Biểu tượng người khổng lồ phản ánh tín ngưỡng của tộc người

Một phần của tài liệu Biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại một số cư dân nói tiếng Thái ở Việt Nam (Trang 107)

7. Bố cục của luận văn

3.2.2.Biểu tượng người khổng lồ phản ánh tín ngưỡng của tộc người

Đối với đồng bào Tày – Thái, Ải Lậc Cậc và vợ chồng Báo Luông - Sao Cải được xem như vị thần nông của tộc người, bởi họ chính là người đem

lại nghề nông - nghề kinh tế chính cho tộc người. Do vậy hình ảnh của họ gắn liền với những yếu tố phồn thực, về sau sẽ phát triển thành tín ngưỡng phồn thực tồn tại lâu dài trong đời sống văn hoá của các cư dân trồng lúa nước nói chung và cư dân Tày – Thái nói riêng.

Ngay khi miêu tả về các vị thần, yếu tố phồn thực đã được tác giả nguyên thuỷ sử dụng triệt để để nói lên vai trò của họ. Điển hình khi miêu tả về sinh thực khí của vợ chồng Ải Lậc Cậc, yếu tố thậm sưng điển hình của tín ngưỡng phồn thực được phát huy. Tác giả dân gian miêu tả vợ của Ải Lậc Cậc hết sức to lớn với những nét đặc trưng cho sự mắn đẻ, “vú to bằng trái núi”, sinh thực khí của bà “bằng cả cánh đồng”. Còn sinh thực khí của Ải to như thế nào thì người xưa không mô tả cụ thể nhưng Ải có thể dùng nó để “xua cá ở ngọn sông Đà” và cái dằm đâm phải nó “là cả thân gỗ lớn làm

thuyền có bảy người chèo” [91]. Điều đó cho thấy nó phải to đến mức độ nào!

Hay như đối với cặp đôi Nữ Oa - Tứ Tượng, những vị thần khổng lồ trong tâm thức của người dân Việt cũng có hình dáng thật kỳ vĩ. Và bộ phận sinh sản của họ cũng vĩ đại không kém. Sinh thực khí của Nữ Oa được ví với

ba mẫu ruộng”, của Tứ Tượng được so sánh với “mười bốn con sào”. Một

sự hình tượng hoá về tầm vóc vô cùng lớn lao của các vị thần.

Có thể nói, trong tín ngưỡng phồn thực, việc đề cao sinh thực khí nam và nữ có tác dụng cầu mong sự sinh sôi, nảy nở tươi tốt, giống như biểu tượng Nõ - Nường (người Việt) hay biểu tượng Linga – Yoni (người Chăm). Cùng với nó là tục “hèm” trong các lễ hội liên quan đến tín ngưỡng phồn thực tiêu biểu của cư dân nông nghiệp. Có thể đối với các tác giả nguyên thuỷ, ý thức phồn thực chưa được định hình rõ như trong quan niệm của tộc người ở những giai đoạn sau, nhưng ở đây, mong muốn về những vụ mùa tốt tươi, thóc lúa đầy bồ, nhà nhà no đủ như cuộc sống của các vị thần là điều tất yếu.

Bởi thần thoại chẳng qua chỉ là phương tiện để người xưa chuyển tải mơ ước của mình mà thôi.

Ngay từ khi xuất hiện, các vị thần trong thần thoại của các tộc người đã là đại diện tiêu biểu cho tín ngưỡng phồn thực của các tộc người. Bởi:

Thứ nhất, họ xuất hiện với một hình dáng thật khác thường với những

bộ phận trên cơ thể cũng thật lạ kỳ.

Thứ hai: ngay từ đầu, hình ảnh lao động của các vị thần đã gắn với nghề nông trồng lúa nước - một loại hình kinh tế được coi là khởi nguồn của tín ngưỡng phồn thực nguyên thuỷ.

Thứ ba: các vị thần xuất hiện trong tư thế sóng đôi nam thần - nữ thần,

một yếu tố xác định tính chất lưỡng hợp, hoà hợp âm dương của tâm thức nguyên thuỷ.

Qua những phân tích trên, chúng tôi có thể mạnh dạn đi đến nhận định rằng, các vị thần khổng lồ trong lớp thần thoại đầu tiên của các tộc người lấy nghề nông trồng lúa nước làm nghề kinh tế chính của mình (không chỉ riêng đối với cư dân Tày - Thái), đã mang trong mình yếu tố của tín ngưỡng phồn thực - một tín ngưỡng phổ biến của các cư dân nông nghiệp lúa nước. Đặc biệt đối với cư dân Tày – Thái, Ải Lậc Cậc cũng như vợ chồng Báo Luông – Sao Cải được coi là thần nông của tộc người, đi vào tâm linh của tộc người (như vai trò của các vị Sô Công trong tâm linh của người Thái).

Có thể nói, với sự xuất hiện của thần thoại về các vị thần sáng tạo trong buổi đầu lịch sử không chỉ đánh dấu bước phát triển nhất định trong nhận thức của tộc người mà nó còn là dấu hiệu cho sự xuất hiện của tôn giáo sau này, mà cụ thể ở đây là tín ngưỡng phồn thực đã được manh nha hình thành trong tư tưởng của các tác giả nguyên thuỷ - chủ nhân của nền văn minh lúa nước.

Một phần của tài liệu Biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại một số cư dân nói tiếng Thái ở Việt Nam (Trang 107)