Tục cầu mùa ở một số dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng cầu mùa trong các lễ hội của người Việt ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ (Trang 94)

7. Bố cục của luận văn

3.3.Tục cầu mùa ở một số dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Tuy những vùng này không thuộc địa bàn châu thổ Bắc Bộ, nhưng qua những tục lệ cầu mùa của những nơi này càng bổ sung thêm những cứ liệu sinh động cho tục cầu mùa nói chung của cư dân nông nghiệp ở nước ta.

Tiêu biểu cho tục cầu mùa này là lễ hội "Lồng Tồng" (hội xuống đồng của người Tày, Nùng). Lễ hội này cũng diễn ra sau Tết Nguyên Đán (tùy từng nơi mà chọn ngày khác nhau). Nhưng, lễ hội Lồng Tồng chỉ được tổ chức ở những thôn, bản lớn, đông dân cư và ở trung tâm của vùng. Thông thường, lễ hội này được mở vào ngày mồng 5 đến rằm tháng Giêng, tại một thửa ruộng lớn nhất trên cánh đồng cạnh thôn, bản vừa mới gặt xong trước Tết.

Đây là một lễ hội mang tính cộng đồng cao, do các gia đình trong thôn bản đóng góp công sức cùng tổ chức. Vào ngày đó, mỗi gia đình sẽ sửa soạn một mâm cơm theo khả năng của mình, rồi bưng ra bày ở giàn thờ đã được dựng sẵn bằng tre, nứa tươi trên thửa ruộng đã chọn, sau lễ cúng thổ địa và các thần linh trú trụ trong vùng, cả bản hạ mâm cúng của mình xuống ăn ngay tại chỗ. Mỗi gia đình dành một phần nhỏ thức ăn mang về cho những người không ra đồng tham gia lễ hội được. Sau cuộc ăn uống, trò chơi bắt đầu diễn ra bằng cuộc ném còn vòng của nam nữ thanh niên.

Để có cuộc ném còn này, sau khi cúng, thầy mo bưng bát nước trên mâm cúng của mình (mâm cúng của gia đình thầy mo) rồi vẩy nước đi 4 phương Đông, Tây, Nam, Bắc, miệng thầy mo ngậm nước đó phun theo bốn hướng trên, cầu cho mưa thuận, gió hòa. Tiếp theo ông mo chọn lấy 4 thanh niên (hai nam, hai nữ) chưa lập gia đình, xinh đẹp, khỏe mạnh ra lạy trước cột còn vòng và lấy 4 đùi gà ở các mâm gần đấy tặng cho những người này với ý nghĩa tạ ơn những người trẻ này đã truyền sức sống cho cột còn. Thực ra, ném còn vòng vừa là trò chơi, vừa là một nghi lễ cầu mùa. Trước khi nam nữ thanh niên ném còn, ông thầy mo cầm một quả còn ném trước lấy may. Cuộc chơi chia làm hai phía, nam đứng ở phía Đông (phía mặt trời mọc), vòng còn phía này được dán giấy mầu đỏ, thể hiện cho sự sinh sôi, nảy nở, phát triển.

Nếu ai ném thủng vòng giấy trên cột còn sẽ được thưởng bằng chính những hạt thóc hay hạt bỏng nhồi trong quả còn rồi tung vãi ra cho đám đông đứng xem, tranh nhau giơ vạt áo ra hứng lấy để lấy khước may cho cả năm.

Sau cuộc ném còn, dân cả bản chia làm hai phe kéo co, tiếng Tày gọi là "xẻ thỏi". Những gia đình sinh sống ở phía đầu nguồn nước một bên, còn những gia đình ở cuối dòng nước là phe đối lập. Theo tục lệ cổ truyền, phe phía đầu nguồn nước phải thắng thì năm đó mùa màng mới tốt tươi, bội thu. Còn một điều đáng chú ý nữa, nếu dịp này gia đình nào mời được nhiều khách đến tham gia lễ hội thì gia đình đó càng gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt [Hoàng Lương, 2011, tr. 240]. Những hiện tượng trên đều thể hiện rõ ràng tính chất cầu mùa của lễ hội Lồng Tồng.

Cùng mang ý nghĩa lễ hội cầu mùa, lễ hội "Khuổng mùa" (xuống đồng) của người Mường Hòa Bình, nhất là vùng Mường Bi thì thể hiện ở những công việc cụ thể, thiết thực hơn. Tùy từng nơi, lễ hội này thường được

tổ chức từ ngày "Khai hạ" mồng 7 tháng Giêng đến ngày mồng 10 tháng Giêng. Lễ hội này được tổ chức kết hợp giữa hai xã Phong Phú và Địch Giáo ở huyện Tân Lạc, Hòa Bình. Lễ hội này được mở tại miếu xóm Lý, xã Phong Phú để thờ Đức Thánh Tản. Theo tục lệ, từ hôm trước ngày mở hội, dân xóm Lý phải vào rừng săn bằng được một con hoẵng để tưởng nhớ lại tục săn bắn thời Vua Hùng, đồng thời phản ánh nền kinh tế cổ xưa của họ là săn bắn, hái lượm trên nương rẫy, trên rừng.

Năm nào không săn được hoẵng, dân xóm Lý phải góp tiền mua bò thay hoẵng. Ở đây kiêng mổ trâu vì con trâu là biểu tượng của cư dân làm ruộng nước. Tục thờ thần làng bằng sản phẩm săn bắn, hái lượm cũng là nghi lễ cầu mùa (cầu cho việc săn bắn, hái lượm thu được nhiều kết quả).

Cũng vào dịp đầu xuân, ở xã Địch Giáo (xã trung tâm của Mường Bi) cũng có hội xuống đồng, nhưng lại theo truyền thống của cư dân làm ruộng nước. Từ mồng 7 tháng Giêng đến trung tuần tháng Tư (theo lịch Mường Bi), tại xã Địch Giáo cùng các xã khác trong mường như xã Do Nhân, Quy Mỹ, Tuân Lộ, Mỹ Hoa và Phú Vinh, cả xã Phong Phú nữa tổ chức ngày hội nạo vét Mương Lò, con mương chính tưới nước cho cả cánh đồng Mường Bi. Ai không tham gia ngày hội vét mương sẽ bị Cun Mường Bi phạt rất nặng bằng đi lao động công ích cho mường.

Mương Lò bắt nguồn từ suối Kem ở đầu mường Bi đến hết xóm Lầm cuối mường (khoảng 10km). Lễ hội này mổ trâu cúng thần đình Địch Giáo, sau cúng tế xong, số thịt trâu còn lại sẽ chia đều cho các giáp, các giáp lại chia theo xuất đinh của giáp mình. Còn lại bao nhiêu số thịt trâu đó (thực ra số thịt đó đã được định sẵn) để nấu chung mời tất cả mọi người đến tham gia hội vét nương. Có điều đáng lưu ý ở đây là, hai vị thần thành hoàng được cúng trong đình xã Địch Giáo là "Ải Ly", "Ải Lo". Tương truyền hai vị thần này là người Thái đến đây khai phá đất đai làm ruộng và đào con mương Lò

này dẫn nước tưới cho cả cánh đồng mường Bi [Hoàng Lương, 2011, tr. 238- 240]. Để tưởng nhớ công ơn của hai vị thần này, hằng năm nhân dân 7 xã trong vùng tổ chức lễ hội ở đình xã Địch Giáo (xã trung tâm của mường). Ở đây, có điều đáng lưu ý là bên cạnh mâm cúng thịt trâu còn có một mâm cúng bằng thịt vịt, một loại lễ vật phổ biến của các nhóm cư dân nói tiếng Thái như đã trình bày ở Tết 14 tháng Bảy (Xíp Xí) của các nhóm Thái Trắng, Tày, Nùng, Giấy và cả La Chí...

Trong lễ hội nạo vét mương Lò ở đây, ngoài các trò chơi ném còn vòng, chơi đu... trong lúc lao động nạo vét mương, mọi người được tự do trêu đùa, cấu véo nhau ngay trong lòng mương, tạo nên không khí lao động thêm vui nhộn, trẻ trung.

Ngoài những lễ hội cầu mùa tiêu biểu trên đây, lễ cầu mùa còn khá phổ biến ở các vùng khác. Ở đây, chúng tôi không có thể trình bày, giới thiệu hết mà xin được tóm tắt lại những lễ cầu mùa đã in trong cuốn "Lễ cầu mùa của các dân tộc ở Việt Nam". Nxv Văn hóa dân tộc, phát hành năm 1993 [Phan Hữu Dật… ,1993]. Trong đó gồm các bài về: Tục cầu mùa của người Kinh (từ trang 8-35); Lễ cầu mùa vùng Việt Bắc Đông Bắc (từ trang 37-60); Lễ cầu mùa của các tộc người ở Tây Bắc và miền núi Bắc Trung Bộ

(từ trang 61-88); Lễ cầu mùa ở các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên (từ trang 91-113).

Tục cầu mùa của các dân tộc thiểu số ở nước ta cho ta thêm một dẫn chứng nữa về tính thống nhất và đa dạng của văn hóa Việt Nam. Trong điều kiện khoa học - kỹ thuật chưa phát triển, năng suất cây trồng còn phụ thuộc nặng nề vào thiên nhiên, thì sự nảy sinh ra các tục cầu mùa tin vào sức mạnh của siêu nhiên để cầu mưa, cầu tạnh, cầu sinh sôi nảy nở, phồn thịnh là điều dễ hiểu [Phan Hữu Dật, 1993, tr. 5, 6].

Qua những nội dung đã trình bày trên đây cho thấy sự cần thiết và vai trò quan trọng của tín ngưỡng cầu mùa đối với cư dân nông nghiệp nói chung, người Việt ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ nói riêng. Tục cầu mùa là một bộ phận của tín ngưỡng dân gian là yếu tố cấu thành của văn hóa dân gian, cơ tầng của văn hóa dân tộc [Phan Hữu Dật, 1993, tr. 5, 6]. Vì vậy, tìm hiểu, nghiên cứu về tín ngưỡng cầu mùa của các dân tộc Việt Nam là tìm về cội nguồn văn hóa các dân tộc ở Việt Nam.

Tiểu kết chương 3

Người Việt ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ nói riêng, cư dân vùng châu thổ Bắc Bộ nói chung, sinh sống chính nhờ vào nghề nông trồng lúa nước. Tùy điều kiện tự nhiên từng nơi mà hai vụ lúa chiêm, mùa được canh tác theo từng mùa vụ khác nhau.

Do điều kiện tự nhiên của vùng Ngã ba Bạch Hạc, nơi hội tụ của ba dòng sông lớn của đồng bằng Bắc Bộ là sông Hồng, sông Thao và sông Lô, vùng này đã được phù sa của ba con sông này bồi đắp. Cho nên, từ thời cổ đại, nơi này đã trở thành các cánh đồng chiêm, mà Đồng Lú, xã Minh Nông, thành phố Việt Trì là một điển hình.

Với điều kiện tự nhiên như thế, Đồng Lú đã được Vua Hùng chọn làm nơi tập huấn cấy lúa chiêm cho vùng này. Hơn nữa, do điều kiện tự nhiên nơi đây đầy trắc trở, nên Vua Hùng đã sớm biết lập đàn thờ Thần Nông và thần thổ địa sông, núi nơi này phù hộ, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

Vì thế, từ thời Vua Hùng đã có tục thờ Thần Lúa mà sau này, khi Đại trùng tu Đền Thượng, người ta đã tìm thấy tục thờ Hạt lúa Thần được làm bằng đá khổng lồ. Trên cơ sở truyền thống và kinh nghiệm sản xuất của ông cha truyền lại, tục cầu mùa đã được người Việt ở huyện Lâm Thao tiếp thu, duy trì và phát huy. Do đó, nơi này vừa là nơi khởi thủy việc canh tác lúa nước ở châu thổ Bắc Bộ, đồng thời cũng là nơi giữ gìn, bảo tồn và phát huy những nghi lễ cầu mùa mà Trò diễn Hội làng, thực chất là những nghi lễ cầu mùa điển hình.

Với tư duy của người nguyên thủy, thực chất của nội dung cầu mùa chính là tục thờ sinh thực khí mà các Trò diễn Hội làng ở Lâm Thao nói riêng, vùng Phú Thọ nói chung đã được người Việt nơi đây bảo tồn và phát

triển. Nhưng, những nghi lễ cầu mùa này, cùng với sự biến đổi không ngừng của văn hóa dân gian, ngày nay đã không còn mà chỉ còn lại trong tâm thức nhân dân về một tín ngưỡng dân gian đã từng có vai trò quan trọng trong đời sống tộc người. Vì thế, những tư liệu được trình bày trong luận văn hầu hết là tư liệu hồi cố qua điền dã dân tộc học và một số công trình nghiên cứu văn hóa dân gian của những người đi trước. Trong đó, tiêu biểu là các cuốn sách

Địa chí Vĩnh Phú, Văn hóa dân gian vùng đất tổ (1986); Bắc Ninh tỉnh khảo di (2009); Lễ hội truyền thống các dân tộc Việt Nam các tỉnh phía Bắc (2011) và lễ cầu mùa của các dân tộc ở Việt Nam (1993)... Tư liệu các công trình trên là những cứ liệu đáng tin cậy mà luận văn tham khảo, bổ sung cho những tư liệu thu thập qua các đợt điền dã dân tộc học tại Phú Thọ của tác giả những năm qua.

Chương 4

Ý NGHĨA VÀ VAI T RÒ CỦA TÍN NGƯỠNG CẦU MÙA ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG TỘC NGƯỜI

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng cầu mùa trong các lễ hội của người Việt ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ (Trang 94)