưởng tượng, ước mong, khát vọng về con người, về cuộc sống. Từ đó, các truyền thuyết, sự tích về trầu cau, về anh hùng làng Gióng, bánh chưng, bánh dày, về Sơn Tinh, Thủy Tinh và nhiều huyền thoại, thần thoại đã ra đời, truyền từ đời này qua đời khác hàng nghìn năm cho tới ngày nay.

Đặc biệt là, nền tảng vật chất và tinh thần đó của nền văn minh lúa nước đã nảy sinh ra, sáng tạo nên cơ sở tín ngưỡng nông nghiệp, nguồn sống chính của người Việt cổ. Nói khác đi, tín ngưỡng nông nghiệp bắt nguồn từ thực tiễn của người Việt cổ mà cốt lõi của nó là tục cầu mùa, mong sao thóc lúa đầy nhà, người, vật khỏe mạnh, no ấm. Cùng với sự hình thành bộ lạc Văn Lang, Vua Hùng đã lập Đàn thờ cúng Trời, Đất và các vị thần linh trong tự nhiên phù hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt cổ có thể sống được, tồn tại được trên cơ sở nguồn sống chính của mình. Đó là các vụ lúa chiêm, mùa, tạo ra lúa gạo và các sản phẩm hoa màu khác... để con người có thể tồn tại và phát triển ngay trên mảnh đất của mình.

Thực ra, xét đến cùng, tín ngưỡng cầu mùa không phải bắt nguồn từ những lý thuyết, quan niệm xa lạ, trừu tượng mà tín ngưỡng đó, niềm tin và hy vọng đó đều bắt nguồn từ điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái và cuộc sống thực của cư dân nơi đây - cư dân Phùng Nguyên tạo nên trên cơ sở tôn trọng và gắn bó mật thiết với thiên nhiên.

Đó là, các địa điểm văn hóa Phùng Nguyên phân bố tập trung ở khu vực hợp lưu của các con sông lớn như sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Thao và sông Đáy tức vùng Nam Phú Thọ, Đông Bắc Hà Tây, Hà Nội, Nam Bắc Ninh (Hà Văn Tấn chủ biên, 1999: 24).

Phần lớn các di tích nằm ở miền trước núi, dưới chân đồi núi đất, ven sông suối ở vùng trung du [Lâm Thị Mỹ Dung, 2004, tr. 91- 93]

Trước thực tiễn ấy, người Phùng Nguyên nói riêng, cư dân Việt cổ nói chung đã tìm ra giải pháp tạo sự hài hòa giữa tự nhiên và con người. Từ đó đã sinh ra các nghi thức, nghi lễ cầu mùa. Cho nên, khi Vua Hùng lập Đàn thờ Thần Nông bên bờ cánh đồng Đồng Lú (Việt Trì) và quay mặt về phía Tây Nam, nơi có chùm sao Thần Nông xuất hiện vào ngày rằm tháng Tám

thì niềm tin vào sự phù hộ của vì sao đó đối với Vua Hùng và nhân dân thời đó là có thật. Không những thế, niềm tin đó còn được truyền lại cho những đời sau tới tận ngày nay. Niềm tin đó đã trở thành tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng cầu mùa.

Qua việc tìm hiểu, nghiên cứu tín ngưỡng cầu mùa của người Việt cổ ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ nói riêng và người Việt ở châu thổ Bắc Bộ nói chung đã thấy toát lên ý nghĩa sâu sắc của tín ngưỡng này. Đó là truyền thống lao động sản xuất của ông cha ta, trải qua hàng ngàn năm canh tác lúa nước đã để lại cho chúng ta những kinh nghiệm quý báu nhằm thích nghi với điều kiện tự nhiên của vùng châu thổ Bắc Bộ.

Cho dù, điều kiện sản xuất của chúng ta hôm nay không còn hoàn toàn lệ thuộc vào điều kiện tự nhiên như xưa, vì trình độ khoa học, kỹ thuật ngày càng phát triển. Nhưng, những kinh nghiệm và bài học quý báu mà ông cha ta truyền lại vẫn có ích, có ý nghĩa thiết thực với cuộc sống hôm nay. Trên cơ sở phát huy truyền thống đó trong điều kiện tự nhiên và xã hội hôm nay, chúng ta tin rằng, chúng ta sẽ xây dựng được con người Việt Nam, xã hội Việt Nam vững bước trên con đường hội nhập với nhân loại. Từ đó sẽ xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam "đậm đà bản sắc dân tộc" như ý Đảng, lòng dân ta hằng mơ ước.

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng cầu mùa trong các lễ hội của người Việt ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ (Trang 101)