Thể hiện khát vọng chinh phục và sống hoà đồng với tự nhiên của con

Một phần của tài liệu Biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại một số cư dân nói tiếng Thái ở Việt Nam (Trang 75)

7. Bố cục của luận văn

2.3.1.Thể hiện khát vọng chinh phục và sống hoà đồng với tự nhiên của con

con người trong buổi đầu của lịch sử

Trong giai đoạn đầu của lịch sử nhân loại, khi con người mới thoát thai khỏi thế giới động vật và bắt đầu có sự phát triển trong nhận thức, vấn đề đầu tiên mà họ quan tâm và mong muốn tìm hiểu là về những hiện tượng tự nhiên xung quanh họ. Tại sao lại có trời, có đất, có mưa, có gió? Tại sao lại có sông, suối, ao hồ? Tại sao lại có các loài vật? Và tại sao lại có con người? Những câu hỏi đó chi phối nhận thức của con người trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại. Và thậm chí cho đến tận bây giờ, với trình độ khoa học kỹ thuật đã phát triển hơn rất nhiều, con người cũng không ngừng tìm hiểu và lý giải những sự việc đó.

Đối với con người hiện đại, để nhận thức về những hiện tượng tự nhiên diễn ra xung quanh mình đã cả là một quá trình tư duy không ngừng, thì đối với con người thời nguyên thuỷ, để giải thích những hiện tượng này còn khó khăn đến nhường nào?

Lúc bấy giờ, cơ sở duy nhất người nguyên thuỷ dựa vào để giải thích thế giới chính là ở khả năng lao động của bản thân. Với sự phát triển không ngừng về công cụ sản xuất, năng suất lao động của con người ngày càng được nâng cao, bước đầu ổn định cuộc sống. Chính lao động đã giúp cho con người tách biệt hẳn thế giới động vật và giúp cho tư duy con người ngày càng được nâng cao. Con người nguyên thuỷ từng ngày, từng giờ không ngừng tác động vào tự nhiên để phục vụ cho cuộc sống của mình nên đối với họ, lao động của con người có sức mạnh vạn năng. Và từ đây, để giải thích và nhận thức về thế giới, họ đã dựa vào chính sức lao động của mình.

Người nguyên thuỷ cho rằng, mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên đều được sinh ra từ ý muốn và từ lao động của con người. Đều đó đã được phản ánh đậm nét trong thần thoại của các tộc người về những vị thần khổng lồ có vai trò sáng tạo. Đó là ông Thần Trụ Trời hay cặp đôi Nữ Oa - Tứ Tượng của người Việt (Kinh), đó là ông Taman Xơri của người Co hay đó là ông Rờ xí của người Xê đăng. Và đặc biệt hơn là bảy cặp Sô Công của người Thái (Vợ chồng Ải Lậc Cậc là cặp Sô Công thứ bảy) và vợ chồng Páo Luông – Sao Cải của người Tày. Bằng những việc làm phi thường sáng tạo ra tự nhiên, các vị thần khổng lồ chính là hiện thân của ước mơ chinh phục, cải tạo tự nhiên của người xưa trong buổi đầu của lịch sử.

Người khổng lồ trong thần thoại của các cư dân nói tiếng Thái nói riêng và của các tộc người khác nói chung là những người có sức vóc phi thường, do vậy mà những việc làm của họ cũng thật khác thường. Để phục vụ cho cuộc sống cũng như công việc sản xuất được thuận lợi, họ phải đào sông, đắp đất, làm ruộng, gánh đất, bón tro… như những người bình thường. Tuy nhiên, do sự khác thường về sức vóc nên thành quả lao động của họ cũng thật đáng nể. “Ải gánh tro và than đi bón ruộng. Đổ tro xuống thành núi Tro (Pú Tan ở Chiềng Pấc - Thuận Châu). Đổ than thành núi Than (Pú Thán ở Mường Phăng - Điện Biên)” [46, tr10]

Qua hình tượng người khổng lồ, cư dân Tày - Thái cổ thể hiện ước vọng chinh phục tự nhiên của mình. Họ qui mọi sự sáng tạo tự nhiên như sông, suối, ao, hồ, núi, đồi… đều là công sức lao động của người khổng lồ - những vị thần buổi khai thiên lập địa. Chính sự lao động cần cù, kiên trì của họ đã giúp cho con người có được cuộc sống như ngày nay. Con người có ruộng để trồng lúa, có sông suối để đánh bắt cá, có rừng để săn thú…

Bên cạnh công lao to lớn là cải biến tự nhiên theo hướng có lợi để phục vụ cho đời sống của con người sau này, các vị thần còn có công thuần dưỡng

những vật nuôi, cây trồng đầu tiên cho con người. Nếu như Sao Cải là vị thần đầu tiên biến cây lúa hoang thành lúa trồng cho người Tày, thì vợ chồng Ải Lậc Cậc là người đã đem cây lúa đến cấy trồng ở bốn thung lũng màu mỡ của người Thái. Không những thế, ông bà còn đem các giống vật nuôi được Then tặng để làm vật nuôi trong nhà, phục vụ cho việc đi lại (ngựa có cánh). Hay lên rừng bắt trâu bò, mèo, chó về để phục vụ cho sản xuất. Chính các vị thần này là người đã đem nghề nông đến cho các cư dân Tày – Thái cổ..

Công lao của các vị thần sáng tạo thật to lớn. Nhưng xét đến cùng, những vị thần khổng lồ này chính là sự hiện thực hoá, cụ thể hoá khát vọng chinh phục tự nhiên, nâng cao vai trò của lao động sáng tạo của con người lên ngang tầm với sức sáng tạo của tự nhiên của cư dân xưa. Lúc này, vào giai đoạn tan rã của xã hội nguyên thuỷ, ý thức về bản thân, về vị trí và vai trò của con người trong tự nhiên được nâng cao. Con người muốn đặt vị trí của mình ngang tầm với thiên nhiên, chinh phục, cải tạo tự nhiên theo hướng có lợi cho cuộc sống của mình, theo ý muốn chủ quan của mình. Nhưng tự nhiên lại quá hùng vĩ, quá lớn lao so với tầm vóc nhỏ bé của con người. Do vậy, trong trí tưởng tượng hết sức thô sơ, mộc mạc của mình, họ đã sáng tạo ra những vị thần cũng có tầm vóc thật to lớn để thực hiện ước mơ của mình.

Qua thần thoại về các vị thần của cư dân Tày – Thái cổ nói riêng và các tộc người khác nói chung, người nguyên thuỷ đã đưa ra một sự giải thích khá thú vị về quá trình sáng tạo ra tự nhiên: chính sức lao động của các vị thần khổng lồ đã tạo nên diện mạo mới cho mặt đất nơi con người sinh sống trong buổi đầu lịch sử. Nhưng thực chất, sức sáng tạo đó, công lao đó chính là từ khả năng lao động sáng tạo con người đã được thần thánh hoá, được khoác lên mình tính chất “thiêng liêng, huyền bí” cũng giống như thân thế và lai lịch của các thần vậy!

Một phần của tài liệu Biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại một số cư dân nói tiếng Thái ở Việt Nam (Trang 75)