Tính chất của biểu tượng

Một phần của tài liệu Biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại một số cư dân nói tiếng Thái ở Việt Nam (Trang 25)

7. Bố cục của luận văn

1.2.1.Tính chất của biểu tượng

* Tính chất mơ hồ của biểu tượng

Biểu tượng có tính chất mơ hồ bởi mỗi biểu tượng có một hình thức biểu thị nhưng lại có nhiều nội dung hàm nghĩa. Ngược lại, biểu tượng trở nên đa nghĩa đối với hình thức biểu thị, lại rất đa dạng trong sự biểu hiện đối với một nội dung nào đó. Tính chất đa nghĩa và đa dạng trong sự biểu thị của biểu tượng là một đặc điểm chỉ có ở loại hình “ký hiệu hàm nghĩa”. Sự đa nghĩa và đa dạng thức biểu hiện đã tạo nên “tính mơ hồ” của biểu tượng.

Nhìn chung, biểu tượng diễn đạt một cách gián tiếp mang tính ẩn dụ, khó nhận ra một cách trực tiếp về một vấn đề nào đó như niềm ham muốn, lòng say mê hay sự sung đột. Biểu tượng là vật môi giới - mối liên kết thống

nhất về mặt nội dung của một hành vi, một lời nói, một tư tưởng với những hàm nghĩa tiềm ẩn của chúng. Một khi nhận ra một điều gì đó thì ít nhất là có hai phần ý nghĩa. Chúng thay thế cho nhau bằng cách vừa che lấp lại vừa bộc lộ mà ta có thể gọi mối quan hệ đó là quan hệ có “tính biểu tượng”. Đặc trưng mối quan hệ này thường có một sự ổn định nhất định giữa các yếu tố bộc lộ và tiềm ẩn của biểu tượng. Theo nhiều nhà phân tâm học, cái được biểu trưng bao giờ cũng là vô thức. C.G.Jung đã nhận định: “Biểu tượng không phải là một phúng dụ, cũng chẳng phải là một dấu hiệu đơn giản, mà đúng ra là một hình ảnh thích hợp để chỉ ra đúng hơn cả cái bản chất ta mơ hồ nghi hoặc của tâm linh” [5,trXXIV]

* Tính chất thiêng liêng của biểu tượng

Đại bộ phận biểu tượng ngày hôm nay vẫn còn lưu dấu ấn của thời đại cổ xưa mà người ta có thể nhận ra, và quy chiếu chúng vào tư duy nguyên thuỷ với hệ thống “biểu tượng sơ khai”. Những dạng thức đó được xem là những “khuôn mẫu hành vi”. Chính những dạng thức này đã được khắc sâu vào trong “vô thức” của cộng đồng. Đồng thời nó cũng được sắp xếp theo trình tự của một “văn bản”. Chúng biểu hiện ra như những “cấu trúc tâm lý” mang tính phổ biến, có tính chất như là một hạt nhân “di truyền xã hội” và trở thành “ý thức cộng đồng”. Những hệ thống khuôn mẫu đó có vai trò như là những động lực cấu kết toàn cộng đồng lại với nhau.

Theo nhận định của F.Hegel, các biểu tượng vẫn tồn tại bên trong nó những yếu tố “thiêng liêng” mà cả cộng đồng vẫn một lòng giữ gìn và tôn kính. Tính chất thiêng liêng đó chính là do các biểu tượng đã có tác dụng nối liền các tâm hồn lại với nhau, đó chính là mục đích, là nơi hội tụ mọi ước mơ, khát vọng của cả một cộng đồng người.

Qua đó ta thấy, bên trong các biểu tượng luôn hàm chứa những “giá trị truyền thống”. Những giá trị này được đúc kết, tích luỹ hàng nghìn thế hệ

trong quá trình hoạt động - lịch sử. Chúng chi phối và qui định toàn bộ thế ứng xử và giao tiếp của con người. Tất cả những điều đó đã khiến cho con người liên kết gần lại với nhau và biểu tượng trở thành “cái thiêng liêng” trong nội bộ cộng đồng xã hội. Ở đây, cái thiêng liêng không biểu hiện ở ý nghĩa “thần linh hoá” mà là một niềm tin được “thiêng hoá” để trở thành sức mạnh, thành niềm tự hào của cả cộng đồng dân tộc. Đó chính là “cái cao cả”, “cái trác tuyệt” có trong mỗi biểu tượng.

* Tính khó xác định và sinh động của biểu tượng

Lịch sử ngôn ngữ cho biết, từ “biểu tượng” bắt nguồn từ một tập quán xã hội Hy Lạp cổ đại, nói về một phiến đá bị đập vỡ, được chia thành nhiều mảnh và chia đều cho mỗi thành viên trong một bộ tộc nào đó, trước sự phân ly của họ. Sau này, khi các thành viên được tập hợp lại, họ đem những mảnh vỡ đó ghép lại (Sumballein), nhằm xác nhận sự hiện diện trở lại của toàn nhóm. Tương tự như vậy, một vật nào đó như mảnh sứ, vỏ ốc hay kim loại được cắt làm đôi giao cho mỗi bên giữ một nửa trước khi chia tay. Sau này khi gặp lại, ráp hai mảnh cắt vào nhau thì hai người sẽ nhận ra nhau. Về sau, khi nhận thức của con người được nâng cao, biểu tượng mới trở thành một loại “siêu ký hiệu” với tính đa dạng, đa nghĩa của nó.

Bản chất khó xác định và sống động của biểu tượng chính là sự chia ra và ghép lại với nhau. Nó hàm chứa hai ý tưởng phân ly và kết hợp. Mọi biểu tượng đều chứa đựng dấu hiệu bị đập vỡ, ý nghĩa của biểu tượng luôn biến ảo. Nó bộc lộ ra trong cái vừa gẫy vỡ, vừa nối kết, vừa xuất hiện, lại vừa mất đi, khiến cho tư duy luôn phải truy tìm, liên tưởng và muốn nắm bắt lấy vô vàn những ý nghĩa còn tiềm ẩn ngay trong lòng của nó.

Trong cuốn từ điển nổi tiếng của mình, các tác giả J.Chevalier và A.Gheerbrant cho rằng: “Tự bản chất của nó (biểu tượng), nó phá vỡ các khuôn khổ định sẵn và tập hợp các thái cực lại trong cùng một ý niệm. Nó

giống như mũi tên bay mà không bay, đứng im mà biến ảo, hiển nhiên mà lại không nắm bắt được. Ta sẽ cần phải dùng các từ để gợi ra một hay nhiều ý

nghĩa của một biểu tượng” [5, tr XIV].

Biểu tượng bộc lộ rồi lủi trốn, càng phơi bày sáng rõ thì nó càng tự giấu mình đi. Nói như Georges Gurvitchs: “Các biểu tượng tiết lộ mà che giấu và che giấu mà tiết lộ” [5, tr XIV].

Vấn đề được đặt ra ở đây là, vì tính khó xác định và năng động đó của biểu tượng mà ta có thể nhận thức, “giải mã” được biểu tượng hay không?

Câu trả lời là: có. Ta có thể nhận thức được biểu tượng ở một góc độ nào đó chứ không thể nhận thức toàn diện được mọi khía cạnh của biểu tượng. Đứng trước bất kỳ một biểu tượng nào, ta có thể nhận thức nó ở những khía cạnh rất khác nhau, chứ không thể giải mã hết được biểu tượng. Bởi

“nếu cái phần giấu kín một ngày nào đó lộ ra hết, thì biểu tượng sẽ chết” [5,

trXXV]. Do vậy, giá trị của biểu tượng được xác định chính trong sự chuyển vượt từ cái đã biết sang cái chưa biết, từ cái đã diễn đạt sang cái khó biểu lộ bằng lời nói. Nó luôn là sự thách thức đối với nhận thức của nhân loại trong toàn bộ tồn tại của mình. Chính vì thế, tuy đứng trước những biểu tượng được coi là thân quen, gần gũi nhưng nó vẫn luôn mới mẻ, luôn kích thích sự tìm tòi, khám phá của con người. Khi đó biểu tượng mới thực sự “sống” theo đúng nghĩa của nó.

Nói tóm lại, biểu tượng là một vật đa nghĩa, đa dạng trong cách biểu hiện, với tính khó xác định và thật sinh động của nó. Ta có thể “tri giác” được ở mặt này, nhưng lại “bất tri giác” ở mặt khác. Nó khơi gợi cho chúng ta thật nhiều ý nghĩa, nhưng không bao giờ ta có thể nắm bắt được hết. Có thể xem nó như một viên kim cương nhiều mặt, nhiều cạnh, phản xạ lại sự khác nhau của nguồn sáng, tuỳ theo từng mặt tiếp cận với ánh sáng mà ta có thể nhìn nhận được nó. Biểu tượng tồn tại trong lịch sử. Nó không xoá bỏ thực tại,

không xoá bỏ ký hiệu. Ngược lại, nó thêm vào cho thực tại, cấp cho ký hiệu những giá trị, những quan hệ hợp lý theo cách riêng của nó. Chúng cùng tồn tại giữa thế giới, vũ trụ, con người và thần thánh. Nó thống nhất được các mặt và đưa con người ta vào thế giới tưởng tượng. Điều này đã được J.Chevalier và A.Gheerbrant nhận thức:

“Biểu tượng vượt ra ngoài giới hạn của lý trí thuần tuý, nhưng không vì thế mà rơi vào phi lý. Nó không phải là trái quả chín muồi của một kết luận logic, do một biện luận chặt chẽ. Lối phân tích bằng cách cắt vụn và đập nhỏ ra không thể nắm bắt được sự phong phú của biểu tượng; trực giác không phải bao giờ cũng đạt được điều đó; phải tổng hợp và đồng cảm hết mực, nghĩa là chia sẻ và cảm nghiệm một cách nhìn nào đó về thế giới…Mỗi biểu

tượng là một vũ trụ vi mô, một thế giới toàn vẹn”. [5, tr XXVII].

Một phần của tài liệu Biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại một số cư dân nói tiếng Thái ở Việt Nam (Trang 25)